Đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh": Độc đáo, sáng tạo và đầy hơi thở đương đại
PV Dân Việt đã trao đổi với họ về những cảm xúc, nhận định sau khi theo dõi đêm thơ - nhạc - kịch này:
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Một chương trình sống động với thi ca và âm nhạc
Tôi có nhiều ký ức về nhà thơ Xuân Quỳnh, chị từng tâm sự với tôi rất nhiều điều, ngay cả về những năm tháng ấu thơ, những ngày chị còn đi nhặt thóc rụng. Cũng bởi vậy, tôi rất vui khi được mời tới tham dự sự kiện này.
Hôm nay, chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày sinh của chị Xuân Quỳnh, bằng một chương trình rất sống động, có thi ca, âm nhạc cùng những trang nhật ký của chị được diễn đọc. Tôi nghĩ rằng sau "Hoa cúc xanh", chúng ta sẽ còn phải nói đến nhiều về Xuân Quỳnh, khi còn nhiều điều công chúng chưa biết hết về chị.
Theo tôi, chính những cuộc nỗi khổ trong cuộc đời đã làm nên những bài thơ đầy sâu sắc và cảm động của Xuân Quỳnh. Tôi xin cảm ơn anh em nghệ sĩ đã mang đến một ngày kỷ niệm rất trang trọng, xúc động dành cho những ai yêu mến Xuân Quỳnh cũng như nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Đầy hơi thở đương đại!
Chúc mừng ê-kíp với một chương trình nghệ thuật đặc sắc dựa trên thi ca của vợ chồng Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ. Tôi cho rằng, đêm nghệ thuật này xứng đáng với vợ chồng chị Quỳnh, anh Vũ, với những đóng góp của họ cho nền nghệ thuật nước nhà.
Chương trình đã đưa tới một cách nhìn mới, trong đó chị Quỳnh là trung tâm. Qua đó, thi ca được đưa vào âm nhạc, kịch nhạc, các phần biểu diễn, qua đó làm phong phú thêm, hé lộ thêm con người Xuân Quỳnh về nhiều khía cạnh.
Một điều rất quan trọng khác cần nhắc tới đó là đêm nghệ thuật mang hơi thở đương đại. Chúng ta đều biết rằng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ đã qua đời 34 năm, các tác phẩm của họ có tuổi đời lâu hơn nữa. Việc đưa vào các sáng tác mới, với những gương mặt trẻ trình bày theo phong cách đương đại là cách làm độc đáo, sáng tạo và rất cần thiết.
PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Ấn tượng với phần 2 mang tên "Sóng"
Tôi thấy được anh chị em nghệ sĩ đã cố gắng dựng lên chân dung của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh thông qua đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh", khi tác phẩm thơ của chị mãi là dấu ấn không thể thay thế đối với thơ ca Việt Nam hiện đại.
Với cá nhân tôi, tôi yêu Xuân Quỳnh bởi cách chị thể hiện tình yêu của một người phụ nữ trong tác phẩm của mình. Dù là tình yêu gia đình, hay tình yêu đôi lứa cũng đều tạo nên ấn tượng đặc biệt.
Với "Hoa cúc xanh", tôi ấn tượng nhất ở phần thứ 2 "Sóng", tôi nghĩ ê-kíp đã tìm ra được một hình thức mới mẻ, khi mang vào nhiều loại hình nghệ thuật để trình diễn. Khi thơ của Xuân Quỳnh được phổ nhạc của những người nghệ sĩ diễn đạt được tinh túy trong thơ của chị thì rõ ràng sẽ rất hay và ấn tượng, xuyên qua không gian, thời gian và đến thẳng vào trái tim của người nghe.
Nhà báo Trần Nhật Minh: Sự ghép nối khéo léo của các loại hình nghệ thuật
Đây là chương trình mà bản thân tôi rất mong đợi cũng như nhiều đồng nghiệp khác, bởi tình cảm dành cho cuộc đời và sự nghiệp của hai nghệ sĩ Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đối với mỗi chúng tôi là rất lớn. Những ai yêu mến hai cố nghệ sĩ sẽ luôn mong đợi một chương trình nghệ thuật mà ở đó có thể tạo nên một dấu ấn mới, cách kể chuyện mới, ấn tượng mới.
Đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh" với cách kể chuyện hiện đại cùng sự ghép nối khéo léo của các loại hình như kịch, âm nhạc, thơ ca… đã phần nào đáp ứng điều đó. Không chỉ là những người làm nghệ thuật mà còn là công chúng yêu nghệ thuật sẽ luôn nhớ về mối tình của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh sau đêm diễn đặc biệt và đầy xúc động này.
Phan Đăng: Những màu sắc rất mới đã đưa vào "Hoa cúc xanh"
Tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã phả những màu sắc rất mới vào đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh". Mỗi năm, cứ tới những ngày này, chúng ta đều tưởng nhớ tới thi sĩ Xuân Quỳnh cũng như nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Thế nhưng, nếu chúng ta cứ tưởng nhớ bằng những cung bậc cũ, với việc đơn giản đọc những bài thơ thì nó sẽ không tránh khỏi việc cảm xúc bị lặp lại.
Tôi để ý rằng, trong chương trình "Hoa cúc xanh", dường như không có một tiết mục đọc thơ nguyên nghĩa nào cả. Những câu thơ được lồng ghép trong lời hát, phân đoạn kịch, cũng như những phần trình diễn khác... Nhịp điệu, tiết tấu, hơi thở hiện đại của chương trình cũng được thể hiện rất rõ.
Đặc biệt, tôi ấn tượng với tác phẩm kịch "Ai đã lấp đầm lầy Mãi Mãi", sau 34 năm, Liên đi về đầm lầy tìm bông hoa cúc xanh, đối diện với bản thể của mình là một ý tưởng cực kỳ thú vị. Ý tưởng đó đã gợi cho người ta cách con người sinh tồn, cuộc chiến đấu giữa những điều u tối và đẹp đẽ trong cuộc đời này. "Hóa ra hoa cúc xanh là có thật, nhưng nó có trong mỗi chúng ta".
Tác phẩm này gợi mở thêm những dòng suy nghĩ về hoa cúc xanh - biểu tượng của lương tri, của những điều đẹp đẽ trong cuộc đời này, như nhà thơ Xuân Quỳnh đã từng nhắc tới.
Nhà báo Hữu Việt: Đây là một sự kiện truyền cảm hứng
Sự kiện này đã được công chúng, dư luận nói đến một thời gian dài. Tôi cũng giống như nhiều người khác, chờ đợi đến ngày diễn ra đêm thơ - nhạc - kịch "Hoa cúc xanh". Nhà thơ Xuân Quỳnh luôn là một gương mặt đặc biệt trong làng văn nghệ Việt Nam, với những tác phẩm thể hiện nhân cách và cá tính đặc biệt. Bạn đọc cũng như những người đã từng nghe về bà chắc chắn sẽ không thể nào quên được điều đó.
Cuộc đời của nhà thơ Xuân Quỳnh còn ghi dấu trong lòng công chúng qua mối tình với nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Cả hai đã làm cho đời sống văn nghệ đương đại trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết!
Còn với "Hoa cúc xanh", phải nói đây là chương trình được dàn dựng bởi những gương mặt rất uy tín. Dù cả hai nghệ sĩ đã không may ra đi từ rất sớm nhưng qua bao thế hệ, vẫn còn rất nhiều các đồng nghiệp, khán giả yêu mến họ để cùng làm nên chương trình đặc biệt này. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng "Hoa cúc xanh" không chỉ là chương trình nghệ thuật tôn vinh một cá nhân mà nó còn truyền cảm hứng tới những sự kiện khác muốn ghi dấu ấn trong lòng công chúng.
No comments