NSƯT Chí Trung: Tôi không quá hả hê với hạnh phúc mới
Cha mẹ và các thành viên trong gia đình anh đều theo đuổi con đường âm nhạc, vì sao anh lại không?
- Hồi bé, bố tôi (NSND Quý Dương) rất muốn cho tôi làm ca sỹ để nối nghiệp cha. Một buổi tối nọ, ông vào phòng, bảo tôi đứng để ông thử giọng. Tôi đứng "mì mí mi" một lúc thì bỗng nhiên ông im lặng bỏ đi. Chắc là ông thấy… tuyệt vọng. (cười)
Khi ấy, cả gia đình tôi đều học nhạc. Chị gái tôi học piano 7 năm, em gái tôi cũng học piano 11 năm (hiện là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia). Một người em trai khác hiện đang dạy piano tại Chicago (Mỹ). Mốt thời ấy tại đất Hà thành là cho con đi học nhạc, nghe rất "sang". Tôi lại là thành phần đặc biệt - "lạc" ra khỏi xu hướng chung khi chẳng mặn mà gì. 4 năm học violon, thành tích của tôi là phân biệt được cần đàn, dây đàn, vĩ đàn. Mỗi lần tự luyện, tôi toàn gục đầu vào tường, vừa kéo vừa ngủ gật.
Có một lần, cha tôi đang dạy hát ở ngoài đột nhiên đi vào, lý do là bởi ông nghe thấy tiếng đàn nhưng tự hỏi sao nó chỉ kêu "e e e", kết quả ông thêm một lần buồn bã khi chứng kiến anh con trai đang ngủ say sưa trên đó. Tôi đã lết qua 4 năm học violon một cách rất đỗi "ủ ê" như thế.
Việc anh lại rẽ sang lối khác khi lựa chọn ghi danh vào lớp diễn viên khóa I của nhà hát Tuổi trẻ là niềm đam mê sân khấu, hay đơn giản chỉ là sự chống đối của một chàng trai "nghịch ngợm" với truyền thống gia đình?
- Năm 1978, tôi học xong phổ thông, lực học bình thường và đủ biết mình không có khả năng thi vào Đại học. Ngày ấy không như bây giờ, tiêu chí duy nhất của thanh niên là vào Đại học. Nói cách khác, "hoặc học Đại học, hoặc anh sẽ không thành gì cả". Một hôm, tôi khẽ bảo bố: "Con không thi Đại học đâu bố ạ". Bố nhìn tôi, ánh mắt ông lại tuyệt vọng y như ngày ông nghe tôi thử giọng, kéo đàn.
Thế nhưng, số tôi may mắn. Đúng năm ấy, Nhà hát Tuổi trẻ mở ra lớp diễn viên đầu tiên. Đó là thời điểm cô Phạm Thị Thành cùng cô Hà Nhân muốn thành lập một nhà hát dành riêng cho thiếu nhi, đào tạo theo phương thức hoàn toàn mới, từ những kinh nghiệm mà các cô học được từ nước ngoài về.
Nghe tin đó, cha ngay lập tức dẫn tôi tới gặp chú Doãn Hoàng Giang – lúc đó còn đang là đạo diễn trẻ, ông bảo: "Cậu xem giúp tớ thằng con trai của tớ thế nào?". Chú Giang - có lẽ nể cha tôi, và nhìn tôi trông cũng sáng sủa (cười), đã bằng lòng dạy tôi một số kỹ năng cơ bản.
Tháng 4 năm ấy, một cuộc chiêu sinh được mở ra, có hơn 2200 đơn ứng tuyển và tuyển trong 3 ngày tại Nhà hát Lớn. Lúc vào tham dự vòng Sơ khảo, rồi Phúc khảo, tôi lo lắng lắm. Đã thế, lần nào cũng vậy, chỉ vừa lên diễn một chút, giám khảo đã đuổi ra ngoài: "Thôi, anh này xuống". Tôi nghĩ bụng: "Chết dở rồi, chắc là mình "tạch". Nhưng kỳ diệu thay, không hiểu do quá đẹp trai hay bởi vì "mình là con của bố mình" mà sau đó một thời gian, có giấy báo tôi trúng tuyển.
Nói vui vậy thôi, so với thế hệ ấy thì tôi trông cũng ổn, cao 1m65, đẹp trai, lại còn có kỹ năng "nói phét" (cười).
Tôi cũng nghe đồn ngày đó "nhan sắc" của anh nổi tiếng khắp đất Hà thành?
- Hồi ấy tôi đẹp trai thật mà. Cứ xem các bạn nữ cùng lớp, cùng khu phố nhìn tôi là tôi biết. Tôi đạp xe ngoài đường, các chị các em cũng đua nhau "chiêm ngưỡng". Thậm chí, tôi đi qua Bờ Hồ còn có một cậu con trai suốt ngày bám theo… May mà hồi ấy mình trong sáng (cười).
Từ một người không đam mê nghệ thuật, anh đã theo Lớp diễn viên khóa I của Nhà hát Tuổi trẻ và từng bước thành danh như thế nào?
- Lớp diễn viên đó là khóa đầu tiên do Nhà hát tự đào tạo, bao gồm 41 người, được chỉ dạy trong vòng 3 năm. Chúng tôi ăn ở nội trú, vừa học vừa liên tục làm nghề, dựng những vở diễn mới. Các cô truyền cho chúng tôi lối diễn hiện đại, vừa sinh động, vừa chân thật. Cũng bởi thế, khán giả khắp nơi lập tức yêu thích và đón nhận.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Tuổi trẻ như Lê Khanh, Đức Hải, Ngọc Huyền, Anh Tú, Chí Trung… đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho đời sống kịch nghệ tại Việt Nam ngày đó. Những năm 1980-1981, mỗi vở diễn của chúng tôi khi vào Nam đều nhanh chóng trở thành hàng best seller.
Cả cuộc đời nghệ thuật của tôi cứ thế trôi đi, thành công với hàng trăm vai lớn nhỏ. Khán giả truyền hình quen nhìn tôi với vai Táo Giao thông chứ không biết rằng tôi đã thành danh với rất nhiều vai diễn như Romeo, Hamlet, Othelo, Ê-dốp, Nguyễn Trãi…Tôi cũng đóng vai chính hầu như tất cả những tác phẩm kịch của tác giả Lưu Quang Vũ.
Trở lại với câu hỏi trước đó, tôi có thể khẳng định rằng nghề chọn tôi, chứ không phải tôi chọn nghề. Thực sự mà nói, tôi hoàn toàn không thích nghệ thuật. Lý do là bởi cha mẹ tôi đều là nghệ sĩ, họ đổ vỡ từ khi tôi còn rất nhỏ. Tôi từng rất ghét nghề, nghĩ do làm nghề này mà cha mẹ từ bỏ nhau. Cho tới khi trưởng thành, tôi mới hiểu tất cả là do duyên số, do phúc phận.
Sau hơn 40 năm gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ, người đàn ông "bị nghề chọn" năm ấy đã có quá nhiều thành công với chính kịch. Không thể không kể tới vai chính trong các vở diễn lớn như Romeo trong "Romeo và Juliet", Hamlet, Othelo trong các vở kịch cùng tên, Đôn-sứt trong "Lời thề thứ 9", Tạ Quay trong "Trò đời"… Vai diễn nào khiến anh tâm đắc nhất khi nghĩ lại?
- Có thể kể tới vở kịch "Romeo & Juliet", tôi và anh Đức Hải đảm nhiệm vai Romeo cùng 3 nàng Juliet (Minh Hằng, Lê Khanh, Ngọc Huyền). Anh Đức Hải ngày xưa đẹp trai lắm, tóc xoăn tít chứ không hói như bây giờ. Chúng tôi tạo thành 2 kíp thay nhau, diễn tới 350 suất diễn trên khắp đất ước, đặc biệt rền vang tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Mỗi khi diễn xong, nghệ sỹ đi ra cửa, khán giả lại đứng đợi sẵn hai bên đường, y như các cầu thủ đội tuyển Việt Nam hiện tại. Thời đó, sân khấu kịch vẫn là món ăn tinh thần hấp dẫn bậc nhất, một vở khi mới ra sẽ diễn 60 – 70 suất không nghỉ ngày nào, không phải 70 ngày mới diễn một buổi như bây giờ (cười).
Kịch nói ngày càng vắng khán giả, hiện thực ấy không thể chối bỏ. Đứng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ một thời gian dài và chứng kiến những thay đổi của đời sống kịch nghệ tại Việt Nam, anh có khi nào cảm thấy đau lòng, hụt hẫng khi những hào quang một thời biến mất?
- 60 năm cuộc đời, hỉ nộ ái ố đều đã được hưởng, việc đông hay vắng làm sao có thể làm đau lòng tôi nữa? Thật ra, sân khấu cũng như đời người thôi, có lúc lên, lúc xuống. Quan trọng là ta biết chờ đợi, giữ niềm tin, khát vọng, phía trước ta lúc nào cũng sẽ có một cánh cửa đang chờ. Cũng không có gì phải vội vàng hay bi lụy cả…
Nghĩa là anh vẫn tin sẽ có một ngày công chúng sẽ chán màn hình điện thoại, TV, rồi họ sẽ tới sân khấu và tận hưởng không gian sống động cùng với người nghệ sĩ?
- Không có ngày đó đâu!. Ta phải chấp nhận sự thay đổi. Trước đây, một vở diễn mới của Nhà hát Tuổi trẻ có 70 – 72 suất diễn thì bây giờ chỉ 2 – 3 suất thôi, trước đây có hàng chục ngàn khán giả đến trong cùng một thời điểm thì hiện tại chỉ có 500 – 1000 khán giả, nhưng đó là những khán giả yêu mến sân khấu kịch thực thụ. Chúng ta phải chấp nhận rằng mình làm nghệ thuật và cho ra đời một số sản phẩm, những sản phẩm ấy phù hợp với mong muốn của một số người. Vậy là đủ.
Đương nhiên, sẽ có sự trợ giúp nhất định khi được nhà nước tạo điều kiện và các doanh nghiệp nhập cuộc. Thí dụ, có lần sang Nhật Bản công tác, tôi rất thích một quy định của họ, đó là khi một doanh nghiệp đóng thuế, họ sẽ phải đóng thuế cho văn hóa, hoặc doanh nghiệp đó có tài trợ cho hoạt động văn hóa thì sẽ được giảm thuế của nhà nước. Sự đồng hành này sẽ tạo nguồn dinh dưỡng nhất định cho văn hóa, từ đó văn hóa cũng phải có sự nỗ lực, vận động để đền đáp lại khán giả ở quận, thành phố đó, cho ra đời những sản phẩm đáp ứng được mong muốn của khán giả. (Tôi rất ít khi dùng từ tác phẩm, mà thường dùng từ sản phẩm). Sản phẩm làm ra cần đáp ứng được yêu cầu của những nhà đầu tư, thay vì hiện nay nhiều đơn vị nghệ thuật cho ra đời những tác phẩm không có giá trị gì, mà chỉ thỏa mãn hội đồng duyệt hay những quy định về chính sách.
Nói đi cũng phải nói lại, nhìn nhận một cách thực tế thì sân khấu chúng tôi đang không theo kịp được sự phát triển của thời đại. Chúng tôi vẫn như thế, trong khi toàn bộ các tầng/ bậc khác của lĩnh vực giải trí đã thay đổi. Vẫn sân khấu ấy, vẫn cách diễn đấy, chúng ta không phát triển lên và chẳng có gì bất ngờ khi bị người xem bỏ lại. Lâu nay, ta cứ nói tới những điều khác nhưng lại không dám đề cập tới khả năng nội tại của chính mình.
Hãy nhìn xem, Manchester United vừa phải sa thải Ole Solskjaer. Tôi rất yêu Ole, nhưng có lần tôi đã nói trên Facebook, "sân Old Trafford không cần một sát thủ mang bộ mặt trẻ thơ". Bóng đá khốc liệt lắm, nghệ thuật cũng phải khốc liệt thế mới phát triển được. Tất cả cứ làm hài lòng nhau thì không thể có sự phát triển, nếu không nói là sẽ "chết".
Anh vừa chia sẻ, anh đóng chính trong nhiều vở kịch của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ. Chắc hẳn, trong anh có một tình cảm sâu sắc với tác giả này?
- Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh không đơn giản chỉ là những tác giả, họ là tượng đài của cả đất nước xét về lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Mới đây, tên của hai anh chị cũng đã được đặt cho những con đường tại Thủ đô Hà Nội. Nhà hát Tuổi trẻ hàng năm đều khai thác vở diễn của anh Lưu Quang Vũ với những hơi thở mới, sức sống mới.
Các vở kịch của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ dù đã viết từ rất lâu (những năm 1980) nhưng từng con chữ, nhân vật, từng cấu trúc tình huống vẫn mang ý nghĩa nhân văn rất lớn. Đó là những vở kịch vì con người, không hề có vai xấu, chỉ có những nhân vật chưa được tốt. Tất cả những tác phẩm ấy đều mang tới những thông điệp sâu sắc và tích cực. Trong tháng 12/2021, tôi lại tiếp tục duyệt một vở diễn của anh Lưu Quang Vũ mang tên "Ông không phải là bố tôi", do đạo diễn Sĩ Tiến dàn dựng. Đây là vở diễn đã được mười mấy đoàn dàn dựng trong nhiều năm qua, nhưng tôi vẫn tiếp tục cho dựng lại bởi giá trị thời đại của nó.
Đã có rất nhiều nhà học thuật nói về anh Lưu Quang Vũ và các vở kịch của anh, còn riêng trong trái tim của tôi và các thành viên Nhà hát Tuổi trẻ, luôn tồn tại một góc dành cho anh Vũ với sự tôn trọng sâu sắc nhất. Sâu sắc tới độ các diễn viên trẻ hiện tại, dù sinh ra sau thời kỳ anh Vũ mất (1988), nhưng mỗi lần dựng vở của anh Lưu Quang Vũ đều đi xuống mộ anh Vũ, chị Quỳnh và cháu Mí tại Văn Điển thắp hương. Trái tim, tình yêu và những nhân vật của anh Vũ đã ăn sâu vào tâm trí họ.
Anh có còn nhớ những kỷ niệm với anh Lưu Quang Vũ khi ấy?
- Kỷ niệm thì nhiều nắm, nhưng thực sự lúc nào trong đầu tôi cũng ám ảnh thời kỳ anh Vũ, chị Quỳnh còn vất vả. Đó là giai đoạn đầu những năm 1980, khi anh Vũ xuất hiện ở Nhà hát Tuổi trẻ với chiếc áo sơ mi trắng, quần bộ đội, đi dép rọ màu nâu, tay cầm một cuốn vở học sinh và nở nụ cười hiền hậu. Anh ngồi chính vị trí này ngày xưa, đợi cả mấy tiếng, trong lúc cô Thành dạy và dựng vở cho chúng tôi ở trên sân khấu. Khi xuống dưới, cô Thành ngạc nhiên cất tiếng hỏi: - "Vũ à, em tới từ bao giờ đấy"; - "Dạ, em tới lâu rồi chị ạ"; - "Em có gì thế", - "Em có kịch bản mới gửi chị". Đám diễn viên trẻ chúng tôi quay sang, mới biết đó là tác giả Lưu Quang Vũ. Lúc này, anh còn chưa nổi tiếng.
Những ký ức về một thời vất vả của anh Vũ, chị Quỳnh cứ lưu giữ mãi trong lòng tôi, nhắc tôi nhớ về một con người hết mình vì nghệ thuật. Thiên mệnh bắt anh Vũ phải viết và viết 41 tác phẩm trong một thời gian rất ngắn, thiên mệnh đặt số phận của hai anh chị vào một sự mất mát chung. Thiên mệnh mang anh Vũ tới cứu sống một nền sân khấu nói chung và nhiều nhà hát nói riêng trong cả một thời kỳ, trong đó có Nhà hát Tuổi trẻ.
Đến năm 2013, tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ, trợ lý cho anh Nhuận (khi đó anh Trương Nhuận đang là Giám đốc), tôi liền xin anh Nhuận dựng lại các tác phẩm của anh Lưu Quang Vũ đều đặn hàng năm. Năm 2013, chính tôi dựng lại vở "Mùa hạ cuối cùng", thổi vào trong đó một luồng gió mới với trái tim đầy tình yêu thương và sự sùng kính dành cho anh Vũ. Tôi đã may mắn giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ, vượt qua 15 vở diễn khác của các đoàn nghệ thuật trong cả nước.
Diễn chính trong hàng loạt vở kịch của nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, có khi nào anh Vũ đưa ra lời khen chê gì đối với những nhân vật mà anh đảm nhiệm?
- Sinh thời, từ khi bắt đầu nổi tiếng đến lúc qua đời, anh Vũ luôn giản dị, khiêm nhường và chẳng bao giờ nói xấu ai. Có lẽ cũng có lúc anh cười khi xem một vở diễn, nhưng ít lên tiếng khen chê. Và tôi đồ là anh Vũ không bao giờ chê ai cả.
Mọi người khi đọc tới đây, có thể nghĩ rằng bởi anh Vũ giờ đây đã là vĩ nhân nên tôi nói vậy. Nhưng phải là người tiếp xúc với anh Vũ, chị Quỳnh thì mới hiểu được nhân cách của họ. Những con người như thế bây giờ hiếm lắm. Họ không nghĩ về mình, cũng không thấy họ nghèo, họ khổ. Họ sống bằng khát vọng, niềm tin trong họ, họ sống bằng sự thanh cao, sống để tạo ra những thông điệp cho con người trong nhiều thế hệ.
Tôi nghĩ cho tới về sau, hay chí ít là vài chục năm nữa, những vở diễn của anh Vũ vẫn có thể được dựng lại, chúng không bao giờ cũ cả. Tham gia những vở kịch của anh, tôi luôn có một niềm tin đặc biệt, một điều gì đó thôi thúc từ bên trong rằng mình phải sống như thế nào cho có ý nghĩa. Những lời đao to búa lớn, khẩu hiệu rằng hãy là người này, người nọ xét cho cùng đều sáo rỗng. Ta chẳng là ai cả, hãy là chính mình và hành xử tốt đẹp, nhân văn. Anh Vũ đã nhắn gửi mọi người như vậy.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống, chắc hẳn Nhà hát Tuổi trẻ cũng không thoát khỏi những khó khăn chung. Anh có loay hoay trước thực trạng này?
- Hai năm Covid-19, sân khấu đương nhiên vô cùng ảnh hưởng. Bạn cũng biết nghệ sĩ chỉ trông hoàn toàn vào thu nhập từ những vai diễn, dù thù lao ít ỏi. Chúng tôi may mắn là nhà hát TW, có đồng lương cơ bản. Đơn vị vẫn được đặt hàng dựng những vở diễn khác nhau, so với sân khấu trong Nam, các anh chị ấy khó khăn hơn gấp bội phần.
Nhưng nói một cách thẳng thắn thì sân khấu đã gặp nhiều khó khăn ngay từ trước khi có dịch. Khi mới lên làm Giám đốc, tôi đã phải làm một việc vô cùng đau lòng nhưng đúng luật, đó là ký danh sách tinh giảm 74 người khỏi biên chế lương của nhà hát, không còn hợp đồng 6 tháng, không còn hợp đồng thời vụ. Cả những nghệ sỹ gạo cội như Vân Dung, Tuấn Anh cũng buộc phải "ra đường" do không đủ bằng cấp, giấy tờ. Tôi có cái đau đáu mà có người hiểu, có người không hiểu.
May mắn là Nhà hát Tuổi trẻ có một thứ vũ khí lớn – đó chính là khát vọng. Tôi vẫn hay đùa rằng tôi đang giữ 151 linh hồn vật vờ tại nhà hát, đúng nghĩa là vật vờ bởi trong số đó có tới hơn 70 người không có lương. Thế nhưng, mỗi dịp liên hoan, hội họp, nhà hát vẫn quy tụ tới 200 người, cả những người đã về hưu, chẳng ai từ bỏ. Không phải họ không có chỗ đi, nhưng tôi nói với họ rằng, hãy cứ cùng nhau, chúng ta chập những khát vọng nhỏ lại, dể tạo thành một khát vọng lớn.
Đã 4 năm anh gánh vác trọng trách của Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ. Việc lãnh đạo một tập thể nhiều tài năng, nhưng cũng rất giàu cảm xúc và nhạy cảm có khi nào khiến anh stress?
- Về điều này thì hãy cho tôi ngạo mạn một chút. Tôi biết tôi như thế nào, ngay từ ngày bé đi học, tôi đã có tố chất làm lãnh đạo. Tại trường, tôi luôn làm lớp trưởng, liên đội phó. Sau này, trên bàn nhậu, tôi cũng luôn là người dẫn đầu. Thậm chí, có đôi khi đi chơi, đến chỗ rẽ cả đoàn đều nhao lên hỏi tôi: "Phải rẽ đâu hả Trung". Tôi mà chưa chốt thì chưa rẽ.
Nói chung, tôi sinh ra để làm lãnh đạo. Tôi làm giám đốc như một lẽ đương nhiên, trước đó tôi đã làm trưởng đoàn mấy chục năm và nếu được giao sớm hơn, chắc hẳn công việc của tôi còn tốt hơn nữa.
Cũng bởi tố chất của tôi là làm lãnh đạo, nên những tính từ như hạnh phúc, đau lòng, đắng cay hay vui sướng, với tôi đều không nhiều ý nghĩa. Tôi là người duy lý, không dễ dàng bị xao động, nhưng quyết định luôn đầy đủ tính nhân văn, tình cảm. Nhưng tình cảm thì tôi giấu trong lòng, với vẻ ngoài - có lẽ là hơi độc đoán và khắc kỷ.
Khi nãy anh nói hãy coi các vở diễn như một sản phẩm, vậy còn Nhà hát cũng nên coi như một đơn vị kinh doanh?
- Đúng vậy! Khi quản lý Nhà hát Tuổi trẻ, tôi luôn coi nhà hát tới như một doanh nghiệp, phòng tổ chức biểu diễn chính là phòng bán hàng, bạn sẽ đặt hàng các phòng xung quanh để bán món hàng đó cho tốt. Cần xác định thành một bộ máy như thế, nhà hát mới tồn tại được. Đừng nghĩ mình là "người sáng tạo", "người đem lại ước mơ cho người này người kia". Ôi không, đó chỉ là những mỹ từ sáo rỗng.
Có câu hát "Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời". Anh đã đi qua 60 năm, nếu ví cuộc đời mình như một trận bóng đá – môn thể thao mà anh yêu thích, theo anh, mình thắng, thua hay hòa. Trên sân bóng ấy, anh là cầu thủ tấn công hay phòng ngự?. Và đó có phải là một trận đấu khốc liệt?
- Trận đấu đã kết thúc đâu, và thắng thua là chuyện thường tình. Chả bao giờ tôi hả hê khi ghi một bàn thắng hoặc buồn khổ khi nhận về một bàn thua cả, trong khi phút cuối của trận đấu lại đang ở Mai Dịch (cười). Tuy vậy, để nhìn lại cuộc sống này, tôi tự hào là "tôi đã sống". Tôi đã sống đúng tôi, chẳng lệ thuộc, chẳng cầu xin ai, cũng chẳng cho ai cái gì. Thứ gì tôi có tôi tận hưởng, thứ không có thì tôi không bao giờ thèm, cũng không bao giờ lụy. Nói không tham vọng, không sân si thì không đúng, bởi thế thì biến thành đồ vật. Tôi vẫn có những thứ đó, nhưng biết kiềm tỏa và chế ngự.
Đến giờ này, tôi bằng lòng với những gì mình có được, bằng lòng cả những gì mình không có hoặc đã mất mát.
Dường như mất mát phần nào đã thay đổi con người anh, phía sau những nụ cười, tôi cảm giác như đâu đó trong anh, có những niềm vui đã không còn nguyên vẹn?
- Sau chuyện tan vỡ của gia đình, tôi mới hiểu rằng cuộc đời có phúc có phận. Mình không nên đau khổ nhiều, cũng chẳng hả hê quá với hạnh phúc mới. Tôi chỉ biết rằng mình cứ sống tiếp đi, và quan trọng, có một điều đừng bỏ quên, đó chính là bản thân mình. Bạn mà bỏ quên bạn, chồng bạn sẽ khinh bạn đầu tiên, sau đó con bạn cũng coi thường.
Tôi từng làm đủ thứ để có tiền đến mức lãng quên chính mình, nhưng cuối cùng tôi nhận ra mình không nên như vậy.
Có người chơi bóng với tài năng bẩm sinh như Messi, cũng có người thành danh nhờ nỗ lực như Cristiano Ronaldo. Anh giống ai nhiều hơn?
- Tôi là Ronaldo, một kẻ nhiều người yêu nhưng cũng rất nhiều người ghét. Quan trọng là, Ronaldo luôn sống với vị trí của một chủ thể, cậu ấy nỗ lực hết mình, nhiều khi không may mắn nhưng điều đó không quan trọng. Ronaldo biết bực bội khi không đạt được ham muốn, biết sung sướng khi chạm tới vinh quang. Cậu ấy sống như chính con người cậu ấy, và tôi cũng vậy, tôi dám là chính tôi – không có gì phải ngại.
Trong trận bóng cuộc đời, thẳng thắn mà nói, có khi nào anh va chạm với chính đồng đội của mình chưa?
- Không, tôi chả dại. Các cụ có câu: "Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh người ta xong mặt lại vàng như nghệ!".
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
No comments