Y Phương và những chuyện ít biết
Triệu Vẽ, cô giáo dạy văn, đồng thời là một cây bút trẻ, tâm sự: “Khi dạy bài “Nói với con” cho học trò, tôi đã rơi nước mắt, dù không quen biết nhà thơ Y Phương. Nghe tin ông đột ngột qua đời, buồn quá”.
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”.
(Nói với con)
Người “tự đục đá kê cao quê hương” đã đoán trước sự ra đi của mình. Trước tết, vào một đêm khuya ông dặn con rể Hoàng A Sáng: “Pa biết mình không còn sống được lâu nữa! Bây giờ Pa dặn con, khi Pa mất, con mang Pa đi hỏa táng, sau đó mang cốt của Pa về làng Hiếu Lễ, Trùng Khánh, Cao Bằng… Con nhớ để mộ Pa phía dưới mộ ông bà”.
Gia đình đã làm theo ước nguyện cuối cùng của Y Phương. Đi suốt cả cuộc đời, cuối cùng ông đã được trở về làng Hiếu Lễ, ở bên mẹ cha. Nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Trần Hùng cùng một số đồng nghiệp đã đưa tiễn ông về tận nơi ông cất tiếng khóc chào đời.
Mê cưỡi ngựa, người toàn mùi ngựa
Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước. “Sước” mang nghĩa “tuấn kiệt”, “Vĩnh” là “bền vững”, “mãi mãi”… “Y Phương sinh ra trong gia đình không nghèo túng. Anh là con trai một, có một chị gái, ông bố làm nghề Tào rất giỏi, cao tay, tên là Tào Cường, nổi tiếng khắp cả vùng miền Đông. Mẹ Y Phương lại rất giỏi quán xuyến.
Bà biết tích cóp tiền của do chồng kiếm được để mua ruộng, ban đầu mua những cánh đồng trước cửa nhà, rồi mở mang ra được nhiều ruộng lắm. Thời cải cách ruộng đất, họ bị quy vào thành phần phú nông, cha của Y Phương cũng phải đưa đi học tập, cải tạo. Chính người cha ảnh hưởng đến Y Phương nhiều nhất. Ông Tào Cường rất giỏi chữ Hán cổ, nên tác động đến Y Phương. Thi sĩ từng nói với tôi: “Anh không bằng một phần nghìn của bố anh đâu”, nhà văn Cao Duy Sơn kể.
Tuổi thơ của Y Phương không khổ về vật chất. Ông thích và giỏi cưỡi ngựa từ bé: “Anh ấy toàn cưỡi ngựa đi học, một con ngựa hồng rất đẹp, tôi vẫn lẽo đẽo chạy theo con ngựa của anh ấy lúc còn nhỏ. Anh cưỡi ngựa đằng trước, tôi chạy theo đằng sau”, tác giả “Ngôi nhà xưa bên suối” nhớ lại. Cao Duy Sơn quen biết Y Phương từ nhỏ: “Nhà anh rể trước cửa nhà tôi. Anh rể và Y Phương rất thân nhau. Y Phương hay qua chơi, nên chúng tôi biết nhau từ bé, chứ không phải sau này.
Năm 1968, Y Phương đi bộ đội. Sau đó, từ miền Nam ra, anh ấy lại học tiếp trường Điện ảnh Quân đội, học chiếu phim, thuyết minh phim. Anh ấy chuyên thuyết minh phim ở miền đông Nam Bộ. Năm 1971 anh ấy về quê nhà, tôi lại gặp anh ở nhà anh rể. Lúc này thấy Y Phương khác lắm, đẹp trai, tóc bồng bềnh, mũi khoằm khoằm, da nâu, giọng trong trẻo”.
Theo Cao Duy Sơn, từ nhỏ Y Phương đã nói sõi tiếng phổ thông, không bị ngọng nghịu như nhiều người trong làng: “Từ ngữ, câu chữ của anh sạch sẽ và phong phú, vì anh ham đọc. Mãi sau này, Y Phương mới theo con đường văn chương. Anh ấy làm thơ, tác phẩm đầu tiên in ở Văn nghệ Quân đội.
Bài thơ đầu tiên của anh ấy tôi vẫn nhớ, “Tiếng vó ngựa trên đỉnh đèo Heo”, là kỷ niệm còn mãi trong lòng anh ấy từ thuở ấu thơ. Dốc trước cửa nhà Y Phương dẫn vào cái làng, có tên Nà Nung, mỗi lần con ngựa lên dốc, nó phi làm anh ấy sướng tai lắm, vì dốc đó là dốc đá. Y Phương mê mẩn cưỡi ngựa, khi sang nhà anh rể của tôi chơi vẫn cưỡi ngựa. Người anh ấy toàn mùi ngựa”.
Tôi hỏi Cao Duy Sơn vì sao bước đi của Y Phương có vẻ tập tễnh, không bình thường. Anh đáp: “Đó là dấu vết còn lại của Trường viết văn Nguyễn Du, khóa 2. Khi học năm cuối, anh lên Đại Lải làm tác phẩm tốt nghiệp thì bị sốt một trận khủng khiếp, phải đi cấp cứu. Bác sỹ ở bệnh viện phát hiện Y Phương bị viêm thần kinh mạng nhện, gây liệt.
Thi sĩ bị liệt hoàn toàn luôn, đi vệ sinh cũng không thể chủ động. Bạn bè ở khóa 2 như Trần Quốc Thực, Phạm Thị Minh Thư đến chăm sóc tận tụy. Anh Y Phương được cứu sống là nhờ ông Nông Quốc Chấn. Ông ấy đến gặp bác sỹ ở bệnh viện, nói rằng, đây là một tài năng của dân tộc thiểu số, của Việt Nam, phải cứu chữa bằng được. Dần dần, Y Phương hồi phục được, chỉ còn cái chân tập tễnh”.
Cao Duy Sơn nhớ thời trai trẻ của Y Phương, bất giác giọng trầm lại: “Chân Y Phương ngày xưa đi như hùm, như hổ, chứ đâu lê lết. Càng về sau này bước chân của anh ấy càng khó nhọc. Đi dự Đại hội Hội Nhà văn vừa rồi, Y Phương đã phải chống gậy rồi. Anh ấy ngồi cạnh nhà văn Ma Văn Kháng, tôi đi qua suýt không nhận ra. Y Phương yếu quá, ngồi cuối hội trường”.
Người “tự đục đá kê cao quê hương” đã ra đi tại nhà. Đêm giao thừa, Y Phương vẫn còn gọi điện chúc tết bạn văn. “Anh ấy gọi cho Trần Hùng, điện xong thì bảo với Trần Hùng, sau đây anh đóng máy luôn. Cho nên lúc tôi gọi cho Y Phương không thấy tiếng chuông. Hôm nay, cùng với Trần Hùng đưa Y Phương về làng Hiếu Lễ, nói chuyện với Trần Hùng tôi mới hiểu”, Cao Duy Sơn bùi ngùi.
Nguyện làm cỏ thơm
Y Phương theo chữ Hán nghĩa là “cỏ thơm”. Nhà thơ không dám nhận mình là cây đa, cây đề, chỉ xin nhận về chút thơm của cỏ.
Nhà thơ Trần Hùng kể: “Tôi gặp nhà thơ Y Phương sau chiến tranh biên giới 1979. Lúc đó tôi là chỉ huy đại đội, đóng quân tại thị xã Cao Bằng. Còn anh đã là một nhà thơ nổi tiếng vừa chuyển về công tác tại Sở VHTT tỉnh, phụ trách tờ báo Văn Nghệ của Sở. Biết danh tiếng của anh, tôi nhờ người thân gửi đến một bài thơ, với bút danh Trần Hải. Và bài thơ được đăng ngay.
Sau này tôi mới biết, lúc đó báo đã lên khuôn, anh bóc đi bài thơ của chính mình để nhường chỗ cho bài thơ của tôi”. Rồi Y Phương hẹn gặp Trần Hùng. Họ thân nhau đến độ, khi Y Phương về thủ đô, học trường viết văn Nguyễn Du, Trần Hùng “bắt” xe xuống trường chơi với Y Phương.
Cao Bằng- Hà Nội, cách nhau gần 300 cây số, vượt đèo, vượt dốc, mất gần chục tiếng đồng hồ, mỗi lượt đi- về, mà chỉ có đường ô tô, không đường sắt, không đường hàng không. Phải thương nhau lắm, ở cái thời nghèo khó ấy, mới lặn lội từ rừng núi xuống thủ đô thăm nhau.
Nếu thời thơ ấu Y Phương không nhọc nhằn chuyện vật chất, thì khi ông là người đàn ông trụ cột của gia đình, nghèo túng lại đeo bám. Thi sĩ Trần Hùng kể tiếp: “Lúc anh Y Phương học ở Hà Nội, con bé Anh Nhuệ mới 3 tuổi, đã phải đứng bán mẹt đậu phụ. Cậu con trai thì mới sinh. Vợ anh là giáo viên tiểu học.
Ba mẹ con ở một gian lớp học vách trát đất hở mắt cáo, bên trong dán báo cũ chống gió, không có điện, chỉ ngọn đèn dầu leo lét. Khi Y Phương đi học trở về, anh xin được một mảnh đất chừng 30 m2, dựng cái nhà hai gian trát đất, trồng dăm cây chuối. Tài sản trong nhà chỉ có hai giường gỗ, một giá sách bằng tre, mấy chiếc xoong nồi…”.
Y Phương còn học nấu rượu nuôi lợn. Rồi Trần Hùng còn qua giúp Y Phương đóng bàn cuốn thuốc lá để cuốn thuốc lá thuê nhưng loay hoay căn chỉnh cả sáng, mà đến chiều điếu thuốc vẫn đầu to đầu nhỏ.
Rất nhiều người tò mò về bút danh Y Phương. Không ít người đoán: Y Phương nghĩa là “Yêu Phương”, xưa thi sĩ có yêu người con gái tên Phương nhưng không thể tới được với nhau. Nhà văn Cao Duy Sơn nói: Anh ấy cũng từng “cảm nắng” một cô bạn học tên Phương, song gia đình ngăn cản, nên dừng lại ở tình cảm bạn bè. Sau này cũng yêu một mỹ nhân…
Song cả hai người đàn bà ấy đều không liên quan bút danh Y Phương: “Tôi đã có lần hỏi Y Phương rồi. Tôi bảo, tôi không tin, đời nào anh lại lấy tên những người đàn bà làm bút danh của mình. Bởi ai dám chắc đã yêu nhau cả đời. Lấy bút danh như thế không sâu sắc. Y Phương cười, nhẹ nhàng đáp: Y Phương theo chữ Hán nghĩa là “cỏ thơm”. Anh không dám nhận mình là cây đa, cây đề, chỉ xin nhận về chút thơm của cỏ”. Nói rồi, Cao Duy Sơn hỏi tôi: “Có sang không?”.
Về thời khắc sinh và mất của nhà thơ cũng có nhiều điều cần nói thêm. “Người ta nói, anh ấy sinh ngày 24 tháng 12 năm 1948 là sai. Anh ấy sinh ngày 24 tháng 12 năm 1947, tức năm Đinh Hợi. Như vậy, anh ấy đã 75 tuổi, tuổi âm là 76. Chẳng biết vì sao có sự nhầm lẫn này nhưng có lần Y Phương đã nói với tôi, anh bảo, thôi khỏi cần đính chính. Người sinh năm Đinh Hợi thường tài hoa lắm”, nhà văn Cao Duy Sơn, đồng hương của tác giả “Nói với con” chia sẻ.
Ngay cả thời khắc Y Phương vĩnh biệt nhân thế cũng được nhà văn Cao Duy Sơn “bật mí”: Chính xác anh ấy ra đi vào đêm 9 tháng 2, lúc 20h 59 phút (chứ không phải 20h). Tác giả “Ngôi nhà xưa bên suối” biết được điều này qua họa sỹ Hoàng A Sáng, con rể của Y Phương. Sự ra đi của Y Phương khiến nhiều cây bút của làng văn bất ngờ. Hỏi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người khá thân thiết với gia đình Y Phương, chính ông cũng không biết nói thế nào: “Tôi cũng chỉ nghe gia đình nói trước đó anh ấy cảm nhẹ, thế rồi đi”.
Sống giữa thủ đô, Y Phương vẫn mặc trang phục dân tộc Tày. Nhà văn Cao Duy Sơn giải thích: “Mục đích lớn nhất là để thỏa mãn nỗi nhớ đau đáu theo anh ấy cả cuộc đời rong ruổi như sương gió. Y Phương không bao giờ mặc cảm về dân tộc. Nếu ai đó hiểu Y Phương mặc trang phục để “diễn” là không công bằng với anh. Đó là quyền tự do của con người. Nỗi nhớ của người ta cần phải được tôn trọng”.
Về bài thơ “Mùa hoa” từng gây tranh luận của Y Phương, nhà văn Cao Duy Sơn cũng bảo vệ đàn anh: “Bài thơ ấy được khơi nguồn từ một câu hát vui của người Tày nhưng đã được chắp cánh và nâng lên cao. Những câu hát là những viên kim cương thô đã được qua bàn tay của Y Phương để trở nên trong sáng, lung linh. Nếu để bình thường thì chẳng mấy ai nhớ đến câu hát ấy”.
Y Phương ra đi khi bao dự định vẫn còn dở dang: “Anh ấy đang thực hiện trường ca Hồ Chí Minh, một trường ca lớn. Việc dang dở nữa là anh đang sắp kết thúc việc học chữ Hán. Hết năm nay sẽ tiếp tục học Nôm Tày”. Đến đây, tác giả “Ngôi nhà xưa bên suối” tổng kết: “Y Phương có một cuộc đời đáng sống. Cả đời làm việc, cả đời theo đuổi đam mê của mình”.
No comments