Múa rùa, múa trống đu ở Phú Thọ là điệu múa gì mà cần phục hồi, bảo tồn? - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Múa rùa, múa trống đu ở Phú Thọ là điệu múa gì mà cần phục hồi, bảo tồn?

Nguy cơ mai một múa trống đu, múa rùa

Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoạch (khu Hạ Bạc, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) chia sẻ, múa trống đu tức là đùa trống, múa trống. Người múa trống lăn trống vòng quanh sân khấu. Trên nền nhạc, người múa trống, người phụ đạo kết hợp hài hòa với nhau.

Tích xưa kể rằng, xưa kia có hai vợ chồng người Mường sinh hạ được một cậu con trai. Cuộc sống đang hạnh phúc thì không may người vợ lâm bệnh, qua đời. Người chồng rất đau khổ, còn cậu con trai nhỏ thì cứ khóc đòi tìm mẹ khôn nguôi.

Tìm mọi cách dỗ dành mà con không nín, thương con, người cha bèn sang bản bên mua một chiếc trống mang về để đánh cho con nghe và cũng là để khỏa lấp đi nỗi nhớ người vợ trẻ bạc phận.

Và từ đó, chiếc trống trở thành niềm an ủi, gắn bó với hai cha con. Khi người cha mất, người con tổ chức múa trống để tiễn biệt cha về nơi chín suối. Tục múa trống đu của người Mường xuất phát từ đó.

Đời này qua đời khác, trống đu trở thành điệu múa không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người Mường ở Yên Lập.

Phục hồi, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của múa chuông, múa rùa, múa trống đu Phú Thọ - Ảnh 1.

Múa trống đu của đội văn nghệ dân tộc Mường, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Tú Anh

Đối với đồng bào người Mường, múa trống đu được coi là báu vật cha truyền con nối. Trong không khí xuân rộn ràng, tiếng trống da diết, mãnh liệt kết hợp với các động tác khéo léo xoay trống, vần trống như đánh thức những tình cảm sâu kín nhất của con người để hướng tới những ước vọng tốt đẹp, bình yên và hạnh phúc. Đó cũng chính là niềm tự hào về nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Mường ở huyện miền núi Yên Lập.

Còn ông Dương Đức Toàn, người nhiều năm truyền dạy múa rùa ở xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết: "Trải qua nhiều biến cố thiên di và cuộc sống du canh du cư nhưng người Dao ở Phú Thọ vẫn duy trì, gìn giữ nhiều lễ hội phong phú mang sắc thái rất riêng, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Điển hình phải kể đến lễ Tết nhảy với điệu múa rùa độc đáo, vui nhộn, diễn ra vào dịp cuối năm hoặc vào ngày Tết Nguyên đán".

Cũng theo ông Toàn, múa rùa trong tiếng Dao gọi là "Tam nguyên an ham". Đây là điệu múa diễn tả các động tác bắt ba ba, vì thế còn gọi là múa bắt ba ba và chỉ có trong nghi lễ Tết nhảy của người Dao huyện Yên Lập.

Tiếng bước chân rầm rập của người nhảy múa, tiếng cười nói rôm rả của người xem, tiếng trống, tiếng chiêng với tiết tấu dồn dập làm cho không khí xuân vui nhộn hẳn lên qua điệu múa rùa truyền thống,

Phục hồi, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của múa chuông, múa rùa, múa trống đu Phú Thọ - Ảnh 2.

Đồng bào dân tộc Dao trình diễn múa rùa. Ảnh: Tú Anh

Không chỉ đơn thuần mang yếu tố nghệ thuật, tâm linh, múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao và múa trống đu của dân tộc Mường ở huyện Yên Lập còn là sự kế thừa văn hóa truyền thống, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc là sự tái diễn lại hoạt động trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển và giao thoa giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, nhiều bản sắc riêng của múa chuông, múa rùa và múa trống đu có nguy cơ bị mai một.

Phục hồi, bảo tồn múa trống đu, múa rùa

Do đó, công tác nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của những điệu múa này tại tỉnh Phú Thọ đang được khẩn trương thực hiện.

Phục hồi, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của múa chuông, múa rùa, múa trống đu Phú Thọ - Ảnh 3.

Tỉnh Phú Thọ đã có chủ trương và nhiều giải pháp trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống gắn liền chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Tú Anh

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch "Chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một năm 2022".

Theo đó, tỉnh Phú Thọ có 2 chương trình là múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao và múa trống đu của dân tộc Mường ở huyện Yên Lập được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn.

Nội dung triển khai các chương trình gồm khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin các loại hình văn hóa phi vật thể; đề xuất giải pháp thực hiện bảo tồn, phát huy di sản; tổ chức tập huấn, truyền dạy, trình diễn các nghi lễ.

Tổ chức chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về quá trình bảo tồn di sản; in đĩa DVD phát cho người dân nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số.

Mỗi chương trình sẽ có 70 - 75 nghệ nhân và học viên người dân tộc thiểu số tham gia; không hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Kinh phí thực hiện trích từ nguồn ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

No comments