Triển lãm “Câu chuyện Phương Đông” của thầy giáo Triệu Khắc Tiến: Thăng hoa cảm xúc với nghệ thuật sơn mài - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Triển lãm “Câu chuyện Phương Đông” của thầy giáo Triệu Khắc Tiến: Thăng hoa cảm xúc với nghệ thuật sơn mài

Tiến sĩ Triệu Khắc Tiến (sinh năm 1977, Phó Trưởng khoa Hội họa - Đại học Mỹ thuật Việt Nam) thừa hưởng khả năng cảm thụ nghệ thuật từ cha mình, cũng là một họa sĩ nổi tiếng. Thầy giáo, tiến sĩ Tiến nổi tiếng từ nhỏ đã được vinh danh, ra nước ngoài nhận giải quốc tế. Sau khi tốt nghiệp cao học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh quyết định tiếp tục khóa Tiến sĩ tại Nhật Bản khi đang công tác và giảng dạy tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Thầy giáo, tiến sĩ Triệu Khắc Tiến: kể “Câu chuyện Phương Đông” bằng nhiều cung bậc thăng hoa của cảm xúc - Ảnh 1.

Tiến sĩ Triệu Khắc Tiến trong cuộc triển lãm "Câu chuyện Phương Đông" của mình. Ảnh: Nhật Hà

Sau khi học xong khóa Tiến sĩ, anh trở về Việt Nam, đảm nhận chức vụ Phó Trưởng khoa tại Đại học Mỹ Thuật Việt Nam. Anh nhiệt tâm truyền thụ kỹ thuật sơn mài cho các thế hệ sinh viên đầy triển vọng của sơn mài Yết Kiêu.

Thầy giáo, tiến sĩ Tiến chia sẻ rằng: "Với tôi, sơn mài là thứ ngôn ngữ tạo hình có sức cuốn hút mạnh mẽ, luôn ẩn chứa những yếu tố bất ngờ độc đáo, từ quy trình vẽ khắt khe nghiêm ngặt đến những ngẫu hứng, tùy biến trong quá trình phủ - mài; từ trừu tượng đến hữu hình, như ảo ảnh từ hư không trên nền then huyền bí lung linh bạc, vàng.

Trong triển lãm "Câu chuyện Phương Đông" của mình, họa sĩ Triệu Khắc Tiến dẫn dắt người xem vào cõi an nhiên, ở đó có những bước chân thiền nhẹ nhõm. Ở đó, nơi những miền xa mơ tưởng của chính họa sĩ là sự hòa điệu tinh tế giữa vườn thiền Nhật Bản và mảnh vườn xanh trong tâm hồn Việt.

Thầy giáo, tiến sĩ Triệu Khắc Tiến: kể “Câu chuyện Phương Đông” bằng nhiều cung bậc thăng hoa của cảm xúc - Ảnh 2.

Đông đảo công chúng yêu hội họa tới thưởng lãm "Câu chuyện Phương Đông" trong buổi khai mạc. Ảnh: Nhật Hà

Ở đó, đâu phải đợi mùa. Hai mươi bốn tiết khí trong năm vùi sâu dưới đáy vóc như được đánh thức cùng lúc, ùa lên miên man theo đĩa màu và mạch bút tài hoa.

Ở đó, có những ngữ điệu lạ đan cài ngẫu hứng. Khẽ khàng nét đẹp muôn thuở của người đàn bà Nhật như những câu thơ Haiku len lỏi trong lá cây đang lay động con mắt tìm đẹp của bất kỳ ai khi ánh sáng trong vắt của thiền vây bủa.

Ở đó, thiền họa cũng là một cách dưỡng tâm thanh nhã thường ngày giữa trời nước, hoa cỏ, cây mây trong không gian bức họa. Ở đó, bút vừa động nét, ngỡ như đang bước thoăn thoắt chợt thả bước khoan thai. Bước vừa níu say lại có bước khẽ lay mà chợt tỉnh…

Với 29 tác phẩm sơn mài, cùng với tên tác phẩm phần lớn gồm 2 âm tiết, vừa cô đọng vừa sâu sắc, đậm chất thiền như: "Hạnh phúc", "Nhà quê", "Ánh trăng", "Chạng vạng", "Nhất tâm", "Rồng xuân", "Cõi mơ".

Trong "Câu chuyện phương Đông 1" (vẽ năm 2016) là 1 trong series 4 tác phẩm tốt nghiệp bậc tiến sĩ chuyên ngành sơn mài tại Trường Đại Học Nghệ thuật Tokyo của họa sĩ Triệu Khắc Tiến. Tranh sử dụng kỹ thuật Toghidashi-makie, Tate-nuri, hakue bằng nguyên liệu sơn tự nhiên Nhật Bản, thể hiện một geisha trong trang phục kimono kết hợp trang sức tinh xảo là kết tinh của nghệ thuật Kogei truyền thống - biểu tượng của văn hóa Nhật Bản. Hình ảnh geisha trên nền sơn then sâu thẳm tựa bóng hình mỏng manh hư ảo, ẩn chứa tiếc nuối giá trị truyền thống ngày càng mai một trong xã hội hiện đại.

Thầy giáo, tiến sĩ Triệu Khắc Tiến: kể “Câu chuyện Phương Đông” bằng nhiều cung bậc thăng hoa của cảm xúc - Ảnh 3.

Tác phẩm "Câu chuyện Phương Đông 1". Tranh: Triệu Khắc Tiến

Còn trong bức vẽ "Nhất tâm" (vẽ năm 2022) lấy cảm hứng từ một triết lý Phật giáo - Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Từ trừu tượng đến hữu hình, khởi điểm là quá trình vẽ phủ lớp hoàn toàn ngẫu hứng vô hình thể, sau khi mài ra, nền biến thành người, thành mây, thành khói hương hư ảo, hòa quyện thành cõi tâm linh vô định. Họa sĩ thử nghiệm sử dụng kỹ thuật kawari-nuri để tạo hiệu quả tạo chất đa sắc cho các lớp màu dưới kết hợp với kỹ thuật phủ tràn và mài moi bên trên đem lại biến chuyển tinh tế cho tổng thể tác phẩm. Nhân vật được vẽ ở lớp thượng, tách biệt khỏi hậu cảnh bằng vàng vụn kết hợp bạc mịn theo kỹ thuật maki-e.

Thầy giáo, tiến sĩ Triệu Khắc Tiến: kể “Câu chuyện Phương Đông” bằng nhiều cung bậc thăng hoa của cảm xúc - Ảnh 4.

Tác phẩm "Nhất tâm". Tranh: Triệu Khắc Tiến

Bức sơn mài "Quê nhà" (vẽ 2022) là nơi mỗi người con hướng về dù ở gần hay đi xa, là nơi tiếp thêm động lực cho mỗi người vượt qua những khó khăn, trắc trở trên đường đời khó nhọc. Trong tranh có hình bóng người mẹ già, cánh diều, rặng tre, ngọn cỏ trôi bồng bềnh trong đêm đen tĩnh lặng. Tác giả sử dụng thủ pháp bokashi (viền mờ) kết hợp lớp vàng xay ken bạc siêu mịn tạo hiệu quả tương phản mạnh cho phần chi tiết trung tâm và hậu cảnh. Các lớp vàng chôn bên dưới các lớp then trong phủ dày kết hợp vỏ trai biển rắc mỏng bên trên, sau khi mài tạo nên nhịp chuyển động âm vang cho phần nền tối, gợi cảm giác bồng bềnh, uyển chuyển cho nhân vật chính tiền cảnh.

Thầy giáo, tiến sĩ Triệu Khắc Tiến: kể “Câu chuyện Phương Đông” bằng nhiều cung bậc thăng hoa của cảm xúc - Ảnh 5.

Tác phẩm "Quê nhà". Tranh: Triệu Khắc Tiến

Là một trong số những người đến thưởng lãm Câu chuyện Phương Đông, cựu sinh viên trường Mỹ thuật Việt Nam, anh Nguyễn Trần Hoàng (Hà Nội) cho biết: "Trong số những tác phẩm trong triển lãm của thầy Tiến, tôi thích nhất là tác phẩm "Nhất Tâm" bởi, tôi cũng là người yêu thích Phật giáo. Ngay từ đầu khi mới nhìn thấy tác phẩm "Nhất Tâm" đã chạm vào trái tim tôi, khiến tôi rất xúc động".

Thầy giáo, tiến sĩ Triệu Khắc Tiến: kể “Câu chuyện Phương Đông” bằng nhiều cung bậc thăng hoa của cảm xúc - Ảnh 6.

Anh Nguyễn Trần Hoàng - cựu sinh viên trường Mỹ Thuật Việt Nam bên tác phẩm sơn mài "Nhất Tâm" của thầy giáo Triệu Khắc Tiến. Ảnh: Nhật Hà

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: "Câu chuyện Phương Đông của họa sĩ Triệu Khắc Tiến góp một sắc son tươi, một lời dâng miên viễn cho ngôi vị uy nghi mà thân gần, lộng lẫy và bí ẩn của Sơn ta - Sơn mài Việt".

Thầy giáo, tiến sĩ Triệu Khắc Tiến: kể “Câu chuyện Phương Đông” bằng nhiều cung bậc thăng hoa của cảm xúc - Ảnh 7.

Những dụng cụ để làm tranh sơn mài. Ảnh: Nhật Hà

Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một cảm xúc riêng, thông qua triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, thầy giáo, tiến sĩ Triệu Khắc Tiến hy vọng người thưởng lãm không chỉ có cơ hội tìm hiểu sâu về kỹ thuật vẽ tranh sơn mài mà còn thêm yêu văn hoá phương Đông cũng như tâm hồn người Việt Nam, Nhật Bản, cùng thiên nhiên tươi đẹp xung quanh chúng ta.

Triển lãm " Câu chuyện Phương Đông" mở cửa miễn phí từ 25/3 đến 24/4/2022, từ 9h đến 16h hằng ngày tại Trung tâm giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (địa chỉ số 27 Quang Trung, Hà Nội).

No comments