Lạm dụng thân thể nam giới trên truyền hình: Cổ vũ cho hành vi vi phạm pháp luật? - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Lạm dụng thân thể nam giới trên truyền hình: Cổ vũ cho hành vi vi phạm pháp luật?

Liên quan đến chuyện nhiều chương trình truyền hình đang lạm dụng thân thể nam giới (người chơi) để câu view, nhất là việc rapper HIEUTHUHAI bị lột sạch đồ trong chương trình "2 ngày 1 đêm" đang tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều, Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với TS Trương Thúy Hằng, Khoa Giới & Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam để có thêm những góc nhìn từ sự việc.

Thưa bà, lâu nay, chúng ta thường có suy nghĩ người nam đụng chạm thân thể người nữ mới là quấy rối, lạm dụng; còn người nữ đụng chạm vào thân thể người nam lại là điều bình thường? Bà có suy nghĩ thế nào về quan niệm này?

- Trước đây, mọi người thường khá mơ hồ khi nói về việc thế nào được coi là quấy rối tình dục (QRTD). Chưa có định nghĩa chính thức về khái niệm này trong các văn bản chính thống của Nhà nước. Hoặc khi nhắc đến hành vi quấy rối, lạm dụng người ta thường luôn mặc định nạn nhân là nữ giới. Chính vì vậy có những quan niệm theo suy nghĩ, thói quen cũ như bạn đề cập.

Lạm dụng thân thể nam giới trên truyền hình: Cổ vũ cho hành vi vi phạm pháp luật? - Ảnh 1.

Cảnh HIEUTHUHAI bị lột sạch đồ trong chương trình "2 ngày 1 đêm" gây nhiều tranh cãi. Ảnh cắt từ clip.

Xã hội ngày càng phát triển theo hướng văn minh, tiến bộ. Điều đó không chỉ là sự tiến bộ trong quan niệm, cách nghĩ. Nó còn thể hiện rõ qua những bước tiến trong chính sách luật pháp của Nhà nước.

Khoản 9, Điều 3, Bộ Luật lao động 2019 nêu rõ "QRTD tại nơi làm việc là hình vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận".

Như vậy, xét trên quan điểm cá nhân và trên cả khía cạnh luật pháp tôi đều không đồng tình với quan niệm bạn đặt ra. Phụ nữ, nam giới, bất kể là ai đụng chạm thân thể vào người khác mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận thì đều được coi là hành vi quấy rối.

Nam giới bị xâm phạm tới hình ảnh cá nhân, lạm dụng thân thể trên các chương trình truyền hình bây giờ không còn là điều hiếm thấy, ví dụ sự việc của nam rapper HIEUTHUHAI? Bà có nhận xét thế nào về tình trạng này?

- Tôi có đọc qua các thông tin này trên mạng xã hội nhưng tôi chưa xem cụ thể các gameshow này nên không thể lạm bàn sâu. Tuy nhiên, xét trực diện trên những hành vi phóng viên vừa nêu trong câu hỏi và đọc qua một số bình luận trên mạng, tôi xin phép bình luận riêng ở khía cạnh "tình trạng nam giới đang bị lạm dụng trên các chương trình truyền hình". Đúng là điều này đang diễn ra dù nhà sản xuất cố ý hay vô tình, dù người chơi/người được cho là bị lạm dụng có đồng tình hay không, thoải mái hoặc không trước những hành vi đó.

Chúng ta đã thấy phản ứng của công chúng. Không phải ai cũng thấy vui, thấy được giảm căng thẳng hay những điều thú vị qua các chương trình có chứa những yếu tố như vậy. Với những khán giả có nhạy cảm về giới, họ sẽ đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn khác nữa.

Lạm dụng thân thể nam giới trên truyền hình: Cổ vũ cho hành vi vi phạm pháp luật? - Ảnh 2.

Một số hình ảnh Lâm Vỹ Dạ có những hành động sờ mó đồng nghiệp nam trên sóng truyền hình. Ảnh cắt từ clip.

Chúng ta thử đặt ngược lại tình huống bạn nêu, nếu người chơi là nữ và phải chịu những hành vi như vậy, chắc chắn dư luận sẽ dậy sóng, thậm chí kết án chương trình vi phạm đạo đức, có hành vi QRTD ngay tức khắc.

Tuy nhiên, với quan niệm luôn chỉ coi phụ nữ mới là nạn nhân của QRTD như chúng ta đã nói tới, tôi cho rằng nhà sản xuất chương trình, thậm chí là cả người chơi chưa thực sự có nhạy cảm giới, chưa nắm rõ quy định của luật pháp. Hoặc giả, họ đã có nhạy cảm giới, tuy nhiên họ nghĩ rằng làm gameshow thì cần phải như vậy mới có nhiều view. Hoặc họ có những dự tính khác nữa chúng ta không biết hết được…

Tôi cho rằng, dù ở khía cạnh nào thì chương trình cũng phải chấp nhận sự phán xét của những công chúng cấp tiến. Chương trình có thể "hot" ngay lúc này vì được nhắc tới nhiều (kể cả tích cực hoặc tiêu cực) nhưng chương trình có thể kéo dài độ "hot", phát triển bền vững được hay không đó mới là câu hỏi lớn cần được quan tâm.

Với cá nhân tôi, tôi sẽ không xem những chương trình như vậy. Lạm dụng thân thể của phụ nữ, nam giới hay bất cứ ai trên các chương trình truyền hình trình chiếu công khai đều là điều không nên làm. Muốn đi xa và phát triển bền vững, các nhà sản xuất cần cẩn trọng và cấp tiến hơn.

Theo bà, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự việc đáng tiếc, gây ra nhiều tranh cãi như sự việc nam rapper bị lột đồ trong chương trình truyền hình nói trên?

- Như trên đã nói, tôi không rõ ý đồ hay cách làm của nhà sản xuất. Nếu chúng ta nhìn ở góc độ đó là sự việc đáng tiếc, bị chê trách… thì đúng là nhà sản xuất và những người liên quan tới gameshow đó thiếu kiến thức, về giới, về pháp luật hay nói cách khác là thiếu nhạy cảm giới. 

Nhìn ở góc độ khác, nếu nhà sản xuất chỉ quan tâm đến lượng view, độ hút người theo dõi…. thì về mặt nào đó họ đã thành công tạm thời. Xin nhấn mạnh là thành công tạm thời. Bởi như trên tôi đã phân tích, nếu tiếp tục tồn tại với tư duy như vậy thì chương trình không thể phát triển bền vững.

Tôi không biết chương trình gốc của Hàn Quốc thế nào, nhưng nếu lấy nó để bao biện thì đó là suy nghĩ thiếu trưởng thành. Chúng ta đều là những người lớn, những người văn minh, chắc chắn được học hành, đào tạo bài bản để làm nghề. Chúng ta không phân biệt được hành vi nào nên hay không nên học tập hoặc bắt chước hay sao?

Trên mạng xã hội, clip rapper HIEUTHUHAI được chia sẻ rất nhiều và thu hút rất nhiều bình luận có phần thích thú, cổ vũ cho hành động này. Bà có thể cho biết góc nhìn của mình về những hệ lụy khi những clip như vậy được lan tỏa rất mạnh mẽ?

- Sáng nay tôi cũng lướt qua mạng xã hội vài phút và đọc được một vài trích dẫn "comment" như vậy, thậm chí còn mang tính chất quấy rối nặng nề hơn thế nữa rất nhiều. Tôi không tiện nhắc ra đây. Cần khẳng định đây là những hành vi vui đùa nhưng có yếu tố QRTD. Tôi không biết bạn nam chơi gameshow cảm thấy thế nào với những hành vi trên. Nhưng cơ thể mình bị đem ra cợt nhả công khai trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, liệu chúng ta có thể vẫn con đó là vui chút thôi không?

Như chúng ta đã thấy, sự việc đang dẫn tới hai luồng xu hướng chính: bình luận, cổ vũ, cười vui và cảm thấy thú vị. Đây là những cảm xúc có thật mà chúng ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn. Xu hướng thứ hai là cảm thấy không vui, cảm thấy chương trình thiếu tôn trọng người chơi, thiếu tôn trọng khán giả….

Việc tiếp tục lan tỏa những clip bị cắt hay bình luận thích thú, cổ vũ hành động như trên sẽ dẫn tới một vài hệ lụy mà chúng ta có thể nhận thấy "đùa quá hóa mất vui". Nhiều bình luận phản cảm, kể cả quấy rối đã diễn ra tràn lan. Như vậy không khác nào chương trình vô tình tạo điều kiện cho những thói quen, hành vi thiếu văn minh, lịch sự, thậm chí là vi phạm pháp luật có cơ hội được phơi bày một cách công khai. Thậm chí, chương trình có thể được mang ra để biện hộ nhằm tiếp tục cổ xúy cho những hành vi kém duyên, thậm chí là quấy rối tình dục.

Chương trình vô hình trung tiếp tục củng cố những quan điểm cũ, những khuôn mẫu giới cũ mang tính tiêu cực, "da thịt, cơ thể đàn ông thì có thể khoe thoải mái", "đàn ông mà được phụ nữ chủ động ôm hôn hay sờ soạng thì ai chả sướng"…và nhiều hệ lụy khác nữa. Nó khiến cho sự nghiệp thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, thịnh vượng của chúng ta sẽ đi chậm lại hơn.

Chúng ta luôn cần nhớ, thúc đẩy bình đẳng giới là nhằm đến tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho tất cả mọi người. Phụ nữ, nam giới hay bất kể giới nào khác cũng đều cần được đối xử với tất cả sự tôn trọng cần có. Gameshow truyền hình được sản xuất chủ yếu hướng tới mục tiêu giải trí. Nhưng cũng cần đem đến sự giải trí văn minh.

Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin!

No comments