Quản lý tiền công đức ở Yên Tử: Nhà chùa giữ 96% - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Quản lý tiền công đức ở Yên Tử: Nhà chùa giữ 96%

Như Dân Việt đã đề cập ở bài viết "Quản lý, giám sát hàng chục tỷ đồng tiền công đức ở Đền Cửa Ông thế nào?", việc quản lý, sử dụng tiền công đức, giọt dầu được chính quyền địa phương thực hiện khá bài bản và hợp lý. Song trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh liệu việc này địa phương, đơn vị nào cũng quản lý, sử dụng giống như nhau?

Để làm rõ thêm vấn đề này, PV Dân Việt đã có mặt tại Yên Tử (xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí) để ghi nhận cụ thể. Theo quan sát của chúng tôi, những ngày đầu tháng 3/2023, khá đông người dân đến lễ và vãn cảnh chùa tại Yên Tử. Tại khu vực thờ tự, người dân thường cho tiền vào hòm công đức hoặc đặt trên các ban thờ.

Thống kê của Ban Quản lý (BQL) Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho thấy, từ đầu năm đến nay, vào những ngày trong tuần lượng khách đến với Yên Tử khoảng 2.000 người, vào những ngày cuối tuần lượng khách tăng lên khoảng 6.000 đến 7.000 người/ngày. Số tiền công đức tại Yên Tử từ đầu năm đến thời điểm hiện tại lên đến trên 5 tỷ đồng.

Quản lý tiền công đức ở Yên Tử: Nhà chùa giữ 96% - Ảnh 1.

Theo thống kê mỗi năm Khu danh thắng Yên Tử thu hút hơn 1 triệu lượt khách. Ảnh: Ngọc Hải.

Quản lý tiền công đức ở Yên Tử, chính quyền được trích lại 4%

Trao đổi với PV Dân Việt, ông  Lê Tiến Dũng – Trưởng BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cho biết: Từ năm 1992, nguồn tiền công đức được giao cho BQL Yên Tử đảm nhận. Đến năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định bàn giao việc quản lý nguồn công đức tại Yên Tử cho BQL tôn tạo Yên Tử (nhà chùa) cho đến nay.

Đặc biệt, từ năm 2010 chính quyền Thị xã Uông Bí (nay là TP. Uông Bí) thành lập Hội đồng giám sát việc ghi, thu công đức tại chùa Yên Tử, gồm có đại diện của BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, BQL Dự án tôn tạo chùa Yên Tử (nhà chùa), Công an TP. Uông Bí, Phòng tài chính kế hoạch TP. Uông Bí.

Hội đồng giám sát này có trách nhiệm hướng dẫn nhà chùa trong việc quản lý ghi, thu công đức; niêm phong hòm công đức bằng tem niêm phong có đầy đủ chữ ký của các thành phần trong hội đồng để giao cho các Tổ ghi thu công đức; mở hòm công đức, kiểm đếm số tiền công đức trong hòm, kiểm tra việc ghi thu chép trong sổ vàng công đức, ký biên bản xác nhận số tiền thực tế kiểm điểm, ký biên bản bàn giao toàn bộ số tiền trong đợt mở hòm công đức cho Ban Quản lý tôn tạo Yên Tử (do Thượng tọa Thích Thanh Quyết làm Trưởng Ban) để gửi vào tài khoản mở tại ngân hàng.

"Tỷ lệ phân bổ số tiền công đức được giao 96% cho nhà chùa quản lý và sử dụng và 4% còn lại trích về Ban Quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử", ông Dũng cho hay.

Quản lý tiền công đức ở Yên Tử: Nhà chùa giữ 96% - Ảnh 2.

Người dân dâng lễ tại Chùa Đồng, Yên Tử. Ảnh: Ngọc Hải.

Theo thống kê, những năm 2020, 2021, 2022, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số tiền công đức tại Yên Tử mỗi năm chỉ xấp xỉ 4 tỷ đồng, do đó số tiền BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử nhận được số tiền công đức không nhiều. Đơn cử như năm 2022 BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử chỉ nhận được 120 triệu đồng.

Trước đó, vào các năm 2017, 2018, con số này là khoảng 16-17 tỷ đồng/năm. Thậm chí có năm tiền công đức tại Yên Tử lên đến trên 31 tỷ đồng (năm 2013), trên 29 tỷ đồng (năm 2014). Theo đó, với mức 4% trích lại, mỗi năm, BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử cũng nhận được khoảng trên 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng.

Cần làm rõ tiền giọt dầu?

Đáng chú ý, ngoài tiền công đức, trên thực tế, tại Yên Tử còn một khoản thu lớn khác là tiền giọt dầu (tiền do người dân, phật tử đặt lễ tại các vị trí khác nhau như khay đĩa trên ban thờ, đĩa hoa quả, hòm giọt dầu, hoặc thậm chí đặt trên tay tượng phật…).

Một vị đại diện cơ quan chức năng TP. Uông Bí cho biết, tiền giọt dầu do phía nhà chùa quản lý. "Lâu nay mọi người vẫn nhầm tiền công đức và tiền giọt dầu, đây là 2 hòm được quản lý khác nhau. Người dân khi đi lễ thường đặt tiền giọt dầu, cúng dường ở trên các ban thờ", vị này nói và khẳng định: "Thực tế, Hội đồng giám sát của thành phố chỉ biết được tổng số tiền trong hòm công đức, còn tiền giọt dầu bao nhiêu, chi tiêu như thế nào hoàn toàn thuộc thẩm quyền của phía nhà chùa".

Quy trình giám sát, quản lý tiền công đức tại Đền Cửa Ông (Quảng Ninh) như thế nào? Clip: Hải Phong - Thành An - BQL DTLSĐB Đền Cửa Ông.

Nhiều người dân cũng cho rằng số tiền giọt dầu cũng nên được công khai, giám sát như tiền công đức. Bởi lẽ, người dân thường đặt số tiền này khá lớn nhưng không biết được quản lý như thế nào.

Được biết, trước thời điểm 2007, cùng với tiền công đức, ngân sách, tiền thu phí tham quan Yên Tử 5.000 đồng/người, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong đó có đường sá, công trình dịch vụ, hệ thống các chùa: Chùa Trình, Suối Tắm, Cẩm Thực, Giải Oan, Hoa Yên..., mở rộng tuyến đường giao thông Yên Tử, tuyến đường kết nối từ Ngọa Vân Đông Triều về Yên Tử, đầu tư xây dựng Rừng Quốc gia Yên Tử...).

Sau khi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh quản lý, sử dụng tiền công đức, nhiều công trình, công việc lớn trên Yên Tử được thực hiện như: Chùa Đồng (80 tỷ đồng), tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông (120 tỷ đồng), chùa Một Mái (5 tỷ đồng), trùng tu hệ thống am tháp và mắt rồng (7 tỷ đồng), Nhà tổ chùa Giải Oan (4 tỷ đồng), trụ sở Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (30 tỷ đồng) và cung Trúc lâm Yên Tử (khái toán 250 tỷ đồng).

Theo thống kê của UBND TP. Uông Bí, tổng số tiền thu được từ các hòm công đức từ 2007 – đến thời điểm thu phí tham quan Yên Tử (năm 2018) là trên 250 tỷ đồng. Trong khi đó, lũy kế số tiền 4% mà phía nhà chùa phải trích lại cho BQL Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử từ 2007 - 2018 là trên 10 tỷ đồng.

Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, với những công trình nhiều tỷ đồng như trên nếu chỉ sử dụng tiền công đức thì không đủ. Do đó, cần một khoản tiền rất lớn khác, trong khi đó, số tiền giọt dầu trên Yên Tử mỗi năm là bao nhiêu, chi tiêu thế nào vẫn là một điều băn khoăn, cần giải đáp.

Đã từng có những so sánh về số tiền người dân, du khách, tăng ni, phật tử công đức tại Đền Cửa Ông (TP.Cẩm Phả) với Yên Tử. Theo đó, cả tiền giọt dầu và tiền công đức tại Đền Cửa Ông hàng năm dao động từ 25-30 tỷ đồng và được chuyển chung vào kho bạc để quản lý và sử dụng. Trong khi đó, trung bình mỗi năm Đền Cửa Ông đón khoảng 500.000 lượt người, Yên Tử đón khoảng 1 triệu lượt khách.

Thủ tướng yêu cầu thí điểm kiểm tra việc quản lý tiền công đức tại Quảng Ninh

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2023.

No comments