Tục cúng Ôn thần phòng trừ dịch bệnh ngày Tết mang ý nghĩa như thế nào?
Trao đổi với báo Dân Việt, PGS.TS Trần Hữu Sơn đã chia sẻ về các nghĩ lễ và ý tầm quan trọng của lễ cúng Ôn thần trong tâm thức người Việt.
Theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, tục lễ cúng Ôn thần phòng trừ dịch bệnh ngày Tết là hoạt động tín ngưỡng văn hóa có từ lâu đời. Chia sẻ về nguồn gốc của tục cúng Ôn thần, PGS.TS Trần Hữu Sơn cho biết: "Tục cúng Ôn thần đã có từ trước khi mỗi ngôi làng được hình thành. Trong công xã nông thôn (tiền thân của làng) các hoạt động thờ cúng thể hiện sự giao lưu giữa con người với môi trường tự nhiên. Do đó, khi văn hóa làng ra đời, tục cúng ôn thần tiếp tục được duy trì và tiếp nối theo thời gian.
Người xưa có quan niệm thuyết linh vật được hiểu là vạn vật đều có linh hồn. Trong đó có sự phân chia giữa ma thiện và ma ác. Do đó, những điều xấu xa, không tốt đẹp được xếp vào ma ác, hay còn gọi là Ôn thần. Từ đó, đồng bào các dân tộc thường có phong tục đuổi ma ác trong dịp đầu năm".
"Các nghi lễ trong hoạt động cúng Ôn thần ngày Tết vô cùng đa dạng, mỗi dân tộc lại có một các làm khác nhau. Với các dân tộc thiểu số, họ thường tu tập lại với nhau thành đoàn. Các thành viên trong đoàn sẽ mang theo gậy gộc và các loại nhạc cụ khác nhau. Đoàn người sẽ cùng nhau đi xua qua nhà trưởng bản, nhà thầy cúng và các gia đình trong bản.
Hoạt động này sẽ được thực hiện từ đầu bản tới cuối bản. Khi đến cuối làng, đoàn người sẽ thực hiện các nghi lễ để dồn những điều xấu này xuống một cái bệ. Sau đó dân bản sẽ đem điều xấu này đến những khe suối và đổ đi. Nghi lễ kết thúc cũng là lúc dân bản có thể yên tâm khi ôn thần đã bị đuổi đi hết", PGS.TS Trần Hữu Sơn cho biết.
Với đồng bào người Mông tại một số địa phương, nghi lễ cúng Ôn thần là dịp để mọi người đuổi hết những điều không may mắn trong năm cũ. Nghi lễ cúng Ôn thần của người Mông sẽ được tổ chức tại nhà người trưởng họ. Trong lễ cúng này, dân bản sẽ chuẩn bị một con dê để thầy cúng làm phép. Sau đó, thầy cúng sẽ xua đuổi để con dê chạy đi. Đây là hành động được coi như xua đuổi những điều không may mắn chạy đi. Khi con dễ chạy đến cuối bản, dân bản sẽ cùng nhau làm thịt con dễ và phải ăn ngay tại đó chứ không được phép mang về nhà.
Đánh giá về ý nghĩa của phong tục cúng Ôn thần trong những ngày đầu năm, PGS.TS Trần Hữu Sơn cho rằng: "Tập tục cúng Ôn thần mang nhiều ý nghĩa và thể hiện quan điểm ứng xử giữa con người với thiên nhiên. Con người đã đặt niềm tin vào thiên nhiên cùng quan điểm vạn vật đều linh. Do đó, con người phải có các đối xử phù hợp với vạn vật. Đồng thời phải đuổi những cái xấu, điều ác ra khỏi làng.
Đây cũng là biểu hiện minh chứng cho cuộc sống trong sạch của làng, không để điều xấu có thể tồn tại trong mỗi làng quê. Đây là một quan niệm nhân văn về bài trừ cái ác, giữ gìn cuộc sống bình yên trong mỗi cộng đồng".
No comments