Thuận Thành lên phố!
Tôi xa gia đình đã hơn 20 năm, nên hiểu được phải chuyện gì quan trọng, hoặc vui mừng lắm thì bố tôi, người đàn ông 80 tuổi mới gọi điện thông báo. Do thói quen của những người đàn ông trong gia đình tôi, sống cùng nhau rất nhường nhịn, sẻ chia với nhau, nhưng không câu nệ hỏi han nhau hàng ngày. Vì thế, tôi cảm nhận được sự vui mừng của một người già trải qua dâu bể như bố, khi thấy quê hương của mình từ cái thủa phong kiến gọi là phủ Thuận An, lúc đó có cả một phần đất của mấy xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội bây giờ.
Rồi sau năm 1945 thành huyện Thuận Thành với 17 đơn vị hành chính cấp xã chia làm 4 cụm. Bây giờ, vẫn một đời người như bố tôi nghỉ hưu ở thôn dã, lại nhìn thấy tấm biển huyện nhà lên Thị xã Thuận Thành, cái xã của mình gọi là phường thì chắc mừng lắm rồi.
Để giới thiệu về mảnh đất Thuận Thành 117km2 "với những hội hè đình đám, những cô gái quan họ hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng, hay tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương", có lẽ người ta chỉ cần tìm về thi phẩm "Bên Kia Sông Đuống" của cố thi sỹ Hoàng Cầm, một người con xuất sắc của đất Thuận Thành là thấy một dải đất Kinh Bắc được sông Đuống tưới tắm, tạo nên những cánh đồng trù phú, vô cùng bằng phẳng, lại không bị gió bão ngập lụt bao giờ. Thấy cả sự hồn hậu, vẻ đẹp của con người hòa quyện với đất trời thiên nhiên…
Đất Thuận Thành lành lắm, nên người ở nơi đây chung sống với nhau cũng rất hiền từ, bao bọc nhau mà vô cùng khí chất, khi cần thì họ cũng dứt khoát lên đường. Đi khắp 17 xã trước kia ở Thuận Thành từ Song Hồ đến Song Liễu, từ Xuân Lâm đến Hoài Thượng, từ Đình Tổ đến Nghĩa Đạo, xã nào cũng có những nghĩa trang Tổ quốc ghi công với hàng trăm con em địa phương là liệt sỹ. Trong những cuộc chống thực dân Pháp đến xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước thời chống Mỹ và cả chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc.. nơi đâu cũng có người Thuận Thành cống hiến máu xương cho Tổ quốc.
Tôi được các bác trong gia đình kể lại rằng, chị dâu của ông nội tôi góa chồng từ năm 30 tuổi, có một người con trai duy nhất. Bác là trưởng một nhánh lớn trong dòng họ bấy giờ hơn 50 suất đinh. Nhưng trong cuộc chiến vệ quốc, bà vẫn để bác xung phong lên đường. Lần tiễn bác đi cũng là lần cuối cùng bà được gặp con năm 1969. Bà bảo bác lấy dao vạch ngày ra đi vào tường của nhà thờ gia đình với lời dặn: "Nước không yên thì nhà không giữ được".
Bác tôi, liệt sỹ Nguyễn Gia Chàng, giờ vẫn nằm lại trong cuộc kháng chiến thống nhất non sông. Bà tôi được nhà nước phong tặng Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mạch. Bà là người không biết chữ nhưng luôn hành động, theo đạo lí và tính cách của người Kinh Bắc, khi cần là làm đến tận cùng mọi việc đến mức kiêu hùng.
Nói về tính cách người Thuận Thành thì phải kể đến cách ứng xử cùng nhau trong lễ hội. Quê tôi hội chùa Dâu là hội to nhất, gọi là hội tổng Khương Tự với 11 làng 3 xã, Thanh Khương, Hà Mãn, Trí Quả (nay là phường) đều tham gia với tổng 11 kiệu rước nhưng vô cùng hòa quyện, nhịp nhàng. Tan hội chào nhau ở ngã tư Dâu, nhà nào về nhà đó là mưa xối xả nhưng ai ai cũng vui.
Lại nói về hội Dâu là hội cầu mát của cư dân lúa nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên đồng lặng. Hệ thống chùa Dâu là thờ tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện (mây, mưa, sấm, chớp) phục vụ mùa màng của bà con châu thổ sông Hồng. Lại nói về ngôi chùa Dâu, đây là ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ thứ III sau Công nguyên trên đất thôn Đại Tự xã Thanh Khương, cũng là nơi đầu tiên Phật giáo đi từ Ấn Độ vào nước ta. Nên người Thuận Thành từ già đến trẻ đều thuộc câu ca dao:
Dù ai đi đâu về đâu?
Nhớ ngày mồng tám hội Dâu thì về.
Dù ai buôn bán trăm nghề?
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.
Câu ca dao vậy thôi, nhưng trong tâm tưởng người Thuận Thành ai cũng nhớ lắm, dù họ đi làm ăn, đi công tác, khắp năm châu bốn bể, hoặc mưu sinh, gầy dựng sự nghiệp ở đâu trên mảnh đất Việt Nam này đều nhớ về quê, nhớ về những ngày hội, hè đình đám. Đông vui, hào sảng, thuận hòa và đầy ắp tình người.
Nói về truyền thống thì người Thuận Thành sống ở quê hay đi đâu cũng có chút tự hào, đó là vùng đất thuận hòa. Nơi có trường học và chữ viết đầu tiên cho người Việt được Nam Giao Học Tổ Sỹ Nhiếp truyền dậy. Nơi thờ Thủy tổ Kinh Dương Vương là ông nội của vua Hùng. Nên người Thuận Thành đi đâu, làm gì cũng mang theo vốn liếng là hành trang văn hóa, tri thức của quê cha đất tổ. Người dân Thuận Thành có nếp nghĩ, ai học được thì học, còn ai không học được thì đi làm nghề, miễn sao lao động, làm ra của cải vật chất để xây dựng quê hương là được.
Chẳng những thế mà hệ thống đường làng, ngõ xóm, ở Thuận Thành đã cứng hóa, hiện đại hóa hàng chục năm nay rồi, cả những bờ vùng bờ thửa ngoài cánh đồng cũng được cứng hóa. Nông dân đi xe máy làm đồng, đến vụ gặt chỉ mang bao tải theo máy gặt nhận lúa cũng lâu lắm rồi.
Người dân trong vùng ngoài no cái ăn, ấm cái mặc, thì còn biết thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Trong nhà ai cũng có một vài bức tranh đông hồ để chơi, thể hiện hoàn cảnh hay ước mơ của mình vươn tới. Hay những làng như múa rối nước Đồng Ngư, làng hát ả đào Thanh Ngoài, làng hát trống quân, hát tuồng... Cuộc sống vật chất và tinh thần của người Thuận Thành rất tự nhiên và cũng vô cùng phong phú. Hồi hơn 20 năm trước, có mấy bạn học chung đại học về quê tôi làm giúp đám cưới, ăn cỗ xong họ giơ 2 tay lên nói "chỉ bê cỗ thôi mà cũng đau cơ như tập tạ, chưa thấy đám cưới nào mổ đến 9 con lợn, và ăn tới hơn 200 mâm". Bây giờ thì cỗ quê tôi ngoài ăn to ra, thì ăn còn ngon nữa. Làng xóm nào có đám cưới là cả làng rộn ràng chứ không phải mình việc nhà ai.
Lại nói về huyện Thuận Thành lên thị xã, đã có lần anh Nguyễn Xuân Đương, tân Chủ tịch Thị xã tâm sự: "Mình cũng tâm tư lắm! Những tiêu chí theo quy định thì chúng ta phấn đấu đều có thể đạt được, như 100 nghìn dân, hay tổng thu ngân sách trên dưới 1.000 tỷ. Nhưng với sự phát triển của đô thị, nếu chúng ta không quản lí tốt thì sẽ bị thay đổi về những văn hóa, những sự phát triển không mong muốn sẽ phát sinh ở quê mình. Nên anh em công tác tại chính quyền huyện luôn phải tự nhắc mình, làm sao để quê hương phát triển nhưng phải bền vững và ổn định. Phát huy những truyền thống văn hiến đã xây dựng gìn giữ và phát triển hàng nghìn năm qua".
Anh Đương cũng là một người con mang đậm nét Thuận Thành. Bố anh là thương binh nặng, mất 2 cánh tay trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Những năm học đại học kinh tế, anh Đương cũng đã phải làm thuê nhiều nghề để đi học. Giờ làm Chủ tịch Thị xã mà vẫn thân thiết, gần gũi, không có khoảng cách với bà con.
Chính chúng tôi, những người con của quê hương cũng có cảm nhận, Thuận Thành đã khoác lên mình hình ảnh của một thị xã tràn đầy sức sống. Mới cách đây 20 năm, Thuận Thành còn thuần nông, bà con đi gặt lúa bằng gồng gánh, kéo xe bò cải tiến, có những năm mất mùa đói giáp hạt. Nhưng giờ đây, quê tôi nhiều việc lắm. Có thể nói, ai cũng tìm được việc làm, ở các nhà máy, xí nghiệp lương cũng từ 6-8 triệu mỗi tháng, hay làm dịch vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho Thủ đô Hà Nội. Mỗi ngày, từ Thuận Thành có hàng chục tấn gạo, rau, thịt ra Thủ đô nên đời sống của bà con thay đổi và sung túc lắm. Cái nhà khang trang, con cái được học hành, làng xóm hầu như không có trộm cắp.
Chả thế mà khi về trao quyết định thành lập Thị xã Thuận Thành - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ: Từ dấu mốc phát triển mới rất quan trọng này, với truyền thống vẻ vang, niềm tự hào về quê hương văn hiến và cách mạng, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các cấp, ngành; phát huy thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua, Thị xã Thuận Thành sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành đô thị xanh, thông minh, năng động, hiện đại, hội nhập, cùng với thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ và các huyện của tỉnh xây dựng Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng "Hiện đại, văn minh, hài hòa và bền vững," giàu bản sắc văn hóa.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự kỳ vọng và tin tưởng rằng, kể từ Lễ kỷ niệm 110 năm thành lập và công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với việc ban hành và thực hiện tốt các quyết sách "Thuận" với lòng dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã sẽ tiếp tục đoàn kết, gặt hái nhiều thắng lớn, vạn sự "Thành." Thuận Thành cũng có nghĩa là thuận thì sẽ thành, thuận thì tất thành. Chủ tịch Quốc hội chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thuận Thành 6 chữ: "Thuận lòng dân, vạn sự thành."
Nói về quê hương Thuận Thành thì trong bút ký này tôi không ghi hết được, bởi là một người con của quê hương tôi đang rất nhiều cảm xúc. Nhưng tôi chỉ biết rằng dù chúng tôi có sống ở quê, hoặc ở xa quê nhưng lúc nào trong con người chúng tôi cũng mang một dòng máu xây dựng quê hương. Ai có của thì làm giàu, ai có công thì làm đẹp. Và chúng tôi luôn mang theo một đôi mắt quê hương bên mình, đôi mắt đó luôn là một sự giám sát, một nét nhớ nhung để nhắc nhở mình khắc ghi hai chữ "Thuận Thành".
No comments