Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên hơn 300 tuổi
Tu bổ Văn miếu Trấn Biên
Ngày 14/4, thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, Bộ VHTTDL vừa có văn bản số 1348/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Đồng Nai về việc thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật bảo quản, duy tu, bảo trì di tích Văn miếu Trấn Biên (tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, Đồng Nai).
Bộ VHTTDL thỏa thuận các hạng mục tu bổ gồm: Văn miếu môn, Khuê Văn Các, Đại Thành môn, nhà thư khố, nhà bia, nhà đề danh, sân đại bái.
Bộ cũng lưu ý Đồng Nai phải bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cũ: giữ nguyên các cấu kiện còn tốt (kể cả các cửa đi, cửa sổ), gia cố, tu bổ cấu kiện gỗ hư hỏng một phần, chỉ thay mới các cấu kiện đã hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá sau hạ giải di tích.
Bên cạnh đó, yêu cầu tái sử dụng tối đa ngói thanh lưu ly cũ, các khối đá bậc cấp, các chi tiết con giống trang trí nề ngõa có giá trị nghệ thuật.
Về tên của báo cáo kinh tế - kỹ thuật, nghiên cứu thay thế cụm từ “duy tu, bảo trì” bằng cụm từ “tu bổ, tôn tạo” hoặc “trùng tu, tôn tạo” để phù hợp hơn với quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Đồng thời, Bộ VHTTDL đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các cơ quan liên quan công khai nội dung trùng tu, tôn tạo di tích trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.
Văn miếu Trấn Biên là "Văn miếu" đầu tiên được xây dựng năm 1715 tại xứ Đàng Trong và đây là Văn miếu gắn liền với công cuộc mở cõi về phương Nam của các chúa Nguyễn.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý xứ Đồng Nai và sáp nhập vùng đất này vào nước Việt.
17 năm sau, tức năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây Văn miếu Trấn Biên, để thể hiện tư tưởng tôn vinh Nho giáo, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, kính trọng hiền tài và tiếp nối truyền thống văn hóa của người Việt ở phương Nam.
Công trình đã có hai lần trùng tu lớn là năm 1794 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh và năm 1852 thời vua Tự Đức.
Sau đó, vào năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và đã phá bỏ công trình này.
Đến năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm thành lập và phát triển vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai Văn miếu Trấn Biên mới được phục dựng trên nền đất cũ có diện tích khoảng 5ha, trong đó khu thờ chính rộng 2ha và hoàn thành xây dựng sau 4 năm.
Văn miếu Trấn Biên được phục dựng theo các tư liệu cổ như Đại Nam Nhất Thống Chí, Gia Định Thành Thông Chí. Các hạng mục công trình được xây đối xứng theo một trục thần đạo; lần lượt từ ngoài vào là Văn miếu Môn, nhà bia, Khuê Văn Các, hồ Tịnh Quang, Đại Thành thành môn, tượng Khổng Tử, sân hành lễ, nhà thờ chính.
Hai bên có các nhà tả - hữu là nhà Đề danh - nhà truyền thống, Thư khố - Văn vật khố. Công trình được xây với vật liệu mới nhưng vẫn tuân theo phong cách truyền thống.
Nhà thờ chính là một kiến trúc 7 gian, hai chái với 3 tầng mái, có nhiều chi tiết đậm tính dân tộc, bên trong cột, kèo và các bao lam, hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng. Đây là nơi thờ tự những danh nhân văn hóa Việt Nam.
Phía trước là sân rộng để hành lễ và tổ chức các sự kiện văn hóa. Gian chính giữa nhà thờ là nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian bên trái là nơi đặt bài vị và thờ tự những danh nhân văn hóa gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam bộ xưa; bên phải là nơi đặt bài vị và thờ tự danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam.
Phía trước hai bên nhà thờ chính là: Văn vật khố (nơi trưng bày 4 làng nghề truyền thống của Biên Hòa – Đồng Nai: nghề đồng, nghề mộc, nghề đá, nghề gốm); đăng đối với Văn vật khố là Thư khố - nơi trưng bày các thư tịch cổ, các tài liệu, sách báo... viết về lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa và nay.
Năm 2016, Bộ VHTTDL quyết định công nhận Văn miếu Trấn Biên ở Đồng Nai là di tích lịch sử cấp quốc gia.
No comments