Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Đau lòng chuyện sống không trao, chết mới truy tặng - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Đau lòng chuyện sống không trao, chết mới truy tặng

Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Dễ thở nhưng vẫn dễ trượt!

Đến thời điểm này, việc xem xét hồ sơ và lấy ý kiến hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú tại các Hội đồng cấp cơ sở gần như đã hoàn tất. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đã công khai kết quả các cá nhân đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện gửi hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu lên Hội đồng cấp Bộ trên cổng thông tin nội bộ.

Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Đau lòng chuyện sống không trao, chết mới truy tặng - Ảnh 1.

NSND Trần Hạnh được con cháu dìu lên nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2029. Ảnh: HTL.

Theo đó, Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vừa thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu cho 87 nghệ sĩ. Cụ thể, có 22/29 nghệ sĩ đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 32/58 nghệ sĩ đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Phía Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cũng công bố, có 8 nghệ sĩ đạt 100% phiếu đồng thuần, đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân; 10 nghệ sĩ đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho rằng, việc xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú bên cạnh các tiêu chí "mềm" thì còn có các tiêu chí "cứng". Tiêu chí "cứng" này được quy định rất rõ theo Nghị định của Chính phủ. 

Trước đây, Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định, các nghệ sĩ đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu phải đạt 90% tổng số phiếu đồng thuận của thành viên Hội đồng các cấp. Tiêu chí này từng gây ra nhiều tranh cãi khi không ít nghệ sĩ kỳ cựu, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, có sức ảnh hưởng rộng lớn, được khán giả yêu mến cũng bị trượt danh hiệu.

Tuy nhiên, theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP thì các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chỉ cần đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp lấy ý kiến là có thể đủ điều kiện để trình lên Hội đồng cấp cao hơn. Đây chính là điểm mới nổi bật trong Nghị định này.

NSND Vương Duy Biên – nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, Nghị định 40 ra đời đã "mềm mại" hoá việc xét tặng danh hiệu, giúp nhiều nghệ sĩ có cống hiến, có sức ảnh hưởng… không bị "trượt oan".

"Nếu xét theo Nghị định 89 thì chỉ cần 2 người trong hội đồng không bỏ phiếu là nghệ sĩ bị trượt xét tặng danh hiệu. Mà chúng ta đều biết, phần lớn việc bỏ phiếu ở hội đồng các cấp đều có yếu tố cảm tính. Do đó, nếu áp dụng tiêu chí xét tặng như trước đây là hơi cứng nhắc và thiệt thòi cho nhiều nghệ sĩ. Việc áp dụng Nghị định 40 khiến việc xét tặng danh hiệu dễ thở hơn, mềm mại hơn. 

Nhiều trường hợp sẽ đỡ bị thiệt thòi. Tuy nhiên, tôi nghĩ, cần phải linh hoạt hơn nữa trong một số trường hợp khi xem xét tiêu chí về huy chương để tránh tình trạng nghệ sĩ sống thì không có danh hiệu, chết mới vội vàng trao. Làm như thế là rất có lỗi với các nghệ sĩ gạo cội, cả một đời say mê, cống hiến...", NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh.

Sống không phong, chết mới truy tặng?

Thực tế, tiêu chí về huy chương, giải thưởng trong việc xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đã gây ra không ít tranh cãi khi áp dụng vào một số trường hợp cụ thể. Theo đó, nhiều nghệ sĩ lớn tuổi trong các lĩnh vực cải lương, chèo, tuồng, sân khấu… dù họ mẫu mực về lối sống, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật, có sức ảnh hưởng rộng lớn… nhưng vì không đủ huy chương nên hồ sơ của họ vẫn bị loại. 

Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ: Đau lòng chuyện sống không trao, chết mới truy tặng - Ảnh 3.

Lễ truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp năm 2013. Ảnh: NLĐ.

Điển hình như trường hợp của nghệ sĩ Minh Vương, Thanh Tuấn… vì thiếu huy chương mà bị trượt ở Hội đồng cấp Bộ, trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2018. Đến mức, TP.HCM phải cấp tốc gửi văn bản kiến nghị linh hoạt trong xem xét phong tặng danh hiệu đối với hồ sơ của các nghệ sĩ này và cuối cùng họ cũng được.

Riêng trường hợp của nghệ sĩ Trần Hạnh cũng là một câu chuyện đáng tiếc. Ông thuộc thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu của sân khấu kịch Hà Nội, từng tham gia đóng hàng trăm bộ phim, được đồng nghiệp lẫn khán giả vô cùng yêu quý… nhưng qua mấy kỳ xét tặng danh hiệu, hồ sơ của ông vẫn bị gác lại vì không đủ huy chương. Cho đến khi, có sự can thiệp từ trên, đề nghị đặc cách đối với trường hợp này thì ông mới được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Ngày nhận danh hiệu, con cháu phải dìu ông từng bước lên sân khấu và nhận chưa được bao lâu thì ông cũng về với ông bà, tổ tiên.

Trong lịch sử, có không ít trường hợp, vì yếu tố huy chương mà khi sống không có danh hiệu gì, khi chết mới được truy tặng, điển hình như nghệ sĩ Văn Hiệp. Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ xét về độ cống hiến thì xứng đáng được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân từ lâu nhưng đến chết vẫn chỉ là Nghệ sĩ Ưu tú như trường hợp NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Hồ Kiểng… 

Nhiều nghệ sĩ qua đời rồi mới được truy tặng danh hiệu như: NSND Phương Thanh, NSND Anh Dũng, NSND Bùi Cường, NSƯT Châu Giang… Ở thời điểm hiện tại, nhiều nghệ sĩ kỳ cựu, có cống hiến "rõ rành rành" và xứng đáng được nhận danh hiệu nhưng vẫn chưa có gì như: nghệ sĩ Kim Xuyến, Hồng Nga, ca sĩ Cẩm Vân, Ánh Tuyết… Nhiều nghệ sĩ có nhiều cống hiến nhưng bao nhiêu năm vẫn chỉ dừng ở danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú như: Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Chí Trung, Quốc Khánh, Thanh Lam…

NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, mỗi lần nhắc đến câu chuyện này ông cảm thấy đau lòng. Lớp nghệ sĩ lớn tuổi vì điều kiện lịch sử mà ngày xưa không được tham gia các liên hoan, hội diễn, cuộc thi… để lấy huy chương. Đến khi có nhiều hội diễn, liên hoan để tham gia thì đã lớn tuổi, phải nhường cho thế hệ trẻ. Vì thế, khi xét danh hiệu theo tiêu chí huy chương, họ chịu nhiều thiệt thòi. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ ngày nay được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc nhưng khán giả không biết là ai. Đó là lí do mà nhiều nghệ sĩ sống không có danh hiệu gì, chết mới được truy tặng.

NSND Vương Duy Biên cũng cảm thấy tiếc cho các trường hợp như: NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Hồ Kiểng... vì đến chết vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Và các trường hợp như: Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền, Chí Trung, Quốc Khánh, Thanh Lam... nhiều đợt xét vẫn chỉ dừng ở Nghệ sĩ Ưu tú. Ông Biên cho rằng, đây là một điều cần phải xem xét lại và xem xét một cách có tình, có lý nhất.

Bài 2: Tâm sự quặn lòng của những nghệ sĩ một đời cống hiến nhưng không được xét tặng danh hiệu!

No comments