RM (BTS) không tiếc tiền mua tác phẩm nghệ thuật
Những người hâm mộ K-pop chủ yếu biết đến RM thông qua nhóm nhạc nam thành công nhất Hàn Quốc BTS. Nhưng nam ca sĩ trẻ đang ngày càng tạo dựng được tên tuổi của mình trong một vai trò khác, bất ngờ hơn - đó là người bảo trợ cho nghệ thuật.
Chỉ một bài đăng nhỏ nhất của RM - tên thật là Kim Namjoon cũng có thể gây xôn xao mạng xã hội. Dĩ nhiên, những hình ảnh mà nam ca sĩ chia sẻ về các tác phẩm khác nhau từ bộ sưu tập nghệ thuật của mình cũng không ngoại lệ.
Trong một đăng tải như vậy, anh viết: "Không có tiêu đề (Nhưng chiếc boomerang quay lại không giống như chiếc tôi đã ném)", một tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ đa ngành người Mỹ Roni Horn có hình dạng một hình trụ thủy tinh mờ trông rất sang trọng. Rapper Hàn Quốc được cho là đã mua lại nó từ chủ sở hữu phòng trưng bày người Bỉ Xavier Hufkens với giá 1,2 triệu USD.
RM (BTS) không tiếc tiền mua tác phẩm nghệ thuật
Và đó không phải là tất cả. Từ tài khoản Instagram của mình, RM dường như sở hữu các tác phẩm của KAWS, Ugo Rondinone, Joel Shapiro, cũng như những người đồng hương Yun Hyong-Keun, Chang Ucchin và Lee Bae. Một bộ sưu tập ấn tượng cho một tín đồ nghệ thuật chỉ mới 27 tuổi.
Không phải lúc nào các nhà sưu tập chớm nở cũng dễ dàng bước những bước đầu tiên trong thế giới của những quy tắc và quy ước cụ thể như thế giới nghệ thuật. Nhưng cần nhiều hơn thế để làm nản lòng những nhà sưu tập thuộc thế hệ Millennial như RM. Những người trẻ sinh từ 1980 đến 2000 ngày nay đầu tư vào nghệ thuật nhiều hơn bất kỳ hạng mục người mua nào khác. Mức chi tiêu trung bình của họ là 378.000 USD trong nửa đầu năm 2021, theo báo cáo của Art Basel và UBS. Con số đó gần gấp 4 lần so với những người thuộc thế hệ "baby boomer", tức là sinh vào khoảng trước 1980.
Một số trong số những người từ 20 đến 40 tuổi này đã mở bảo tàng tư nhân, như nhà sưu tập người Trung Quốc Michael Xufu Huang. Về phần mình, RM có tham vọng mở một phòng trưng bày nghệ thuật, như anh ấy đã giải thích trong một tập của "Intersection: The Art Basel Podcast". Đây sẽ là một nơi yên tĩnh, bình lặng, có thể mở cùng một quán cà phê nhỏ trên đường phố.
Trước khi dự án đầy tham vọng này có khả năng thành hình, nam ca sĩ đã đi thăm các viện bảo tàng, phòng trưng bày và hội chợ để tìm kiếm nguồn cảm hứng. Anh ấy cho những người theo dõi thấy những chuyến thăm của anh ấy đến Chinati Foundation, Vitra Design Museum, Kunstmuseum Basel, Pompidou Centre hoặc Musée d'Orsay trong bài đăng vlog mà ban nhạc BTS thỉnh thoảng đăng trên YouTube của mình. RM coi đó là một cách để chia sẻ niềm đam mê của mình với rất đông các thành viên trong "army" người hâm mộ của mình.
Đây là một điều đáng mừng đối với những người hoạt động trong giới nghệ thuật. Mối quan tâm của ca sĩ đối với văn hóa, khuyến khích người hâm mộ, chủ yếu là giới trẻ mà anh "mạo hiểm" đến thăm những nơi mà họ chưa từng nghĩ tới. Từng bị coi là buồn tẻ hoặc dành riêng cho giới thượng lưu, các bảo tàng đang trở thành nơi dành cho những đứa trẻ sành điệu. Hiện tượng liên quan đến RM này có một cái tên: "namjooning". Nó đề cập đến quá trình thúc đẩy người hâm mộ theo dõi ngôi sao và tham gia vào các hoạt động giải trí của thần tượng. Chúng bao gồm đi bộ đường dài, đi xe đạp... và dĩ nhiên là tham quan các triển lãm nghệ thuật.
Một số bảo tàng, chẳng hạn như Bảo tàng Nghệ thuật Busan, đã tăng lượng người tham dự sau chuyến thăm của RM.
"Bất cứ khi nào anh ấy ghé qua, chúng tôi nhận được nhiều du khách hơn và chú ý hơn trên mạng xã hội, chủ yếu là bình luận từ những người nói rằng họ muốn đến thăm", một người trong bảo tàng nói với Korea JoongAng Daily.
"Chúng tôi rất biết ơn vì bất cứ khi nào RM đến thăm, nhiều người trở nên quan tâm hơn đến nghệ thuật". Như vậy, có vẻ tương lai về nghệ thuật đang rất tươi sáng đối với RM, ngay cả khi nhóm nhạc BTS hiện đã tan rã.
No comments