Giáo sư Michiko yêu cầu nhà sản xuất phim “Em và Trịnh” xin lỗi có quá "muộn màng"?
Giáo sư Michiko yêu cầu nhà sản xuất phim "Em và Trịnh" xin lỗi công khai
Cơ duyên nào Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng được GS Michiko Yoshii tin tưởng giao cho chị vai trò là người đại diện cho mình trong vụ việc bà yêu cầu nhà sản xuất “Em và Trịnh” xin lỗi khi sử dụng hình ảnh, tư liệu không có sự đồng ý của mình?
- Tôi đã có một quá trình quen biết vợ chồng Giáo sư Michiko Yoshii và biết họ làm rất nhiều việc thiện nguyện tại Việt Nam.
Vì sao GS Michiko Yoshii đến thời điểm hiện tại mới lên tiếng yêu cầu nhà sản xuất phim “Em và Trịnh” xin lỗi, thưa chị?
- Thời điểm ngay từ đầu bộ phim ra mắt đã nhận có rất nhiều người lên tiếng như danh ca Khánh Ly, Thanh Thúy… Tuy nhiên, GS Michiko không chọn lên tiếng ở thời điểm đó bởi vì nếu như cô cho rằng, việc mình lên tiếng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của bộ phim hoặc gây những khó khăn nhất định cho phim “Em và Trịnh”, trong khi GS Michiko là người rất tinh tế, cô không muốn gây khó dễ cho bất kỳ ai. Cô đợi khi mọi chuyện đã xong hết, phim đã chiếu xong. Có nghĩa là việc lên tiếng của GS Michiko ở thời điểm này không còn ảnh hưởng đến bộ phim nữa thì cô mới lên tiếng.
Theo luật, GS Michiko ngay từ đầu có thể yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm. Có nghĩa là ngay từ đầu phim “Em và Trịnh” không được trình chiếu nữa hoặc bồi thường. Tuy nhiên, cô không làm và không thực hiện những điều đó. Đối với GS Michiko, cô chỉ yêu cầu phía nhà sản xuất xin lỗi công khai và để họ không phạm sai lầm như vậy trong những tác phẩm tương tự.
Vậy trong thời gian phim “Em và Trịnh” được công chiếu đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của GS Michiko, gia đình thế nào?
- GS Michiko là người rất kín đáo nên cô không chia sẻ nhiều. GS Michiko chỉ yêu cầu khép câu chuyện lại bằng lời xin lỗi từ phía nhà sản xuất và đừng lặp lại sự việc với những người khác.
Tôi nghĩ, GS Michiko nhờ luật sư lên tiếng can thiệp sự việc trong khi những người khác có thể họ không biết bản thân được quyền lên tiếng phản đối. Có thể họ nghĩ rằng, bản thân do dính dáng đến một vị nhạc sĩ nổi tiếng nên đương nhiên đời sống riêng tư của tôi thì mọi người được khai thác và suy nghĩ này là không đúng.
Hiện nay, pháp luật đã có quy định thế nào và có mức phạt nào ra sao cho hành động thực hiện những bộ phim nhưng chưa được sự đồng ý của nhân vật có thật trong tác phẩm?
- Theo Điều 11, Luật Dân sự về các phương pháp bảo vệ quyền dân sự có nêu rõ: Khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
1. Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình;
2. Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
3. Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
4. Buộc thực hiện nghĩa vụ;
5. Buộc bồi thường thiệt hại;
6. Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền;
7. Yêu cầu khác theo quy định của luật.
Trong tất cả những điều trên, GS Michiko chỉ đưa ra yêu cầu đối với nhà sản xuất “Em và Trịnh” đó là lời xin lỗi. Điều này cũng cho thấy được tính cách, phẩm chất của cô rất dễ thương!
Theo chị, lời xin lỗi từ phía nhà sản xuất “Em và Trịnh” ở thời điểm khi phim đã được công chiếu và đạt được doanh thu “khủng” thì có bị cho là quá muộn với yêu cầu của GS Michiko?
- Không muộn. Bởi vì GS Michiko đâu có cần một quyền lợi gì về vật chất, cô cũng không gây khó dễ cho phía nhà sản xuất để phim lên sóng. Sự lên tiếng của GS Michiko ít nhất cho mọi người thấy rằng phía nhà sản xuất phim “Em và Trịnh” đã sai và chưa có lời xin lỗi đến cô. Đó là tính cách của GS Michiko, cô không muốn hơn thua cho nên tôi tôn trọng quyết định của cô.
Chưa nhận được phản hồi từ nhà sản xuất "Em và Trịnh"
Hiện tại, Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng đã liên hệ với phía nhà sản xuất “Em và Trịnh” chưa?
- Tôi đã liên hệ và gửi thư cũng như yêu cầu từ phía GS Michiko cho phía nhà sản xuất “Em và Trịnh” từ hôm 13/9. Tuy nhiên, chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ phía đơn vị này.
Qua sự việc này, Luật sư Diễm Phương có lời khuyên nào cho những nhà làm phim, nhà sản xuất trong việc thực hiện những bộ phim về những nhân vật có thật để tránh những ồn ào, không đúng với quy định của pháp luật?
- Tôi nghĩ các nhà làm phim, nhà sản xuất khi thực hiện đề tài này cần phải có sự chấp thuận bằng văn bản từ những nhân vật họ khai thác đưa lên phim. Bởi đó là quyền về đời sống riêng tư được quy định trong Hiến pháp về quyền bất khả xâm phạm. Theo nguyên tắc, nếu phía GS Michiko chưa đồng ý thì không thể làm phim “Em và Trịnh” có đề cập đến cô. Trong khi phim “Em và Trịnh” được công chiếu có những tình tiết đều trùng khớp với nhân thân của GS Michiko mà chưa được sự đồng ý của chính chủ.
Mặt khác, trong phim có đề cập đến mối quan hệ của hai người. Bộ phim công khai về riêng đời sống của vị nhạc sĩ mà không ảnh hưởng đến ai khác biệt hoàn toàn so với đề cập đến cuộc sống, cuộc tình của các bên liên quan. Cho nên, ngoài việc tuân thủ quy định của pháp luật còn thể hiện sự lịch sự, nhân văn, tinh tế khi thực hiện tác phẩm về nhân vật có thật.
Giả sử yêu cầu không được nhà sản xuất “Em và Trịnh” đáp ứng thì liệu phía luật sư Diễm Phương – người đại diện cho GS Michiko có thêm những biện pháp “mạnh tay” nào hay chấp nhận vì “sự đã rồi”?
- Hiện tại, chúng tôi đang chờ động thái từ phía đơn vị sản xuất phim “Em và Trịnh”. Nếu không nhận được phản hồi thì chúng tôi hiện tại cũng đã chuẩn bị sẵn đơn đề nghị để gửi cho phía Cục Điện ảnh đề cập đến sự việc này.
Cảm ơn Luật sư Diễm Phương đã chia sẻ thông tin!
Trích đoạn trong phim "Em và Trịnh". (Nguồn: Galaxy)
Phim "Em và Trịnh" của nhà sản xuất Galaxy EE mắt khán giả ngày 10/6. Sau 3 tuần công chiếu chính thức, phái nhà sản xuất "Em và Trịnh" thông báo bộ phim đã cán mốc doanh thu 100 tỷ đồng. Bộ phim về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành phim Việt Nam có doanh thu cao nhất năm 2022 ở thời điểm đó nhưng vướng vào luồng tranh cãi gay gắt về cách xây dựng nhân vật.
Danh ca Khánh Ly chia sẻ với báo chí rằng, bộ phim "Em và Trịnh" đã phản ánh không chân thực mối quan hệ giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời. Bà cảm thấy không vui khi biết trong phim có những cảnh Khánh Ly đút sữa chua cho ông ăn, chủ động đi tìm vị nhạc sĩ, ôm ông khi ông buồn. Khánh Ly khẳng định giữa bà và Trịnh Công Sơn không có tình yêu.
Từ góc độ khác, danh ca Thanh Thúy cho biết, bà thấy lạ lẫm với tạo hình nhân vật của mình trên phim. "Đó là thời gian mẹ tôi mới mất. Tôi để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ tôi mặc áo sườn xám và búi tóc như thế. Tôi cũng rất 'kỵ' hình ảnh một nam, một nữ đi về trong ngõ hẻm mờ ảo như thế. Đó không phải là tôi", Thanh Thúy lên tiếng.
Trước những ý kiến trái chiều, ông Lương Công Hiếu, đại diện của Galaxy EE chính thức lên tiếng về vấn đề này: "Em và Trịnh là bộ phim lãng mạn, không phải là phim tài liệu hay phim tiểu sử. Ngay từ đầu, chúng tôi đã khẳng định và còn ghi rõ trong phim "Lấy cảm hứng từ nhân vật có thật", chỉ lấy cảm hứng và kể câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không copy y nguyên sự thật ngoài đời vào trong phim.
Với độ dài 136 phút, để giữ chân khán giả kiên nhẫn ngồi tại rạp, bắt buộc Em và Trịnh phải cho mỗi nhân vật một nét riêng, cá tính khác biệt nhằm tạo kịch tính cho phim. Không chỉ với Khánh Ly mà nhiều nhân vật khác như Thanh Thúy, nhóm bạn Tuyệt Tình Cốc… trong phim đều có những chi tiết sáng tạo, hư cấu theo đòi hỏi nghệ thuật của bộ phim.
Chúng tôi rất tiếc và thành thật xin lỗi nếu sự sáng tạo của bộ phim có làm phiền lòng đến nhân vật có thật hay người thân. Chúng tôi xin ghi nhận, tiếp thu những đính chính khác biệt trên phim và ngoài đời.
Em và Trịnh, bằng ngôn ngữ điện ảnh, đã cố gắng "làm sống lại huyền thoại" Trịnh Công Sơn. Đây là điều vô cùng khó khăn, vì vậy không tránh khỏi thiếu sót. Chỉ mong khán giả hãy đón nhận bộ phim theo cách mà chính cố nhạc sĩ từng nói: "Tôi nghĩ trong nghệ thuật, điều quan trọng nhất là làm thế nào để mở ra một con đường ngắn nhất đi từ trái tim của mình đến trái tim của người mà không cần cắt nghĩa gì thêm".
No comments