Kể chuyện làng: Phiến đá nghìn năm – vật báu của làng - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Kể chuyện làng: Phiến đá nghìn năm – vật báu của làng

Phiến đá Cả (hay còn gọi là phiến đá Trại Cả) nằm tại ngôi miếu đầu làng Tiến Tiên, cách đình làng khoảng 200m trên con đường liên thôn. Hai bên đường trồng nhiều cây xanh cổ thụ lâu năm, tỏa bóng mát. Với hình dáng vuông vắn, chiều rộng chừng 80cm, dài gần 120cm, dày chừng 50cm.    

Kể chuyện làng: Phiến đá nghìn năm – vật báu của làng - Ảnh 1.

Hình ảnh phiến đá Cả tại làng Tiến Tiên (Ảnh: Thanh Nga)

Khi được hỏi về lai lịch, sự xuất hiện của phiến đá, các cụ cao niên trong làng đều không có câu trả lời. Theo các cụ, từ thuở khai sơ lập ấp lập làng khoảng 300 năm trước, phiến đá đã xuất hiện ở đó.

Tại làng Tiến Tiên, không ai có tài liệu hay tìm hiểu sách vở về phiến đá ấy. Người dân quan niệm rằng, phiến đá đã có từ bao đời nay vậy nên mọi người coi như vật cổ và cả làng để gìn giữ, tôn kính như một nét đẹp tâm linh đáng quý.

Tuy không rõ phiến đá xuất hiện từ bao giờ nhưng xung quanh nó ẩn chứa rất nhiều câu chuyện, truyền thuyết và nhuốm màu tâm linh được người dân truyền miệng từ đời này sang đời khác. Người dân nơi đây gọi đây là phiến đá thần của Sơn Tinh. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, khi không lấy được Mị Nương, Thủy Tinh đã hô mưa gọi gió, dâng nước để trả thù thần Sơn Tinh. Và trong lần giao tranh đó, thần Sơn Tinh đã dùng đá ném xuống để ngăn dòng nước lũ của thần Thủy Tinh. Hòn đá Cả ở làng Tiến Tiên chính là hòn đá của thần Sơn Tinh ném xuống để ngăn dòng nước lũ của Thủy Tinh. Dấu tích còn lưu lại là vết lõm mà theo những người dân thôn Tiến Tiên tin rằng đó là vết bàn tay Sơn Tinh nắm vào hòn đá để lại, có 4 vết phía trên một vết phía dưới.

Kể chuyện làng: Phiến đá nghìn năm – vật báu của làng - Ảnh 2.

Những vết lõm bên dưới bề mặt tảng đá được coi là dấu tay của thần Tản Viên. Ảnh: TL

Không chỉ gắn liền với những truyền thuyết đơn thuần mà theo lời người dân nơi đây, xung quanh phiến đá Cả còn tồn tại rất nhiều câu chuyện tâm linh, không ai lí giải được. Ông Nguyễn Công Khởi, một người dân lớn tuổi tại làng cho biết, không phải bỗng nhiên làng Tiến Tiên lại tôn kính khi nhắc đến phiến đá Cả đến vậy. Bởi lẽ, từ đời trước đã lưu truyền những câu chuyện kì bí mà không ai giải thích được. Trước đây, khi chưa có miếu thờ, phiến đá nằm ngay ngắn bên đường, là nơi cho người dân nghỉ ngơi, hóng mát, tâm sự… Tuy nhiên, mỗi lần phiến đá bị di chuyển khỏi vị trí là làng sẽ gặp những chuyện không may, xui rủi.

Và còn những câu chuyện về nơi ngự của hòn đá thiêng này. Người dân nơi đây kể lại, ngày trước ở đây còn có một gốc si, nhiều người bảo thường xuyên nhìn thấy một bà lão đi lại ở gốc si ấy. Người ta cũng đồn rằng đây là nơi chôn cất nhiều kho báu của giặc Tàu khi cướp của dân ta. Mặc dù không ai biết kho báu ấy thế nào, số lượng ra sao nhưng thỉnh thoảng có người vẫn nhìn thấy vịt vàng, lợn vàng xung quanh phiến đá ấy.

Kể chuyện làng: Phiến đá nghìn năm – vật báu của làng - Ảnh 3.

Miếu thờ phiến đá Cả tại làng Tiến Tiên (Ảnh: Thanh Nga)

Ông Khởi cho biết, đó là những câu chuyện, truyền thuyết từ những đời trước. Hiện nay, nơi đặt phiến đá đã được xây dựng miếu thờ cho người dân tiện hương khói. Theo ông, việc coi hòn đá là đồ vật cổ, là vật chung của cả làng để gìn giữ, tôn kính như một nét tâm linh, thể hiện nét đẹp văn hóa lịch sử làng quê. Nhiều người dân cũng cho rằng, những câu chuyện xung quanh phiến đá ấy có thể là do người dân yêu mến, tự hào về hòn đá nên đã dẫn những câu chuyện tâm linh để đời sau gìn giữ, mong muốn thế hệ sau sống tốt hơn, luôn nhớ về tổ tiên, nguồn cội. 

                                                                                       

No comments