Đạo diễn Trần Lực kể về những cái Tết thiếu thốn, xa nhà... - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Đạo diễn Trần Lực kể về những cái Tết thiếu thốn, xa nhà...

Những cái Tết thiếu thốn đủ thứ của cậu bé Trần Lực

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ký ức những cái Tết xưa của gia đình đạo diễn – NSƯT Trần Lực có điều gì khác biệt?

Tôi thấy rất vui và may mắn vì bố tôi là đạo diễn, tác giả còn mẹ tôi là nghệ sĩ chèo. Lúc nhỏ, tôi được bố mẹ gửi ở quê sống với bà, vì vậy tôi được hưởng những cái Tết quê. Tôi nhớ mãi Tết thời đó, trẻ con chúng tôi háo hức vô cùng. Cứ đến giáp Tết là hợp tác xã sẽ mổ trâu, bò và chia ra mỗi phần một nhà được một vài miếng thịt, xương. Có năm thì thêm một chút bánh kẹo, mứt Tết. Đặc biệt gần đến Tết sân kho cũng sẽ có biểu diễn văn nghệ và dì của tôi thường biểu diễn chèo ở đó. Tôi nhớ mãi dì tôi hát rất hay và dàn nhạc đánh lúc đó cũng rất ấn tượng. Tôi thường chọn chỗ gần dàn nhạc và say sưa xem dì tôi diễn chèo. Với tôi những cái Tết khi đó đẹp và thiêng liêng vô cùng, đó như là cả bầu trời tuổi thơ của tôi vậy. 

Tết vui nhưng đôi khi kí ức về Tết lại khiến chúng ta bồi hồi xúc động, anh có chung cảm xúc, quan điểm này?

- Mỗi lần nhớ đến những cái Tết thuở nhỏ ở quê tôi lại thấy nao nao trong lòng vì lúc bấy giờ bố mẹ tôi đi diễn, tôi với bà ở nông thôn. Mọi người biết rồi thiếu thốn đủ thứ và những cái Tết ấn tượng với tôi bởi mỗi lần bố mẹ tôi về là có thịt, có bánh chưng, có mứt Tết. Tôi nhớ mãi hộp mứt Tết ngày xưa trong đó hổ lốn lung tung nhiều thứ nhưng với trẻ con bọn tôi thì đó lại là cả một trời yêu thương. Chúng tôi thấy ngọt thấy ngon vô cùng. Một tí mứt bí đao, một chút mứt dừa, một chút mứt gừng... 

Tôi còn nhớ trong hộp mứt có quả táo tàu khô quắt queo, cả nhà và bà ngoại biết tôi thích luôn để dành cho tôi ăn. Dịp Tết bố mẹ mang về cho tôi quần áo, giày dép, mũ và nhiều thứ mới. Thực sự tuổi thơ của tôi đẹp nhất là ngày tôi được ở quê với bà và bố mẹ tôi về chỉ là những ngày 29, 30 mùng 1 Tết. Hết mùng 1, bố mẹ tôi lại trở về thành phố với công việc biểu diễn. Tôi nhớ có một cái Tết, lúc đó tôi còn đang bám mẹ thì bố mẹ lại phải đi.  

Đạo diễn - NSƯT Trần Lực kể về những cái Tết thiếu thốn, xa nhà và trọn vẹn - Ảnh 2.

Đạo diễn Trần Lực và các học trò của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Ảnh: NVCC

Tết của du học sinh Trần Lực: Thắp hương đúng thời khắc giao thừa ở quê nhà

Đó là kỷ niệm về những cái Tết thời thơ ấu bên bà ngoại ở quê. Vậy còn với những cái Tết khi anh đi học xa nhà thế nào? Khi xa quê vào giờ khắc năm mới đến, anh thường làm gì để cảm nhận được hương vị của ngày Tết?

- Với tôi những ngày Tết luôn có ý nghĩa rất đặc biệt. Khi là du học sinh ở Bulgaria dịp Tết cổ truyền thường hay rơi vào những ngày sinh viên chúng tôi có lịch học của trường. Thế là chúng tôi phải sắp xếp để có thể tụ họp cùng nhau tận hưởng không khí Tết. Theo tôi với người Việt Nam mình Tết rất quan trọng và có ý nghĩa thực sự rất thiêng liêng. Bởi vậy mà lớp sinh viên chúng tôi hồi ấy dù thế nào cũng sẽ cùng nhau tổ chức để cùng ăn với nhau bữa cơm Tết. Có khi là đi mua mọi thứ về bày biện, cũng có lúc được gia đình gửi sang. Thời đó đi lại khó khăn nhưng ai cũng cố gắng một chút để được gặp nhau, cùng chờ đợi giờ khắc giao thừa ấm cúng. 

Mặc dù lệch nhau đến 6 tiếng nhưng cứ đúng giao thừa ở quê nhà đốt pháo thì ở bên ấy chúng tôi cũng thắp hương khấn và sau đó là vui đùa và uống rượu. Chúng tôi bao gồm một nhóm bạn chơi rất thân với nhau. Đều là các bạn cùng học ở trường nghệ thuật với tôi. Chúng tôi thường nhảy "đầm" và ăn uống rất vui vẻ. Có năm Tết đến vào đúng kỳ thi, chúng tôi phải bật nhạc nhỏ để giữ trật tự ở khu sinh viên. Mặc dù vậy vẫn thấy không có gì cản nổi cuộc vui mừng năm mới của mình cả. Đó thực sự là những cái Tết đáng nhớ đối với tôi.

Một cái Tết trọn vẹn của đạo diễn Trần Lực

Anh quan niệm như thế nào về Tết và giá trị của các nghi lễ đầu năm của người Việt đã có từ ngàn xưa?

- Tôi nghĩ cuộc sống dù có biến đổi thế nào đi chăng nữa nhưng ý nghĩa của ngày Tết chẳng bao giờ thay đổi cả. Gia đình tôi luôn có truyền thống vào những ngày như 23 tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo, bữa cơm tất niên vào ngày 30 rồi cúng mùng 1, mùng 2, mùng 3. Chúng tôi vẫn theo phong tục như vậy từ nhiều năm nay và ngày Tết với chúng tôi là ngày những thành viên trong gia đình gặp nhau. Họ hàng cũng vậy, chúng tôi thường qua nhà nhau. 

Mặc dù cũng tích cực gặp nhau trong năm thế nhưng trong ngày Tết cuộc gặp ấy mang không khí Tết và một ý nghĩa kỳ lạ lắm! Nó rất thiêng liêng, anh em bạn bè hoặc họ hàng gặp nhau ngày Tết khác hẳn ngày thường bởi còn có những lời chúc cho một năm mới tốt hơn, ngồi ôn lại những kỷ niệm trong năm vừa rồi hoặc những năm trước nữa...

Đạo diễn - NSƯT Trần Lực kể về những cái Tết thiếu thốn, xa nhà và trọn vẹn - Ảnh 3.

Trần Lực và bố là NSND Trần Bảng. Ảnh: NVCC

Nghi lễ nào của ngày Tết khiến anh thích nhất?

- Với tôi việc trang trí bàn thờ ông bà tổ tiên có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Đó là nghi lễ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam ta. Những tâm thế của chúng ta dành cho ngày Tết dành cho sự sum họp gia đình, lòng biết ơn đối với ông bà, cha mẹ và cao hơn nữa là gia tiên, các cụ.

Tôi thấy ngày Tết ở Việt Nam cũng là lúc các gia đình dòng họ quay về tưởng nhớ tới họ mạc, cội nguồn của mình là một phong tục rất đẹp. Dù có đi đâu làm gì thì vào dịp Tết việc trở về quê hương gặp lại gia đình, thắp nén hương thơm tưởng nhớ các cụ vẫn là niềm mong mỏi của rất nhiều người. Vào những ngày 27, 28 Tết là gia đình chúng tôi bắt đầu mua sắm để trang hoàng nhà cửa đặc biệt là chăm chút cho bàn thờ tổ tiên luôn ấm cúng đủ đầy có hoa nến, bánh trái, chè, hương. 

Về tục khai bút ngày xuân anh có hứng thú thực hiện việc này?

- Bao giờ cũng thế, cứ đến ngày Tết theo đúng phong tục tập quán, tức là vào ngày mùng 1, tôi sẽ tiến hành khai bút. Tôi mở máy tính lên và bắt đầu tụ tập trung. Tôi thấy kỳ lạ lắm lúc đó mình ngồi tập trung khủng khiếp. Bắt đầu một năm mới bắt đầu một trong những chuỗi ngày 365 ngày mới tôi muốn bắt đầu với những dự định về công việc sắp tới và phác thảo trước như vậy. Năm nào cũng thế, đúng ngày mùng 1 là tôi thực hiện một cách chỉn chu và bài bản. Trong lòng có rất nhiều cảm xúc, sự hào hứng và niềm vui. Có điều khai bút ngày xưa là có bút có giấy còn bây giờ thì chúng ta mở máy tính lên và làm việc thôi.

Anh nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, khoảnh khắc năm mới vừa đến sẽ làm chúng ta hạnh phúc hơn?

- Đêm giao thừa đúng là thời khắc mà theo tôi vô cùng đặc biệt. Tôi không biết tả thế nào cả nhưng đúng là cảm thấy mình hạnh phúc hơn. Thật sự khi chứng kiến thời khắc ấy hồi còn thanh niên thì bọn tôi chạy ra đường cùng hòa vào dòng người đi chơi xuân. Cả đám bạn chúng tôi lúc đó thường ngày rất hay chí chóe nhưng vào thời khắc giao thừa tự dưng nhìn nhau lại thấy yêu thương biết bao.

Tôi nhớ hồi đó chúng tôi thường ra bờ hồ trời thì mưa xuân nhè nhẹ. Chúng tôi cùng đội mũ rồi đốt pháo với nhau, pháo của một băng pháo xé lẻ nhét vào túi rồi đốt đoàng đoàng với nhau. Bây giờ, tôi làm chủ một gia đình rồi, không còn trẻ tuổi nữa thì đêm giao thừa lại có một cảm giác hạnh phúc khác. Tôi phải làm lễ cúng cúng tổ tiên trong nhà, cúng ngoài trời để cúng trời đất. 

Gia đình anh có tận hưởng những chuyến đi chơi xa vào dịp đầu năm mới?

- Năm mới cũng là dịp để nhiều gia đình đi chơi xa và điều đó rất thú vị, đối với gia đình tôi cũng vậy. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình khi mẹ tôi đã mất và giờ chỉ còn bố tôi nên tôi muốn dành trọn vẹn những ngày đầu tiên của năm mới cho bố tôi. Các con tôi thì một số có thể vào Nam thăm quê ngoại. Còn tôi là con trai và cũng là người trông nom nuôi dưỡng cụ đã gần 100 tuổi rồi nên tôi muốn các con, cháu ở Hà Nội thì cùng hưởng Tết bên bố, bên ông, bên cụ. Ngoài mùng 3 Tết ra, các cháu có muốn đi đâu chơi thì hãy đi. Với tôi một cái Tết như thế coi như là trọn vẹn!

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin! Chúc anh và gia đình năm mới luôn luôn mạnh khỏe có thêm nhiều niềm vui mới và bình an!

No comments