Chuyện bao giờ kể, nhạc sĩ Văn Cao từng phải ra tòa đòi lại bản quyền lời của “Quốc ca Việt Nam” - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Chuyện bao giờ kể, nhạc sĩ Văn Cao từng phải ra tòa đòi lại bản quyền lời của “Quốc ca Việt Nam”

Vào dịp Quốc khánh (2/9), người ta nhắc nhiều đến "Tiến quân ca" hay "Quốc ca Việt Nam" của nhạc sĩ Văn Cao như một niềm tự hào của dân tộc, nhân dân Việt Nam. Bởi tinh thần của bài hát đã vượt ra khỏi tính giới hạn của thời gian để lan tỏa tính thiêng liêng của chủ quyền quyền dân tộc, niềm kiêu hãnh bất diệt của đất nước kiên cường đấu tranh vì tự do.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, nhạc sĩ Văn Cao từng phải "vác đơn đi kiện" để đòi lại bản quyền lời ca khúc này. Chia sẻ với Dân Việt, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng cho biết, ông học Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cùng với họa sĩ Văn Thao - con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao. Thời điểm đó, ông thường vẫn qua nhà của nhạc sĩ Văn Cao ở phố Yết Kiêu (Hà Nội) để hầu rượu, đơm trà cùng ông.

Chuyện bao giờ kể, nhạc sĩ Văn Cao từng phải ra tòa đòi lại bản quyền lời của “Quốc ca Việt Nam” - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Văn Cao và Tiến sỹ Thế Hùng. Ảnh: NVCC.

"Thời đó, cụ Văn Cao thấy tôi vừa làm thơ, vừa viết nhạc giống cụ nên cụ thương cụ quý tôi lắm. Cụ có nói một câu: "Văn Thao là con đẻ, Thế Hùng là con nuôi". Chính nhờ mối quan hệ thâm tình đó mà các tập thơ, tập nhạc của tôi đều được cụ Văn Cao "cho chữ" ở phần đề từ.

Về vụ đòi lời "Quốc ca Việt Nam" thì đến giờ tôi vẫn nhớ rất rõ. Có một người tên là Đ.H.I đã mạo nhận lời "Tiến quân ca" là của ông ta viết. Vì thế mà cụ Văn Cao đã quyết định đòi lại cho bằng được. Cụ bảo: "Tác phẩm này bác, bác nhất định phải đi đòi lại.

Thời điểm đó, tôi cùng với Văn Thao và các con cháu dìu cụ tên mấy chục bậc cầu thang của Toà án nhân dân tối cao để nộp đơn kiện. Khi ấy tôi là phóng viên duy nhất của báo Văn nghệ đi theo cụ Văn Cao. Rất tiếc bức ảnh chụp hôm ấy mất rồi, nhưng hôm ấy tôi có bài viết thực hiện luôn và được đăng trên báo Tuổi Trẻ.

Sau đó, khi gặp lại nhạc sĩ Văn Cao, ông nói: "Công cháu lớn, hôm nay là ngày vui nhất, bác lấy lại được bản quyền lời bài hát "Quốc ca Việt Nam" rồi. Đây không phải là lời của riêng bác nữa đâu, đây là lời của non sông rồi", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng tâm sự.

Chuyện bao giờ kể, nhạc sĩ Văn Cao từng phải ra tòa đòi lại bản quyền lời của “Quốc ca Việt Nam” - Ảnh 2.

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao là người thâm trầm, ít nói và nhân văn. Ảnh: GĐCC.

Theo Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, lúc sinh thời, ông hay qua chơi với nhạc sĩ Văn Cao. Bản thân ông thấy nhạc sĩ Văn Cao là một người rất thâm trầm, tài năng và nhân văn.

"Suốt ngày cụ cầm ly rượu, có khi ngồi hàng tiếng đồng hồ không nói một lời nào. Hai bác cháu ngồi với nhau cụng ly, hút thuốc lá rồi ngẫm nghĩ về thế thái nhân tình. Thỉnh thoảng cụ Văn Cao ngồi vào cây đàn piano đánh lên vài nốt của bài "Tiến quân ca". Cụ luôn hoài niệm về "Tiến quân ca", sau này trở thành "Quốc ca Việt Nam". Tôi vẫn luôn nhớ mãi hình ảnh đó.

Sau này một nhà nhiếp ảnh chụp được bức ảnh cụ ngồi bên piano. Nhưng chỉ có tôi chứng kiến những lúc cụ Văn Cao buồn nhất của cuộc đời. Lương bổng hạn hẹp, không có tiền nên cụ nghèo lắm. Cụ Văn Cao uống rượu thay cơm để giải sầu. Tất cả các cuộc rượu của cụ Văn Cao gần như không bao giờ thiếu vắng tôi.

Chính vì thế mà nghệ thuật của cụ lan toả trong tôi lúc nào không biết. Văn Cao là thần tượng của tôi. Chính nhờ đó mà tôi luôn phấn đấu để trở thành một người con cháu kế thừa cả thơ, nhạc và hoạ của cụ. Tại sao tôi vẽ nhiều, đến vậy, tôi phấn đấu vẽ 500 rồi 1000 bức tranh… vì nghĩ đến cụ Văn Cao thời đó, muốn vẽ mà đói khổ, thiếu thốn không có tiền mua màu để vẽ. Bây giờ tranh Văn Cao hầu như không còn, số lượng đếm được trên đầu ngón tay. Cụ Văn Cao đến khi mất đi chỉ có vài chục bức tranh. Các bậc cha ông thiệt thòi đủ thứ, tôi rất thương cụ, nên giờ khi có đủ điều kiện kinh tế tôi luôn cố gắng sáng tạo để nối tiếp giấc mơ dang dở của các cụ", Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng kể thêm.

Nhạc sĩ Văn Cao từng đâm đơn kiện đòi lại quyền tác của "Tiến quân ca" - "Quốc ca Việt Nam"

Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng cho rằng, trong quá trình sáng tác âm nhạc, ông đã được nhạc sĩ Văn Cao dìu dắt rất nhiều. Ông dạy từ cách gieo vần thơ hiện đại, về cách ngắt nhịp của từng thể loại…

"Cụ dạy tôi phải viết thế này thế kia, đoạn này trưởng thứ thế nào, có lý điệu thế nào… âm nhạc của tôi ảnh hưởng rất nhiều từ nhạc sĩ Văn Cao. Tôi học khoá I lớp sáng tác âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1990, do thầy Hoàng Vân làm chủ nhiệm và thầy Văn Ký giảng dạy trực tiếp. Tuy nhiên, đi đâu và lúc nào tôi cũng nhận mình ảnh hưởng rất nhiều bởi thơ và nhạc của nhạc sĩ Văn Cao. Còn tranh vẽ không có sự ảnh hưởng nhiều. Cụ Văn Cao dự thính tại Đại học Mỹ thuật Đông Dương, cũng không tốt nghiệp Đại học nên chỉ vẽ được chứ không phải là hay", Tiến sĩ Thế Hùng bộc bạch.

Chuyện bao giờ kể, nhạc sĩ Văn Cao từng phải ra tòa đòi lại bản quyền lời của “Quốc ca Việt Nam” - Ảnh 4.

Ít ai biết rằng, nhạc sĩ Văn Cao từng phải nộp đơn lên tòa để đòi lại bản quyền phần lời ca khúc "Tiến quân ca". Ảnh: GĐCC.

Theo nhạc sĩ Văn Thao, ca khúc "Tiến quân ca" được bố ông là nhạc sĩ Văn Cao viết nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền (Hà Nội). Ông có viết lại trong một ghi chép tháng 7 năm 1976 như sau: "… Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được...".

Về ca khúc, nhạc sĩ Văn Cao nói rằng, tên bài hát và lời ca là một sự tiếp tục từ ca khúc "Thăng Long hành khúc ca" trước đó: "Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng" và bài Đống Đa: "Tiến quân hành khúc ca, thét vang rừng núi xa"... Và ông đã rút lại những ca từ trong bài hát đó thành "Tiến quân ca". Phần ca từ trong bài hát ở thời điểm mới ra đời có nhiều khác biệt so với sau này như câu đầu "Đoàn quân Việt Nam đi" thì ban đầu là "Đoàn quân Việt Minh đi"; câu thứ sáu của bài hát ở phiên bản đầu là "Thề phanh thây uống máu quân thù" thể hiện sự căm phẫn, đau đớn của Văn Cao trước sự tàn bạo của thực dân Pháp và trước nạn đói đang xảy ra, về sau được nhiều người góp ý, tác giả đã sửa thành "Đường vinh quang xây xác quân thù". 

Câu kết: "Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!" được Văn Cao sửa thành "Núi sông Việt Nam ta vững bền". Tuy nhiên, khi xuất bản thành "Quốc ca", ai đó đã sửa thành "Nước non Việt Nam ta, vững bền!". Việc này, theo nhạc sĩ Văn Cao: "Với một ca khúc đòi hỏi trang nghiêm, chữ "nước non" hát lên bị yếu. Chữ "núi sông" hát khỏe và hùng tráng hơn".

Chuyện bao giờ kể, nhạc sĩ Văn Cao từng phải ra tòa đòi lại bản quyền lời của “Quốc ca Việt Nam” - Ảnh 5.

Bút tích của nhạc sĩ Văn Cao viết về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc "Tiến quân ca". Ảnh: GĐCC.

Sau khi hoàn thành tác phẩm, Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và lần đầu tiên "Tiến quân ca" được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết.

Ngày 17 tháng 8 năm 1945, ca khúc được hát trước quần chúng lần đầu tiên tại một cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội bởi nhạc sĩ Phạm Duy, đây cũng là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh thay cho cờ của chính phủ Trần Trọng Kim và cướp loa phát thanh hát "Tiến quân ca" mà theo Văn Cao: "Con người trầm lặng ấy đã có sức hát hấp dẫn hàng vạn quần chúng ngày hôm đó".

Còn nhà thơ, nhạc sĩ  Nguyễn Đình Thi, sau khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết được bài "Diệt phát xít", Văn Cao viết thêm bài "Chiến sĩ Việt Nam", cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng.

No comments