Kể chuyện làng: Chuyện bánh tét quê tôi
Nhà tôi chuẩn bị nguyên liệu gói bánh tét gần cả năm
Bà đội về, dùng chân đạp lấy thóc nếp mang phơi khô, quạt sạch đổ vào lu cất để dành cuối năm làm bánh Tết. Để có củi nấu bánh, cha tôi phải nhặt nhạnh cả năm trời, khi là khúc củi trôi sông tấp vào bến bờ nào đó, cha tôi vác về; khi là những gốc tre đã cỗi sau hè, cha tôi cần mẫn đào bửa phơi khô… Nhà có nuôi heo nên trồng dăm bụi chuối chát, cuối năm cắt đủ lá gói bánh. Mẹ tôi còn đi hái thuê ngoài bờ bãi để có đậu xanh làm nhân bánh tét.
Hàng năm, cứ đến ngày 28 Tết, xóm làng quê tôi náo nhiệt; nhà tôi cũng chuẩn bị gói bánh tét. Trước đó, mẹ đã lựa cắt những tàu lá chuối lành, to bản mang hong nắng xuân cho bớt độ giòn rồi rọc ra từng miếng lớn, nhỏ. Từ ngày đưa ông Táo về trời, cha tôi tranh thủ mấy bữa trưa ngồi chẻ lạt gói bánh tét từ những ống giang mà trước đó cha đi củi chặt về. Cha tôi phân công mỗi người mỗi việc, chị Hai tôi đảm trách khâu rọc lá, lau lá; mẹ tôi lo phần đãi vỏ đậu xanh trộn thêm muối bột và tiêu để làm nhân bánh. Công việc khó nhất là gói bánh thường được cậu Sáu tôi, người có "bàn tay vàng" gói bánh đẹp, nhận lãnh. Còn tôi thì cũng háo hức, hồi hộp được sở hữu chiếc bánh tét "tí hon" mà cậu Sáu tôi gói cho khi mót các nguyên liệu còn lại trông chiếc bánh rất dễ thương đến nỗi dẫu có thèm cũng không dám ăn.
"Nghệ nhân" gói bánh tét được trọng vọng, quý mến
Đầu tiên, cậu Sáu tôi kiểm tra lá, lạt, nếp, đậu… khi thấy đầy đủ thì cậu Sáu đặt sợi lạt giang xuống nia, lấy hai miếng lá chuối đặt trên sợi lạt, hai đầu ngọn lá quay vào trong xếp chồng lên nhau và đặt so le tiếp 2 miếng lá nữa chồng lên trên. Tiếp đến, cậu dùng chén xúc 2 chén nếp, đổ theo chiều dọc của các tấm lá đã trải, cậu lấy ngón tay trỏ xẻ một đường vừa phải giữa hàng để đặt nhân đậu xanh vào giữa rãnh. Cậu múc tiếp một chén nếp chế trên lớp nhân. Vừa gói bánh, cậu Sáu bày chúng tôi ghi nhớ phải "chế" nếp sao cho đều, tránh khi luộc chín, bánh bị đầu to, đầu nhỏ. Đòn bánh tét đẹp phải có hai đầu bằng nhau và cùng kích cỡ, khoảng cách giữa các sợi lạt đều nhau, thân đòn bánh tròn, không méo mó.
Cậu gói bánh xong, mẹ tôi cho vào thùng nhôm gò bằng ống "trái sáng" đã có nước đang sôi. Mỗi khi nước cạn xuống dưới mức bánh, mẹ lại chế thêm nước để bánh có màu xanh lục trông đẹp mắt. Mẹ nấu liên tục từ trưa đến tối thì bánh chín, vớt ra nhúng vào nước lạnh rồi lăn qua lăn lại nhiều lần, lấy các ngón tay vỗ hai đầu bánh để cho nước thoát ra ngoài và đòn bánh được tròn đều. Mỗi năm, nhà tôi gói hơn hai mươi đòn bánh tét, vừa biếu bà con, họ hàng và để cúng ông bà tổ tiên.
Ở quê, không phải ai cũng gói được bánh tét, mỗi xóm có vài người gói đẹp, vì thế, cứ đến ngày giáp Tết, cậu Sáu tôi được xóm giềng mời đi gói bánh, gia chủ tiếp đãi rất niềm nở, nhưng cậu tôi chỉ giúp chứ không lấy tiền công. Năm nào, bánh tét do cậu tôi gói đều có màu trắng, mịn và sáng, báo hiệu năm đó làm ăn được, còn ngược lại, làm ăn không ra gì. Cho nên, những "nghệ nhân" gói bánh tét như cậu tôi ở quê tôi được trọng vọng, quý mến.
Bánh tét hồn quê
Trong ba ngày Tết, bên cạnh những đòn bánh được chưng trên bàn thờ, người miền Trung còn dùng tét bánh để cúng rước ông bà, cúng giao thừa (hành khiến). Họ sắp 3 lát bánh vào đĩa thành ba hình tròn, rồi đặt lên trên ba lát bánh đó một lát thứ 4 nữa, trông giống như một bông hoa rất đẹp mắt. Lát bánh tét, có da bánh màu xanh cốm, mặt bánh nhuyễn màu trắng, nhân đậu xanh nằm ở giữa lát có màu vàng. Bánh cúng xong dọn xuống ăn kèm với củ kiệu, thịt heo muối đều rất ngon. Cái dẻo thơm của nếp, đậu, mùi thơm dân dã của lá chuối hòa quyện với các loại gia vị tạo nên một trong những hương vị Tết đặc trưng của quê nhà.
Ở quê tôi, cứ đến mùng 9, mùng 10 Tết cổ truyền, lễ hội đình làng Túy Loan được tổ chức long trọng có rất nhiều người dân và du khách tham gia với các lễ tế đình, rước sắc phong, tổ chức các trò chơi dân gian như hát bài chòi, hát bội, thi đua ghe, thi trâu cày, thi chế biến các món ăn truyền thống quê hương, bắt lươn, trèo chuối… và năm nào cũng đều có thi gói bánh tét. Cho nên nói bánh tét là tượng trưng cho "hồn quê" của quê tôi quả là không sai.
Đi mua bánh tét
Nấu bánh tét là thú vậy. Song, những năm gần đây, do tiến trình đô thị hóa, việc gói bánh tét dịp Tết cho mỗi gia đình khó thực hiện bởi nhiều lý do như không có người gói, dụng cụ nấu bánh, củi đun, lá chuối gói bánh… nên đa số người dân mua bánh ở chợ cho tiện, nhu cầu bánh tét bao nhiêu mua bấy nhiêu nên các "lò" bánh tét, bánh chưng, bánh tổ ở quê tôi… bán đắt, "đỏ lửa" tận chiều 30 Tết.
Ở các chợ quê như chợ Lệ Trạch (Hòa Tiến), Túy Loan (Hòa Phong)… không riêng gì Tết mà những ngày thường cũng có bán bánh chưng, bánh tét.
Chị Hồ Thị Nhung, hơn 20 năm bán bánh tại chợ Lệ Trạch chia sẻ: "Ngày thường tôi bán chục đòn bánh là nhiều, nhưng những ngày giáp Tết có ngày bán cả trăm đòn, chưa kể hàng xóm ở gần nhà cũng đặt bánh từ nhiều ngày trước Tết".
Chị Nhung cho biết, năm nào cũng có những mối quen ở dưới phố lên các chợ ở quê đặt bánh để bán vì giá bánh ở các chợ quê bao giờ cũng thấp hơn chợ phố. Nhiều người bán bánh chưng, bánh tét ở chợ tuy không có thương hiệu nhưng cũng có tiếng nhiều năm, như chị Thân (chợ Túy Loan), chị Nhung (chợ Lệ Trạch), bà Bắc (ngã ba Hòa Cầm), bà Hường (chợ Cẩm Lệ)… Hiện nay, do dịch Covid -19 diến biến phức tạp, các mặt hàng hoa, quả, mứt bánh… cũng được bán nhiều trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… với giá cả phải chăng và nếu có nhu cầu, bánh tét cũng được người bán ship đến tận nhà.
Ra Giêng ăn bánh tét chiên
Cứ hết Tết ra tháng Giêng, còn lại mấy đòn bánh tét, mẹ tôi lại chuyển sang món bánh tét chiên nóng giòn, vàng ươm vô cùng hấp dẫn bằng cách cho dầu vào chảo đun nóng, bánh cắt lát mỏng chiên vàng trở đều hai mặt cho vừa giòn lớp da áo là vớt ra, không nên để quá lâu bánh sẽ cháy ăn mất ngon.
Còn nhớ Tết xưa, khi tiếng gà gáy sáng cất lên đã lâu, cuộn mình trong chăn ấm không buồn dậy, mùi thơm của món bánh tét mẹ đang chiên bốc lên từ bếp sẽ làm bạn không cưỡng nổi mà chui ra khỏi giường, hòa quyện với mùi bánh tét chiên của cả xóm, nên đã có câu ca: "Ra Giêng ăn bánh tét chiên/ Thơm lừng chái bếp, Thần Tiên cũng…thèm".
Ở quê tôi khi đã hết Tết món "điểm tâm" buổi sáng là món bánh tét chiên, tùy theo khẩu vị có thể ăn với đường cát hoặc củ kiệu dưa hành, hay với thịt kho rim, vừa nhai vừa thổi thật khoái khẩu biết chừng nào. Bánh tét ăn kèm cùng củ kiệu ngâm mắm rất tuyệt! Cái béo bùi của nhân đậu thịt mỡ cộng thêm vị hăng nhẹ của kiệu ngâm hòa quyện vào nhau, kích thích mọi vị giác thăng hoa. Ở quê tôi, những người đi làm đồng cũng không quên mang theo vài lát bánh tét chiên để ăn nửa buổi.
Những người xa quê hương đã lâu, bôn ba nơi đất khách quê người, khi Tết đến xuân về, vẫn nhớ nhất là món bánh tét và đặc biệt là món bánh tét chiên giòn do chính bàn tay mẹ hiền trăn qua trở lại vàng ươm, cho con thưởng thức những ngày còn thơ bé bên chái bếp ngày xuân.
Với người quê tôi, ra Giêng ăn bánh tét chiên không chỉ đem lại cảm giác lạ miệng, mà còn là một loại đồ ăn rất tiện cho người lỡ bữa mỗi khi ra đồng. Bánh tét chiên còn là một góc ký ức khó quên của người con xa quê, bôn ba nơi đất khách quê người.
No comments