Thông tin lễ viếng nhà thơ, dịch giả Dương Tường - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Thông tin lễ viếng nhà thơ, dịch giả Dương Tường

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật Trần Dương Tường, sinh ngày 4/8/1932, mất 20h08 ngày 24/2/2023, hưởng thọ 92 tuổi. Trước khi ra đi bên cạnh người thân và gia đình, ông đã nằm viện hơn hai tháng cuối đời.

Thông tin lễ viếng nhà thơ, dịch giả Dương Tường - Ảnh 1.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (tên thật là Trần Dương Tường) sinh năm 1932 tại Nam Định qua đời ngày 24/2/2023, hưởng thọ 92 tuổi. Ảnh: Zing

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường (tên thật là Trần Dương Tường) sinh năm 1932 tại Nam Định. Ông học trung học tại Hà Nội, sau đó theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949. Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, về hưu năm 1979.

Gia tài dịch thuật của ông gồm hơn 50 tác phẩm của nhiều tác giả lớn trên thế giới. Không ít bản dịch của ông đã trở thành thanh xuân của nhiều thế hệ độc giả như: Lolita, Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres... Năm 2020, ở tuổi 88, ông hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh sau hai năm miệt mài dùng kính lúp đánh từng con chữ, coi đó là đỉnh cao cần chinh phục cuối cùng.

Nhà thơ Hoàng Thụy Hưng chia sẻ với Dân Việt: "Thật khó hình dung thành công ấy ở một người tự học, một người lính chống Pháp học chưa hết trung học cơ sở, sau trận đánh nào cũng tha thẩn đi tìm chiến lợi phẩm là những quyển sách tiếng Pháp, trong túi lúc nào cũng sẵn cuốn từ điển… để rồi trở thành một con người uyên bác hiếm có về văn hoá thế giới ở miền Bắc Việt Nam trước 1975.

Kiến văn uyên bác ấy là cơ sở cho thành công của ông trong việc chuyển ngữ trên 50 tác phẩm văn học thế giới. Kiến văn của Dương Tường trải rộng nhiều bộ môn nghệ thuật, từ âm nhạc, kịch, điện ảnh, đến mỹ thuật, đặc biệt là hội hoạ. Ngoài dịch thuật, ông đã góp phần thúc đẩy sự cách tân, hiện đại hoá trong các ngành nghệ thuật Việt Nam qua những bình luận súc tích, trí tuệ, nhất là những bài giới thiệu những hoạ sĩ trẻ như nhóm 5 người (Gang of Five) ở Hà Nội (Đặng Xuân Hoà, Trần Lương, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Phạm Quang Vinh). Nhiều người ngoài giới nghệ thuật gần đây mới biết đến những tạp văn phong phú của Dương Tường qua cuốn Chỉ tại con chích choè".

Dương Tường được gắn mác dịch giả đối với phần đông độc giả, thế nhưng ông luôn đau đáu với thơ ca, dù thơ của ông kén người đọc. Ông làm thơ sớm trước khi đến với dịch thuật. Ông từng in các tập thơ 36 bài tình (in chung với Lê Đạt), Đàn, Dương Tường thơ (2017). Một số bài thơ của ông được Phú Quang phổ nhạc Tình khúc 24, Dương cầm lạnh.

No comments