Hoài Linh, Thủy Tiên mất gì, được gì nếu được minh oan sau lùm xùm tiền từ thiện?
Mới đây, những thông tin ban đầu của cơ quan điều tra về vụ lùm xùm tiền từ thiện của nghệ sĩ Hoài Linh và Thủy Tiên đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an), từ tháng 5/2021 đến nay, trên các trang mạng, mạng xã hội có thông tin phản ánh tình hình không minh bạch của ca sĩ Thuỷ Tiên cùng một số nghệ sĩ, cá nhân kêu gọi từ thiện trận lũ năm 2020.
Ngoài phản ánh trên mạng xã hội, C02 cũng nhận được một số đơn thư khiếu nại, tố cáo lên quan đến những trường hợp này. Sau khi xác minh, C02 xác định, những người này đều cóp nhặt tin tức trên mạng rồi gửi đơn chứ không phải những người có bằng chứng cụ thể về việc không minh bạch từ thiện.
Các cá nhân có vấn đề kêu gọi từ thiện để ủng hộ đồng bào bị bão lụt, trong một thời gian đã đóng tài khoản, dừng nhận tiền ủng hộ. Sau đó, các cá nhân đã trực tiếp hoặc thông qua đại diện đến các địa phương thực hiện việc từ thiện. Qua các ngân hàng, C02 xác nhận tiền vào các tài khoản còn ít hơn số tiền các cá nhân đi làm từ thiện.
Riêng vụ việ của nghệ sĩ Hoài Linh, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự liên quan đến việc quyên góp tiền từ thiện do không có dấu hiệu tội phạm.
Theo nhiều người, mặc dù đây mới chỉ là những thông tin ban đầu và cơ quan cảnh sát điều tra vẫn tiếp tục điều tra nhưng ít nhiều đã "minh oan" cho các nghệ sĩ. Tuy nhieenm câu hỏi đặt ra là sau sự việc này, những nghệ sĩ dính lùm xùm như Hoài Linh, Thúy Tiên… sẽ được gì, mất gì nếu thực sự được minh oan.
Phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên văn hóa Ngô Hương Giang về câu chuyện này.
Mới đây, cơ quan điều tra đã có thông tin ban đầu về vụ lùm xùm liên quan đến hoạt động từ thiện của Thủy Tiên, Hoài Linh. Là người theo dõi sát những vụ việc này, a nhìn nhận gì về ý kiến của cơ quan điều tra?
Mặc dù thông tin của cơ quan điều tra mới chỉ là những nhận định ban đầu nhưng theo tôi là dù hơi muộn so với sức nóng dư luận song về cơ bản cũng đã phần nào trả lại danh dự cho người nghệ sĩ, đồng thời cũng góp phần ổn định dư luận.
Ở góc nhìn khách quan, tôi cho rằng, khi cơ quan điều tra đã có kết luận ban đầu: "không có dấu hiệu hình sự" trong vụ việc từ thiện của một số nghệ sĩ được nhắc tên, thì việc điều tra, truy tố những cá nhân, tổ chức tung tin vu khống trên mạng xã hội cũng rất cấp thiết.
Vì danh dự cá nhân, nhất là danh tiếng của người nghệ sĩ phải lao động, hy sinh cả đời làm nghệ thuật mới có, danh tiếng ấy không thể bị "bôi nhọ", "xóa sổ" bởi sự kích động có mục đích của các cá nhân, tổ chức tung tin không đúng được.
Theo anh, những nghệ sĩ dính lùm xùm từ thiện như: Thủy Tiên, Hoài Linh... sẽ được gì và mất gì nếu được minh oan sau lùm xùm từ thiện?
Tôi cho rằng, cái mà người nghệ sĩ mất lớn nhất đó là "niềm tin vào cuộc sống". Làm thiện nguyện là cách để các nghệ sĩ muốn giúp đỡ những số phận nghèo khó vươn lên trong cuộc sống, để tin yêu vào xã hội. Giờ đây, qua phát ngôn thiếu trách nhiệm của một số cá nhân đã khiến "niềm tin" ấy trở nên xa xỉ. Rồi sau vụ việc này, sẽ còn ai dám làm từ thiện nữa, và niềm tin vào cuộc sống của những số phận nghèo khó sẽ đi về đâu?
Còn cái được đối với người nghệ sĩ, theo tôi, đó chính là "bài học đắt giá về lòng người". Chính các nghệ sĩ giờ đây cũng đang hoài nghi về những con người từng là khán giả yêu mến họ nhưng sẵn sàng quay lưng lại với họ bằng những lời nói đay nghiến, cay nghiệt, xuyên thấu tim. Các nghệ sĩ giờ đây cũng sẽ hoài nghi về giá trị nhân văn mà họ từng theo đuổi rằng: Đâu là thật và đâu là hư vô?
Vậy theo anh, các nghệ sĩ như Thủy Tiên, Hoài Linh... cần làm gì để lấy lại lòng tin đã mất? Khán giả cần làm gì để củng cố lại lòng tin bị lung lay với thần tượng của mình?
Với người nghệ sĩ, thiện nguyện không chỉ là tấm lòng, là trách nhiệm xã hội, mà còn là tinh thần nhân văn. Nhưng thiện nguyện cũng là hoạt động nhạy cảm, dễ gây hoài nghi, mất niềm tin từ công chúng, nếu như người nghệ sĩ đứng lên gây quỹ vì người nghèo. Đồng bạc đâm toạc tờ giấy. Mặt phải của đồng tiền là mua được rất nhiều trang thiết bị cho người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng mặt trái của nó là "mũi dao" có thể xé toang lòng người.
Vì vậy, người nghệ sĩ ngoài cái tâm ấm nóng với đồng bào thì cũng rất cần cái đầu lạnh trong việc ứng xử với tiền thiện nguyện. Có như vậy những cụm từ như "sao kê", "minh bạch"… mới không phải xuất hiện sau mỗi đợt thiện nguyện của các nghệ sĩ.
Còn với công chúng, tôi cho rằng, tâm nguyện cho đi là điều luôn còn mãi. Bởi vì đa phần công chúng trao niềm tin vào người nghệ sĩ là họ mong muốn tấm lòng thiện nguyện của mình sẽ đến được nhanh nhất với người đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Cho nên việc công chúng hụt hẫng, mất niềm tin khi người nghệ sĩ mà họ gửi gắm "có vấn đề với tiền từ thiện" cũng là điều dễ hiểu.
Song tôi cho rằng, dù sự kiện các nghệ sĩ vừa qua có khiến công chúng xáo trộn niềm tin ra sao đi nữa thì trách nhiệm công dân với đồng bào ở họ sẽ vẫn sẽ bùng cháy như đã từng bùng cháy mãnh liệt.
Nếu ngay từ đầu, nghệ sĩ công khai - minh bạch chuyện tiền bạc thì có lẽ là những lùm xùm không đáng có đã không xảy ra. Anh có nghĩ đây cũng là bài học lớn để nghệ sĩ cần rút kinh nghiệm?
Tôi cho rằng, có thể lúc bắt đầu làm từ thiện, các nghệ sĩ đều tính đến phương án công khai, minh bạch các khoản chi. Tuy nhiên, có thể do thời gian đi cứu trợ đồng bào dài ngày như Thủy Tiên chẳng hạn, rồi số tiền gây quỹ lên tới con số cả trăm tỷ, việc kê khai một lúc không phải là chuyện dễ dàng và làm ngay được.
Sau khi công việc thiện nguyện kết thúc, cuộc sống trở lại bình thường, người nghệ sĩ nhất là những người nổi tiếng lại bị quấn vào công việc. Vậy nên mới xảy ra các sự vụ đáng tiếc vừa qua. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh, sự việc là bài học đắt giá đối với các nghệ sĩ.
Nên chăng cần sớm có kết luận chính thức và kết luận một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch về vụ lùm xùm từ thiện của từng nghệ sĩ để mọi sự nghi kỵ, ồn ào dừng lại?
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm anh đưa ra. Cơ quan chức năng cần sớm có kết luận đầy đủ, chính thức về sự vụ từ thiện, vừa là để minh bạch công khai, vừa để trấn an dư luận, lấy lại niềm tin công chúng vào người nghệ sĩ, nhưng cũng vừa để răn đe, cảnh tỉnh những cá nhân, tổ chức nào có ý định lợi dụng từ thiện để trục lợi thì hãy dừng ngay hành động lại trước khi quá muộn.
Nhiều người cho rằng, sau những lùm xùm vừa qua, nghệ sĩ có được minh oan cũng khó có thể trở lại làm nghề. Anh có nghĩ vậy không?
Tôi nghĩ, quan điểm trên không hoàn toàn đúng. Bởi vì nếu đã là nghệ sĩ đích thực thì họ sẽ không từ bỏ "đứa con" nghệ thuật của mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Tác phẩm và sân khấu chính là bầu sinh quyển để người nghệ sĩ hít thở, cống hiến.
Chỉ có những nghệ sĩ trục lợi hoặc xem nghệ thuật là "ánh trăng lừa dối", là "chiếc áo thầy tu" nhằm che giấu mục đích cốt lõi là đánh bóng tên tuổi hoặc được nổi tiếng, từ đó có lợi ích vật chất thì họ mới phải chạy trốn dư luận, từ bỏ trách nhiệm xã hội của mình.
Anh nghĩ gì về sự tỉnh táo, lí trí cần có của thế hệ công chúng thời 4.0 với nghệ sĩ và việc tạo niềm tin của nghệ sĩ với công chúng?
Tôi cho rằng, "cuộc sống thời 4.0" là cơ hội để các nghệ sĩ đến gần với công chúng hơn và ngược lại. Thế giới phẳng khiến công chúng có thể nói chuyện, trao đổi trực tiếp với người nghệ sĩ mà họ yêu mến thông qua các thiết bị công nghệ thông minh. Nhưng cần phải nhớ rằng, thế giới mạng xã hội là ảo nhưng thiệt hại do niềm tin trên mạng xã hội là thật.
Vì vậy, niềm tin của công chúng vào bất cứ nghệ sĩ hay đối tượng nào trên mạng xã hội cũng rất cần được kiểm chứng bằng lý trí. Có như vậy thì công chúng mới không bị rơi vào sự thất vọng, hụt hẫng đối với thần tượng của mình khi mà những thần tượng ấy không đúng như kỳ vọng!
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
No comments