NSND Lan Hương, Ngọc Huyền nghẹn ngào nhớ về thời buồn vui ở Nhà hát Tuổi trẻ
Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Đức Trung cho biết, ông về công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 1979. Năm đầu tiên, ông chỉ được ký hợp đồng 1 năm, đến năm thứ 2 mới chính thức. Thời điểm đó, Nhà hát có hai mảng là sân khấu và âm nhạc. Ông được Nhà hát giao quản lý đội kịch kiêm diễn viên. Các chương trình đều hướng tới phục vụ đối tượng khán giả trẻ, bao gồm cả thiếu niên nhi đồng lẫn thanh niên. Với NSƯT Đức Trung, 45 năm qua là một chặng đường dài với bao đổi thay của Nhà hát Tuổi trẻ.
"Tôi đã được cống hiến ở "ngôi nhà" này 40 năm và trải qua không biết bao vui buồn, thăng trầm, hạnh phúc. Ngay cả khi đã nghỉ hưu vẫn được Nhà hát mời hợp tác. Tôi nhận thấy, Nhà hát Tuổi trẻ thuận lợi hơn nhiều Nhà hát khác bởi có sức trẻ, có sự nhiệt huyết. Nhiều tên tuổi đã thành danh tại Nhà hát như: Lê Khanh, Lan Hương, Chí Trung, Ngọc Huyền, Minh Hằng, Đức Khuê, Tú Oanh, Nguyệt Hằng, Bá Anh… Nhà hát Tuổi trẻ đã có những bước dài trong 45 năm qua. Tôi tin tưởng rằng, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ vẫn luôn có một chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả", NSƯT Đức Trung tâm sự.
NSND Lan Hương "Em bé Hà Nội" cũng đầy xúc động khi chia sẻ về "ngôi nhà" mà chị đã gắn bó suốt một thời tuổi trẻ với Dân Việt. Nữ nghệ sĩ bộc bạch: "Hôm nay là một ngày mà tôi rất xúc động. Lúc đầu, BTC sắp xếp để tôi đại diện các thế hệ nghệ sĩ ở Nhà hát lên phát biểu nhưng tôi không dám nhận lời vì sợ phát biểu sẽ khóc. Tôi sẽ mọi người nhìn thấy tôi khóc. Nếu tôi sinh ra một lần nữa, được tiếp tục làm nghệ sĩ và được quyền lựa chọn, tôi sẽ vẫn chọn Nhà hát Tuổi trẻ. Dù nơi này có đổi thay, có thăng trầm cỡ nào thì tôi vẫn gửi lại tình yêu nơi này.
Năm 1978, khi thế hệ diễn viên chúng tôi trúng tuyển vào Nhà hát, chúng tôi đã được đào tạo một cách bài bản nhất. NSND Phạm Thị Thành – người có công sáng lập ra Nhà hát lúc đó mới ở Nga về. Cô đã mang hết những kiến thức và vốn liếng sân khấu mình có được để dạy dỗ, đào tạo chúng tôi. Chúng tôi được đào tạo cả về diễn xuất, cả về thanh nhạc một cách rất bài bản, hiện đại.
Nhắc đến nơi này, người mà tôi muốn nhắc đến đầu tiên là nghệ sĩ Anh Tú – một người bạn diễn và một người bạn đời rất thân của tôi. Tôi với Tú đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm ở nơi này. Thời đó, Nhà hát mới thành lập nên mọi thứ còn khó khăn và thiếu thốn lắm. Nhà hát đi diễn mà không có địa điểm, toàn phải mượn các trụ sở của thôn, làng để diễn để phục vụ bà con. Khán giả cũng không có tiền mua vé, có khi trả bằng ống gạo, bơ lạc nhưng kéo đến xem đông lắm. Nhiều lần biểu diễn cho thương binh, khán giả ngồi kín hội trường rồi mà vẫn có nhiều người đến đứng xếp hàng, đòi phải cho họ vào xem bằng được kể cả đứng. Những kỷ niệm đó đối với tôi là vô giá trong chặng đường hoạt động sân khấu ở Nhà hát Tuổi trẻ".
Bày tỏ trên sân khấu, NSƯT Ngọc Huyền nghẹn ngào: "Tôi thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên được đào tạo tại Nhà hát Tuổi trẻ. Lúc đó chúng tôi mới đều chỉ 16, 17 tuổi, rất trẻ dại. Cả tuổi thanh xuân của chúng tôi đều gắn liền với Nhà hát Tuổi trẻ. Đối với tôi, nơi tôi sinh là Hà Nội, nơi tôi sống là Nhà hát Tuổi trẻ. Ở đây chất chứa cả một bầu trời ký ức, những điều thân thương lẫn đắng cay nhất của tôi".
Phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 45 năm thành lập, NSƯT Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ nhấn mạnh: "Sau 45 năm, Nhà hát Tuổi trẻ có thể tự hào vì đã luôn thực hiện sứ mệnh của mình qua từng chặng đường phát triển với những mục tiêu chiến lược khác nhau như.
Xây dựng được một đội ngũ nghệ sĩ mang bản sắc của "Tuổi trẻ", có diện mạo, phong cách riêng. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để mỗi nghệ sĩ phát triển bản thân, khẳng định thương hiệu cá nhân và từng bước trưởng thành cùng với thương hiệu Nhà hát.
Nhà hát đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả với những tác phẩm có tính chất định hướng cho giới trẻ về lý tưởng sống và phong cách sống qua rất nhiều vở diễn có sức ảnh hưởng suốt nhiều thập niên với lượng khán giả ổn định, thậm chí có những gia đình nhiều thế hệ gắn bó với "Tuổi trẻ", tìm thấy ở đây giá trị kết nối tinh thần quan trọng, không thể thay thế".
Theo NSƯT Sĩ Tiến, với việc là thành viên tổ chức ASSITEJ, Hiệp hội sân khấu thế giới dành cho trẻ em, nhiều năm qua, Nhà hát Tuổi trẻ luôn chú trọng các thử nghiệm mới, mời các đạo diễn trong và ngoài nước hợp tác, sáng tạo với cách tiếp cận nội dung đa dạng, không gian nghệ thuật giàu cảm xúc, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày một khắt khe của khán giả trẻ.
Các diễn viên trẻ - đại diện cho thế hệ tiếp nối phát biểu trong chương trình. Ảnh: Quang Vinh.
Mặt khác, Nhà hát cũng mong muốn góp phần giới thiệu xu thế sân khấu thế giới đương đại, giúp nâng cao thị hiếu khán giả, qua đó nuôi dưỡng, xây dựng những hoài bão và ước mơ, là nơi rèn luyện tư duy và phẩm chất cho những người trẻ tuổi thông qua nghệ thuật, đồng thời tạo cú hích tìm tòi, đổi mới chính mình.
Nhà hát Tuổi trẻ đã khẳng định được thế đứng trong 45 năm qua
Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam là một đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ VHTTDL, được thành lập theo Quyết định số 20/BVH-QĐ ngày 10/4/1978 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) với mục tiêu xây dựng các chương trình nghệ thuật như: kịch nói, ca múa nhạc và kịch câm…phù hợp với thị hiếu, tâm lý của thanh, thiếu nhi nhằm góp phần giáo dục thẩm mỹ, tư tưởng, đạo đức, phong cách sống cho thế hệ trẻ.
Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, tập thể lãnh đạo, các cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, người lao động của Nhà hát Tuổi trẻ ở các thời kỳ đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn để xây dựng và phát triển Nhà hát. Từ môi trường làm việc chuyên nghiệp của Nhà hát đã đào tạo ra nhiều thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ thành danh, được công chúng mến mộ, trở thành những hạt nhân cho nền nghệ thuật nước nhà, có thể kể đến như: Phạm Thị Thành, Trần Tiến Thuật, Lê Hùng, Trương Nhuận, Chí Trung, Nguyễn Sĩ Tiến, Anh Tú, Lan Hương, Lê Khanh, Minh Hằng, Ngọc Huyền…
Với hơn 500 vở diễn, chương trình nghệ thuật, khai thác ở nhiều nhóm tác phẩm gồm các tác phẩm dành cho thiếu nhi, nhóm tác phẩm chính luận - tâm lý xã hội, nhóm tác phẩm kinh điểm-lịch sử-hợp tác quốc tế, nhóm tác phẩm hài kịch-ca nhạc, với nhiều thể loại: kịch nói, ca múa nhạc, nhạc kịch, kịch hình thể…đã giành nhiều giải thưởng cao tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và các kỳ liên hoan sân khấu quốc tế cho thấy được tài năng, tâm huyết của các nghệ sĩ, sự nỗ lực của tập thể Nhà hát trong suốt chặng đường phát triển.
Trong bối cảnh giao lưu văn hoá và hội nhập quốc tế, Nhà hát đã làm tốt công tác sưu tầm, nâng cao và phát triển nghệ thuật biểu diễn dành cho tuổi trẻ nước nhà đi đôi với việc tiếp thu, học hỏi những cái hay, cái đẹp của các nước có nền nghệ thuật biểu diễn tiên tiến trên thế giới góp phần làm phong phú thêm các loại hình nghệ thuật hấp dẫn và lôi cuốn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Đánh giá cao những thành tựu và đóng góp của Nhà hát Tuổi trẻ trong việc kiến tạo, lan tỏa những giá trị đẹp nhất của văn học nghệ thuật đến công chúng và bạn bè quốc tế, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cũng cho rằng, để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh lan tỏa những điều tốt đẹp thông qua nghệ thuật đến với công chúng nói chung và thế hệ trẻ nói riêng trong giai đoạn mới, Nhà hát cần tiếp tục giữ vững truyền thống tốt đẹp 45 năm xây dựng và phát triển, phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên… đưa Nhà hát phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Chủ động thu hút các cán bộ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đến giảng dạy, công tác; đãi ngộ, tôn vinh các các nghệ sĩ tài năng, tâm huyết, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp của Nhà hát. Phấn đấu tạo ra được một phong cách riêng, độc đáo và hấp dẫn khán giả trẻ. Xây dựng tác phẩm nghệ thuật mới có chất lượng cao phù hợp với thị hiếu, tâm lý của tuổi trẻ, góp phần giao dục thẩm mỹ, tư tưởng, đạo đức, phong cách sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
No comments