Những điều chưa biết về vai "Ni cô Huyền Trang" của NSƯT Thanh Loan - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Những điều chưa biết về vai "Ni cô Huyền Trang" của NSƯT Thanh Loan

Vai diễn định mệnh

Sinh năm 1951 trong gia đình có 8 anh em, không ai làm nghệ thuật, tuổi thơ của Thanh Loan gắn bó với con phố Hàng Da (Hà Nội). Năm 15 tuổi, thiếu nữ Hà Thành đã nổi tiếng trong khu phố khi vừa xinh đẹp, ngoan hiền lại hát hay. Tháng 2/1967, Thanh Loan nhập ngũ trường Nghệ thuật Quân đội, theo học lớp diễn viên rồi về công tác tại Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị.

Đến khi lập gia đình, bận bịu con nhỏ, chị rẽ ngang sang làm phát thanh viên truyền hình quân đội công an. Rồi chị làm đạo diễn phim tài liệu, giữ vai trò phó Giám đốc Điện ảnh Công an, bận rộn hơn với công việc biên tập, đạo diễn, viết kịch bản, giảng dạy về diễn xuất…

Những điều chưa biết về vai "Ni cô Huyền Trang" của NSƯT Thanh Loan - Ảnh 2.

Vai diễn ni cô Huyền Trang của nữ nghệ sĩ Thanh Loan để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả.

Nhắc đến Thanh Loan, khán giả thường nhớ đến hình ảnh nữ chiến sĩ biệt động khoác áo tu hành Huyền Trang, ni cô có đôi mắt nhung sâu thẳm, vừa dịu dàng, đằm thắm nhưng cũng đầy gan góc, mãnh liệt. Nhưng thật ra, trước khi đến với "Biệt động Sài Gòn", Thanh Loan đã ghi dấu ấn qua nhiều bộ phim nổi tiếng cùng thời như: "Bài ca ra trận" (đạo diễn Trần Đắc, 1973), "Người chưa biết nói" (đạo diễn Bạch Diệp, 1979), "Tuổi thơ" (đạo diễn Nguyễn Xuân Chân, 1979), "Bản đề án bị bỏ quên" (đạo diễn Nông Ích Đạt, 1980), "Phương án ba bông hồng" (đạo diễn Văn Hòa, 1981), "Trời xanh qua kẽ lá" (đạo diễn Khôi Nguyên, 1985), "Bí mật thành phố cấm" (đạo diễn Quốc Long, 1990)…

Ở những phim ấy, Thanh Loan được các đạo diễn "đo ni đóng giày" với kiểu nhân vật cô giáo, xã viên hợp tác xã, giao liên, kỹ sư… thuần hậu, chất phác. Và rồi vai diễn chiến sĩ biệt động đến với chị như định mệnh, hay như chị từng thú nhận "là nốt thăng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật" của mình. 

Nói là định mệnh, bởi khi đạo diễn Long Vân ngỏ lời mời Thanh Loan là lúc bộ phim "Biệt động Sài Gòn" đã quay được 1 năm, nhưng vẫn chưa tìm được diễn viên đóng vai ni cô Huyền Trang. Hồi đó, Thanh Loan đang làm phát thanh viên cho truyền hình quân đội công an. Thấy kịch bản hay, cô gái trẻ gật đầu nhận lời. Cũng không ngờ rằng việc quay phim kéo dài suốt 4 năm.

Những điều chưa biết về vai "Ni cô Huyền Trang" của NSƯT Thanh Loan - Ảnh 4.

Nhan sắc đằm thắm của giai nhân Hà thành một thời.

Được thực hiện trong 4 năm vì đoàn làm phim chia thành nhiều giai đoạn để quay chứ không liên tục nên đòi hỏi diễn viên phải nuôi dưỡng cảm xúc và thực sự thấm kịch bản.

Để cảm nhận vai diễn của mình, Thanh Loan xin vào chùa tu tập một tuần, học các nhà sư cách sinh hoạt, đi đứng, nói năng, tụng kinh, gõ mõ... Thử sức cảnh bị tra tấn bằng điện mặc dù chưa bao giờ biết cảm giác bị điện giật thế nào. Rồi tập chèo ghe, ngâm mình trong sông nước Nam Bộ. Cô diễn viên trẻ cũng không ngại cắt phăng mái tóc dài ngang lưng thành đầu tém để hợp vai nữ biệt động giả trang.

Sau này nhiều người hỏi, quay phim lâu thế hẳn cát-xê phải cao lắm, Thanh Loan cười chia sẻ, thời của chị việc được tham gia đóng phim điện ảnh là niềm vinh dự cho cả cơ quan đoàn thể lẫn cá nhân, gia đình. Nên hầu như chả ai đòi hỏi cát-xê hay hợp đồng. Tuy nhiên, vẫn được nhận một khoản tiền gọi là bồi dưỡng thanh sắc. Như chị, đóng 4 tập "Biệt động Sài Gòn" được bồi dưỡng 18 triệu đồng, sau khi đổi tiền năm 1985 còn 1,8 triệu đồng nhưng vẫn vui, vì thời đó không bị kinh tế thị trường chi phối mà chỉ nghĩ nghệ thuật là trên hết.

Những điều chưa biết về vai "Ni cô Huyền Trang" của NSƯT Thanh Loan - Ảnh 6.

NSƯT Thanh Loan rất tự hào vì được là một nghệ sĩ, chiến sĩ.

Đến nay, nghỉ hưu với quân hàm Đại tá đã hơn chục năm nhưng NSƯT Thanh Loan vẫn nhiệt tình làm công tác hội. Chị hiện đang là Phó chủ tịch hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Phó chủ tịch phụ trách Hội Điện ảnh Hà Nội. Chị bảo, công việc giúp mình cảm thấy vui vẻ và khoẻ hơn, khi vẫn được gặp gỡ, giao lưu cùng đồng nghiệp, anh chị em yêu mến điện ảnh. Mới đây, Thanh Loan vừa được đề nghị xét danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân ở tuổi 70. Với những cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, khán giả đều tin rằng chị hoàn toàn xứng đáng với niềm vinh dự đó.

Bước qua lời nguyền hồng nhan bạc phận

Trong sự nghiệp diễn xuất của mình, hầu như tất cả các phim Thanh Loan đóng toàn những nhân vật khổ sở, vô cùng nghèo khó, bất hạnh. Người ta thường nói "diễn viên mà đóng vai khổ nhiều sẽ bị vận vào đời", rồi "hồng nhan bạc phận", "hồng nhan đa truân"… Thế nhưng ở đời thường, cuộc sống của nữ nghệ sĩ lại là những chuỗi ngày hạnh phúc, bình yên bên gia đình.

Chị khoe, đã có 3 cháu ngoại, 2 cháu nội. Nhà hai con lại ngay cận kề nên cứ rảnh rỗi là vợ chồng chị lại sum vầy bên con cháu. Chồng chị là một GS. TS Toán học, hơn chị 10 tuổi. Nhiều người trêu, nghệ sĩ mà lấy nhà khoa học thì hẳn cuộc sống phải "khô như ngói", nhưng Thanh Loan luôn nói về chồng với niềm tự hào, bởi ông xã vừa biết làm thơ tặng vợ, thỉnh thoảng lại còn mời vợ làm mẫu để vẽ chân dung.

Những điều chưa biết về vai "Ni cô Huyền Trang" của NSƯT Thanh Loan - Ảnh 8.

Dù đã ở tuổi 70 nhưng nữ nghệ sĩ vẫn giữ được nét đẹp hiền hậu, thanh lịch.

Hỏi chị, mấy năm qua sao không thấy chị đóng phim, Thanh Loan thổ lộ, cũng nhận được nhiều lời mời nhưng đều từ chối. Giai nhân Hà Thành một thời thú nhận, thâm tâm luôn cảm thấy chưa có kịch bản nào hay và chưa có nhân vật nào đủ hấp dẫn để vượt qua cái bóng của Ni cô Huyền Trang, nên chị không dám nhận lời. Nữ nghệ sĩ muốn "Biệt động Sài Gòn" sẽ là trạm dừng chân đúng lúc để chị sống mãi với vai diễn đặc biệt của đời mình, cũng như để giữ mãi hình ảnh đẹp trong lòng khán giả.

Nhưng có lẽ cũng vì sống kín kẽ, khép mình, ít xuất hiện trước công chúng nên Thanh Loan gặp phải nhiều tin đồn "dở khóc dở cười". Có dạo, người ta đồn chị đã… qua đời. Rồi lại có tin chị đi tu thật vì bị ám ảnh bởi vai diễn ni cô. Tai hại hơn, người ta còn đồn chị bị tạt axit do đánh ghen, rồi vợ chồng chị đã li dị… Làm trong ngành công an, bỗng dưng phải hứng chịu những tin đồn "trên trời rơi xuống" khiến nữ nghệ sĩ không ít lần phải "giải trình" với đồng nghiệp, cơ quan.

Những điều chưa biết về vai "Ni cô Huyền Trang" của NSƯT Thanh Loan - Ảnh 10.

Hài lòng với những gì mình có là bí quyết hạnh phúc của nghệ sĩ Thanh Loan.

Ở tuổi thất thập, mái tóc của "ni cô Huyền Trang" đã ngả màu pha sương, nhưng nét đẹp nhân hậu, thanh lịch vẫn vẹn nguyên trên khuôn mặt. Chị nhận mình thuộc lớp người cổ điển, thích những gì dung dị, khiêm nhường, yên ả. Có lẽ, trải qua 42 năm trong quân đội, quen với cuộc sống ăn theo kẻng, ngủ theo giờ, sống chỉn chu, không bon chen nên nghệ sĩ Thanh Loan luôn biết cách hài lòng và hạnh phúc với những gì đang có.

No comments