Đọc sách cùng bạn: Đỡ đẻ và đỡ người
Tên thể loại đã được ghi rõ trên sách là truyện. Nhưng đọc vào lại thấy như là tự truyện với nhân vật xưng tôi là cô cháu ngoại của bà Đỡ. Rõ là màu sắc tự truyện có trong cuốn sách này. Nhưng cũng có thể đọc nó như một cuốn truyện người cháu viết về người bà của mình.
"Tôi mơ một ngày nào đó sẽ viết hẳn một truyện dài về bà ngoại tôi. Cuộc đời bà sẽ được tôi mô tả giống như cuộc phiêu lưu thú vị của chú dế mèn. Khi đọc truyện cháu mình viết thể nào bà cũng ngạc nhiên, ô a suốt. Rồi thì, Tí ơi chỗ này cháu tả y thật, làm bà nhớ lại bao nhiêu chuyện; chỗ này có tí sai, nhưng vẫn hay. Đáng lý chuyện phải như thế, như cháu viết ấy, mới đúng…" Ngay vào đầu truyện tác giả đã để người đọc nhập truyện giữa quá khứ và hiện tại, giữa xưa và nay, giữa người sống và người chết, giữa đời thực và cổ tích để dẫn dắt họ đi theo cách kể cách viết của mình.
BÀ ĐỠ
Tác giả: Đào Tuấn Ảnh
Nhà xuất bản Trẻ, 2022
Số trang: 233 (khổ 13x20cm)
Số lượng: 1500
Giá bán: 95.000
Thì đây là truyện bà ngoại của cô bé Tí làm nghề đỡ đẻ được người dân trong xóm ngoài làng trọng vọng kính nể vì bà là người đón những con người ra đời từ bụng mẹ. Đó là một công việc rất trần thế nhưng cũng rất thiêng liêng, cao cả. Đứa trẻ nào cũng được ra đời, ra với thế giới loài người trên tay một bà đỡ. Tên nghề thành tên gọi người. Cô bé Tí cho đến tận bây giờ vẫn không biết tên tục, tên thật của bà ngoại mình là gì, vì dân làng toàn gọi bà khi trẻ là "cô Đỡ", về già là "bà cụ Đỡ". Bà Đỡ - một cái tên thân thương, trìu mến trong lòng người dân quê.
Trải những thăng trầm thời cuộc bà Đỡ lại là người mẹ, người bà cho các con các cháu mình. Bà gánh đỡ cuộc đời của các con cháu. Những cuộc đời đó dự phần lịch sử và như thế bà Đỡ lại là người đỡ gánh lịch sử mà cháu con phải nhận. Như người con trai cả của bà, tức người bác cả về đằng mẹ của cô bé Tí: "Bác chết vì bệnh lao. Bị lao do hồi cải cách ruộng đất bị vu là quốc dân đảng mà bác chả biết nó đầu tròn đuôi méo ra sao. Vì không biết nên không nhận. Vì không nhận nên bị tra tấn ép cung. Vì bị tra tấn ép cung nên bị ốm. Lâu dần chuyển ho lao." (tr. 20).
Những câu văn ngắn nối mạch kể nói lên một bi thảm lịch sử. Như vậy truyện về bà ngoại đã vượt ra ngoài khuôn khổ truyện một gia đình dòng họ. Nhưng gánh nặng lịch sử cũng như gánh nặng cuộc đời chất lên đôi vai mềm của bà Đỡ - một người đàn bà nông thôn bình thường, đã không làm bà gục ngã, mà ngược lại, đã tiếp thêm nghị lực tinh thần cho đám con cháu về sau đi con đường đời của mình. Bà đã chở che mang đỡ những thử thách khó khăn cho các đứa cháu mình để chúng ra đời biết gánh đỡ lấy số phận của từng người.
Cô cháu ngoại của bà, cô bé Tí - nhân vật dẫn truyện, cùng các anh chị họ - những đứa bé mồ côi cha hoặc mẹ, đã lớn lên trong sự đùm bọc đó của bà mình. Bà không chỉ là người bà bằng xương bằng thịt dắt tay các cháu mình đi qua những vất vả của cuộc sống thời nghèo khó và chiến tranh. Thời mà được bà cho uống một ngụm nước chanh đường lũ cháu đã thấy đó là cả một điều kỳ diệu không tưởng. Bà còn là một bà tiên như trong truyện cổ tích khi những đứa cháu được thấy bà mình lên hầu đồng trong phủ. Phủ đây là cái phủ nhỏ bà cho xây lên cạnh cái hố bom vừa san lấp ngay cạnh nhà mình ở quê, sau khi được tin đứa con trai út (cậu của bé Tí) hy sinh.
Trong cơn lên đồng "Bà không hỏi về cái chết của các con trai, con rể, vì biết rằng họ chết vì việc nghĩa, như bao người đàn ông của các gia đình khác. Bà chỉ không hiểu tại sao, con trai cả bà, từng tham gia du kích chết hụt vài bận, lại bị quy là phản quốc, mà nếu không có bà, thì hẳn đã bị xử bắn nhục nhã. Tại sao ông bà Năm Tiêu, anh chị bà, địa chủ thật đấy, nhưng đã tiêu tán gần hết gia sản để ủng hộ kháng chiến, ba con trai đi bộ đội thì chết hai, lại bị giam giữ, hành hạ, bị đấu tố, uất ức đến thắt cổ tự tử. Tại sao người cùng thôn xóm, cùng họ hàng, thậm chí cùng một nhà lại đấu tố nhau, con cháu gọi bố mẹ, ông bà bằng mày, xưng tao, điều mà dẫu trời có long, đất có lở bà cũng không sao tưởng tượng nổi." (tr. 54-55)
Lối viết đan xen hồi cố quá khứ qua con mắt trẻ thơ và song trùng hiện tại qua cái nghĩ của người bây giờ khiến cho mỗi sự kiện, tình tiết trong truyện "Bà Đỡ" có thêm những tầng nghĩa. Lối viết làm cho hơn hai trăm trang sách vẫn tự truyện được mà vẫn kể truyện được.
Đến lượt người con gái của bà ngoại - bà Đỡ, mẹ của cô bé Tí, lại gánh đỡ cho số phận một cuộc đời khác. Bé Hon, đứa trẻ bị bỏ rơi được mẹ Tí nhận về nuôi và xẻ nốt cho nửa còn lại cái tên thân mật của mình ở nhà (Tí Hon – Tí cho con gái đẻ, Hon cho con gái nuôi). Người con gái này tính cách khác thường, cuộc sống khác thường nhưng vẫn được cháu con bà Đỡ chấp nhận, yêu thương và chia sẻ. Đó có lẽ cũng là một thứ "gia tài của Mẹ" mà người đọc nhận được từ cuốn sách "Bà Đỡ" của Đào Tuấn Ảnh.
Vì chính tác giả là cô bé Tí năm xưa 5 tuổi về ở với bà ngoại. Cô sớm được bố dượng đưa ra tỉnh, sau rồi được đi học nước ngoài, trở về thành một chuyên gia nổi tiếng về văn học Nga - Xô Viết. Lần đầu viết sách "sáng tác" kể về những người thân thích trong gia đình, dòng họ, và về bản thân, Đào Tuấn Ảnh - bé Tí đã chọn được một lối viết thích hợp. Một lối viết "cổ tích hóa" như trong lời giới thiệu nhà thơ Nguyễn Duy đã gọi ra. Thường khi viết về tuổi thơ người ta dễ có xu hướng như vậy, vì ở tuổi thơ "trẻ con chưa biết cuộc đời/ lại đem trái đất ra ngồi đánh bi" (Trần Hải).
Và lối viết đó dễ làm bàng bạc chất thơ trong nhiều đoạn văn, câu văn. Cảnh "mưa hoa" trên cái gò trồng toàn lộc vừng là vậy. Hay như cảnh trên đê trong ngày đứa cháu được bà ngoại đón về từ bên nội: "Có lúc tôi bứt ra, chạy vượt lên phía trước khá xa, rồi ngồi phệt xuống vệ cỏ ngắm dòng sông có màu nước giống màu yếm của bà, đang lững thững trôi chả biết là về đâu. […] Cả một vùng trời đất nồng nàn hương thị. Hình như để nó bớt cô đơn, một cây gạo mọc ngay gần đó. Hai cây chắc cùng tuổi, vì cao bằng nhau, già bằng nhau và cùng sần sùi, sứt sẹo như nhau. Bông gạo đỏ chót một vùng, những bông hoa mập mạp tựa những bàn tay xoè ngón giơ cao, như thể cố bứt lên phía trời xanh mà không được." (tr. 42- 43). Hoặc cảnh bà ngoại cho các cháu thưởng thức nước chanh pha đường được tiến hành như một nghi lễ: "Bà ngoại sai anh cả múc nồi nước mưa đặt giữa chiếc mâm đồng. Chiều hè xanh ngắt điểm mấy bông mây trắng trôi trong chiếc nồi đồng." (tr. 70). Câu sau là trong ký ức của bé Tí hay sự liên tưởng của tác giả hôm nay? Không biết. Chỉ biết nhờ hình ảnh đó mà cuộc uống nước chanh đường của mấy bà cháu tự nhiên trong trẻo thanh cao hẳn lên.
Không chỉ có chất thơ. Đoạn tả cảnh bà ngoại tổ chức việc "khảo mít" để thúc cây mít còi trong vườn ra trái là có tính phong tục. Lại còn có những đoạn mang tính điện ảnh: "Ngồi trong thúng theo chiều xoay đòn gánh, tôi ngắm nhìn khi thì tấm lưng áo ướt đẫm mồ hôi, hai ống quần cỏ may lấm tấm; lúc thì khuôn mặt đỏ hồng mồ hôi nhỏ giọt, nổi bật trên đó cặp mắt to tròn, lông mày như vẽ, chiếc mũi thanh tú và cặp môi cắn chỉ." (tr. 78) Đó là hình ảnh người cô gánh đứa cháu từ nhà ngoại về nhà nội trong tầm nhìn của cô cháu trải dài theo thời gian hoài niệm. Cũng phải nói là câu chữ kể truyện của tác giả viết tự nhiên, hồn nhiên đậm vị tiếng Việt , không hề bị "lai tây" như thói thường của một số người hành nghề dịch văn.
Cuốn sách còn đậm tính nữ. Những người bà, người mẹ, người cô, người chị của bé Tí đã là những người phụ nữ - đàn bà gánh vác giang sơn sự nghiệp nhà mình, nhà chồng và rộng hơn. Tác giả nhớ về họ, viết về họ như những nhân vật của tiểu thuyết, tức là những người có số phận không bằng phẳng, bình lặng. Những người phụ nữ có sắc đẹp bên họ ngoại bé Tí, thường cuộc đời tiếng cười thì ít, tiếng khóc thì nhiều. "Sắc đẹp, giống như của cải và quyền lực, không phải ai cũng mang vác nổi. Nó rất nặng." (tr. 87), một đúc kết của tác giả từ cuộc đời một chị họ xinh đẹp của mình.
Kết thúc phần bà Đỡ của sách, bé Tí - Đào Tuấn Ảnh sau bao năm tháng xa nhà xa nước trở về bên mộ bà ngoại ở quê: "Gục trên mộ bà, cố hít hà kiếm tìm mùi trầu cau quen thuộc, tôi lắng nghe tiếng nhạc phát ra từ con tim đang thổn thức… Bà ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình…" (tr. 99) Cuộc đời cứ quay vòng bất tận. Mỗi người có một ký ức của mình. Trong đó hình bóng bà, hình bóng mẹ luôn đậm khắc khoải yêu thương.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 18/10/2022
No comments