Nhạc sĩ Hồng Đăng – tác giả của “Hoa sữa” và “Biển hát chiều nay” qua đời - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Nhạc sĩ Hồng Đăng – tác giả của “Hoa sữa” và “Biển hát chiều nay” qua đời

Nhạc sĩ Hồng Đăng - một trong những cây đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam. Nhiều năm qua, sức khỏe của nhạc sĩ Hồng Đăng có phần suy yếu do ông mắc một số bệnh tuổi già. 

Nhạc sĩ Hồng Đăng tên đầy đủ là Phan Hồng Đăng, sinh năm 1936 tại Nghệ An. Ông là cháu ruột nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Từ năm 1950, khi là học sinh kháng chiến ở liên khu IV, ông đã có những sáng tác đầu tay như: Nắng về Tây Bắc, Nhớ ơn cụ Hồ, Đời học sinh...

Nhạc sĩ Hồng Đăng – tác giả của “Hoa sữa” và “Biển hát chiều nay” qua đời - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh: TL.

Sau hoà bình lập lại, về Hà Nội ông học lớp Sáng tác khoá đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Thời gian này, ông đã có nhiều ca khúc nổi tiếng như: Đường đi có nắng mặt trời, Quà tháng Năm, Giữa mùa sa nhân, Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn... và một số tác phẩm khí nhạc.

Trong chặng đường dài sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng đã để lại hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Đặc biệt, ông đã sáng tác nhạc được sử dụng cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng Hoa sữa phim "Hà Nội mùa chim làm tổ", Lênh đênh phim Đời hát rong, Biển hát chiều nay trong nhiều phim về đề tài biển, Nỗi nhớ đêm đại dương phim "Những hạt muối của biển", Biển và cô gái tôi chưa quen phim "Những ngôi sao nhỏ", Không gian xanh phim "Vùng trời"...

Trong đó, ca khúc "Hoa sữa" được ông viết cho bộ phim "Hà Nội mùa chim làm tổ" của đạo diễn Đức Hoàn vào 1978 với sự thể hiện của NSND Lê Dung đã trở thành ca khúc "đi cùng năm tháng" và sống mãi trong lòng người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Hồng Đăng được đánh giá là người hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực như vừa giảng dạy, vừa sáng tác thanh nhạc, khí nhạc, nhạc phim, viết sách, làm báo...

Ông nguyên là Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV và V. Tổng biên tập tạp chí Âm nhạc (từ 1989) và tờ Thế giới Âm nhạc (từ 1996). Ông còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam và là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội… 

Năm 2001, ông được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tác phẩm: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy. Năm 2021, nhạc sĩ Hồng Đăng được trao Giải thưởng Lớn "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" vì có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô. 

No comments