Nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ ra "lỗ hổng" của người đẹp Việt khi thi Hoa hậu - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ ra "lỗ hổng" của người đẹp Việt khi thi Hoa hậu

"Thi Hoa hậu không nên coi ngoại ngữ là tuyệt đối"

Từ tranh cãi về các thí sinh trả lời bằng tiếng Anh tại chung kết Hoa hậu Hoàn vũ 2022 đến sự việc Á hậu Kim Duyên - đại diện Việt Nam tại cuộc thi Miss Supranational 2022 (Hoa hậu Siêu quốc gia) bị chỉ trích "thiếu kiến thức". Theo ông, điều này phản ánh thực trạng gì ở các cuộc thi nhan sắc hiện nay?

- Tôi cho rằng, các cuộc thi sắc đẹp trước hết phải lấy sắc đẹp là chính. Hiện nay, trong những cuộc thi nhan sắc chúng ta đặt ra yêu cầu cao hơn. Ngoài vẻ đẹp hình thể đòi hỏi thí sinh phải có vẻ đẹp về tâm hồn, tinh thần, trình độ, học vấn… Đó cũng là những yếu tố để Ban tổ chức (BTC), Ban giám khảo (BGK) lựa chọn ra người được coi là toàn diện nhất.

Tôi nghĩ những khiếm khuyết của các thí sinh trong quá trình thi nhan sắc là điều khó tránh. Đương nhiên, thí sinh mắc sai sót sẽ mất điểm, khả năng được giải cao tại cuộc thi sắc đẹp không còn nữa. Đây cũng là điều bình thường.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ ra "lỗ hổng" thiếu hụt của người đẹp Việt khi thi Hoa hậu - Ảnh 1.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - người từng nhiều lần được "chọn mặt gửi vàng" làm Trưởng BGK cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và các cuộc thi sắc đẹp uy tín. (Ảnh: Dân Việt)

Vẫn biết rằng, cuộc thi sắc đẹp trước hết phải lấy sắc đẹp là chính nhưng những người đẹp mắc sai lầm, ứng xử bập bẹ, nhận không ít "gạch đá" từ dư luận. Vậy theo ông điều này có bị cho là "quá tay", khắt khe với họ?

- Rõ ràng một thí sinh khi bộc lộ sự yếu kém về kiến thức trong cuộc thi thì chính bản thân họ tự nhắc nhớ, rút ra bài học và tự hoàn thiện mình.

Tôi cho rằng, chúng ta không nên nặng nề quá với những thí sinh tại những cuộc thi nhan sắc. Hãy coi những cuộc thi sắc đẹp là yếu tố tác động vào xã hội không hoàn toàn để giải trí mà còn sân chơi này góp phần khích lệ mọi người vươn đến trình độ cao hơn.

Mong muốn của xã hội càng cao là điều tốt. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa vấn đề và nâng tầm thành điều gì đó cao siêu. Trong thời đại hội nhập, người đẹp Việt có kỹ năng nào đó nổi trội là điều tốt và là bài học cho những người trẻ khác vươn lên theo hướng tích cực.

Phần giới thiệu bản thân của thí sinh Hương Ly tại chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022. (Video: Uni Network)

Về khả năng ngoại ngữ của nhiều người đẹp Việt khi thi Hoa hậu hiện nay bị cho là vẫn còn hạn chế, nhất là khi họ đại diện Việt Nam "mang chuông đi đánh xứ người". Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, những cuộc thi sắc đẹp mang tầm "liên thông" với những đấu trường nhan sắc quốc tế thì rất cần những người đẹp có khả năng ngoại ngữ tốt. Họ chắc chắn sẽ có ưu thế khi thi sắc đẹp ở nước ngoài, từ việc sinh hoạt, trả lời ứng xử, thuyết trình…

Tuy nhiên, trong những cuộc thi nhan sắc tại các quốc gia khác tôi có theo dõi và thấy họ không yêu cầu thí sinh phải nói tiếng Anh.

Một số cuộc thi vẫn cho phép thí sinh nói tiếng bản ngữ, khi cần sẽ có sự hỗ trợ của đội ngũ phiên dịch. Ngược lại, thí sinh khi nói được tiếng Anh thành thạo sẽ ghi điểm và thể hiện rõ năng lực vượt trội của mình.

Clip Á hậu Kim Duyên nói Doraemon là "nhân vật Disney" trong phần Supra Chat thuộc khuôn khổ cuộc thi Miss Supranational 2022. (Nguồn: Miss Supranational Official).

Theo ông, lưu ý quan trọng với mỗi người đẹp khi đi thi nhan sắc là gì?

- Tôi cho rằng, không nên coi khả năng ngoại ngữ là tuyệt đối dù việc trang bị cho mình khả năng ngoại ngữ tốt là điều rất cần thiết.

Đôi khi ngay trong những lời ăn tiếng nói, đối thoại, khả năng ứng xử hay thí sinh khi sử dụng tiếng Việt giỏi thì riêng tôi đã đánh giá cao họ. Bởi vì nhiều bạn trẻ hiện nay ngay cả việc diễn đạt tiếng Việt còn chưa chuẩn mực. Nếu thí sinh có khả năng ngoại ngữ lưu loát, truyền tải một cách chính xác nội dung, thông điệp đến mọi người thì càng lý tưởng hơn.

Yêu cầu đầu tiên cần có ở mỗi người đẹp đi thi nhan sắc là nói tiếng Việt phải sõi, không nói ngọng, nói chuyện có đầu có đuôi… Tôi cho rằng, đó cũng là  điểm yếu của những bạn trẻ hiện nay, không riêng những cô gái đi thi sắc đẹp, điều này bắt nguồn từ chính giao tiếp hiện nay, trong giáo dục học đường, cho thấy khả năng nói vụng về, năng lực hùng biện còn rất hạn chế. Qua cuộc thi nhan sắc góp phần khích lệ họ nâng cao năng lực thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể.

Nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ ra "lỗ hổng" thiếu hụt của người đẹp Việt khi thi Hoa hậu - Ảnh 4.

Á hậu Kim Duyên – đại diện Việt Nam đang thi Miss Supranational 2022 (Hoa hậu Siêu quốc gia) tại Ba Lan. Sau khi nói Doraemon là "nhân vật Disney" trong khuôn khổ cuộc thi gây tranh cãi, Kim Duyên bày tỏ sự thất vọng về bản thân. "Trong chặng đường còn lại tại Miss Supranational 2022, tôi sẽ không để mình mắc lỗi lầm nào nữa và sẽ cố gắng hết mình học hỏi, trau dồi nhiều hơn để không phụ lòng của tất cả những người đang tin yêu bên cạnh ủng hộ tôi", người đẹp chia sẻ. (Ảnh: FBNV)

"Lỗ hổng" của người đẹp khi đi thi nhan sắc

Ngoài khả năng ngoại ngữ tốt thì điều còn thiếu và cần phải được trang bị cho mỗi người đẹp khi thi nhan sắc, "mang chuông đi đánh xứ người" là gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng, mỗi người đẹp cần trang bị kiến thức cần thiết trong cuộc sống, kiến thức về đời sống văn hóa, kỹ năng sống. Rõ ràng khi người đẹp đưa ra những câu trả lời ngô nghê, làm mất đi thiện cảm từ BTC, BGK và khán giả. Cần nhắc nhở thí sinh thận trọng hơn, nỗ lực hơn trong quá trình tham gia cuộc thi.

Tôi quan sát có một thực tế khi thí sinh tham gia cuộc thi nhan sắc, nhất là những cuộc thi sắc đẹp uy tín thì họ sẽ học được rất nhiều kỹ năng trong đời sống, thậm chí đó là những kỹ năng bình thường trong đời sống một người phụ nữ như: cách ăn mặc; trang điểm; lời ăn tiếng nói; đánh thức những năng khiếu văn nghệ, hùng biện… Đây là điều rất có lợi cho các thí sinh.

Khán giả khi theo dõi cuộc thi sắc đẹp cũng chỉ dừng lại ở mức độ quan sát đơn thuần. Bản thân người đẹp khi đã đi thi Hoa hậu cũng học hỏi được rất nhiều điều, nhất là với những bạn nữ trẻ bước vào đời sẽ học hỏi được những bài học, tấm gương tốt, hình mẫu lý tưởng để bản thân phát triển phù hợp với nhu cầu của đời sống.

Theo ông, ở Việt Nam có nhất thiết cần đến những "lò đào tạo Hoa hậu" để giúp thí sinh trau dồi kỹ năng, nạp thêm kiến thức, trình độ, khả năng hùng biện… giống như cách làm của nhiều cường quốc sắc đẹp trên thế giới như Philippines, Venezuela?

- Việc có hay không các "lò đào tạo Hoa hậu" tôi chưa bàn tới vì phụ thuộc vào nhu cầu xã hội đến đâu. Theo tôi, việc chúng ta cần quan tâm là đào tạo kỹ năng sống từ trong gia đình, nhà trường, xã hội từ những điều nhỏ nhất như: cách đi lại, ăn mặc, hùng biện và khả năng ngoại ngữ…

Bản thân mỗi người nên có kỹ năng sống tốt, thích ứng được trong nhiều môi trường, không gian, nhất là trong thời đại hội nhập. Tôi lấy ví dụ việc công dân Việt Nam ra nước ngoài nhưng không am hiểu luật pháp, tập quán, cách ứng xử tại quốc gia đó mà chúng ta lại quen lối sống như trong nước thì chắc hẳn gặp những trở ngại, rắc rối…

Trong thời đại hiện nay, người đẹp đăng quang không chỉ dừng lại ở việc đạt được vương miện. Sau đăng quang, BTC cuộc thi sắc đẹp cần phát huy vai trò của Hoa hậu như một tấm gương, mẫu mực là động lực cho các bạn trẻ.

Cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc đã chia sẻ thông tin!

No comments