Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không thể cân đo đong đếm, tiếc tiếc khi đầu tư cho văn hóa!
Chiều 9/11, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước, phát triển văn học với sự tham gia của đại diện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương…
Nhấn mạnh khi phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã đưa ra những chiến lược để đưa văn hóa phát triển xứng tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Và phải có những giải pháp để chấn hưng văn hóa, đưa văn hóa về đúng vai trò trong đời sống xã hội.
Chính vì lẽ đó, Bộ VHTTDL đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn soạn thảo đề án Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Dự án này nhằm hướng tới việc tìm ra giải pháp phát triển cả lĩnh vực văn học - nghệ thuật theo tinh thần chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không thể tiếc tiền khi đầu tư cho văn hóa
Phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến và đưa ra các giải pháp quản lý nhà nước, phát triển văn học, nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, văn học – nghệ thuật tựa như một thứ "sữa" để nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người. Vì lẽ đó, khi đã xác định đầu tư cho văn học – nghệ thuật phát triển xứng tầm thì không thể… tiếc tiền.
"Nhà thơ Nguyễn Duy đã có những câu thơ lay động lòng người trong bài "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa": Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Có nghĩa là một đứa trẻ lớn lên nhờ hai phần, sữa và lời ca tiếng hát - chính là văn học nghệ thuật. Đứa trẻ suy dinh dưỡng nhìn biết ngay, đứa trẻ què quặt tâm hôn thì không thể biết ngay được, và khi ta biết được thì nó đã thành những người phạm tội mất rồi. Thế nên không thể tiếc tiền, không cân đo đong đếm khi đầu tư cho văn hoá".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cũng khẳng định, Hội nghị văn hoá toàn quốc vừa qua đã khiến những người làm việc trong lĩnh vực văn chương như ông vui mừng vì văn hoá đã được báo động để kịp thời chấn hưng. Trong đó, văn học và nghệ thuật là những vấn đề cốt lõi, quan trọng của văn hóa nói chung.
"Cách đây vài năm chúng tôi có nhận lời đề nghị của các bậc phụ huynh rằng: Các ông hãy viết một cuốn cẩm nang có bao nhiêu cạm bẫy trong cuộc đời để khi bước ra, các con của chúng tôi biết để né tránh. Nhưng nói thật, chúng tôi viết cuốn cẩm nang có 1000 cạm bẫy thì ra đời nó lại gặp cạm bẫy thứ 1001 và nó sẽ chết ngay ở cái cạm bẫy 01 đó.
Chỉ khi chúng ta gieo vào những đứa trẻ chủ nghĩa nhân văn, mỹ học và bao nhiêu điều tốt đẹp khác, chúng mới phân biệt được đâu là ác, đâu là thiện. Đó mới là cuốn cẩm nang xuyên thời gian, xuyên qua mọi thách thức, chúng sẽ vững bước trong cuộc đời, không bị sa ngã. Văn hoá chính là làm ra cuốn cẩm nang đó", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bộc bạch thêm rằng, đề án Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Cục Nghệ thuật Biểu diễn làm rất kỹ lưỡng nhưng nó không phải chỉ dành riêng cho một lĩnh vực văn học mà phải bao gồm cả nghệ thuật. Và Bộ VHTTDL không nên làm các công việc của các hội văn học – nghệ thuật mà nên đóng vai trò bao quát, đưa ra các chiến lược hoặc như một vị nhạc trường dàn hợp xướng.
"Bộ VHTTDL nên là đơn vị dựng ra đại lộ mà văn nghệ sĩ như là xe chuyển động trên đại lộ đó. Đại lộ đúng thì chuyển động đúng, đại lộ sai thì chuyển động sai, đại lộ quá hẹp thì chen chúc tắc đường, phải mang tính chiến lược. Chính vì thế, Bộ VHTTDL phải có đề án dài rộng hơn cho tương lai", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
NSND Vương Duy Biên: Giải thưởng lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật đang rất bèo bọt
Nguyên thứ trưởng Bộ VHTTDL – NSND Vương Duy Biên cũng đóng góp ý kiến rằng, cần phải xác định rõ những vấn đề có thể làm được khi triển khai xây dựng đề án Nâng cao năng lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Vì trước đây, khi đảm đương vai trò Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ông đã chứng kiến nhiều đề án phát triển văn học – nghệ thuật của dân tộc thiểu số, đề án xây dựng cơ sở vật chất cho các thiết chế văn hóa ở vùng sâu – vùng xa… nhưng chưa đề án nào được triển khai đúng nghĩa.
NSND Vương Duy Biên đề xuất 3 giải pháp trọng tâm để có thể nâng cao được năng lực lực về sáng tác và lý luận, phê bình văn học. Cụ thể, theo NSND Vương Duy Biên là cần phải đổi mới cách thức đặt hàng các tác phẩm văn học – nghệ thuật. Mở trại sáng tác nên tránh hiện tượng dàn đều. Lựa chọn những người có năng lực, có uy tín, mời đến tham gia sáng tác và đặt hàng tác phẩm. Cần phải có sự tin tưởng vào các cá nhân nghệ sĩ đã thành danh để đặt hàng.
Tiếp đến, mở trại sáng tác nhưng có chủ đề và yêu cầu khác nhau. Những ai có ý tưởng về lực lượng vũ trang, những ai có ý tưởng về đề tài lịch sử… cần phải có sự chọn lọc. Vì viết theo cảm hứng thì tác phẩm ra đời lại không cần, tác phẩm cần lại không có.
Đặc biệt, phải mạnh dạn đầu tư thì mới có được những tác phẩm tâm huyết, xứng tầm. Muốn vậy, cần phải nâng cao giá trị hệ thống giải thưởng để tạo cú hích. Chẳng hạn, văn học thì có giải thưởng xuất sắc trong năm, giải thưởng tài năng trẻ, giải thưởng cho người có nhiều ý tưởng sáng tạo đặc biệt…
"Tôi phụ trách văn hóa nghệ thuật nhiều năm rồi nhưng cho đến nay giải thưởng lĩnh vực này rất bèo bọt", NSND Vương Duy Biên nhấn mạnh thêm.
Đồng quan điểm, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Bảo tàng Văn học Việt Nam cho rằng, Bộ VHTTDL quan tâm đến các văn nghệ sĩ khi mở các trại sáng tác là rất tốt. Nhưng hiện nay, tình trạng phân chia thời gian ở các trại sáng tác không hợp lý. 80% anh em văn nghệ sĩ dự các trại sáng tác là để gặp gỡ, giao lưu. Vì thế, thời gian tổ chức 7 ngày, 15 ngày… không đủ cho mọi người có độ lắng để tìm tòi ý tưởng và thể hiện ra bằng tác phẩm.
"Ngày xưa, các nhà văn lớn đi thực tế 3 tháng mới ra được tác phẩm lớn. Ngày nay tham gia trại sáng tác 7 ngày, 15 ngày không viết được gì cả", nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nhấn mạnh.
PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho rằng, việc phối hợp quản lý và thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật giữa Bộ VHTTDL với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cần chặt chẽ, hiệu quả, có chiến lược và phân công nhiệm vụ rõ ràng để hỗ trợ tốt nhất cho văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng.
PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cho rằng, cần xây dựng đề án phát triển văn học, nghệ thuật khái quát, đầy đủ, đáp ứng yều cầu của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của đời sống, thực tiễn sáng tạo và quản lý văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
No comments