Kể chuyện làng: Ông Sang làng tôi - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Kể chuyện làng: Ông Sang làng tôi

Năm ấy, tôi 18 tuổi.

Một bữa đi học về qua chiếc cầu sắt ở làng, tôi gặp ông. Vừa mới bước lên từ thửa ruộng cày, chân còn lấm bùn chưa kịp khỏa nước, ông chỉ vào mấy gói phần thưởng học sinh giỏi tôi vừa được nhận, khoát tay một vòng nói: "Cả cánh đồng này cũng khó đổi được mấy thứ mà anh cầm trong tay ấy. Quý lắm!"

Phần thưởng mùa hè năm ấy, tôi còn nhớ là một chiếc thau tráng men bọc trong chiếc túi ni lông dày được lột ra từ bao phân đạm, bộ tiểu thuyết 2 quyển Tu viện thành Parme của Stendha (lúc ấy tựa bìa sách theo dịch giả là Tu viện thành Pác Mơ của Xtanh Đan), một cặp sách mới có đựng trong đó mấy tập giấy vẽ và một bộ bút vẽ bằng sáp. Tất cả đều là của Sở Giáo dục Bình Trị Thiên chuyển ra ngôi trường cấp 3 mà tôi đang theo học. Đó là năm 1983.

Kể chuyện làng: Ông Sang làng tôi - Ảnh 1.

Tu viện thành Pác Mơ của Xtanh Đan.

Người nói câu ấy trên con đường làng là ông Sang, một người có họ với tôi. Về vai vế họ hàng, ông kêu ba tôi bằng bác nên tuy đã lớn tuổi, ông vẫn giữ nếp trên dưới, gọi anh em tôi bằng anh bằng chị. Đó là cách gọi cho các con, dù rằng con cái của ông có người lớn hơn tôi cả chục tuổi. Những năm tháng khó khăn ấy, tôi cho rằng ông là người giữ cái tinh thần hiếu học rất đáng được kính trọng. Có ông động viên, dù chỉ mấy lời, bọn học trò trong làng ai cũng cố gắng học hành và mải miết phấn đấu, đem về giải thưởng để vẻ vang cho dòng họ, thi đỗ vào các trường đại học để được lớp sau trong làng lấy đó noi theo. Có lẽ suy nghĩ của ông chỉ đơn giản vậy, nhưng động lực từ ông thì rất lớn.

Tháng mười năm ấy, tôi nhập học ở Đại học Sư phạm Huế. Cái vinh dự của một anh sinh viên đầu tiên của làng từ sau năm 1975 đôi khi khiến tôi ngầm tự hào vì mình đã vượt qua bao thử thách gian nan, nhưng chỉ âm thầm vui với những bước hành trình còn dài phía trước. Từ bước khởi sự cho niềm vui của gia đình họ hàng, tiếp theo năm sau làng tôi có 3 người thi đậu vào trường Đại học Tổng hợp Huế. Một người học ngành văn, hai người học địa chất.

Niềm vui lúc ấy mãi đến bây giờ tôi còn nhớ. Làng trên xóm dưới xôn xao. Trong sự vất vả gian lao đồng áng với nỗi cơ cực của những tháng năm bao cấp, như vậy cũng được xem là mở mày mở mặt với làng nọ làng kia. Bởi dạo ấy, ở miền quê khó khăn đủ bề, vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo để cố gắng đi học đã là rất nỗ lực, huống chi để đỗ đạt vào các trường đại học.

Kể chuyện làng: Ông Sang làng tôi - Ảnh 2.

Đại học Sư phạm Huế.

Vì thế, được về nghỉ Tết năm ấy, tôi bất ngờ khi vào một buổi chiều được người con của ông Sang đến nhà mời, để tối đến dự một buổi sinh hoạt đặc biệt. Đó là buổi tiệc nhỏ do ông Sang tổ chức ăn mừng về thành tích và sự cố gắng của 4 người con của làng đã "vượt vũ môn", theo như lời ông nói.

Trong tiết xuân mưa bụi lay phay của miền Trung vẫn cuộn trong rét mướt, tại ngày sân nhà mình, ông Sang đã cố gắng một cách tươm tất nhất có thể. Có loa có nhạc, có xôi có gà và hơn tất thảy là lời nói run run xúc động của một người đã từng trải qua bao tao loạn của chiến tranh, nói lên tiếng nói lòng mình với mấy tân sinh viên trước những khuôn mặt thân quen của họ hàng, làng xóm. Những lời động viên ấy của ông, cho đến nay tôi còn nhớ, dù đã qua bao thăng trầm của một kiếp người, nay đây mai đó…

Tôi lên cao nguyên dạy học, rồi thuyên chuyển về Đồng Nai, sau đó rời mảnh đất miền Đông để lên Sài Gòn định cư lập nghiệp, tính tròn đến nay đã 35 năm. Có dạo, mùa hè một năm nào đó, tôi về làng có đến thăm ông. Lúc này ông Sang bệnh nặng, nằm trên giường nhưng cứ níu lấy tay tôi để chuyện trò. Chốc sau, ông gọi hết những người con trai đến bên cạnh, bảo họ chào tôi và nhắc lại chuyện xưa với những lời đầy thương mến.

Khi tôi trở lại miền Nam thì nghe tin ông đã ra đi. Tự chốn xa xôi, tôi đã thì thầm cầu nguyện cho ông rời cõi trần gian thanh thản. Trong giây phút ấy, lại nhớ về hình ảnh của một người đàn ông nông dân chân chất, đã từng truyền cho tôi và bao thế hệ ở làng một niềm tin mãnh liệt vào tri thức, để dấn bước với cuộc đời.

No comments