Tinh hoa mỹ nghệ Hải Phòng: Những nghệ nhân "vắt kiệt" mình làm đẹp cho đời - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

Tinh hoa mỹ nghệ Hải Phòng: Những nghệ nhân "vắt kiệt" mình làm đẹp cho đời

Thủ công mỹ nghệ - nghề quý, nghề đặc thù

Không giống như các sản phẩm công nghiệp được sản xuất theo dây chuyền hàng loạt bằng máy móc, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nghệ nhân ở đây được tạo ra từ sự kết hợp giữa đôi bàn tay khéo léo với đầu óc sáng tạo nghệ thuật của người thợ. Mỗi sản phẩm của hàng thủ công mỹ nghệ làm ra đều có sự tinh xảo, độc đáo và riêng biệt.

Ông Đặng Trần Hiền, sinh năm 1959, trú tại 5/40 Lạch Tray (Ngô Quyền, Hải Phòng) đã gắn bó với nghề thủ công mỹ nghệ bằng gốm đã gần 50 năm. Các sản phẩm của ông được đánh giá cao tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước. Đó là các tác phẩm: Phù điêu Đạt Ma sư tổ, bộ ấm đại cao 55 cm rộng 75 cm, bộ ấm Tây Thi, ấm Tam Bạc dát vàng, bộ ấm chén Tam Bạc đắp nổi, trổ thủng, lọ chè đắp nổi hoa tứ quý... Với những đóng góp cho nghề thủ công, mỹ nghệ, năm 2014, ông Hiền được nhà nước tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hải Phòng", năm 2016, ông tiếp tục được nhà nước trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú".

Clip: Nghệ nhân Đặng Trần Hiền thực hiện các công đoạn tạo ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong lĩnh vực gốm. Video: Thu Thủy

Nói về nghề gốm, ông Hiền chia sẻ, để tạo ra những sản phẩm gốm hoàn hảo, người thợ không chỉ có sự đam mê mà còn phải có sự bền bỉ, chịu khó. Bởi khi làm ra một sản phẩm về gốm, người thợ phải căn chỉnh tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ, cực nhỏ. Đôi khi còn thất bại hoặc phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới chạm đến được thành công.

"Công việc của người thợ thủ công mỹ nghệ gốm sử dụng hoàn toàn bằng đôi tay, từ việc làm khuôn mẫu, đắp nặn hay tạo hình trên bàn xoay. Sản phẩm làm ra phải thể hiện được cái hồn của dân tộc. Đây là công việc cực kỳ khó không phải ai cũng có thể làm được" – ông Hiền khẳng định.

 Clip: Nghệ nhân Vũ Minh Hải thực hiện công trình "Đồi giả sơn" đằng sau đền thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Video: Thu Thủy

Cũng là sự vận dụng các khả năng sáng tạo hội họa trong nghề thủ công, nghệ nhân Vũ Minh Hải, (trú tại 40/71 Chợ Hàng, Lê Chân, Hải Phòng) đã có trên 30 năm trong nghề chế tác điêu khắc xi măng, đá cảnh, đá thẩm thủy… các sản phẩm, công trình, kiến trúc dạng phong thủy trong các khuôn viên, đình chùa, đền miếu thờ các danh nhân tên tuổi.

Cụ thể, như công trình "Đồi giả sơn" trấn phong thủy phía đằng sau đền thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Ở đây, khi tạo cảnh núi non hùng vĩ, nghệ nhân Vũ Minh Hải được lãnh đạo thành phố Hải Phòng yêu cầu tự tay tạo ra những tảng đá lớn dùng chúng đặt lên trên quả đồi vừa tạo. Nghệ nhân Vũ Minh Hải đã tiến hành gò sắt bọc lưới thép tạo nhiều hình thù giống hệt các tảng đá thật ở nhiều kích thước lớn, nhỏ khác nhau. Sau đó, tiến hành đắp xi măng bên ngoài mắt thường nhìn vào không thể phát hiện được đó là tảng đá thật hay tảng đá tự tạo. Công trình đã được thành phố Hải Phòng đánh giá cao trong năm 2018.

"Tất cả các công đoạn trên đều sử dụng hoàn toàn thủ công, máy móc chỉ hỗ trợ khi vận chuyển, đất, đá và lắp đặt. Những tảng đá tự tạo ở đây kích thước khá lớn, bên trong lại rỗng nhẹ nhưng vẫn đảm bảo độ bền vĩnh cửu" - anh Hải nói.

Video: Cận cảnh những công trình có giá trị của các nghệ nhân giỏi Hải Phòng - Ảnh 3.

Tượng đài nữ tướng Lê Chân là biểu tượng của thành phố Hải Phòng. Ảnh Thu Thủy

Nhọc nhằn đắp phù điêu, tạc tượng

Bằng trí tưởng tượng, và bàn tay khéo léo, nghệ nhân Hoàng Văn Huyên được mời tham gia thể hiện tượng đài nữ tướng Lê Chân. Công trình khởi công xây dựng vào ngày 30/11/1999, khánh thành ngày 31/12/2000. Tượng đúc bằng đồng, cao 7,5 m, nặng 19 tấn.

Phần thực hiện của ông Huyên là mô phỏng nhân vật bà nữ tướng, lên chi tiết của bức tượng và đắp đất sau đó phun thạch cao để công nhân vận chuyển đến công ty đúc đồng.

 Clip: Nghệ nhân Hoàng Văn Huyên - người được mời tham gia thể hiện tượng đài nữ tướng Lê Chân chia sẻ về quá trình thực hiện. Video: Thu Thủy

Để làm được bức tượng bà Nữ tướng Lê Chân như hiện nay, ông Huyên đã tiến hành dựng khung tượng bằng cốt tre, cao như thật theo đúng các chi tiết thiết kế đã được phê duyệt. Sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo. Trong quá trình làm có sự giám sát, điều chỉnh của Hội đồng thi công và các cơ quan chức năng của thành phố.

"Xác định đây là một trong những công trình lớn của Hải Phòng mang tầm cỡ quốc gia nên tôi luôn đề cao tinh thần làm việc, kết hợp giữa điêu khắc với kiến trúc, sau đó mô phỏng hình dáng, kích thước sao cho nhìn giống như thật. Quá trình sản xuất đòi hỏi người thợ phải tập trung tối đa, từng động tác thật tỉ mỉ, khả năng mô phỏng, trí sáng tạo và mắt thẩm mỹ để tránh trùng lắp, rập khuôn nhưng phải toát được lên cái hồn của nhân vật" – ông Huyên chia sẻ.

Clip: Nghệ nhân Bùi Thế Phong chia sẻ về công trình Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn tại Hải Phòng. Video: Thu Thủy  

Tác phẩm tượng Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, đúc đồng cao 3,2m của nghệ nhân Bùi Thế Phong, sinh năm 1964, trú tại số 14 đường Dầu Lửa (P.Sở Dầu, Q.Hồng Bàng, Hải Phòng) là một trong những tác phẩm được đề nghị vào top 80 pho tượng Việt Nam.

Video: Cận cảnh những công trình có giá trị của các nghệ nhân giỏi Hải Phòng - Ảnh 6.

Tác phẩm tượng Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn do nghệ nhân Bùi Thế Phong sáng tạo. Ảnh Thu Thủy

Bằng bàn tay khéo léo của mình, nghệ nhân Bùi Thế Phong đã thiết kế mẫu bức tượng Trần Quốc Tuấn, cao 60 cm, toàn bộ khuôn viên và bức phù điêu đằng sau tượng đài sau đó triển khai mẫu tượng bằng đất, thạch cao theo tỉ lệ 1 – 1.

"Sản phẩm, thủ công mỹ nghệ đạt đến giá trị thẩm mỹ phải mang tính độc đáo, không trùng lặp, không sao chép…Để tạo ra một bức tượng đẹp người thợ phải có tư duy tốt, tham khảo tiếp thu kiến thức của những người giỏi để áp dụng vào công việc.", nghệ nhân Bùi Thế Phong nói.

Bằng những cống hiến với nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, có giá trị cao, các nghệ nhân Đặng Trần Hiền, Vũ Minh Hải, Hoàng Văn Huyên, Bùi Thế Phong và nhiều nghệ nhân khác đã được Hội Nghệ nhân- thợ giỏi Hải Phòng lập danh sách đề nghị Hội đồng xét duyệt của thành phố xét duyệt trình Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú. 

Tuy nhiên, hầu hết các nghệ nhân trong danh sách do Hội nghệ nhân - thợ giỏi Hải Phòng lập đưa lên đều không được duyệt với kết quả đánh giá rất thấp, thậm chí chỉ đạt 0 điểm khiến các nghệ nhân rất bức xúc. Để làm rõ nội dung kiến nghị của các nghệ nhân, PV báo Dân Việt đã liên hệ với Sở Công thương, cơ quan thường trực Hội đồng xét duyệt của thành phố, nhưng đã gần 2 tháng trôi qua, chúng tôi chưa nhận được ý kiến phản hồi của cơ quan này. 

No comments