Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt tản văn "Hong tay khói lạnh"
Tập tản văn "Hong tay khói lạnh"gồm 176 trang, được chia làm hai phần. Phần 1 mang tên "Giả tưởng sau tận thế", gồm 7 bài, phần 2 mang tên "Hong tay khói lạnh" gồm 21 bài. Ra đời khi nhân loại vừa trải qua một năm đầy biến động bởi đại dịch Covid-19, tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh tâm thái và thân phận con người, đặt trong bối cảnh hậu tận thế.
Phần giới thiệu cuốn sách này, nhà xuất bản viết: "Giống như mấy bộ phim hậu tận thế (cũng là giả tưởng buồn hiu): bề mặt trái đất không còn sự sống, không màu xanh, chỉ bụi xám chì phủ lớp đất bạc như muối hầm. Và nắng, thứ nắng lửa tận diệt mọi sinh vật nào đối đầu trực diện với nó, bằng sức nóng hủy diệt.” Một thế giới mới đồng dạng cả tin, đầy những thứ giả tạo đẹp đẽ, nơi người ta đánh mất dần cá tính, sự hoài nghi, rung cảm, mất luôn cả bóng mình. Những con người không bóng, thì cô độc nào hơn?"
Độc lập nhưng lại kết nối với nhau bởi nơi chốn giả lập và chủ điểm về nỗi cô độc trong tinh thần, các câu chuyện trong "Hong tay khói lạnh", một lần nữa, lại cho thấy tài năng, sức tưởng tượng, sự nhạy cảm và đồng cảm hiếm có của Nguyễn Ngọc Tư trước tâm trạng chung của con người giữa những biến động lớn của đời sống.
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Cà Mau. Chị là nữ nhà văn được đông đảo độc giả yêu mến, từng nhận được nhiều giải thưởng có giá trị trong và ngoài nước. Gần đây nhất là giải thưởng LiBeraturpreis của Đức do Hội Văn hóa Litprom thành lập, với sự hỗ trợ của Hội sách Frankfurt. Ngoài Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư nổi tiếng với loạt tác phẩm: Ngọn đèn không tắt (2000), Ông ngoại (2001), Biển người mênh mông (2003), Giao thừa (2012), Sầu trên đỉnh Puvan (2007)... Một số tác phẩm của chị được dịch sang tiếng Hàn, Anh, Đức và Thụy Điển.
Trong một cuộc trò chuyện với PV Dân Việt, nhà Việt Nam học người Nga Anatoli Sokolov từng khẳng định, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một trong những tác giả trẻ gây ấn tượng nhất tại Việt Nam hiện tại: "Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn rất thú vị, cô ấy có đề tài riêng, giọng điệu riêng của mình trong văn học".
No comments