Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Nhớ ngày cận Tết, ông tôi đánh giày...
Ông "ừ" qua loa, vội bước vào trong buồng. Ông cặm cụi, tỉ mẩn... đánh giày.
Đôi giày da ấy vốn của tôi. Một lần nghe tôi định mua giày mới, ông nói: "Đừng có bỏ, cho ông!". Tôi bảo màu da giày đã cũ, cháu sẽ mua đôi giày mới tặng ông. Ông xua tay, đừng mua, tốn tiền. Ông xin đôi giày này là được rồi. Để có dịp đi đám cưới, giỗ chạp, hay Tết nhất thì mang.
Ông lấy áo cũ lau hết bụi bẩn trên giày. Ông lau kỹ đến mức, không còn chút bùn, đất gì dính trên viền đế, mũi hay gót... Ông nhúng khăn ướt, lau sơ qua. Lúc chờ giày ráo, ông dặn, mùng Hai với mùng Ba Tết, nhớ tranh thủ chở ông đi thăm sui gia với mấy người bà con ở xã khác. Tôi dạ, rồi chọc, bữa đó ông mang giày chứ? Ông cười, chứ sao nữa, nên nay cận Tết phải lo đánh giày...
Ông đổ dầu dừa ra chén, thấm dầu dừa quanh giày. Ông lấy khăn lau cẩn thận khắp bề mặt giày. Lau đi rồi lau lại. Cầm lên ngắm nghía. Phủi phủi, thổi thổi, ông lại lau. Thoáng chốc, đôi giày cũ nhờ ông lau chùi bằng dầu dừa đã trở nên bóng bẩy. Ông nở nụ cười, gật gù, lòng vui phơi phới. Ông dặn, bà có hỏi ông lấy dầu dừa làm gì, đừng có khai nghen. Chứ bả biết, bả la ông đó. Tôi dạ dạ, mắt cứ nhìn vào đôi giày vừa được ông giúp "tái sinh" lại bóng loáng. Những vết rạn nứt trên da giày lúc trước dường như chẳng còn. Đôi giày thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ của dầu dừa.
Lúc hai ông cháu cùng lau dọn bàn thờ tổ tiên, tôi hỏi sao ông biết loại "xi đánh giày" mang tên dầu dừa hay vậy? Ông cười, kinh nghiệm dân gian mà ra thôi. Ông kể, dầu dừa hay lắm, chống nứt và bảo quản bề mặt da giày bền đẹp hơn. Rồi giúp chống bụi, chống nước. Đánh giày bằng dầu dừa thì da giày mềm mại, đi không có đau chân...
Tết năm đó, mùng nào ông cũng mang giày. Gặp ai ông cũng khoe, thấy giày tui đẹp không? Thằng cháu đích tôn cho tui đó... Nhìn ông cười vui, lòng tôi ngập tràn hạnh phúc.
Nhưng Tết năm đó cũng là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy ông mang giày. Vì sau đấy chừng nửa năm, ông đã đi xa về cõi vĩnh hằng. Đấy là cái ngày, khi nghe tin ông giã từ cõi trần tôi đã bật khóc giữa xứ người xa lạ. Dự định Tết về sẽ mua tặng ông một đôi giày mới chẳng còn cơ hội để thực hiện. Ông đã phiêu diêu miền cực lạc...
Cái Tết đầu tiên vắng ông, cả nhà buồn hiu hắt. Bà nhớ ông, lại chỗ bàn thờ, nhìn di ảnh, thẫn thờ. Bà bảo, năm ngoái, cũng cái ngày mùng Hai này nè, ổng mang đôi giày vô rồi đi chúc Tết khắp xóm. Còn năm nay... Giọng bà đứt quãng. Nước mắt bà lăn dài trên má.
Ông đi cũng mấy năm rồi. Vắng ông, bà chỉ lẻ loi một mình. Quanh năm, cháu con rong ruổi khắp nơi để mưu sinh. Nên lắm lúc nhớ ông, bà chỉ biết nhớ lại rồi giữ cho riêng mình chứ chẳng thể chuyện trò cùng ai. Chỉ đến dịp Tết, khi con cháu quay về tề tựu, bà mới có dịp để trải lòng.
Có cái Tết năm nào đấy, bà sực nhớ kỷ niệm cũ, nên hỏi tôi, hồi ông lấy dầu dừa làm chi vậy? Tôi kể thiệt. Bà cười, hèn chi kêu ổng mua đôi giày mới mang Tết, mà ổng không chịu. Ổng nói đôi này còn mới. Tính ổng vậy đó, cứ hà tiện, không mua gì cho bản thân. Bán bao lúa, bao bắp... được đồng nào là ổng để dành. Ổng nói để dành có mà Tết lì xì cho con cháu. Bà kể, cũng Tết năm đó, hai mấy tháng Chạp ổng đi chợ huyện, mua cho bà sấp vải, đem về nói bà may bộ đồ mới mặc Tết... Bà kể mà giọng bà rưng rức.
Bà bảo, nhắc dầu dừa mới nhớ, cái hồi mới quen nhau, một lần bà đau họng. Ổng hay lắm, đêm hò hẹn, ổng đem qua một ít dầu dừa, kêu ngậm đi. Nghe lời ổng, vậy mà họng bà hết đau, hết sưng.
Rồi cái hồi mới cưới nhau về. Ổng hay lấy dầu dừa để vuốt lên tóc bà. Nhờ vậy mà bà có mái tóc óng mượt, rất dày, rất đẹp. Nghe xong, tôi chọc bà, hóa ra, hồi xưa, ông cũng ga lăng thật. Bà cười.
Và Tết nào cũng vậy, tôi cũng được nghe bà kể thêm những kỷ niệm về ông. Những kỷ niệm xưa cũ mà bà đã lưu lại trong tâm khảm suốt cả hàng chục năm trời.
Riêng tôi, kỷ niệm về cái Tết cuối cùng ông sống ở dương gian vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Là cái hồi gần Tết, ông lén lấy dầu dừa của bà để làm... "xi đánh giày". Hình ảnh ông cặm cụi, tỉ mẫn đánh giày, tôi mãi nhớ như in. Tôi nhớ cả nụ cười ngập tràn niềm vui của ông khi mang giày đi chúc Tết. Cái đôi giày cũ thoang thoảng mùi thơm dịu nhẹ của dầu dừa...
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
No comments