Ngành giải trí Hàn Quốc kiệt quệ vì Covid-19
The Korea Times đưa tin Chính phủ Hàn Quốc cho phép tổ chức sự kiện thể thao và giải trí tối đa 4.000 người tham dự từ ngày 14/6. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền giải trí vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh kéo dài.
Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng được bao lâu, ngành giải trí Hàn Quốc đã một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ đóng băng vì dịch bệnh bùng phát trở lại.
Sự bùng phát của Covid-19
Korea Herald đưa tin ngày 7/7 đài truyền hình KBS đang nâng cao cảnh giác và các biện pháp an toàn sau khi Lee Kun Jun - nhà sản xuất của bộ phận phim truyền hình - có kết quả xét nghiệm dương tính.
Lee Kun Jun tiếp xúc với một diễn viên vào ngày 29/6 và một ngày sau nhà sản xuất nhận được thông báo người đó mắc Covid-19. Lee Kun Jun lập tức vào diện tự cách ly và được xét nghiệm ngày 2/7. Một ngày sau đó, nhà sản xuất nhận kết quả xét nghiệm dương tính bởi cơ quan kiểm soát dịch bệnh.
Tất cả diễn viên và thành viên trong đoàn làm phim của Lee Kun Jun đã tự cách ly. Theo đài truyền hình KBS, chưa có trường hợp nào trong số diễn viên và thành viên dương tính. KBS cho biết các nhân viên trong đài sẽ tuân thủ kỹ lưỡng các hướng dẫn của chính phủ để ngăn ngừa dịch bùng phát thêm.
Theo Korea Herald, các dự án phim, chương trình truyền hình và phát thanh đang đối mặt với rủi ro do sự bùng phát trở lại của virus. Trong những tuần gần đây, ngành công nghiệp showbiz nước này chứng kiến sự gia tăng đột biến của các ca dương tính.
Ngày 3/7, Im Baek Chun - người dẫn chương trình Im Baek-chun's Back Music của đài KBS2 xác nhận mắc Covid-19. Diễn viên Cha Ji Yeon, người đã tham gia vở nhạc kịch Red Book được xác nhận dương tính sau đó một ngày. Cha Ji Yeon đã xóa mọi lịch trình và tập trung điều trị, chăm sóc sức khỏe.
Vở nhạc kịch On Air - Spinoff ngừng chiếu trong 2 tuần sau khi diễn viên Kim Min Hyuk có kết quả xét nghiệm dương tính. Ngày 6/7, đơn vị thực hiện vở kịch, Synth Wave cho biết: “Theo kết quả điều tra dịch tễ học do cơ quan kiểm soát dịch bệnh thực hiện, chúng tôi không thể thực hiện các buổi biểu từ ngày 7 đến ngày 18/7".
Sân khấu âm nhạc cũng không ngoại lệ vì số lượng ca mắc mới mỗi ngày đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2020. Nhiều người trong ngành công nghiệp âm nhạc có kết quả xét nghiệm dương tính, gây ra sự gián đoạn đáng kể trong lĩnh vực showbiz.
Ngày 27/6, Yonhap News đưa tin Kim Sung Kyu mắc Covid-19 dù đã tiêm vaccine từ ngày 10/6. Công ty quản lý DoubleH TNE cho biết cơ quan y tế đã kiểm tra các nhân viên, nghệ sĩ làm việc cùng hoặc các cá nhân tiếp xúc với Kim Sung Gyu.
Các cuộc họp báo và hợp đồng biểu diễn đã phải hứng chịu một đòn nặng nề từ đại dịch. Việc chuẩn bị cho các sự kiện âm nhạc trực tiếp như chính phủ Hàn Quốc thông báo vào tháng 6 có thể tan thành mây khói vì lo ngại về đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4.
Rạp chiếu phim đóng cửa sau 42 năm
Theo tin tức của Korea Times, một rạp chiếu phim quan trọng ở Seoul đã quyết định ngừng hoạt động. Korea Times nhận định rạp chiếu phim đã phải bỏ cuộc trong cuộc cạnh tranh với chuỗi rạp lớn, đặc biệt giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài.
Rạp chiếu phim Seoul là một trong những rạp chiếu tiêu biểu và lâu đời nhất ở thủ đô. Rạp đóng cửa vào cuối tháng 8 sau 42 năm kinh doanh. Được thành lập vào năm 1979 bởi Hapdong Film Co. - một nhà nhập khẩu và phân phối phim - đây là một trong những rạp chiếu đầu tiên với lượng khách lớn nhất ở Seoul, bên cạnh một số rạp chiếu đơn lẻ, độc lập ở các quận trung tâm của Jongno và Chungmuro.
Jongno 3-ga có rạp chiếu phim Seoul và 2 rạp chiếu phim nổi tiếng khác là Dansungsa và Piccadilly. Ba rạp kể trên tập trung như những người hàng xóm và từ lâu đã được gọi là trung tâm tiêu thụ phim nội địa. Dansungsa đã bị đóng cửa nhiều năm trước và Piccadilly được chuyển đổi thành một nhà hát.
Trong thông báo đăng trên trang web chính thức, rạp chiếu phim Seoul cho biết họ đóng cửa vào ngày 31/8/2021, sau khi được yêu thích như một trung tâm văn hóa của Jongno trong khoảng 40 năm. Hapdong Film Co., nhà điều hành của rạp chiếu phim Seoul, đang chuẩn bị cho những thay đổi và thách thức mới.
Nhà điều hành viện dẫn Covid-19 là lý do chính cho việc đóng cửa rạp chiếu phim Seoul. Nhiều chuyên gia trong ngành suy đoán rạp chiếu phim ngoài bị ảnh hưởng bởi đại dịch còn suy giảm lợi nhuận vì sự cạnh tranh của chuỗi rạp chiếu phim đa thương hiệu do tập đoàn lớn điều hành, chẳng hạn CGV và Lotte Cinema.
Rạp chiếu phim Seoul mở rộng các cơ sở tiện ích cho khán giả thông qua một công trình cải tạo lớn vào năm 2017 nhưng bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh với chuỗi rạp chiếu đa phương tiện khác.
Rạp đã cố gắng trụ vững bằng cách chiếu các bộ phim nghệ thuật, đồng thời được sử dụng làm địa điểm tổ chức các liên hoan phim nhỏ, chẳng hạn Liên hoan phim ngắn Mise-en-scene hay Liên hoan phim môi trường Seoul.
Đại diện của Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc cho biết: “Thật đáng buồn khi thấy một trong những rạp chiếu tốt nhất phải ngừng hoạt động".
"Các rạp chiếu phim địa phương đang gặp khó khăn khi khách hàng chính của họ, bao gồm người trẻ tuổi, đã ngừng tới xem phim. Tình hình tương tự xảy ra không chỉ ở rạp chiếu phim Seoul mà nhiều rạp khác", chuyên gia nói với Yonhap News.
No comments