Đọc sách cùng bạn: Cánh chuồn bay vượt cơn mưa
Nhà thơ Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Bà cùng chồng là nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) đã là một cặp trai tài gái sắc cả trong văn chương và cuộc sống. Cuộc tình của họ cũng như sự ra đi của họ sau một tai nạn giao thông khủng khiếp (tháng 8/1988) mãi để lại sự đau xót, tiếc thương vô hạn cho bao người đọc. Cuốn sách này giúp soi tỏ "nghịch lý của tình yêu và số phận" trong cuộc đời Xuân Quỳnh.
XUÂN QUỲNH NGHỊCH LÝ CỦA TÌNH YÊU VÀ SỐ PHẬN
Nhiều tác giả
Nhà xuất bản Trẻ, 2019
Số trang: 290 (khổ 15,5x23cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 166.000đ
Mở đầu sách (phần I) là bài viết công phu, chi tiết mang chính cái tên sách của Phó Giáo sư, Tiến sĩ văn học Lưu Khánh Thơ, em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ. Từ cái nhìn của người em ruột thịt trong gia đình và của một người làm nghiên cứu văn học duy nhất của cả nhà, được anh chị mình sớm gửi gắm tin cậy những tâm sự và tư liệu, Lưu Khánh Thơ đã đưa đến cho người đọc những thông tin khả tín, những lý giải chính xác, những tư liệu xác thực về cuộc đời Xuân Quỳnh qua hai cuộc hôn nhân, tình cảm của nhà thơ đối với cha mẹ mình và cha mẹ chồng, với người chồng cũ, với hai đứa con riêng và một đứa con chung.
Nhà nghiên cứu đã kể về cuộc đời Xuân Quỳnh bằng cả những chi tiết đời thực của bà và cả những vần thơ bà viết cho cuộc sống riêng tư của mình. Đọc bài viết này ta sẽ hiểu rõ cuộc sống của nhà thơ trong tư cách một người vợ, người mẹ, người con dâu, người chị dâu, người em gái, với giăng mắc nhiều quan hệ để càng thấy yêu thương và cảm phục bà đã biết vượt lên nghịch cảnh đời mình, đem cho đời những bài thơ hay, xúc động, sâu sắc.
Phần II của sách là di cảo của Xuân Quỳnh gồm những ghi chép của bà trong thời gian đi thực tế đến vùng giới tuyến Vĩnh Linh (các năm 1967, 1968, 1969, 1970, 1972, 1973) và thư từ của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ trong mười lăm năm họ đến với nhau. Những ghi chép Vĩnh Linh của Xuân Quỳnh không theo trình tự thời gian đều đặn kiểu nhật ký mà nhà thơ chủ yếu ghi lại những người và việc bà đã gặp, đã thấy, đã chứng kiến trực tiếp tại chỗ, như một thứ vốn sống và tư liệu cho sáng tạo văn chương về sau. Chính từ những chuyến đi vào tuyến lửa này Xuân Quỳnh đã có những bài thơ mang đầy hơi thơ hiện thực cuộc chiến về sau được in vào tập "Gió Lào cát trắng" (1974) với hai câu thơ như một tuyên ngôn của nhà thơ: "Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi/ Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt". Đây là một đoạn ghi chép: "Bốn năm chiến tranh phá hoại, người Vĩnh Linh không biết sống chết thế nào, ngồi với nhau lúc này mà chưa biết lát nữa có còn không. Khi ngồi nói chuyện với nhau phải ngồi thật xa, quãng vài chục mét, đi đâu phải báo cho nhau biết, người nọ phải nhớ hầm người kia để khi nó oanh tạc xong thì đi moi hầm. Khi moi hầm chỉ cần đào ra cho hở được cổ lên. Biết là sống rồi thì đi moi hầm khác. Phải moi thật nhanh không thì nó quay lại nó đánh. Trong hầm bao giờ cũng có một cái xẻng, xà phòng và đèn dầu hỏa, đèn pin." (tr. 93). Lời ghi rất cụ thể, đầy chất văn xuôi.
Thư từ Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ trong sách này chỉ là một phần những thư họ đã gửi cho nhau. Đọc thư ta biết được tình cảm vợ chồng của hai nhà thơ trong những tháng ngày cuộc sống còn đầy khó khăn vất vả. Xuân Quỳnh hiện ra trong những lời thư viết cho chồng là một người đàn bà yêu thương lo toan cho chồng con, bộc lộ thật nhất những điều lo lắng thường nhật của phụ nữ, nhất là trong những chuyến xa nhà đi công tác.
Điều đặc biệt nhất ở những lá thư của Xuân Quỳnh là bà luôn đánh giá cao và trân trọng tài năng của Lưu Quang Vũ, luôn thấy mình thấp bé hơn chồng, thậm chí luôn nghĩ mình không xứng với chồng. Đoạn thư sau đây trong bức thư dài Quỳnh viết cho Vũ (8/6/1978) khi đang ở Liên Xô dự hội nghị các nhà văn Á - Phi là một minh chứng điển hình cho tình cảm đối với chồng của Xuân Quỳnh – một người vợ và một nhà thơ:
"Cả đời em, em chỉ muốn cố gắng sao cho anh đỡ nhọc nhằn. Lắm lúc em thấy em không xứng đáng với anh không phải về tình yêu mà về trí tuệ. Em cảm thấy em già rồi, già về thể chất đã đành nhưng lại còn già về sự yên phận của người đàn bà, về những sự nhỏ nhen tầm thường của đời sống. Em nhìn mặt em trong gương, em thấy em không xứng đáng với anh.
Tất cả trong anh là cái gì đó đang vươn lên, đang nổi dậy. Tất cả trong anh là sự bắt đầu mà con đường của anh thì còn xa tít tắp. Con người anh như cây đàn, vừa tiếp nhận những luồng gió của cuộc sống vừa trả lại cho cuộc sống biết bao nhiêu âm thanh. Em, em cảm thấy em khô cằn và bất lực. Em buồn lắm. Em thành thật nói với anh điều đó. Em vẫn cảm thấy hết. Vậy cho nên lúc nào em cũng thấy tình yêu của chúng ta mong manh. Em buồn lắm. Em không thể hình dung là nếu không có anh em sẽ sống như thế nào. Em rất muốn em trẻ đẹp lại cho tuổi tác và hình thức của mình. Có thể anh không cần như thế, nhưng em cần như thế. Vì chắc chắn rằng em trẻ hơn và đẹp hơn, anh sẽ yêu em hơn. Anh đừng bảo là em nghĩ cho anh những điều tầm thường. Người ta, nhiều khi tưởng mình đã vượt qua những điều tầm thường rồi thế mà đôi khi vẫn quay lại, sự quay lại còn mạnh mẽ hơn lúc bắt đầu.
Ở người đàn bà, đôi khi chỉ cần nhan sắc thôi, nhan sắc là tài năng. Dẫu rằng có nghĩ về phần tinh thần thế nào đi nữa thì người thông minh tài năng cũng còn có nhan sắc, tài năng mới vẹn toàn.
Đôi khi em nghĩ quẩn là "có khi em phải bỏ anh đi để em khỏi mang nỗi tủi nhục là không xứng với anh. Nhưng em không có can đảm. Em yêu anh và em đã nhập cuộc đời em vào cuộc đời anh, bây giờ đối với em đó chỉ là một cuộc đời thôi, cắt đi làm sao nổi." (tr. 189-190)
Phần III là phụ lục gồm một số ảnh của Xuân Quỳnh và những bài viết về Xuân Quỳnh của Lưu Minh Vũ (con riêng của Lưu Quang Vũ, gọi Xuân Quỳnh bằng "má") và của các nhà nghiên cứu Phan Ngọc, Phong Lê, Vân Thanh, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thuỵ Anh. Cuối sách là bản niên biểu Xuân Quỳnh.
Năm nay kỷ niệm 80 năm sinh nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhân dịp này, một chương trình thơ - nhạc - kịch về bà mang tên "Hoa cúc xanh" do báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt cùng ê-kíp "Se sẽ chứ" phối hợp tổ chức sẽ diễn ra long trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội tổ chức vào ngày 5 và 6/10. Cuối tháng 10, một hội thảo với tên gọi "Xuân Quỳnh – một cách nhìn khác" (vẫn do các đơn vị nói trên tổ chức) cũng sẽ diễn ra ở Hà Nội. Cuốn sách "Xuân Quỳnh nghịch lý của tình yêu và số phận" và hai cuốn sách mới khác của Xuân Quỳnh cũng sẽ được tái bản và xuất bản trong dịp này. Đó là tin vui cho những người đọc sách và yêu mến nhà thơ Xuân Quỳnh.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!
Hà Nội, 20/9/2022
No comments