Đọc sách cùng bạn: Theo ngòi bút của một nhà báo - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Đọc sách cùng bạn: Theo ngòi bút của một nhà báo

Đọc sách cùng bạn: Theo ngòi bút của một nhà báo - Ảnh 1.

Bìa cuốn sách ký sự - phỏng vấn "Đi và Viết" của nhà báo Nguyễn Linh Giang. (Ảnh: TL)

Tác giả vốn tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1986) và bước chân vào làng báo năm 1988. Tên thật là Nguyễn Văn Khôi nhưng anh chỉ dùng tên ấy về sau này khi làm một luật sư, còn làm báo anh lấy bút danh là Nguyễn Linh Giang. Nhà báo Nguyễn Linh Giang sớm nổi tiếng làng báo bằng những bài phóng sự, như bài phóng sự điều tra "Sự thật về những ngôi mộ giả ở nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Trị" (Lao động, 25/6/1992) làm rúng động dư luận một thời. Tập sách này là cuốn thứ hai của anh sau tập đầu phóng sự "Theo dấu chân những người tìm vàng" (2015).

Cái cách tác giả đặt tên hai tập sách của mình cho thấy anh đề cao tính chất thực tế của nghề báo. Viết báo là viết về thực tế người và việc. Vì vậy người viết báo phải đi tận nơi, gặp tận người, thấy tận việc, nghe tận sự, để bài báo khi được viết ra phải bảo đảm đúng tận nguồn. Nguyễn Linh Giang đã chứng tỏ phẩm chất nghề báo đó ở mình. Tuy nhiên, tôi vẫn thích tác giả lấy một cái tên khác cho tập sách này hơn. Tôi cũng đồng ý với nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc nói trong lời Tựa là giá tác giả cập nhật thêm những thông tin mới nhất về những nhân vật anh đã viết từ lâu nay đưa vào sách thì tập sách sẽ có thêm tính thời sự cho độc giả và do đó sẽ thú vị hơn.

ĐI VÀ VIẾT

Tác giả: Nguyễn Linh Giang

Nhà xuất bản Thanh Niên, 2022

Số trang: 294 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 120.000

Hai phần của đề tài ký sự báo chí tác giả dẫn đưa người đọc gặp người và đất. Ở phần I "Những người đi ngược gió" chúng ta cùng tác giả "Đi tìm ông tổ nghề kim hoàn Việt Nam", "Vua dế ở Củ Chi", "Vua đào đất ở phương Nam", đi gặp "Người đầu bếp cho ba đời Tổng thống Sài Gòn", "Người có cái mũi số một Việt Nam", "Người làm "đảo lộn" khái niệm… bất động sản", "Người đàn ông có mười vợ", "Người đàn bà "rót" cát thành… tranh", "Người phụ nữ tật nguyền, bán vé số… và viết văn"… Mỗi con người là một câu chuyện hay về cuộc đời, nghề nghiệp, và cả thân phận mà nhà báo biết lắng nghe, khơi gợi, và kể lại sinh động. Có khi tác giả chỉ cần lẩy ra một câu nói, một chi tiết là đã nói được nhiều hơn những lời bình phẩm dông dài. Như câu trả lời của bác Ba Thuận, người đầu bếp qua hai chế độ, về thái độ của những vị quan chức cấp cao đối với người nấu ăn cho họ: "Trước đây, tôi đi làm đầu bếp, nấu ăn cho các quan chức chế độ Sài Gòn cũ, họ thích thì họ thường cho tiền. Còn các vị lãnh đạo cách mạng như ông Võ Văn Kiệt, ông Mai Chí Thọ thường mời tôi cùng ngồi ăn với họ. Điều này, trước đây không hề có." (tr. 29)

Ở phần II "Trầm tích những miền đất" tác giả có khi ngược dòng thời gian muốn tìm xem có không "một kho báu của vua Hàm Nghi ở Tân Sở" hay "bí ẩn y học giữa đại ngàn Trường Sơn" hay tìm kiếm một "dòng họ 13 đời làm quan và bí ẩn lời sấm truyền", có khi nhớ về sóc Bom Bo với tiếng chày khuya hay về Cà Mau ngày đi gác kèo ong đêm về nghe đất "thở" hay tìm về một nghĩa địa… thơ. Cái nghĩa địa này ở xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), ở đó trên hầu hết bia mộ đều có khắc thơ thương tiếc người đã khuất. Phần lớn là một hoặc hai bài, cá biệt có bia mộ khắc đến tám bài. Thơ khắc thường là do chính gia chủ làm ra, cũng có khi lấy thơ cũ của tiền nhân chế tác lại, và cũng có thể là đặt hàng cho người khác làm hộ, chế tác hộ với giá 60.000 – 100.000 bài. Gọi "nghĩa địa… thơ" là câu nôm na cửa miệng, còn dân trong vùng gọi đó là nơi "Cực Lạc Thái Bình". Và không biết có phải do đề thơ trên mộ hay không mà đến nay (bài viết từ năm 2006) rất nhiều gia đình muốn mai táng người thân qua đời tại đây!

Thể loại phỏng vấn (phần III "Những cuộc trò chuyện xuyên thế kỷ") là phần hay nhất, lý thú nhất và đáng quý nhất của tập sách. Nguyễn Linh Giang đưa vào đây các cuộc trò chuyện với các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Kim Trắc, nhà thơ Nguyễn Duy, Phạm Thiên Thư, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đặc biệt in kèm bài còn có thủ bút trả lời của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương (in trong bài) và Trịnh Công Sơn (in bìa 4). Các bài phỏng vấn được đăng báo từ hai mươi, ba mươi năm trước nay in vào sách đọc lại vẫn thấy thấm thía, sâu sắc cả về con người và suy nghĩ của những người sáng tạo, làm văn làm nhạc. Bây giờ đọc lại lời của họ qua những bài phỏng vấn của Nguyễn Linh Giang hồi trước tôi như được gặp lại họ, được thấy lại khẩu khí, tính cách của họ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết những truyện ngắn "giả - lịch sử" gây tranh luận dữ dội trong dư luận về quan hệ giữa văn và sử. Khi được Nguyễn Linh Giang hỏi: "Anh quan niệm các nhân vật lịch sử có tên tuổi được phản ánh trong các tác phẩm như thế nào?" ông nói: "Thời nào, người nào cũng có thần tượng. Các thần tượng luôn thay đổi theo sự trưởng thành của tư duy thời đó, người đó. Nhân vật lịch sử là nhân vật lịch sử. Song, tất cả những người có tên tuổi đều phải dè chừng họ. Họ phải thế nào mới có tên tuổi chứ, mới được ghi nhận chứ? Biết bao nhiêu người sinh ra và chết đi vô danh… Tôi tôn trọng và khâm phục tất cả các nhân vật có tên tuổi trong lịch sử cũng như hiện tại. Song, không phải vì thế mà tôi không tôn trọng và khâm phục những kẻ vô danh. Đã là con người phải tôn trọng con người." (tr. 260-61)

Nhà văn Dương Thu Hương chỉ xin nhận mình là "người cày vỡ lượt đầu" trong văn chương đổi mới. Khi được Nguyễn Linh Giang hỏi về tình hình tranh luận văn nghệ sôi nổi và gay gắt hồi đầu cuộc đổi mới, bà nói: "Các cuộc tranh luận là hiện tượng tốt nếu nó được đảm bảo bằng phẩm cách của các cơ quan có quyền tuyển, đăng và ấn loát. Hãy can đảm trình bày các luồng tư tưởng trái chiều một cách sòng phẳng. Đừng ăn gian, đừng chơi trò ném đá giấu tay, đừng lạm phát tuyên ngôn về đổi mới nhưng thực sự lại đem tiêu những đồng tiền âm phủ." (tr. 269)

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong cuộc trò chuyện cuối cùng thiên niên kỷ thứ hai (1999) với Nguyễn Linh Giang đã không cho mình là đã đạt tới sự đắc đạo. "Tôi không phải là một nhà tu. Nếu cần ví von thì tôi chỉ là một hành giả đi qua cuộc đời này và chiêm nghiệm về sự vô thường. Mỗi ngày tôi đều có những giây phút yên tĩnh để suy tưởng và có lẽ vì thế trong một số ca khúc của tôi bàng bạc một chút thiền." (tr. 273)

Bằng những bài phỏng vấn này như thế, nhà báo Nguyễn Linh Giang đã giữ lại cho văn học sử nước nhà những tài liệu quý, giúp người đọc về sau hiểu rõ hơn những văn nghệ sĩ quan trọng đã có vai trò chủ nhân và chứng nhân của một thời kỳ văn nghệ sôi động và quyết liệt.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 27/5/2022

No comments