Quản lý, giám sát hàng chục tỷ đồng tiền công đức ở Đền Cửa Ông thế nào?
Mới đây, ngày 7/3, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh hồi giữa tháng 2. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức, thí điểm từ Quảng Ninh, báo cáo trong quý II/2023.
Theo quyết định phê duyệt Danh mục di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hiện tại tỉnh này đang có hơn 632 di tích (thống kê năm 2020), trong đó có 5 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 54 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh và 488 di tích chưa được xếp loại.
Mỗi ngày nhận hàng trăm triệu đồng tiền công đức
Ghi nhận của PV Dân Việt trong ngày 9/3 tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông – Cặp Tiên, phường Cửa Ông, TP.Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh (Đền Cửa Ông) dù là ngày thường trong tuần, nhưng vẫn có khá đông du khách khắp nới về đây để tham quan và làm lễ.
Trên tay cầm một xấp tiền mệnh giá nhỏ, đến nơi thờ tự nào trong đền cũng thả một tờ vào trong hòm công đức, anh Đỗ Quốc Quân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, bình thường mỗi khi đi đền chùa anh thường gửi vào các hòm công đức một số tiền với mệnh giá nhỏ 1.000-5.000 đồng, có nơi với mệnh giá lớn từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng.
"Tôi quan niệm, phát tâm công đức giọt dầu bằng tiền mặt khi đi lễ đền, chùa không chỉ là việc làm thể hiện lòng thành của bản thân mà còn là mong muốn đóng góp một phần nhỏ vào việc tu bổ, cải tạo di tích, duy trì hoạt động của khu di tích…", anh Quân chia sẻ.
Khi được hỏi "có băn khoăn về việc tiền công đức của mình liệu có được dùng đúng mục đích hay không?", anh Quân cho rằng bản thân có niềm tin "lòng thành của mình sẽ được dùng vào đúng việc, đúng chỗ", song anh Quân cũng thừa nhận băn khoăn, bởi gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin cho rằng đâu đó có nơi sử dụng tiền công đức, giọt dầu của du khách thập phương... không đúng mục đích.
Đền Cửa Ông nằm trên ngọn đồi cao gần 100m, nhìn ra vịnh Bái Tử Long, là một trong những di tích lịch sử văn hóa nhà Trần, nơi thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, người có công trấn ải vùng Đông Bắc, đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Đền còn là nơi thờ phụng gia thất Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các danh tướng tài ba đời Trần: Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão…
Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông trước đây thuộc quản lý của UBND phường Cửa Ông. Từ năm 2014, BQL trực thuộc TP Cẩm Phả. Đến năm 2017, Đền Cửa Ông chính thức được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Theo Ban Quản lý di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông, thời điểm hiện tại, Đền có hơn 20 hòm công đức được bố trí phục vụ cho du khách thập phương đến đây tham quan và làm lễ. Các hòm công đức này được bố trí ở nhiều nơi tại các nơi thờ tự như đền Hạ, đền Trung, đền Thượng…, từ bên cạnh lư hương trước cửa các đền đến phía bên trong – trước các ban thờ.
Cùng với việc bố trí hòm công đức, Ban Quản lý cũng bố trí song song hệ thống camera dày đặc để giám sát các hòm công đức. Ngoài việc bỏ tiền vào hòm công đức, nhiều người dân còn để vào các khay đồ lễ, thậm chí có người kẹp vào khe cửa, cành hoa… mà người dân vẫn gọi là tiền giọt dầu.
Theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông, tính từ đầu năm 2023 đến nay (đầu tháng 3/2023), Đền Cửa Ông đã đón nhận hơn 30 vạn lượt khách, tiếp nhận được trên 13,6 tỷ đồng tiền công đức của du khách thập phương. Theo truyền thống, thời điểm đầu năm cũng chính là thời điểm có lượng du khách cao nhất trong năm của Đền.
"Trong khoảng thời gian này, ngày cao nhất Đền Cửa Ông tiếp nhận được hơn 512 triệu đồng tiền công đức, còn ngày thấp nhất cũng nhận khoảng 70 triệu đồng", ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND TP Cẩm Phả xác nhận.
Quy trình giám sát, quản lý tiền công đức tại Đền Cửa Ông (Quảng Ninh) như thế nào? Clip: Hải Phong - Thành An - BQL DTLSĐB Đền Cửa Ông
Quy trình giám sát, quản lý tiền công đức của Đền Cửa Ông như thế nào?
Trao đổi với PV Dân Việt ngày 9/3, ông Phạm Thành Trung – Trưởng BQL Đền Cửa Ông cho biết, việc kiểm đếm tiền công đức, giọt dầu tại đền được thực hiện trong ngày. Ông Trung cũng khẳng định quy trình giám sát, kiểm tra tiền công đức được quản lý hết sức chặt chẽ, bài bản từ năm 2017 tới nay, thời điểm mà Ban Quản lý chính thức được thành lập.
Theo ông Trung, cứ vào 14 giờ hàng ngày, lần lượt các hòm công đức ở đền đều được mở khóa trước sự chứng kiến giám sát của đông đủ các thành viên của tổ mở két như tổ bảo vệ, tổ ghi công đức, tổ thủ từ, tổ kiểm kê; các cơ quan chức năng có thể kiểm tra từ xa thông qua hệ thống camera.
Nguồn tiền sau khi mở hòm công đức được đưa vào bao nilong do BQL Đền Cửa Ông chuẩn bị, sau đó được niêm phong và chuyển về nơi kiểm đếm. Tại đây, các thành viên trong tổ bắt đầu phân loại và kiểm đếm tiền dưới sự giám sát của các thành viên cũng như hệ thống camera.
"Chúng tôi tiến hành kiểm đếm hòm công đức ngay trong ngày, số liệu được Ban quản lý tổng hợp, ký biên bản và báo cáo lên các cấp theo quy định vào cuối ngày. Số tiền sau khi kiểm đếm và chốt sổ xong sẽ được BQL nộp vào tài khoản tiền gửi của đơn vị được mở tại Kho bạc Nhà nước. Trong tổng số tiền này, sẽ có khoảng từ 10 - 20% số tiền sẽ được chuyển lại cho BQL Đền Cửa Ông để chi hoạt động thường xuyên cho BQL. Tất cả số tiền còn lại đưa vào Ngân sách Nhà nước, sau đó sẽ được chi theo đúng các nội dung mà Nghị quyết của Hội đồng nhân dân TP Cẩm Phả đã thông qua", ông Trung cho hay.
Tiền chi cho hoạt động thường xuyên của BQL Đền Cửa Ông, theo Trưởng BQL, gồm có trả tiền lương cho các lao động theo hợp đồng, cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Đền, tiền sắm lễ vào các dịp đầu tháng và rằm hàng tháng...
Trưởng BQL Đền Cửa Ông cũng cho biết, hiện đơn vị cũng đã mở tài khoản ngân hàng, tạo mã QR để người dân có thể gửi tiền công đức cho khu di tích bằng cách quét mã. Ban BQL cũng bố trí các quầy ghi công đức để tiếp nhận ghi sổ cho các du khách đến đóng góp công đức.
"Của một đồng công một nén, khi người dân đến và bày tỏ lòng thành là đã quý, nên dù chỉ là 1 nghìn đồng cũng là công sức của mọi người đóng góp với mục đích tôn tạo, xây dựng khu di tích khang trang hơn. Vì thế, chúng tôi càng phải trân trọng và nghiêm túc, minh bạch và công khai trong vấn đề quản lý tài chính để không làm phụ lòng tin của du khách đã gửi gắm", ông Trung khẳng định.
Tiền công đức được quản lý và giám sát chặt chẽ
Ông Phạm Văn Kính – Phó Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả khẳng định với Dân Việt, công tác quản lý tiền công đức tại các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn TP, đặc biệt là ở Đền Cửa Ông đang được quản lý và giám sát rất chặt chẽ, khoa học. Tiền công đức, theo quy định được coi là khoản tiền cho-biếu-tặng. Khoản tiền này sẽ được nộp vào kho bạc Nhà nước, hạch toán vào Ngân sách nhà nước và chi theo Nghị quyết của HĐND TP. Số tiền công đức đều được BQL Đền báo cáo lên UBND TP vào mỗi cuối ngày.
"Hàng năm, trừ chi phí cho hoạt động thường xuyên của đền theo quy chế chi tiêu của BQL từ 10-20% tổng thu, phần còn lại đều phải nộp vào Ngân sách nhà nhà nước", ông Kính cho biết và nhấn mạnh thêm: "Nguồn tiền công đức thu được tại Đền Cửa Ông đều được đầu tư vào các hạng mục công trình trong khuôn viên Đền, theo đúng quy hoạch mà UBND tỉnh đã phê duyệt".
Phân tích rõ hơn, Phó Chủ tịch UBND TP.Cẩm Phả cho biết, trước năm 2014, toàn bộ số tiền công đức được chuyển hết về ngân sách của phường Cẩm Phả, sau đó, HĐND phường sẽ quyết định dùng số tiền này đầu tư xây dựng các công trình giao thông, điện, trường học, nhà văn hóa…
Từ năm 2014, sau khi có quy hoạch đền, toàn bộ số ngân sách này được chuyển về TP.Cẩm Phả. Tuy nhiên, từ năm 2017, khi được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, UBND TP không có thẩm quyền chi khoản này nữa mà phải có ý kiến của tỉnh (thông qua HĐND cấp tỉnh). TP chỉ có đề xuất, xin ý kiến chi vào mục đích cụ thể.
"Theo Thông tư 04/2023, có hiệu lực từ ngày 19/3 tới đây, Bộ Tài chính lại quy định, hướng dẫn, toàn bộ số tiền này để địa phương chi. Hiểu nôm na là, BQL Đền Cửa Ông sẽ quyết định việc chi số tiền này, nhưng phải được HĐND TP chấp thuận".
Nói thêm về Thông tư 04, lãnh đạo UBND TP.Cẩm Phả cho rằng, Thông tư này không gây khó khăn trong việc chi tiêu.
"BQL là nơi xây dựng quy chế chi tiêu nhưng phải được cấp thẩm quyền phê duyệt, nếu chi tiêu không hết thì để lại để đầu tư các hạng mục khác và phải được HĐND TP quyết định", ông Kính nhấn mạnh và cho biết, có điểm mới trong Thông tư 04 là "trước kia, nếu Đền muốn xây dựng một công trình thì TP sẽ giao cho BQL dự án của TP làm chủ đầu tư. Nhưng bây giờ BQL Đền Cửa Ông sẽ làm chủ đầu tư luôn".
No comments