Những điểm cốt yếu để doanh nghiệp từ tốt đến vĩ đại
Ai cũng từng nghĩ, dù chỉ là thoáng chốc sẽ tạo nên điều gì đó lớn lao, bền vững. Cũng nhiều người thử làm điều đó, nhưng rất ít người thành công. Khi thất bại, có thể trong số đó sẽ an ủi bản thân rằng vĩ đại là thứ mang tính định mệnh, vốn “sinh ra đã là vĩ đại rồi.” Có thật vậy không?
Câu trả lời mà James C. “Jim” Collins cung cấp trong cuốn sách quản trị Từ tốt tới vĩ đại (Good to Great) là không. Một câu trả lời thật đáng mừng cho những ai chưa vĩ đại nhưng nghiêm túc hướng tới mục tiêu cao vọng đó.
James C. Collins là một tác giả, học giả chuyên về quản trị doanh nghiệp, với nhiều cuốn sách tập trung vào những chủ đề liên quan tới phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, chủ đề làm thế nào một doanh nghiệp trở nên vĩ đại đương nhiên là điều ai cũng tò mò muốn tìm hiểu, khám phá. Một tác giả như Collins đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc. Cuốn Từ tốt tới vĩ đại tổng kết những điều cốt yếu nhất ông và nhóm cộng sự thu được sau một nghiên cứu kéo dài 5 năm, tìm hiểu lịch sử hoạt động trong 40 năm của 1435 công ty “tốt”. Từ đó, Collins và các cộng sự sàng lọc ra 11 công ty đã vượt vũ môn “hóa rồng” thành công để “từ tốt tới vĩ đại”.
Bên cạnh đó, ông cũng tìm ra được 11 công ty đối sánh có cùng quy mô ở xuất phát điểm, cùng lĩnh vực kinh doanh, nhưng đã thất bại trong bước quá độ từ tốt lên vĩ đại, cũng như một số “ngôi sao băng” đã vươn tới tầm vĩ đại thành công nhưng rồi không đứng vững nổi trên đỉnh cao.
Như vậy, thay vì đưa ra một số “tiên đề tất đúng” rồi tìm những ví dụ phù hợp để minh họa cho tiên đề đó, Collins quyết định đi theo hướng có vẻ “bị động” hơn: để thực tế và số liệu tự nói lên tất cả, rồi tập hợp lại những gì nổi bật nhất trong các trường hợp thành công và thất bại, sàng lọc ra những yếu tố xuất hiện lặp đi lặp lại trong từng nhóm công ty (nhóm “hóa rồng’ thành công, nhóm thất bại, nhóm “sao băng”).
Tất nhiên, mọi quy luật tuyệt đối đều là phóng đại. Song những gì lặp đi lặp lại khó lòng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thuần túy, mà hẳn sẽ có vai trò nhất định trong các câu chuyện thành hay bại của các doanh nghiệp trong con đường “từ tốt tới vĩ đại”.
Và trong Từ tốt tới vĩ đại đã chỉ ra những điểm cốt yếu nhất luôn hiện hữu ở 11 doanh nghiệp “hóa rồng” thành công:
- Sở hữu những nhà lãnh đạo khiêm nhường nhưng kiên định thực hiện những gì tốt nhất cho doanh nghiệp (lãnh đạo cấp độ 5).
- Coi việc sở hữu đội ngũ nhân lực phù hợp và sử dụng thích đáng năng lực của đội ngũ này là mối quan tâm hàng đầu, coi đó là căn cơ vững chắc để “lấy bất biến đối phó vạn biển” giúp công ty thích ứng tốt với bất cứ thay đổi nào, thay vì bận tâm trước hết về việc “phát triển theo hướng nào”.
- Biết nhìn thẳng vào thực tế dù phũ phàng đến đâu đi nữa, song đồng thời cũng duy trì được niềm tin vào thành công.
- Nhận diện được rõ ràng giá trị cốt lõi của mình (Nguyên tắc con nhím). Một giá trị cốt lõi đúng đắn phải được thiết lập từ: đam mê, năng lực thực tế và nguồn lực sinh lời cho doanh nghiệp.
- Xây dựng văn hóa kỷ luật
- Biết nắm bắt, vận dụng đúng đắn các tiến bộ công nghệ phù hợp để làm động lực thúc đẩy bước nhảy vọt trong phát triển, nhưng không bao giờ được xa rời hay thỏa hiệp giá trị cốt lõi.
- Nỗ lực một cách nhất quán, kiên trì, để mọi hoạt động của doanh nghiệp cùng tạo động lực về một hướng, giống như những cú đẩy dần dần tích lũy sức bật cho doanh nghiệp, để rồi theo quy luật tự nhiên, lượng đổi thì chất sẽ đổi, doanh nghiệp được tích lũy đủ sức bật sẽ trở thành động lực cho chính nó giống như một bánh đà khi nhận được đủ năng lượng sẽ trở thành nguồn lực kích nổ động cơ.
Tựu chung lại, Collins đã chỉ ra từ thực tế rằng không có gì là “thần kỳ” trong cuộc bứt phá “từ tốt tới vĩ đại” đã được một số doanh nghiệp thực hiện thành công. Từ trên xuống, doanh nghiệp đó phải là một nhà quản trị biết đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên hết, biết lựa chọn những con người thích hợp cho doanh nghiệp để toàn bộ doanh nghiệp trở thành một khối thống nhất. Từ dưới lên, doanh nghiệp đó phải được cấu thành từ những con người cùng chia sẻ giá trị cốt lõi chung, những người không cần phải bị kiểm soát, thúc giục mà luôn tự tìm thấy động lực để nỗ lực hơn nữa, trở nên tốt hơn, xuất sắc hơn nữa.
Con đường thành công “từ tốt tới vĩ đại” cũng không có chỗ cho sự nóng vội, cực đoan hay trông chờ thái quá vào một cá nhân xuất chúng, một “cú hích” thần kỳ, một “khoảnh khắc định mệnh” nào đó. Không, số liệu thực tế đã nói với Collins và nhóm nghiên cứu của ông điều ngược lại. Muốn bứt khỏi sự tầm thường để vươn lên tầm cỡ phi thường, hãy làm những điều nhỏ nhặt nhất với cùng sự cẩn trọng, chỉn chu như thể đó là điều quan trọng nhất. Con đường tới vĩ đại là con đường của sự tích lũy kiên trì, bền bỉ, không ngã lòng trước bất cứ thử thách nào, không lẩn tránh đối diện với bất cứ thực tế nghiệt ngã nào, không bị điều gì khiến bạn chệch hướng khỏi giá trị cốt lõi của mình. Hãy là một con nhím đích thực, khi đó không con cáo ma mãnh nào có thể đánh bại được bạn.
Dịch giả Lê Đình Chi
No comments