Bảo Chấn tuổi 72: Chân hoại tử suýt phải cưa, mong bình yên đến khi ra đi
"Tôi trải qua 2 lần phẫu thuật, mỗi ngày đều bị chọc ống từ chân vào sâu đến gối hút dịch. Vì quá đau, tôi bảo bác sĩ cưa chân tôi đi!", nhạc sĩ Bảo Chấn kể.
Tôi bảo bác sĩ cưa chân mình đi
- Tháng 10/2020, tôi gọi cho anh đúng lúc anh nằm viện vì mổ chân, bệnh viện lại không cho vào thăm. Sức khỏe anh hiện ra sao?
Hôm ấy, tôi đi mua chuối, đang đứng trên lề thì bị một người lái xe máy tông ngã. Tôi nằm sõng soài trên đường còn người đó chạy đi mất, đến nay vẫn không biết ai. Tôi nghĩ đơn giản nên về nhà tự xử lý vết thương không ngờ vết thương bị nhiễm trùng nên hoại tử. Tôi có chút lo lắng nhập viện Nguyễn Tri Phương (Quận 5, TP.HCM). Chụp MRI xong, bác sĩ nói: Nếu để muộn hơn chút nữa, chú có thể chết vì nhiễm trùng. Tôi suýt phải cưa chân giống Lê Quang.
Tôi lớn tuổi cộng thêm bệnh nền tiểu đường nên bác sĩ không thể gây tê hay gây mê khi làm phẫu thuật. Nói đơn giản, họ cắt mổ “sống” trên chân tôi. Tôi trải qua 2 lần phẫu thuật, mỗi ngày đều bị chọc ống từ chân vào sâu đến gối hút dịch. Vì quá đau, tôi bảo bác sĩ cưa chân tôi đi! May sao các bác sĩ vẫn kiên quyết không cưa chân mà chữa trị tận tình. Họ biết tôi là nhạc sĩ Bảo Chấn nên rất quý. Có đến 4 bệnh viện hội chẩn trường hợp của tôi. Sau này, bệnh viện cũng hỗ trợ gia giảm viện phí cho tôi nhiều. Tôi nằm viện gần 5 tháng. Thời gian ấy mới kinh khủng làm sao!
Vợ ở bên chăm sóc nhạc sĩ Bảo Chấn suốt 4 tháng 18 ngày nằm viện. |
- Và những ngày gần đây, anh sống thế nào?
Mỗi ngày của tôi trôi qua khá vô vị, chỉ ở nhà chơi. Sau tai nạn đó, tôi yếu đi hẳn, làm gì cũng mau mệt nên chẳng muốn làm gì cả. Một phần, tôi cũng già rồi. Ngoài tiểu đường, tôi cũng có đủ các “món” tuổi già: cao huyết áp, tim mạch…
Nỗi đau vụ tố đạo nhạc đã phôi pha, không còn thấy ác độc
- Âm nhạc trong anh dường không còn tha thiết?
Tôi chưa từng từ bỏ âm nhạc. Tôi và âm nhạc là một. Tôi vẫn thường nghe nhạc cổ điển hoặc Smooth-Jazz; nhạc hiện thời có nghe loáng thoáng. Tôi thích classic thập niên 1930-50, cũ nhưng còn nguyên giá trị.
Tôi hầu như không còn viết nhạc, thỉnh thoảng nhớ nhưng “lửa” nghề đã nguội. Cái nguội ấy do tuổi tác, sự thiếu cập nhật…
Tôi càng không nghe nhạc mình viết. Vài người hỏi tôi về một ca khúc nào đó trong loạt bài của mình nhưng tôi không nhớ nổi. Có lẽ tôi lơ đễnh chúng. Giống như bạn trồng cây, bạn rất quý 1-2 trái đầu tiên nhưng sẽ đến lúc chúng sum suê đến mức trái rụng đầy gốc mà bạn không buồn hái. Tôi chưa bao giờ thấy thỏa mãn, hãnh diện vì một chút thành tựu của mình.
- Sự không tha thiết ấy, liệu anh có thể nói cụ thể hơn?
Nhân sinh quan của tôi thay đổi theo thời gian. Đến nay, mọi thứ trong tôi đã đầy nên không thể chứa gì thêm. Tôi vẫn đang đợi một chiếc mầm cảm hứng mọc lên nhưng không có. Tôi không thể đào sâu âm nhạc như thời trẻ viết 2 bài/ngày nữa. Ngày ấy, cuộc đời với tôi như suối nguồn cảm hứng. Con suối ấy giờ đã cạn…
Cú nặng nhất đời tôi vẫn là Bảo Phúc. Nó đi, tôi trống rỗng vô cùng, đời cũng vô vị từ đó. Tôi hết vui nên ngừng âm nhạc lại. Phúc – một đứa ruột thịt, đồng nghiệp mà cũng là tri âm, tri kỷ của tôi. Cái tình anh em đã lớn mà nó còn là tri âm nghệ thuật. Phúc sợ mà cũng rất thương tôi. Nó là trai lơ, hay chê tôi nhà quê, không biết chơi bời. Mấy bài như Sông khuya hay Nỗi đau ngọt ngào đều là tôi viết cho Phúc, sẽ không bao giờ công bố.
Bảo Chấn thấy đời vô vị kể từ khi em trai - nhạc sĩ Bảo Phúc mất năm 2009. |
- Có phần nào vì nỗi đau từ vụ tố đạo nhạc không?
Hồi mới xảy ra sự việc, tôi có đau nhưng giờ đã có câu trả lời. Người ta vẫn hát, vẫn phát ra rả những bài Tình thôi xót xa, Phố mùa đông - đó là câu trả lời.
- Thú thật, tôi vẫn canh cánh trong lòng sự cố năm ấy đã hủy hoại sự nghiệp một nhạc sĩ lớn như anh…
Thời điểm Bảo Phúc mất, chuyện đạo nhạc với tôi đã trôi xa và phôi pha từ lâu lắm rồi. Thật ra, tôi không đau bằng mấy đứa nhỏ trong nhà. Tụi nhỏ đau khi ba của chúng bị người ta sỉ vả. Một người bạn của tôi cho những lời ấy là “ác độc”. Họ lèo lái, đắp vá, tạo thành một thứ quá lớn so với một bài hát. Tôi lại cho là “sự cạnh tranh”. Mà cạnh tranh nghề nghiệp là hiển nhiên, phải chấp nhận. Tôi cũng chẳng thấy ác độc nữa.
Tôi không trốn tránh gì nhưng trong nhiều ngõ có thể đi, tôi tránh những ngõ đông đúc. Tôi có đọc các chia sẻ của đồng nghiệp. Đọc để biết nhưng quyết định vẫn là của tôi. Giờ nghĩ lại, quyết định khi ấy quá đúng ấy chứ!
Có lẽ, tôi đã khiến nhiều người thất vọng về mình. Thế thì tôi rút lui để họ không buồn phiền mình nữa. Mọi thứ xảy ra trong đời tôi đều tự nhiên. Tôi tự nhiên như sông, như suối, như gió, như mưa. Tôi sống như câu Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh anh Sơn viết.
- Không viết nhạc nữa, anh sống bằng gì?
Từ hồi đầu, tôi đã không viết nhạc vì tiền. Nếu viết nhạc để kinh doanh hoặc tận thu, chắc giờ tôi giàu to.
Mong được yên ổn từ đây đến khi qua đời
- Anh rất giống người chị tôi quen là Mỹ Hạnh. Chị ấy thôi hát khi nhận ra thế hệ của mình đã trôi xa, đến nỗi chị không còn phù hợp nữa…
Thị trường vẫn đúng như vốn có, chỉ là thế hệ chúng tôi đã không còn phù hợp. Các anh Dương Thụ, Phú Quang, Trương Ngọc Ninh,… buông phím cả rồi.
Ca sĩ thời chúng tôi ngắm trúng bài nào mà hát thì độc chiếm luôn bài ấy. Từ các bà Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly đến các cô Hương Lan, Phương Hồng Quế, Hồng Hạnh cứ hát bài nào là chấm dứt bài đó, ca sĩ khác né liền tay. Họ tải diện mạo của mình vào bài hát nên người ta cứ nhắc bài nào thì chỉ nhớ đúng người nấy hát.
Thời nay, ca sĩ lớn hơn bài hát. Người ta lạm dụng công nghệ, kỹ thuật biến một bài hát thành thứ liêu trai chí dị. Ca sĩ dùng nhiều trò nên diện mạo họ lớn, bài hát thu nhỏ lại. Hát phá cách là một kiểu như vậy. Người ta hát tiếng Việt như tiếng Hàn.
Thực ra, họ đang làm những thứ thuộc về thế hệ của mình, nhất là cách làm đó được giới trẻ yêu thích. Chúng tôi không cản trở gì, chỉ là không tham gia được. Tôi hầu như không theo dõi, cập nhật thị trường nhưng khá chắc các bạn nhạc sĩ ngày nay không dở. Một số bạn rất giỏi, phối âm hay hơn tôi nhiều. Thỉnh thoảng, tôi nghe được vài bài phối âm rất hay nhưng không nhớ tên.
Bảo Chấn mong tuổi già yên ổn. |
- Làm thế nào để một người tài trong người tài như Quốc Bảo luôn thu mình trước anh?
Tôi trưởng thành trong nền văn hóa của giới văn nghệ xưa. Chúng tôi lễ độ, hòa nhã, không có thói quen nói xấu nhau. Bạn thiếu lễ độ chỉ có nước tiêu tùng. Chẳng hạn, bạn gặp tiền bối không chào, chỉ vài ngày sau cả làng văn nghệ biết, không phòng trà nào mời bạn chơi nữa.
Không chỉ kính trên, chúng tôi biết nhường dưới. Đại khái, tôi đối xử với các bạn tử tế, thành thật, không xấc xược. Tôi chưa từng góp ý ai nếu họ không xin ý kiến, đừng nói là dạy đời. Vì vậy, tôi hưởng cái sung sướng là đàn em từ nhỏ đến lớn đều thương và kính trọng mình. Các bạn rất tài năng, chắc gì tôi được kính nhờ tài!
Tôi không nói cái văn hóa ấy tốt đẹp cỡ nào nhưng đó là nếp người xưa giữ. Thế hệ ngày nay cảm thấy gì không cần giữ thì thôi.
- Tuổi này, anh có mong gì đó, như là một liveshow để đời?
Tôi luôn muốn làm một show chung với 2 người là anh Dương Thụ và Bảo Phúc. Một người buông phím, một người đã không còn, nên thôi. Tôi mong sao từ đây đến chết được yên ổn, gia đình đừng gặp chuyện gì.
Lê Hiếu hát 'Phố mùa đông' (st: Bảo Chấn)
Gia Bảo
Ảnh: Lê Giang, Quốc Bảo
Góc khuất chưa kể về tác giả ca khúc 'Tình thôi xót xa'
"Nói đến lòng tự trọng để nhắc về một tai vạ của anh và nhiều người khác: nghi án đạo nhạc 2004. Thời đó anh bị nặng nhất, bị xỉ vả, cái tên bị đem ra chê bai và làm cho méo mó", Quốc Bảo viết về Bảo Chấn.
No comments