Lễ khai mạc SEA Games 32 khiến khán giả Đông Nam Á choáng ngợp
Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra vào lúc 19h tối 5/5 tại sân vận động Morodok Tech (thủ đô Phnom Penh), mở đầu cho đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với sự tham dự của các đoàn thể thao thuộc 11 quốc gia trong khu vực.
Trước lễ khai mạc, ông Vath Chamroeun - Tổng thư ký Ban tổ chức quốc gia SEA Games 2023 của Campuchia khẳng định: "Ở SEA Games, có 2 điểm rất thành công. Thứ nhất, lễ khai mạc - bế mạc, nhất là lễ khai mạc phải làm cho thật hoành tráng, phải đạt tiêu chuẩn Olympic thế giới, chứ không phải ở tầm khu vực nữa. Thứ hai là kỹ thuật, địa điểm thi đấu tiêu chuẩn được tổ chức tốt, trận đấu diễn ra suôn sẻ". Campuchia cho thấy, họ đã hoàn toàn thành công ở yếu tố đầu tiên.
Lễ khai mạc SEA Games 32 bao gồm 3 chương, "Sự huy hoàng của Angkor"; "Nụ cười người Khmer"; "Tương lai của người Khmer". Khác với các kỳ SEA Games trước đó, ban tổ chức hạn chế tiết lộ thông tin về các màn biểu diễn, đẩy cao sự tò mò của khán giả.
Chương 1: "Sự huy hoàng của Angkor" tái hiện sự hình thành của vùng đất Campuchia một cách hào hùng và kiêu hãnh, mang đậm chất sử thi. Tại đó, có thể thấy văn hoá đất nước này mang đậm dấu ấn của các tôn giáo du nhập từ Ấn Độ, đặc biệt là Hindu giáo và Phật giáo. Sử dụng hiệu ứng ánh sáng, sân khấu lễ khai mạc giới thiệu hàng loạt những công trình kiến trúc nguy nga lộng lẫy biểu trưng cho quốc gia này, bên cạnh những nét đẹp truyền thống trong các ngày lễ hội trọng đại. Đó là vũ điệu Apsara, với những cô gái xinh đẹp, thể hiện động tác chậm nhưng lại rất dịu dàng, thanh thoát; là nghệ thuật múa rối bóng - thể loại biểu diễn lâu đời nhất ở Campuchia, gồm những con rối da được thắp sáng từ phía sau, thường bằng cách đốt vỏ dừa và chiếu lên màn hình trắng.
Chương 2 mang tên "Nụ cười người Khmer", mở đầu bằng hình ảnh cô giáo và các em nhỏ - thế hệ tương lai của đất nước. Tiếp đó, sân khấu lễ khai mạc xuất hiện nhiều khung cảnh khác nhau, biểu trưng cho một đất nước Campuchia thanh bình, tươi trẻ và đang phát triển. Kết thúc chương là màn giã gạo của hàng chục nghệ sĩ, giới thiệu loại nông sản đặc trưng của quốc gia này (Theo thống kê, Campuchia hiện là nước xuất khẩu gạo nhiều thứ tám trên thế giới).
Chương 3: "Tương lai của người Khmer" mở đầu với sự xuất hiện của hàng trăm nghệ sĩ trống. Giữa những tay trống, các nghệ sĩ múa biểu diễn nhiều điệu nhảy khác nhau như dancesport, biểu diễn võ thuật hay thể dục nghệ thuật. Màn nhảy mapping 3D với hiệu ứng laser gồm hàng trăm nghệ sĩ tham dự cho thấy một Campuchia hiện đại, hội nhập.
Sau ba màn trình diễn kéo dài khoảng 60 phút, ca khúc "Cambodian Pride" (Tạm dịch "Niềm tự hào Campuchia") - bài hát chính thức của SEA Games 32 vang lên với sự tham gia của 5 nghệ sĩ Campuchia cùng một dàn hợp xướng gồm hơn 2.000 người. Ca khúc này được phát hành vào ngày 10/4 vừa qua và hiện đã đạt hơn 60 triệu lượt xem trên YouTube. Đây cũng là bài hát chính thức SEA Games có lượt người xem lớn nhất trong lịch sử.
Lễ khai mạc SEA Games 32 nhận được nhiều lời khen trên mạng xã hội. Khán giả Đông Nam Á đều bày tỏ sự choáng ngợp, ngưỡng mộ trước sự chuẩn bị của chủ nhà Campuchia. Không ít bình luận đánh giá sự kiện này ngang ngửa với lễ khai mạc của các thế vận hội, á vận hội lớn trên thế giới. Tài khoản Ayneong Bada viết: "Đậm đà màu sắc văn hoá, đây là sự kiện văn hoá tầm cỡ châu lục"; khán giả Kypon Nutt chia sẻ: "Tôi bất ngờ trước cách mà Campuchia phô diễn nền văn hoá của họ".
SEA Games 32 diễn ra 5 thành phố ở Campuchia, từ 29/4 đến 16/5, với 584 nội dung thuộc 36 môn thi. Đại hội quy tụ khoảng 12.000 thành viên đến từ 11 đoàn tham dự, chưa kể các trọng tài.
No comments