NSND Thanh Hoa: “Tôi vỡ oà hạnh phúc khi ca hát cùng người dân Đà Nẵng trong ngày Giải phóng miền Nam"Kể chuyện làng: Ngôi làng còn năm "linh hồn" NSND Thanh Hoa: “Tôi vỡ oà hạnh phúc khi ca hát cùng người dân Đà Nẵng trong ngày Giải phóng miền Nam"
Định cư, nhưng nơi canh tác vẫn như cũ, nên người ta đi về làm rẫy, chăm gà lợn. Một ngôi làng Ba Na điển hình. Nghĩa là còn cổ thụ thả bóng, bến nước, năm "giọt nước" dẫn từ khe về, vườn trồng rau, cà đắng, khu nhà mồ. Năm chục nếp nhà tranh sàn gỗ, vách thưng tre nứa hay trát đất trộn rơm hướng về ngôi nhà rông mái vút lên trời xanh như đàn gà con quây quần quanh mẹ. Như một "bức sắp đặt" có ý tưởng chặt chẽ, nhưng lại nguyên sơ, sống động, nó gợi lên những cảm giác khó tưởng.
Thế mà cách nay đôi chục năm, đoàn làm phim tài liệu "Tây Nguyên" của nhà văn Nguyên Ngọc, đạo diễn Lê Đức Tiến phải "kêu trời" vì không kiếm được một ngôi làng Ba Na nguyên bản; chỗ nào cũng chen vào những mái tôn, nhà xây.
Chúng tôi tha thủi dưới bóng xoài, mít, tha hồ ghé mắt vào vách liếp. Tiếng quả non rụng càng làm tăng vẻ hoang vắng. Có cảm giác như thời chiến tranh, làng lên rừng tránh một trận càn rồi trở về, sắp trở về chăng? Thực tế thì vẫn có, nhưng là để đưa tiễn ai đó về chốn vĩnh viễn với thần linh. Ngôi nhà rông vững chãi lợp tranh dày cả gang tay mát mẻ, bên trong có bếp lửa lạnh, vương vãi tấm chăn, quả bầu nước, chén rượu khô khốc. Bên cạnh là nhà nguyện treo trống lớn, bàn thờ Chúa thật đơn sơ như đức tin chất phác của những con người từng sống nơi đây. Giờ chỉ còn lại năm người, gọi là năm "linh hồn" vì "trẻ" nhất cũng đã ngoài 70. Không biết tiếng Ba Na, rất khó "phỏng vấn", rút cục chúng tôi vẫn biết được tên họ, là các bok (ông) Hnhil, Chik, Chưng, vợ chồng Kơch, Dyơi. Ở đây cả đời rồi, chết đây thôi, họ không thể "thích nghi" với chỗ cắm mới nữa. Chiều xuống, năm già sẽ quây quanh nhà nguyện. Quây quanh thôi, chắc gì đã trèo lên sàn được cả. Có lẽ lúc đó chỉ còn những linh hồn "bản thể".
Bok Hnhil đã gần trăm tuổi cười trơ lợi, hồ hởi đón khách lên sàn, nhắc đi nhắc lại một lời khi nhận chút quà mọn, chắc là cảm ơn. Bok Chưng quấy nồi lá sắn thả vài con cá hong khô trên bếp, thả vào cả thìa muối to tướng. Bập bẹ tiếng Kinh, già kể chế độ cũ đi lính đóng Kon Tum, giờ con trai ngoài làng mới vẫn về thăm khi đi rẫy, cháu thì ít gặp lắm. Hỏi thế một mình buồn không, sao không ra làng mới, chỉ thấy lầm bầm tiếng Ba Na. Bao thuốc được tặng, già chỉ hút một điếu "còn để dành cho con".
Làng Kon Sơ Lah di ra chỗ mới, quy hoạch kiểu bàn cờ, với đầy đủ hạ tầng, điện đường trường trạm, nhà rông… Chỗ này chẳng theo Tin Lành nên nghi lễ cúng bái, cồng chiêng không bị rơi rụng mấy. Dân giàu lên nhờ cà phê, bời lời, nhưng so với làng cũ không ấm áp bằng. Phương Duyên, phóng viên báo Gia Lai kể về sự tiếc rẻ của chủ tịch xã Đinh Sưk, giá như đường lớn của công ty cao su Chư Pah (năm 2008) làm sớm hơn thì không phải dời làng. Chủ trương định canh định cư là rất đúng đắn, nhưng khi áp dụng cụ thể lại nảy ra những vấn đề không nhỏ: xây dựng hạ tầng cho khu mới so với đưa điện, đường, trường, trạm vào từng thôn đang ở, cách nào không tốn kém hơn? Và đồng bào bản địa du canh hay luân canh? Làm những ngôi nhà đẹp, chắc chắn, ngôi làng trật tự theo ý chủ đầu tư, sao dân còn ra nhà rẫy ở? Đấy là tính toán kinh tế. Còn về văn hóa thì chỉ có thể nói là làm đứt cội rễ.
Dời làng Kon Sơ Lah cũ ra đường cái lớn, chúng tôi may mắn gặp nhiều bóng Kơ nia "tròn như quả trứng", một biểu tượng của Tây Nguyên. Câu chuyện về nhà rông, cũng là một biểu tượng, nghe rất buồn. Làng nào cũng có nhà rông, phải dựng lấy để thể hiện sự khéo léo, giỏi giang của mình, không dùng thợ chuyên nghiệp. Cả ngàn làng ở Gia Lai năm 2004 chỉ còn 524 ngôi mà cũng không đầy đủ chiêng, ché, giáo nỏ, chỗ cất vật thiêng. Thay vào đấy là nhà rông văn hóa, thường do doanh nghiệp, dự án xây, bê tông đá hoa mái tôn cùng bàn ghế "kiểu hội trường". Nóng kinh người đã đành, nó không có linh hồn, không được làm lễ, nhiều chỗ đóng im ỉm. Vì không ưng cái bụng, dân cứ rượu cần, cồng chiêng trong ngôi cũ nhỏ bé, sập xệ, ám khói nhưng tổ tiên ngự trị. Họa sĩ Xu Man đã vẽ cho nhà rông văn hóa quê ông rồi không quay lại đấy lần nào. Tức là nhà rông nói riêng, di sản văn hóa nói chung, đâu phải thứ để cho tặng, có tiền không phải cứ lôi được tâm hồn con người "xềnh xệch đến văn minh".
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments