Hãng phim truyện Việt Nam: Giải quyết theo hướng nào để vượt qua "thảm cảnh"?
Kể từ thời điểm Chính phủ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) thu hồi cổ phần đã bán tại Hãng phim truyện Việt Nam vì "quá trình cổ phần hóa đã tồn tại không ít hạn chế, khuyết điểm". Nhưng từ đó đến nay, không những quá trình thu hồi chưa được hoàn tất, mà tình cảnh bi đát của Hãng phim truyện Việt Nam vẫn bị kéo dài.
Qua nhiều năm đấu tranh và lên tiếng cho dấu ấn cuối cùng của điện ảnh cách mạnh, các nghệ sĩ của Hãng đã có câu trả lời mà mình mong đợi, khi vào ngày 17/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái triệu tập cuộc họp với các bộ, ngành chức năng liên quan, căn cứ vào các quy định của pháp luật để xem xét, kiểm tra thông tin về việc trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam đang bị hoang tàn, đổ nát. Thủ tướng yêu cầu tìm các giải pháp phù hợp với tình hình mới, có phương án xử lý tồn tại trước ngày 23/3.
Vậy để vượt qua "thảm cảnh", Hãng phim truyện Việt Nam phải đối mặt với những khó khan tồn đọng ra sao?
Cơ sở vật chất tồi tàn, xuống cấp, không đủ điều kiện làm phim, lưu trữ phim
Một trong những người đương đầu và nắm rõ những ngày tháng khổ sở, bấp bênh và long đong của Hãng phim truyện Việt Nam là NSND Thanh Vân - Giám đốc Hãng. Sau cả thập kỷ bị bỏ quên, cơ sở vật chất của Hãng gần như đã bị "tàn tạn" giống với những kiếp người nơi đây. NSND Thanh Vân cay đắng chia sẻ với Dân Việt: "Cơ sở vật chất, máy móc đã lỗi thời, gần như là con số không tròn trĩnh. Chỉ có duy nhất một tài sản đáng giá là nguồn nhân lực nhưng cũng đang dần bị mai một và mất đi".
Không chỉ mất đi trang thiết bị làm phim, công tác lưu trữ và bảo quản phim cũng đi vào ngõ cụt đều không được tái thiết với kinh phí lớn. Đạo phim phim Đời cát cho biết thêm: "Kho lưu trữ phim nhựa nếu không được duy trì các chế độ bảo dưỡng thông lệ dưới điều kiện máy lạnh thì để 1 - 2 ngày trời nắng nóng là chảy hết rồi, huống hồ việc hệ thống máy lạnh đã bị hư hỏng hàng tháng trời. Với 300 phim tại kho lưu trữ hiện tại, các phim này đã hỏng và mất khả năng sử dụng, quá muộn để có thể phục hồi hay cứu vãn".
Nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh nói phóng viên với Dân Việt rằng, ngay cả công tác lưu trữ, bảo quản phim không làm đến nơi đến chốn, thì những thước phim đánh đổi bằng máu, nước mắt của cha ông ta, những giá trị của điện ảnh cách mạng không khỏi đứng trước bờ vực "diệt vong".
Khó khăn khi khôi phục lại lương, bảo hiểm cho các bộ nhân viên của Hãng
Vào năm 2019, rất nhiều nghệ sĩ bức xúc vì bất ngờ phát hiện họ có tên trong danh sách bị dừng đóng bảo hiểm tại Hãng phim truyện Việt Nam. Họ cho biết không được thông báo gì về việc này và cũng không biết lý do họ đột ngột bị công ty dừng đóng bảo hiểm. Việc liên lạc với lãnh đạo hãng bất thành khiến cho rất nhiều nghệ sĩ ký vào lá đơn kiến nghị đề nghị lãnh đạo trả lời rõ ràng bằng văn bản.
Giải thích về điều này, ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch HĐQT từng đưa ra lý do giải thích: "Khi chúng tôi tiếp quản hãng, người lao động ở đây rất nhiều, trong danh sách có khoảng 80 người. Có nhiều người chỉ có tên trong danh sách nhưng đi làm bên ngoài và thậm chí nhiều năm nay không đến cơ quan. Trước đây họ vẫn được đóng bảo hiểm, vẫn được trả lương. Nhưng từ khi chuyển thành công ty cổ phần, việc họ không làm việc ở đây mà vẫn hưởng lương thì chắc chắn chúng tôi không thể đài thọ những người như thế".
Phản pháo lại điều này, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân khẳng định: "Họ dựa trên việc đi làm tại Hãng 14 ngày/tháng, đặt máy vân tay để kiểm tra sự có mặt của người lao động, để đánh giá hiệu quả công việc là hoàn toàn không phù hợp với đặc thù công việc của những người làm phim. Chúng tôi là những người lao động nghệ thuật, các nghệ sĩ, nhà làm phim, nhà biên kịch có thể làm việc không theo giờ giấc, không có địa điểm cố định, có những lúc làm việc thâu đêm suốt sáng, khi đó ai chấm công cho chúng tôi? Việc chấm công bằng vân tay không những không khuyến khích người lao động mà còn làm ảnh hưởng đến nhiệt huyết, làm tổn thất về nhân lực và không đem lại lợi ích gì cho tương lai của Hãng phim".
Chính vị vậy, để mà cân đối giữa cơ chế thị trường và nhà nước, tìm ra hướng đi giải quyết lương và bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên tại Hãng phim truyện Việt Nam đích thị là một vấn đề vô cùng "đau đầu", nhất là với ngành nghệ thuật mang tính chất đặc thù như điện ảnh mà đạo diễn Thanh Vân đã phân tích.
Nguồn phim liệu có đủ trước cơn "vũ bão" của thị trường phim tư nhân?
Trước "cơn bão" phim tư nhân cả thập kỷ qua, việc lựa chọn, cung cấp nguồn phim cho Hãng phim truyện Việt Nam thật sự bài toán nan giải. Nhiều năm qua, một loạt phim nhà nước đầu tư đều trong tình trạng đắp chiếu, thất thu tại phòng vé. Những bộ phim âm thầm sản xuất, rồi âm thầm ra rạp mà không có một hiệu ứng nào từ truyền thông, xã hội. Có thể kể ra một loạt những bộ phim nhà nước đặt hàng Hãng phim truyện Việt Nam đều trong tình trạng đắp chiếu như: Sống cùng lịch sử của đạo diễn Thanh Vân, Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn, Tâm hồn mẹ của đạo diễn Nhuệ Giang… Có những phim trong số này mang về doanh thu ít ỏi quá mức, thậm chí là lợi nhuận 0 đồng.
Để giải quyết tình trạng này, nhà quay phim - NSND Lý Thái Dũng từng nói với Dân Việt rằng, trước cơn "vũ bão" quá lớn của thị trường phim tư nhân, chủ trương xã hội hóa vẫn là cách giải quyết tốt nhất: "Chủ trương xã hội hóa vẫn luôn là hướng đi tốt vì đầu tư điện ảnh luôn gặp rất nhiều rủi ro. Kể từ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, gần đây nhất, chúng ta có Truyền thuyết về Quán Tiên – một phim cho thấy sự khởi sắc của mô hình xã hội hóa khi thu về lượng lớn khán giả trẻ tới làm tôi cảm thấy hết sức phấn khởi, tin vào sự khởi sắc"
Một ý kiến khác cho rằng, để nhà nước có nguồn phim chất lượng, thì vấn đề lựa chọn kịch bản phải được chú trọng. Như đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh từng nêu ra ý kiến: Trước đây, mỗi khi nhà nước có chủ trương làm phim, thì các ban bệ ở dưới chọn ra một kịch bản phù hợp để làm và rất ít khi có hiệu quả. Theo tôi, phải thông tin công khai cho mọi người biết, kịch bản phải thi với nhau, thậm chí 10 chọn lấy một thì mới hy vọng có phim hay. Khâu này rất quan trọng nhưng bấy lâu nay nhà nước không quan tâm. Thông qua một kịch bản dở thì dù đạo diễn có giỏi mấy cũng không thể có phim hay".
No comments