“Làng Việt thời hội nhập”: Cuộc thi viết truyện ngắn đặc biệt chưa từng có
"Làng Việt thời hội nhập" đã khái quát nên bức tranh làng quê sống động
Trong dòng chảy của văn học Việt Nam nhiều thập niên, mảng văn học về đề tài nông thôn – nông dân vẫn luôn được xem là "mảnh đất" màu mỡ của nhiều nhà văn, nhà thơ... bên cạnh mảng đề tài về chiến tranh – hậu chiến.
Có lẽ, càng tiến tới đời sống hiện đại, người ta lại càng ý thức rõ hơn giá trị của người quê, làng quê đối với đời sống. Vì lẽ đó, dù đã có không biết bao nhiêu tác phẩm văn học về làng quê nhưng người ta vẫn thấy thiếu, vẫn thèm muốn.
Thèm muốn những tác phẩm đi sâu vào phản ánh những ngóc ngách của nông thôn, đi sâu vào những nghĩ suy và trăn trở của người nông dân trong bước chuyển mình của thời hội nhập. Từ đó, làm sáng tỏ hơn những giá trị cũ và mới ở làng quê – những giá trị bất biến và hữu biến mà vì guồng quay cuộc sống, nhiều người đã lơ đãng đi qua.
Và sự ra đời của cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học – Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức đã ít nhiều thỏa "cơn khát" đó. Có thể nói, chưa bao giờ có một cuộc thi viết truyện ngắn nào lại đặc biệt như cuộc thi này khi trùng hợp trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây loài người.
Dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 và kéo dài cho đến tận những tháng cuối năm 2021 đã làm cho toàn nhân loại phải đối diện với vô vàn thử thách, khó khăn và mất mát. Tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội đều bị tác động và ảnh hưởng. Nhiều tỉnh thành trên đất nước Việt Nam đã phải trải qua những tháng dài giãn cách, phong toả, cách ly... Ban tổ chức "Làng Việt thời hội nhập" cũng đã rất khó khăn trong công tác tổ chức, chấm giải và trao giải.
Dẫu vậy, cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" vẫn nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành từ các tác giả chuyên và không chuyên trong cả nước.
Tròn 24 tháng diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức đã nhận được con số vào loại kỷ lục là 1.256 truyện ngắn của rất nhiều tác giả thuộc nhiều thành phần, độ tuổi, nghề nghiệp... khác nhau gửi về dự thi. Tất cả đều thể hiện một tinh thần đau đáu với sự thay đổi của làng quê Việt giữa thời hội nhập.
Tập hợp các truyện ngắn dự thi "Làng Việt thời hội nhập" đã góp phần khái quát nên bức tranh chân thực, sống động, đa sắc… về làng quê Việt trong thời hội nhập sâu rộng. Trong đó, nhiều tác phẩm đã có những góc nhìn, góc khai thác đầy nhân văn, nhân bản về những vùng đất, con người, câu chuyện, sự việc… đầy thân quen và cũng đầy mới mẻ.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tác phẩm đi sâu vào phản ánh những mặt trái đầy gai góc và trần trụi về sự thay đổi của làng quê Việt Nam và cả thân phận của người nông dân phía sau lũy tre làng. Nhiều truyện ngắn đã để lại những ấn tượng sâu đậm và đẹp đẽ trong lòng bạn đọc.
Sau khi tiến hành chọn lọc, trong suốt 2 năm qua, Ban tổ chức đã đăng tải 156 tác phẩm có chất lượng nhất trên báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt và các chuyên trang của báo như Trang trại Việt, Thế giới tiếp thị… Đồng thời, VOV6 cũng đã chọn giới thiệu gần 80 tác phẩm dưới dạng phát thanh trên chuyên mục "Đọc truyện đêm khuya".
Báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (nay là Nhà văn và Cuộc sống), cổng thông tin điện tử Hội Nhà văn Việt Nam cũng giới thiệu những truyện dự thi nổi trội nhất. Các tác phẩm khi đăng tải/phát thanh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm lẫn phản hồi của độc giả, thính giả nghe đài. Nhiều tác phẩm đạt được lượng bạn đọc ngoài sức tưởng tượng của Ban tổ chức.
Đảm bảo được tính đa dạng của một cuộc thi truyện ngắn
Trải qua hai vòng Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng giám khảo là những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học có uy tín và tên tuổi đã chọn được 16 tác phẩm để trao giải (1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 3 Giải Ba, 10 Giải Khuyến khích). Ngoài ra, Ban tổ chức đã trao 9 giải thưởng của Ban tổ chức dành cho các tác giả đã có những đóng góp, hưởng ứng cuộc thi với tác phẩm chất lượng. Và 28 tác phẩm đoạt giải và tiêu biểu nhất đã được chọn để đưa vào cuốn sách "Thổn thức gió đồng".
Thật cảm động khi có lão nông Bùi Quang My, dù đã "bát thập lai hy", không biết gõ máy tính, không biết truy cập internet... nhưng vẫn miệt mài viết rồi mang bản thảo từ Thái Bình lên Hà Nội trao tận tay cho Ban tổ chức.
Có tác giả Nguyễn Văn Thuận bị khiếm thị, ngày ngày rong ruổi với cuộc mưu sinh, tối về vẫn chong đèn gõ máy viết truyện. Có nhiều tác giả ở những vùng rất xa xôi và hẻo lánh, điều kiện sống gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn đều đặn gửi tác phẩm về dự thi.
Có nhiều nhà văn nổi tiếng như: Nguyễn Hiếu, Nguyễn Văn Thọ, Trần Chiến, Hoàng Minh Tường, Trần Thanh Cảnh, Đỗ Xuân Thu, Hồ Thị Hoài, NSND Hoàng Cúc... dù tuổi đã lớn và bận bịu với bao kế hoạch cũng gửi cùng lúc nhiều tác phẩm. Tất cả những tình cảm và sự nhiệt thành ấy khiến Ban tổ chức hết sức bất ngờ, vui mừng và cảm động.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo chia sẻ: "Qua cuộc thi tôi nhận thấy có sự kết nối cái cũ và cái mới, khắc họa được sự vươn mình của nông thôn, nông dân. Nhìn vào khía cạnh tác động tiêu cực nhiều hơn của kinh tế thị trường, của sự hội nhập, phá mất nền tảng nông thôn - nông dân nhưng cũng có những tác phẩm đề cập mặt tích cực, tấm gương điển hình. Không chỉ các nhà văn chuyên nghiệp mà ngay cả những tác giả mới, những người ở vùng nông thôn, thầy giáo ở vùng sâu - vùng xa đều đảm bảo được chất lượng của truyện ngắn gửi về".
Nhà báo Lê Tuyết Mai, Trưởng phòng Văn nghệ - ban Văn học Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam, ủy viên Hội đồng Sơ khảo cuộc thi cho biết đã có 70 truyện ngắn lên sóng VOV6.
"Ngay khi có phát động cuộc thi thì chúng tôi với vai trò là đồng tổ chức đã liên tục lên sóng để tuyên truyền cho cuộc thi này. VOV6 cũng đã có sự phân công cụ thể để thẩm định ban đầu về nội dung và có lời bình cụ thể đối với các truyện ngắn được chọn. Các truyện ngắn tham gia đã bám sát được đề tài làng Việt thời hội nhập nhưng cách tiếp cận, góc độ nhìn nhận vấn đề lại rất khác nhau, muôn màu muôn vẻ, đảm bảo được tính đa dạng như mong muốn của Ban tổ chức.
Có thể nhìn nhận rằng, ở góc độ nghệ thuật, độ đậm nhạt của mỗi truyện lại khác nhau. Khi đi sâu vào các đề tài này, có một số truyện lấy nông thôn làm bối cảnh và đi sâu vào thân phận của nhân vật, về tình đời, tình người. Tuy nhiên, vẫn còn một số truyện ngắn có giọng kể mang tính truyền thống, tự sự… chưa thấy được bút pháp đặc sắc, đôi khi có sự lan man đáng tiếc".
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng: "Cuộc thi của chúng ta ngay từ khi khởi động đã thu hút được những cây bút xuất sắc của văn học đương đại như anh Nguyễn Văn Thọ, anh Nguyễn Hiếu, anh Hoàng Minh Tường, anh Trần Chiến, anh Trần Thanh Cảnh... Có thể nói tôi rất tin cuộc thi của chúng ta sẽ rất thành công".
Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" do Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Văn học – Nghệ thuật VOV6, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức, nhà tài trợ Trường Hải THACO – nhà tài trợ kim cương.
Cuộc thi được phát động và nhận tác phẩm dự thi từ ngày 26/4/2019 và kết thúc nhận bài vào ngày 28/2/2021 (tính theo dấu bưu điện hoặc thư điện tử).
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào lúc 8h30 ngày 11/11/2021 tại Hội trường lớn tầng 13, tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay – Lô E2 Khu đô thị mới, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
No comments