"Mona Lisa" bị tấn công: Những vận hạn "ba chìm, bảy nổi" của siêu phẩm
Bức "Mona Lisa" vừa bị tấn công bởi một người đàn ông cải trang thành một phụ nữ lớn tuổi ngồi xe lăn. Người đàn ông tấn công bức tranh bằng một chiếc bánh trứng sữa, khiến lớp kính chống đạn bảo vệ tác phẩm trở nên "lem nhem".
Sau đó, người này tung lên một bó hoa hồng rồi hét lớn: "Hãy nghĩ về hành tinh của chúng ta! Con người đang trong hành trình hủy diệt trái đất! Người nghệ sĩ sẽ nghĩ về trái đất, đó là lý do tại sao tôi làm như thế này. Hãy nghĩ về trái đất của chúng ta!".
Ngay sau sự việc, người đàn ông này đã bị lực lượng an ninh của bảo tàng khống chế rồi đưa đi. Hiện tại, danh tính người đàn ông vẫn chưa được công bố. Sự việc khiến các du khách có mặt tại bảo tàng nổi tiếng - Louvre (Paris, Pháp) rất sửng sốt. Vụ tấn công xảy ra vào tối chủ nhật vừa qua, ở thời điểm khi bảo tàng sắp tới giờ đóng cửa.
Không có tổn hại nào xảy ra với siêu phẩm hội họa, viện bảo tàng cũng không đưa ra phát ngôn chính thức nào. Thực tế đây không phải lần đầu tác phẩm hội họa nổi tiếng thế giới - bức "Mona Lisa" bị nhắm tới trong một hành động tấn công.
Hiện giờ, bức họa đã có lịch sử hơn 500 năm tồn tại, công chúng đến bảo tàng Louvre sẽ được chiêm ngưỡng tác phẩm "Mona Lisa" treo sau lớp kính chống đạn. Một năm một lần, bức tranh được đưa ra khỏi vị trí trưng bày để các chuyên gia kiểm tra tình trạng tranh.
Tác phẩm hội họa nổi tiếng hàng đầu thế giới được thực hiện bởi danh họa Leonardo da Vinci vào năm 1503, sau đó, danh họa đã mất tới hơn một thập kỷ để có thể hoàn thành tác phẩm. Bức tranh khắc họa chân dung của người phụ nữ quý tộc Ý có tên Lisa Gherardini, nàng là vợ của một thương nhân buôn vải có tên Francesco del Giocondo.
Vua Francis I của Pháp đã mua bức tranh hồi năm 1518 và kể từ đó, tác phẩm ở trên đất Pháp. Tác phẩm đã được trưng bày tại bảo tàng Louvre từ năm 1797.
Bức "Mona Lisa" bắt đầu trở nên nổi tiếng hồi năm 1911, khi tranh bị đánh cắp khỏi bảo tàng Louvre bởi một nhân viên cũ của bảo tàng. Sau khi tranh được tìm thấy lại, câu chuyện ly kỳ xoay quanh tác phẩm đã xuất hiện trên khắp các mặt báo, khiến bức họa nhận được sự quan tâm lớn của công chúng và dần trở thành một siêu phẩm huyền thoại trong lĩnh vực hội họa.
Những "vận hạn" từng xảy ra với siêu phẩm hội họa "Mona Lisa"
Trong hơn 5 thế kỷ tồn tại, siêu phẩm "Mona Lisa" đã trải qua biết bao thăng trầm. Bức tranh không chỉ khắc họa một nhan sắc bí ẩn, một họa phẩm tuyệt tác, mà còn là một minh chứng của sự tồn tại bền bỉ cùng với thời gian. Hiếm có tác phẩm nghệ thuật nào từng trải qua nhiều cuộc phiêu lưu và những tai nạn, rủi ro như "Mona Lisa".
Khi "Mona" ("Madam") Lisa Gherardini del Giocondo ngồi làm mẫu để danh họa Leonardo Da Vinci vẽ chân dung, hẳn bà không thể ngờ rằng hình ảnh của mình rồi đây sẽ được lưu truyền dài lâu và có một đời sống phi thường đến vậy.
"Mona Lisa" từng phải ở vài thập kỷ trong... phòng tắm: Sau khi danh họa Leonardo Da Vinci qua đời năm 1517, những họa phẩm của ông để lại cho một người học trò có tên Salài. Vua Pháp Francis I liền chi tiền để mua bức "Mona Lisa". Sau đó, ngài cho đặt bức tranh trong... phòng tắm của cung điện Fontainebleau.
Sau hàng thập kỷ chịu đựng độ ẩm cao bên trong phòng tắm, bức họa "Mona Lisa" đã bị ảnh hưởng rất nhiều và từng phải trải qua những đợt phục chế.
"Mona Lisa" từng bị "bắt cóc": Ngày 21/8/1911, bức họa "Mona Lisa" bị đánh cắp khỏi bảo tàng Louvre. Các tờ báo bắt đầu tung ra hàng loạt tin tức xoay quanh vụ trộm tranh. Chính khi bức tranh bị mất tích, công chúng mới bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cho tác phẩm.
Về sau này, người ta được biết kẻ trộm là Vincenzo Peruggia - một người đàn ông Ý, từng làm việc trong bảo tàng Louvre.
Anh ta tiến hành vụ trộm bằng cách trốn vào trong một phòng chứa đồ dọn dẹp vệ sinh, khi bảo tàng đóng cửa lúc cuối ngày, Vincenzo lẻn ra đánh cắp bức tranh và giấu tranh bên dưới chiếc áo khoác rộng trong quá trình tẩu thoát. Vincenzo Peruggia vốn là một người Ý, anh ta mong muốn đưa tác phẩm trở về với các bảo tàng, triển lãm ở Ý.
Vincenzo đã cất giấu bức "Mona Lisa" trong căn hộ của mình ở Paris suốt hơn 2 năm mới bị phát hiện. Năm 1913, khi Vincenzo đem bức tranh tới Florence (Ý) để bán cho giám đốc của một triển lãm thì bị bắt. Sau đó, tranh được trưng bày tại Ý trong hai tuần, rồi lên đường trở về bảo tàng Louvre (Pháp). Vincenzo Peruggia bị phạt 6 tháng tù giam.
Trước khi xảy ra vụ trộm, bức tranh "Mona Lisa" chưa thực sự nổi tiếng, chủ yếu chỉ có những người trong giới nghệ thuật biết đến tác phẩm, nhưng sau khi báo chí đồng loạt đưa tin từ khi tranh bị đánh cắp, tới khi tranh được tìm thấy lại, tác phẩm bắt đầu được nâng lên tầm siêu phẩm huyền thoại.
"Mona Lisa" từng trải qua Thế chiến II: Năm 1939, khi Đức Quốc xã chuẩn bị đưa quân tiến vào nước Pháp, người ta đã phải đưa bức "Mona Lisa" ra khỏi viện bảo tàng Louvre. Trong Thế chiến II, tác phẩm liên tục được đưa đến những nơi trú ẩn an toàn.
"Mona Lisa" từng bị tấn công nhiều lần: Lý do khiến bức tranh được bảo vệ bằng kính chống đạn từ thập niên 1950 là bởi trước đó, có một người đàn ông tuyên bố đã đem lòng yêu bức tranh và định dùng dao... cắt tranh đem đi. Ngay sau sự việc, kính chống đạn được lắp để bảo vệ tranh.
Năm 1956, bức họa bị tấn công hai lần. Lần thứ nhất, tranh bị một kẻ phá hoại hắt axit. Hành động phá hoại này gây ảnh hưởng tới phần dưới của bức tranh, sau đó, hoạt động phục chế đã giúp sửa chữa những tổn hại.
Sau đó, tác phẩm lại bị một thanh niên... ném đá, khi người này đang tham quan bảo tàng Louvre, thì bất ngờ ném một hòn đá về phía bức tranh, lực ném quá mạnh khiến lớp kính bảo vệ bị vỡ và những mảnh vỡ văng vào tranh, khiến một mẩu sơn của tranh bị bong ra, đó là ở chỗ cùi trỏ bên trái của nàng Mona Lisa.
Năm 1974, một phụ nữ đã xịt sơn đỏ về phía bức tranh khi tác phẩm đang được trưng bày ở Viện bảo tàng Quốc gia Tokyo. Năm 2009, một phụ nữ Nga ném chiếc cốc lưu niệm vừa mua ở viện bảo tàng Louvre về phía bức tranh, chiếc cốc vỡ tan tành khi đập vào lớp kính bảo vệ. Ở hai trường hợp này, tác phẩm "bình yên vô sự".
Vụ việc ném bánh kem về phía tác phẩm chính là hành động tấn công mới nhất xảy tới với "Mona Lisa".
No comments