"Bố Già" - sạn từ đâu mà có?
Kính gửi tất cả những ai đã xem - sẽ xem - và không có ý định xem phim "Bố già" chút quan điểm cá nhân của tôi về vấn đề "sạn" y tế trong phim.
Đầu tiên, để nói về một bộ phim, chúng ta chờ đợi gì trong đó. Là cảm xúc, là mãn nhãn, là giải tỏa tâm lý sau những lo toan cơm áo.... hay là sự cầu toàn, sự hoàn hảo?
Nếu đòi hỏi sự hoàn hảo theo góc nhìn bằng lý trí, tôi khuyên bạn không nên xem Bố già. Có nhiều, rất nhiều "sạn", và có cả "ngôn từ tục tĩu" theo góc nhìn đấy. Tôi xin phép không đi sâu vào chi tiết phim.
Trấn Thành và Lê Giang trong phim điện ảnh 'Bố già'. |
Ở Bố già tôi thấy chỉ có sự chân thực, sự trân trọng khán giả, sự "đời" của từng câu thoại, từng bối cảnh. Sự đầu tư chỉn chu trong những chi tiết nhỏ. Là những mâu thuẫn, những khác biệt trong cách suy nghĩ - quan điểm sống của hai thế hệ: Cha mẹ - con cái. Tôi nhìn thấy mình, thấy cha tôi, thấy gia đình mình ở Bố già.
Một bạn nào đó đã nêu lên quan điểm rằng: Bố già tồn tại những hạt sạn về vấn đề y tế ở trong phim. Điều này đúng, không sai. Mỗi người sẽ có một nhận định, tất cả đều vì mong muốn ê-kíp Trấn Thành sẽ làm tốt hơn ở phim sau. Nhưng điều tôi không đồng tình là cách bạn đi quá sâu vào chi tiết đấy, nó giống như một cách "bới lông tìm vết" hơn là những đóng góp xây dựng.
Bản thân tôi - bạn - và nhiều người trẻ khác nữa, liệu rằng đã đối xử đúng mực hay quan tâm cha mẹ mình theo cách đúng đắn nhất chưa? Liệu có ai dám tự tin mà nói: "Tôi thấu hiểu tất cả những suy nghĩ của cha mẹ, và cha mẹ tôi đang rất hạnh phúc ". Ai? Ai dám khẳng định?
Tôi khẳng định là không. Chúng ta có thể cho cha mẹ tất cả thứ họ muốn, nhưng liệu đó có phải thứ cha mẹ chúng ta cần? Bản thân mình còn chưa hoàn hảo, sao lại muốn người khác phải như vậy để chúng ta xem?
'Bố già' khai thác những câu chuyện trong mối quan hệ gia đình. |
Bố già nói về gia đình, nói về những mối quan hệ ruột thịt, những gì quý giá nhất của một con người. Điểm nhấn nằm ở cách Trấn Thành cùng ê kíp xây dựng và tháo mở những nút thắt để khai thác cảm xúc, để chúng ta biết yêu thương, trân trọng gia đình mình hơn nữa. Đó là cảm xúc mà rất có thể từ lâu đã ngủ quên trong mỗi chúng ta.
Bố già cán mốc doanh thu 300 tỷ, tôi vui vì cũng góp được 5 vé vào đó. Đó là sự ghi nhận của đông đảo khán giả cho một bộ phim chất lượng. Và tôi tin, không phải riêng mình tôi đi xem thêm lần nữa.
Điều cuối cùng, tôi muốn nhắn gửi đến tất cả: Đừng mang lý trí và tư duy logic đến xem phim. Hãy đem theo cảm xúc, và cảm nhận bằng tất cả trái tim - như cái cách Trấn Thành cùng ê-kíp đã gửi trái tim mình vào trong bộ phim.
Trailer phim 'Bố già:
Độc giả Hoàng Nam
Bạn có ý kiến riêng về vấn đề này, hãy gửi cho chúng tôi. Bài viết không nhất thiết phải trùng với quan điểm của VietNamNet. Gửi bài về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn
Mời quý vị đọc thêm các bài khác trong diễn đàn phim Bố già:
Bài 2: 'Bố già' không phải phim ngành y tế đặt hàng mà đòi sát thực tế
Bài 1 Phim 'Bố già' của Trấn Thành: Hay thì thật hay nhưng vẫn còn sạn
Thu 290 tỷ sau 2 tuần, 'Bố già' soán ngôi vương của 'Avengers: Endgame'
Tính đến 14h ngày 19/3, sau gần 14 ngày công chiếu, 'Bố già' đã chạm mốc doanh thu 290 tỷ, chính thức vượt bom tấn Hollywood 'Avengers Endgame' trở thành phim chiếu rạp có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam.
No comments