Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi": Tết của tuổi thơ tôi
Tết đối với chúng tôi là những ngày thần bí và sung sướng. Lũ trẻ con cấp một thường học đến độ 25-26 Tết thì được nghỉ, đó là một kỳ nghỉ dài trọn vẹn. Chúng tôi sống ở khu nhà chung dành cho cán bộ giảng dạy khoa Hóa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở phố Hàng Chuối.
Thế nên, Tết là dịp lũ trẻ con có dễ đến hai chục đứa từ 8 gia đình sống cùng nhau trong khu biệt thự Pháp cũ ấy túm tụm lại trên sân thượng chơi đủ các trò, và cuối cùng thì nằm dài trên mái tôn mát lạnh của nhà in Tổng hợp, vừa nghe kể chuyện ma, vừa rúc vào nhau trong hương thơm thoảng thoảng của mùi đường cháy nhà ai sên mứt đêm.
Tết của chị em tôi, có lẽ ấn tượng về "ăn" không mạnh như trong bài báo của Lê Hoàng, vì thời đó bố mẹ tôi đã cố gắng vận dụng hết khả năng hóa học trong nghề để "tăng gia" sản xuất thuốc đánh răng, nên có thể nói kinh tế mấy nhà trong khu chúng tôi cũng dễ thở hơn.
Trước Tết, bao giờ bố tôi cũng làm một cuốc xe đạp về Yên Phong mua ít thịt, trứng, gan lợn..., hàng chợ đen, lại muốn mua rẻ chút, nên phải đi về tận quê mẹ tôi mới mua được. Bánh chưng thì mấy nhà rủ nhau gói chung, luộc chung cho đỡ tốn củi. Làm một cái thùng tôn to đặt giữa sân, lửa cháy liu riu, ấm áp đến hết đêm, lũ trẻ con chúng tôi khoái nhất công đoạn này.
Có một mùa Tết, tôi chẳng nhớ rõ năm nào, nhưng chắc chắn đó là cái Tết "hoành tráng" nhất, khi mẹ tôi quyết định thịt lũ thỏ nuôi suốt mấy tháng qua, thuộc da, may cho hai chị em 2 cái mũ lông thỏ, một trắng muốt, một màu ghi lông chuột. Mũ thì không được mốt như kiểu mũ bê rê, mũ đầu bếp thịnh hành bây giờ, mà y như mũ của các chú bộ đội hồng quân Liên Xô, mũ vuông, có 2 cái dải buộc qua tai, trông đội lên cứ như mấy bạn dân tộc vùng Trung Á ấy. Thế mà chúng tôi khoái đến thế, cứ ôm mãi cái mũ vào lòng, vuốt ve bộ lông mềm mịn của nó.
Tết còn là những ngày bố đem về vài bánh pháo đỏ hồng rực rỡ, bánh dài, bánh ngắn, to nhỏ khác nhau để "đua" với tiếng pháo các nhà đêm 30 và sáng mùng 1. Bố chẳng biết mua pháo, gặp đâu mua đó, nên thường là pháo xịt, nhưng vẫn thấy vui với cái mùi thơm khen khét ấy.
Tết là những ngày mẹ về muộn làm hai chị em ra tận góc phố đầu ngõ 2, có khi còn chạy tuốt lên ngõ 1 hóng tiếng xe đạp cũ xè xè của mẹ. Mẹ về, khi thì thơm nức mùi bánh quy vừa nướng nhờ ở ông lò nướng phố Lò Đúc (mẹ mang bột đi từ sáng mà cũng phải cỡ 7 giờ tối mới có bánh), có năm còn có cả mấy mẻ bánh sữa đúc trong cái mẹt nhôm tròn, làm tôi và em trai tranh nhau cậy mấy cái vụn bánh cháy, cãi nhau mãi không thôi.
Nhà tôi hình như không làm cơm Tất niên, hoặc giả là có, nhưng không đến mức sang trọng, mà cũng chỉ như những bữa bình thường khác, nên tôi chẳng có ấn tượng gì về nó cả. Chỉ nhớ chiều tối muộn chúng tôi được tắm rửa sạch sẽ và khoác lên mình bộ cánh tươm nhất: tươm vì chắc chắn có một thứ gì đó là đồ mới tinh, hoặc áo, hoặc quần, hoặc mũ... Hai chị em trèo lên gác-ba-ga của 2 chiếc xe đạp cũ, và được bố mẹ chở vào khu Ký túc xá Lò Đúc để chúc Tết. Thời ấy, chả ai có thói "Tết" sếp cả, mà chỉ đi chúc Tết anh em, bạn bè thôi.
Nhà tôi thế nào cũng về trước 11 giờ đêm để chuẩn bị cho việc đốt pháo, cái công việc được lũ trẻ con chúng tôi mong đợi nhất trong dịp Tết. Khi tiếng pháo đì đùng cất lên, cũng là lúc bố tôi cẩn thận buộc bánh pháo dài qua hàng lan can ban công chính giữa sân, để tiếng pháo có thể nghe giòn giã nhất...
Nhớ biết bao những Tết xưa đi cùng năm tháng, những hoài niệm chẳng thể nào phôi pha!
Cuộc thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo điện tử Dân Việt mở ra với mong muốn nhận được những bài viết (thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên báo chí - BTC) chia sẻ những suy tư, cảm xúc, những câu chuyện có thật của bạn đọc về những ngày Tết trong quá khứ, những hình ảnh, cảm xúc theo năm tháng vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi người. Để từ đó, chúng ta trân trọng và nâng niu hơn những khoảnh khắc mà ta đang sống.
Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email vhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 10 ngày, từ ngày 29/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 7/2 (tức mồng 7 Tết Nguyên đán Nhâm Dần), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ký ức Tết trong tôi" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
No comments