“Ni cô Huyền Trang” Thanh Loan nói gì khi 70 tuổi mới được xét tặng danh hiệu NSND? - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

“Ni cô Huyền Trang” Thanh Loan nói gì khi 70 tuổi mới được xét tặng danh hiệu NSND?

Theo thông tin từ Hội đồng cấp cơ sở Cục Truyền thông CAND, Đại tá, NSƯT Thanh Loan là một trong số các nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt này.

NSƯT Thanh Loan là nghệ sĩ nổi tiếng với vai Ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn". Bà từng giữ chức Phó Giám đốc Điện ảnh CAND, hiện là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và uỷ viên BCH Hội Điện ảnh Việt Nam.

Việc "Ni cô Huyền Trang" Thanh Loan nổi tiếng từ sớm và có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nhưng đến nay mới được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân khiến rất nhiều người thắc mắc. Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi nhanh với NSƯT Thanh Loan về việc sự việc này.

“Ni cô Huyền Trang” Thanh Loan nói gì khi 70 tuổi mới được xét tặng danh hiệu NSND? - Ảnh 1.

"Ni cô Huyền Trang" Thanh Loan để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khan giả. Ảnh: TL.

Cảm xúc của bà như thế nào khi được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở tuổi 70?

Tôi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú từ năm 1993. Từ đó đến nay, trải qua nhiều đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nhưng tôi không làm hồ sơ vì xét thấy bản thân mình không đủ tiêu chí về huy chương, giải thưởng… Nói thật là tôi làm ở lĩnh vực điện ảnh nên để được một huy chương vàng trong lĩnh vực này rất khó. Khi tôi chuyển sang làm đạo diễn, tôi có đoạt được một giải Cánh diều Bạc tại giải thưởng Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức cho bộ phim tôi làm đạo diễn.

Đợt này, Nghị định 40 ra đời với nhiều thay đổi trong tiêu chí xét tặng nên bạn bè, đồng nghiệp và gia đình động viên tôi làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Mọi người bảo với tôi rằng, Nghị định 40 thiên về xem xét quá trình cống hiến và sự yếu mến của công chúng đối với nghệ sĩ chứ không chỉ có tiêu chí huy chương. Vì thế, tôi mới tự tin làm hồ sơ.

Thực sự là từ hôm qua đến nay tôi rất ngại vì báo chí đăng tải thông tin về tồi quá nhiều. Vì trong đợt xét tặng lần này còn có rất nhiều nghệ sĩ đàn anh, đàn chị, "cây đa cây đề" của tôi chứ không phải chỉ riêng tôi. Việc các báo "thương" Ni cô Huyền Trang nên toàn xoáy vào đưa tin nghệ sĩ Thanh Loan được xét tặng làm tôi thấy có gì đó không được khiêm tốn cho lắm, mà cũng mới chỉ ở Hội đồng cấp cơ sở, không biết lên cấp Bộ rồi cấp Nhà nước sẽ như thế nào.

Từ hôm qua đến giờ, tôi cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn chúc mừng của người thân, bạn bè, đồng nghiệp khi họ biết tin trên báo. Thật lòng là biết tin mình được 100% số phiếu tán thành ở Hội đồng cấp cơ sở tôi cũng vui nhưng mà tính tôi không ưa ồn ào nên báo chí viết nhiều quá tôi rất lấy làm ngại. 

Vậy có thể hiểu, đây là lần đầu tiên bà làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân sau 28 năm nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú?

Đúng thế, đây là lần đầu tiên tôi làm hồ sơ vì những lần trước xét thấy mình không đủ tiêu chí về giải thưởng, huy chương. Cho  nên lần này, coi như tôi cũng là một trong số những nghệ sĩ đặc biệt được xem xét hồ sơ xin xét tặng danh hiệu mà không soi chiếu theo tiêu chí "cứng" về huy chương, giải thưởng. 

“Ni cô Huyền Trang” Thanh Loan nói gì khi 70 tuổi mới được xét tặng danh hiệu NSND? - Ảnh 2.

Ngoài "Biệt động Sài Gòn", NSƯT Thanh Loan từng hoá thân vào nhiều dạng vai trong nhiều bộ phim. Ảnh: FBNV.

Nói gì thì nói, tôi phải rất cảm ơn việc ban hành Nghị định 40 đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ lớn tuổi, một đời cống hiến mà không có giải thưởng, huy chương… được xem xét để phong tặng danh hiệu theo đúng sự cống hiến của họ. Tất nhiên, việc này có hơi chậm so với thực tế ở nước mình nhưng tôi nghĩ chậm còn hơn không.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, các thế hệ nghệ sĩ bây giờ có nhiều cơ hội để đoạt huy chương, giải thưởng… thông qua các hội diễn, liên hoan, cuộc thi... chứ như thế hệ chúng tôi về trước, chỉ biết lo làm để phục vụ nhiệm vụ chính trị, cứ được đi diễn là vinh dự chứ không ai nghĩ đến chuyện được nhiều cát-xê hoặc được nhiều giải thưởng gì cả. Mà ngày xưa, đất nước còn khó khăn nên không có nhiều hội diễn, liên hoan, cuộc thi như bây giờ. Để có được một huy chương vàng, các lĩnh vực khác đã khó, lĩnh vực điện ảnh lại còn khó gấp nhiều lần.

Cho nên, Nghị định 40 ra đời coi như "cởi trói" cho "vòng kim cô" về giải thưởng, huy chương… để có sự tôn vinh và ghi nhận xứng đáng đối với các nghệ sĩ có nhiều cống hiến. Bản thân tôi thì trước nay vẫn luôn sống vui vẻ với những gì mình đã có. Tôi nhiều lần nói với bạn bè, tôi không có giải vàng, giải bạc gì nhưng tôi được sống mãi trong lòng nhân dân. Đó là giải thưởng cao quý nhất rồi.

Lý do gì mà nhiều năm qua, dù vẫn được mời tham gia nhiều bộ phim và vẫn còn sức cống hiến nhưng bà từ chối, không tham gia?

Tôi đến với nghệ thuật một cách rất tình cờ, như là nhân duyên được sắp đặt sẵn. Từ đó đến nay, tôi vẫn luôn dành cho nghệ thuật một tình yêu bền bỉ. Từ chỗ là diễn viên, tôi đi học đạo diễn, sau đó có bắt tay làm phim. Rồi sau này, được mọi người tin tưởng và quý trọng nên đề bạt tôi lên làm quản lý. 

“Ni cô Huyền Trang” Thanh Loan nói gì khi 70 tuổi mới được xét tặng danh hiệu NSND? - Ảnh 3.

Ở tuổi 70, NSƯT Thanh Loan vẫn trẻ trung và xinh đẹp. Ảnh: Đạt Nguyễn.

Tôi từng làm Phó Giám đốc Điện ảnh Công an nhân dân, rồi Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Hà Nội và năm ngoái tôi được bầu vào Ban chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam. Nói chung là mặc dù đã về hưu nhiều năm và tuổi đã cao nhưng tôi vẫn luôn đồng hành với các hoạt động của điện ảnh. Còn có thể đóng góp và cống hiến được là tôi xin cố hết sức mình.

Thực ra, nói riêng về vai diễn thì tôi từng tham gia nhiều bộ phim. Tuy nhiên, vì mọi người yêu quý vai Ni cô Huyền Trang trong phim "Biệt động Sài Gòn" quá nên ít để ý đến những vai khác. Tôi từng đóng vai chiến sĩ biệt động Mai trong phim "Phương án 3 bông hồng". Đây là bộ phim đề cập đến những cô gái với tinh thần chiến đấu và hy sinh anh dũng trong thời kỳ kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn. 

Phim có sự tham gia của Bích Liên, Ánh Tuyết, Thu Hiền và Thanh Loan khi hoá thân vào các chiến sĩ biệt động với mục đích trừng phạt những kẻ mật vụ ác ôn, góp phần vào chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Tôi còn nhớ, trong phim này, tôi có những cảnh nhảy honda để đi săn bắt cướp. Phim này sau đó có được chiếu lại một vài lần trên tivi.

Tôi còn đóng vai cô giáo trong phim "Người về đồng cói" của cố đạo diễn, NSND Bạch Diệp, phim "Bài ca ra trận" của cố đạo diễn NSND Trần Đắc. Đó là hai dấu ấn phim về đề tài chiến tranh và xây dựng nông thôn thời kỳ đổi mới. Ngoài ra tôi cũng có cơ hội đóng nhiều vai chính trong các vở kịch như vai bé Nga trong vở "Nổi gió", vai bác sỹ Nga trong vở "Đôi mắt", vai Nhàn trong vở "Chị Nhàn"...

Sau này, tôi xây dựng gia đình và các cháu còn nhỏ nên cũng ít có cơ hội đóng phim. Thế rồi Truyền hình Quân đội thành lập, chưa có phát thanh viên nên các anh ấy mời tôi về làm phát thanh viên. Được 3 năm thì Truyền hình Quân đội giải thể, tôi chuyển sang làm phát thanh viên của Truyền hình Công an nhân dân cho đến lúc về nghỉ hưu. Từ đó đến nay, tôi vẫn thường xuyên được các đoàn phim mời tham gia phim nhưng vì nhiều lí do nên không thể nhận lời.

Cảm ơn NSƯT Thanh Loan đã chia sẻ thông tin!

Năm 2021 là kỳ xét tặng đầu tiên vận dụng Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Theo đó, NĐ 40 bổ sung một số trường hợp đặc biệt dành cho các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc nhưng thiếu giải thưởng. Sửa đổi quy định về tiêu chí xét tặng tại Nghị định 40 nhằm tháo gỡ vướng mắc, bởi một số gương mặt nghệ sĩ tài năng, được công chúng yêu mến nhưng chưa đáp ứng tiêu chí giải thưởng nên gặp khó khăn trong việc đề nghị xét tặng.

Tiêu chí để đưa vào trường hợp đặc biệt này là các nghệ sĩ có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt.

No comments