Vì sao tượng đài đặt ở Công viên Thống Nhất lại ghép Cảnh sát giao thông với Phòng cháy chữa cháy? - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Vì sao tượng đài đặt ở Công viên Thống Nhất lại ghép Cảnh sát giao thông với Phòng cháy chữa cháy?

Họa sĩ Vi Kiến Thành – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam là thành viên của Hội đồng nghệ thuật chọn mẫu tượng đài CSGT và PCCC đặt ở Công viên Thống Nhất – Hà Nội. Ông là người đã tham gia ngay từ đầu, khi Bộ Công an xây dựng ý tưởng và tuyển chọn mẫu tượng sau khi nhận được 5 mẫu gửi về. Trước những tranh cãi trái chiều về cụm tượng CSGT, PCCC… đang sắp hoàn thiện, ông Vi Kiến Thành đã có những chia sẻ với Dân Việt.

Vì sao tượng đài đặt ở Công viên Thống Nhất lại ghép Cảnh sát giao thông với Phòng cháy chữa cháy? - Ảnh 1.

Toàn cảnh cụm tượng đài CSGT, PCCC ở Công viên Thống Nhất. Ảnh: CVTN.

Thưa ông, vì sao Hội đồng nghệ thuật lại chọn cụm tượng đài ghép chung nhóm tượng CSGT với PCCC để đặt tại Công viên Thống Nhất?

- Ý định ban đầu của Bộ Công an – đơn vị đầu tư là dựng hai cụm tượng, một về CSGT, một về PCCC. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, Hội đồng nghệ thuật xem xét các phương án để góp ý, cuối cùng Bộ Công an thống nhất quan điểm chỉ xây dựng một cụm tượng nhưng vẫn phản ánh đầy đủ thông điệp muốn chuyển tải. Đây là cụm tượng có ý nghĩa tôn vinh công việc thường ngày của lực lượng CSGT và PCCC, mang thông điệp gần gũi với nhân dân.

Việc lựa chọn bản phác thảo cũng thực hiện đúng theo quy trình các bước. Thực chất đây là một cuộc thi, có 5 bản phác thảo của 5 nhóm tác giả gửi đến chứ không phải chỉ định một tác giả nào thực hiện. Và sau nhiều lần cân nhắc, xem xét, bàn bạc… cuối cùng Hội đồng nghệ thuật đã chọn ra mẫu phác thảo của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tân.

Vì sao tượng đài đặt ở Công viên Thống Nhất lại ghép Cảnh sát giao thông với Phòng cháy chữa cháy? - Ảnh 2.

Nhân công đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục tại khu vực đặt tượng đài CSGT, PCCC. Ảnh: DV.

Trong quá trình làm việc, Hội đồng nghệ thuật cũng tiếp cận với hai nhóm tượng riêng biệt là CSGT và PCCC. Sau một quá trình xem xét, nghiên cứu… Hội đồng nhận thấy rằng, không nhất thiết phải tách thành hai cụm tượng mà có thể gộp lại làm một. 

Bên phải là hình ảnh chiến sĩ PCCC, bên trái là hình ảnh CSGT, bố cục được căn chỉnh để tạo thành một cụm tượng, vừa rõ thông điệp mà vẫn giúp công trình nhỏ bớt đi về mặt quy mô và tiết kiệm được kinh phí. Cuối cùng Hội đồng đã quyết định chọn phương án ghép nhóm tượng chiến sĩ PCCC và CSGT trong một bố cục. Đây là quyết định đưa ra sau một quá trình làm việc của một tập thể chứ không phải quyết định của một cá nhân nào.

Nhiều người cho rằng, cụm tượng đài này thiếu tính sáng tạo và tính hội nhập… khi sao chép hiện thực một cách khiên cưỡng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Trong nghệ thuật nói chung và nghệ thuật điêu khắc nói riêng, có rất nhiều ngôn ngữ, thủ pháp nghệ thuật để xây dựng nên một hình tượng. Nhiều khi còn phải căn cứ vào thông điệp và đối tượng thụ hưởng của toàn bộ công trình mà sử dụng ngôn ngữ khác nhau.

Ở đây, phía đơn vị đầu tư xác định đối tượng thụ hưởng là mọi tầng lớp nhân dân, nói cách khác là hướng đến đại chúng… là những người có khả năng cảm thụ nghệ thuật ở mức bình thường nhất. Tức là ai cũng có thể hiểu được thông điệp của cụm tượng đài này ngay khi nhìn thấy nó. Vì vậy, Hội đồng nghệ thuật, đơn vị đầu tư và tác giả thống nhất sẽ thực hiện cụm tượng đài theo phương pháp tả thực. Bởi vì đây là phương pháp dễ dàng tiếp cận đại chúng nhất.

Vì sao tượng đài đặt ở Công viên Thống Nhất lại ghép Cảnh sát giao thông với Phòng cháy chữa cháy? - Ảnh 3.

Theo thành viên Hội đồng nghệ thuật, cụm tượng đài CSGT, PCCC được thực hiện theo ngôn ngữ tả thực nhằm tiếp cận đại chúng dễ dàng nhất. Ảnh: DV.

Dĩ nhiên, khi đã chọn thủ pháp tả thực sẽ khó tránh được việc người ta cho là minh hoạ, mô phỏng hiện thực cuộc sống. Việc mô phỏng và đưa hiện thực cuộc sống vào tác phẩm nghệ thuật có thể không phải là giải pháp hấp dẫn đối với những người am hiểu về nghệ thuật, nhưng đây lại là phương pháp dễ tiếp cận nhất với đại chúng.

Những hình ảnh đẹp của CSGT như đưa cụ già qua ngã tư, hay nữ cảnh sát giao thông đứng trên bục phân luồng giao thông là những hình ảnh thực tế, rất gần gũi với cuộc sống mà ai cũng có thể bắt gặp hàng ngày. Hay đối với chiến sĩ PCCC là hình ảnh họ không quản nguy hiểm lao vào đám cháy để dập lửa, cứu người dân. Những hình ảnh này được chân thực hóa khi đưa vào cụm tượng đài để mọi người đều cảm nhận được điều này vẫn đang hiện diện trong cuộc sống. Đó là lợi thế của phương pháp tả thực.

Phương pháp tả thực sẽ khiến tác giả rơi vào tình thế minh hoạ, mô phỏng… hiện thực, nhưng khi hướng đến người xem thì sẽ thấy rằng phương án này phù hợp với đại chúng. Những hình ảnh quen thuộc về chiến sĩ CSGT hay PCCC đều quá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy mà không cần phải nghệ thuật hoá, cách điệu lên làm gì.

Vì sao tượng đài đặt ở Công viên Thống Nhất lại ghép Cảnh sát giao thông với Phòng cháy chữa cháy? - Ảnh 4.

Cụm tượng đài bằng chất liệu đồng, có 7 nhân vật. Ảnh: DV.

Nếu để diễn tả hình ảnh các chiến sĩ bằng cách khác phức tạp hơn sẽ lại có nhược điểm khiến đại chúng không hiểu được hết. Mong muốn của Bộ Công an khi dựng nên cụm tượng đài này thể hiện sự gần dân - vì dân của lực lượng CSGT, PCCC là mong muốn rất thiện chí và tốt đẹp của ngành công an. Cho nên chúng ta cũng phải nhìn tác phẩm này để hiểu người ta hướng đến đối tượng đại chúng, chứ đừng soi chiếu nó dưới góc độ cảm thụ nghệ thuật.

Ngoài tính sáng tạo và ngôn ngữ thể hiện của cụm tượng, nhiều ý kiến cũng tranh cãi về sự không phù hợp của vị trí đặt tượng?

- Vị trí đặt bức tượng cũng là mong muốn của ngành công an. Với chủ đích để cụm tượng gần gũi với đời sống và người dân nên họ mới lựa chọn một nơi không phải quảng trường cũng chẳng phải không gian rộng lớn nào mà chỉ đặt tượng ở một nơi hết sức bình thường.

Vị trí này mọi người vẫn đi qua đi lại bình thường, bất kể di chuyển bằng bất cứ phương tiện gì cũng có thể tiếp cận và đọc được thông điệp mà bức tưởng này phản ánh. Nhìn chung lại đây là bức tượng nhắm đến đối tượng đại chúng và mang yếu tố tuyên truyền cổ động, chứ không phải là một bức tượng mang tính nghệ thuật.

Cảm ơn họa sĩ Vi Kiến Thành đã chia sẻ thông tin.

No comments