Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tình yêu của vợ chồng tôi như kịch bản phim đầy kịch tính
Có rất nhiều người nói họ theo nghiệp điện ảnh là vì đam mê, còn chị thì sao?
- Không, đam mê chiếm một phần rất nhỏ trong công việc của tôi. Cái lớn hơn là trách nhiệm, luôn muốn làm tốt nhất việc mình đã nhận làm. Tôi nói thật luôn, chuyện này không lãng mạn như "Chuyện cổ tích cho tuổi 17" đâu. Tôi học khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn). Tốt nghiệp ra trường, dù nằm trong nhóm được làm luận văn, tức là học khá – giỏi, nhưng năm đó, sinh viên khoa Văn tốt nghiệp quá đông do có nhiều người trước đó đang học thì nhập ngũ, giờ quay về học lại thành ra tôi thất nghiệp. Đến khi nhận được thông tin Hãng phim truyện Việt Nam tuyển người thông qua hình thức đào tạo tại chỗ, ai trúng tuyển thì đi học 2 năm và được Hãng phim truyện Việt Nam trả lương, thế là tôi quyết định lao vào. Nhưng cũng chả hy vọng gì lắm đâu vì vào trường thi thì thấy toàn những người hoặc là có liên quan đến ngành, hoặc là đang đi làm ở Xí nghiệp phim truyện Việt Nam (trước có tên gọi thế), vài người ở bộ đội về, vài người là con em trong ngành... Tóm lại là ở vị trí của tôi chẳng hy vọng gì, chỉ nghĩ thi cho biết. Cuối cùng hóa ra tôi lại đỗ, thậm chí là thủ khoa.
"Chuyện cổ tích cho tuổi 17" là kịch bản đầu tay của chị và đã giành giải Biên kịch xuất sắc – LHP Việt Nam. Thời điểm đó, chị có bất ngờ với thành quả đó không?
- Hành trình để "Chuyện cổ tích cho tuổi 17" có thể lên phim không hề giống như cổ tích hoặc ít nhất là "dễ chịu" như lúc tôi đi học. Bởi suốt 2 năm, tôi luôn là sinh viên xuất sắc, được các thầy Bành Bảo và Bành Châu rất yêu quý. Bài tập của tôi luôn được chấm điểm cao. Các ông thầy khen chăm chỉ, hay viết cái nọ cái kia nhưng tính hiệu quả không cao. Tôi nhớ mãi lời thầy Bành Châu bảo cứ cái gì gần nhất với mình thì viết ra chứ cứ mãi bay lượn như thế này thì không bao giờ tới đích cả. Đến khi làm bài tốt nghiệp, tôi quyết định viết ra câu chuyện kỷ niệm của mình lấy tựa đề là "Chuyện cổ tích cho tuổi 17". Cuối năm 1974 có lệnh tổng động viên, các bạn nam học cùng lớp đi bộ đội hết, tôi tiễn hết bạn này đến bạn khác lên đường… Những cảm xúc rất chân thật được tôi tái hiện nguyên vẹn trong câu chuyện. Kịch bản đã được các thầy sửa, chấm điểm khá cao và được giới thiệu về Hãng phim truyện Việt Nam để sản xuất. Ấy vậy mà khi đem về Hãng, ông Lê Phương, là người đảm nhiệm công tác biên tập, cứ bắt sửa đi sửa lại. Ông ấy không yêu cầu viết theo định hướng nào cả nhưng hoạnh họe đủ điều. Nào là tại sao lúc đó thư từ đi về lại khó như thế. Xong hỏi đã từng nhìn thấy người chết chưa? Còn có một chuyện rất buồn cười. Lúc đó tôi đã 25, 26 tuổi và đã có chồng vậy mà ông ấy vẫn quát lên: Cô không biết yêu là gì à? Hóa ra ông ấy muốn chê mình mô tả chuyện tình yêu như đang ở trên trời. Vì tôi cứ nệ vào chuyện anh người yêu trong ký ức và mình chưa hề cầm tay nhau, không tưởng tượng được người ta yêu xa thì tình yêu nó như thế nào? Ông ấy càng nói tôi lại càng tự ái. Cứ thế, sửa chữa cho đến lần thứ 6, tôi nghĩ nếu lần này không được thì tôi ném văn bản vào mặt ông Phương rồi đi về, vứt luôn không thèm sửa nữa, coi như bỏ cơ quan cũng được. May sao, ông ấy buông một tiếng "Được", nhẹ hều.
Chị có hài lòng với câu chuyện trên phim qua bàn tay đạo diễn của NSƯT Xuân Sơn?
- Thú thực, khi xem phim, tôi thấy kịch bản của mình dường như đã đáp ứng đến 80%, nghĩa là đạo diễn khó đi ra khỏi nó, chất liệu có sẵn rất nhiều do được sắp xếp chặt chẽ. Sự chặt chẽ đó làm cho tôi hiểu ra bố cục là gì, chi tiết là gì, tình huống là gì? Dù những thứ đó đã được học trên lớp nhưng vẫn chỉ là lý thuyết, mà phải nhận biết thực sự thông qua thực hành. Có thể các thầy cưng quá nên trong lúc học các thầy không hoạnh họe như thế nên tôi thấy mình ổn. Kịch bản được 10 điểm mà sao phải sửa chữa đến 6 lần mới xong? Thật sự sau đấy khoảng 2 năm, tôi làm việc với biên tập khác vì sợ ông Lê Phương quá. Nhưng làm việc với biên tập khác thì cứ đi vòng vo tam quốc chả ra được cái gì, mơn trớn khen ngợi nhau hoặc đưa ra gợi ý ở bên ngoài nội dung, thế nên không giúp được gì. Bất đắc dĩ, tôi đành phải quay về hợp tác với ông Phương.
Dường như đó cũng là thời điểm chị thăng hoa với nghề biên kịch với những "Gánh hàng hoa", "Tráng sĩ Bồ Đề"… ?
- Khi quay trở lại làm việc với ông Lê Phương cũng là lúc tôi bắt đầu viết kịch bản cho các đơn vị khác và chập chững đi vào thị trường. Đến đầu thập niên 1990 thì đi hẳn vào thị trường, chủ yếu là viết kịch bản cho các hãng sản xuất phim ở phía Nam. Thật ra, viết cho thị trường còn khó hơn vì họ có những yêu cầu rất cụ thể, rõ ràng. Nhưng như thế mình được rèn lyện nhiều và sau đó viết để đáp ứng yêu cầu sản xuất của cơ quan không còn vất vả như trước. Lúc đó tôi dần trở thành người biên tập lại cho người khác và bắt đầu đi dạy học. Có thể nói, tất cả những cái mình tích lũy được trong quá trình mình viết dưới bàn tay rất khắc nghiệt dần dần tích tụ thành nền tảng, hệ thống kiến thức. Trong thực tế là mình đã được học liên tục trong quá trình làm việc.
Kịch bản sửa đến lần thứ 6 thì mới nhận xét Được. Vậy khi phim được giải, phản ứng của ông Lê Phương thế nào?
- Không quan tâm. Vì ông ấy là người không bao giờ quan tâm đến những thứ như giải thưởng, danh hiệu. Thậm chí khi cánh báo chí muốn gặp tôi hỏi han này nọ, ông ấy thỉnh thoảng đỏ mặt lên vì tức khi thấy tôi cứ bị kéo đi. Lúc đó chúng tôi bắt đầu yêu nhau. Sau này cũng thế, chứng kiến các phóng viên đề nghị phỏng vấn viết bài vì tôi tuy không có giải cá nhân nữa nhưng giải phim khá nhiều và cũng tham gia LHP, ông ấy cứ cười thủng thẳng: "Làm sao mà phải mừng đến thế!". Lúc đó không phải ông ấy ghen mà lo tôi nếu cứ sa đà vào mấy chuyện đó thì sẽ thành người háo danh. Ông Lê Phương rất sợ tôi thành người háo danh.
35 năm đồng hành trong cuộc sống và sáng tác, chị đã chịu ảnh hưởng gì từ ông Lê Phương - chồng chị?
- Ảnh hưởng của ông ấy đến tôi ngay từ lần đầu gặp gỡ cho đến sau này là… việc tới thì làm chứ không quan tâm đến giải thưởng. Vì thế nên ông ấy có giải bao giờ đâu. Cả đời làm việc của ông ấy không bao giờ có giải, và chuyện đó cũng không liên quan đến công việc của ông ấy. Ai quý thì quý theo kiểu bạn bè đàn em thân tình. Ông ấy có vài người bạn thân là ông Dương Tường mới mất, trước đó là ông Xuân Khánh. Thời còn viết văn học nhiều, ông ấy giao du với những người như nhà văn Xuân Thiều, Nguyễn Khải, Hồ Phương, Nguyễn Minh Châu… Họ là những người nổi tiếng nhưng ông ấy không bao giờ có ý tưởng là mình chơi trong nhóm đó thì phải ganh đua với họ, cũng phải nổi tiếng như họ. Quan điểm của ông ấy rất rõ ràng: Không viết là không viết, không thích là không viết, hết việc là thôi. Khi cuốn tiểu thuyết "Thung lũng Cô Tan" bị đánh tàn bạo đến mức Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó phải hỏi thư ký là ông Việt Phương xem cuốn sách đó như thế nào mà gây ồn ào thế. Ông Việt Phương vốn chơi với ông Lê Phương nên sang nhà lấy sách… 3 ngày sau Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo ông Việt Phương: Mời nó (Lê Phương - PV) sang. Nhà gần nhau mà, thế là kéo sang ăn cơm nói chuyện về cuốn sách, ông Đồng thích lắm, nhưng lúc đó cơ hội có giải lại qua mất rồi. Còn trước đó, người ta đánh ông ấy để không thể vào giải được.
Ông Lê Phương kể chuyện này lại với tôi là để nói rằng "Tiếng hay không có tiếng, giải hay không có giải nó vô nghĩa như thế nào". Ông ấy chỉ muốn nói về điều ấy để cho tôi đừng quá bon chen. Hoặc khi tôi gợi ý: "Anh tập hợp các tiểu thuyết của anh lại để xin Giải thưởng Nhà nước đi", thì ông ấy bảo sách vẫn ở đấy, họ hoàn toàn có thể đến nhà xuất bản, đến thư viện tìm kiểm để có thể trao giải cho mình hay không. Đó là việc của họ. Mình không đi xin". Không phải ông ấy kiêu ngạo mà bất cứ cái gì động đến chuyện phải đi vận động hay xin xỏ là phiền đến ông ấy. Ông ấy kể chuyện sự cố trong đời sáng tác để nói với tôi rằng những thứ đó nó vô nghĩa như thế nào chứ không nhằm khoe mặc dù rất ít người biết số phận cuốn sách này…
Và cũng rất ít người biết lý do vì sao ông Lê Phương lại ngừng viết tiểu thuyết. Chị có biết không?
- Năm 2004, tôi đi dự LHP Việt Nam ở Buôn Mê Thuột có gặp nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Ông ấy nói: Tao ghét ông Phương. Hỏi: Sao lại ghét. Trả lời: Ông ấy không viết tiểu thuyết nữa thì tao ghét. Ông ấy là cây bút rất ghê gớm tại sao lại không viết nữa.
Lúc đó tôi chợt nhận ra mình cũng không biết tại sao ông Lê Phương lại không viết tiểu thuyết nữa. Đến vừa rồi, khi tổng hợp tư liệu để chuẩn bị in tuyển tập các tác phẩm văn học của ông Lê Phương, tôi lọc lại những ghi chép của ông ấy liên quan đến từng cuốn sách mới biết khoảng năm 1977, ông ấy quyết định rẽ sang con đường khác là bởi ông ấy nhận thấy một sự nhàm chán trong tiểu thuyết và không tìm được cảm hứng. Sau này khi sống với tôi, ông ấy cũng hay ghi ra những gì định viết nhưng rồi lại bỏ. Tôi có hỏi sao không làm đi, cứ viết ra, thỏa mãn mình là chính. Ông ấy bảo: "Thỏa mãn mình mới khó, vì mỗi nội dung mà mình định làm đi theo nó phải có một thi pháp thích ứng. Anh không tìm thấy thi pháp thích hợp với nội dung mình muốn nói ra, còn để thỏa mãn việc ra sách cho mọi người biết đến mình rất dễ". Tôi hiểu rằng, có lẽ trước đây ông từng viết rất hứng khởi bởi niềm tin tuyệt đối vào sự phát triển của xã hội đương thời, nhưng rồi xã hội bắt đầu bộc lộ những điều khiến niềm tin ấy sứt mẻ, nên ông ấy mất hứng. Khi không còn cảm hứng thì sao lại đày đoạ mình chỉ vì cố chứng minh sự tồn tại vô nghĩa? Vì thế sau khi cuốn tiểu thuyết cuối cùng "Bông mai mùa lạnh" ra đời, từ 1978, ông ấy ngừng viết.
Ở thời điểm chị viết kịch bản phim cho thị trường như "Cạm bẫy tình", "Tráng sĩ Bồ đề", ông Lê Phương có góp ý cho chị không?
- Là ông ấy dẫn đường cho tôi đó chứ. Ông ấy hoạch định tất cả, nhưng người thực hiện là tôi. Chúng tôi cùng nhau làm việc trên nguyên tắc khi đã thành bạn viết thì cố gắng để không làm cho ai tự ái, nhưng tự mình phải thông qua thái độ đấy để biết mình làm việc có ổn hay không?
Trong quan hệ của 2 người thì chị chiều ông ấy hay ông ấy chiều chị?
- Tôi chiều ông ấy chứ. Nói là chiều cũng khó vì mình không có cảm giác bị điều khiển. Sống với nhau có nhiều cái hài hước. Ví dụ có đợt ông ấy bảo thôi bây giờ chẳng viết nữa, chán rồi thì thời gian dành để vẽ. Nhưng ông ấy vẽ mãi chẳng xong bức tranh bé tí bằng ¼ cái bàn. Hỏi vẽ cái gì đấy thì ông ấy bảo vẽ chữ huyền mà mãi không ra. Do không biểu đạt được bằng màu sắc, bằng nét nên ông ấy cứ bôi đi vẽ lại, loay hoay chán rồi bỏ, mất 1 năm. Tính ông ấy là vậy. Không phô mình ra, không cố để cho mọi người biết mình đang làm gì hay là mình đang tồn tại vì trong thực tế ông ấy không có cảm giác bị bỏ rơi bao giờ cả.
Ngoài ra, ông ấy còn là người rất trẻ trong tư duy và đời sống trải nghiệm. Ví dụ với một sự kiện, hiện tượng mà bọn trẻ tranh cãi ông ấy chỉ cần nói 1 câu là hoàn toàn chấm dứt được cuộc tranh cãi đó mà chúng nó tâm phục khẩu phục và chuyển đề tài. Nhiều lúc tôi tưởng ông ấy như con nít. Con gái tôi bảo chồng nó chẳng bao giờ thành người lớn được, tôi bảo đến bố mày còn chẳng thành người lớn được. Bố mày cũng như trẻ con, hớn hở đến lúc chết. Có lẽ là do ông ấy chẳng bao giờ để tâm đến những chuyện xa vời, chỉ có những bi kịch xã hội đập vào mắt mà ông ấy không chịu được thì sẽ xử lý thôi. Như hồi chúng tôi sống ở xóm Hưu bên bở kênh Bắc Hưng Hải (nay cận kề Ecopark), thấy việc giải phóng mặt bằng khiến nhân dân bức xúc quá, ông ấy cũng không chịu được phải bán nhà chuyển đi chỗ khác. Đời ông ấy là sự nạp vào liên tục, đọc sách không bao giờ ngừng ngay cả lúc không còn ngồi được nữa thì nằm đọc. Có thể đọc xong rồi quên nhưng cứ đọc thôi. Đã thành nếp quen ngày nào không mở quyển sách ra là thấy ngày đó vô nghĩa, chứ không phải đọc để giải quyết vấn đề gì đó.
Nhiều người không biết mới nhìn ông Lê Phương nghĩ ông ấy thuộc kiểu người "khó đăm đăm". Sống với nhau ngần ấy năm, chị thấy lúc nào là lúc ông Lê Phương trẻ trung dễ tính nhất?
- Là lúc đi chơi. Cứ hễ đi chơi là hớn hở, dù sau này yếu phải ngồi xe lăn. Ở trong nhà cũng thoáng nhưng ông ấy thích di chuyển, thích đi. Có lẽ ông ấy ra ngoài để thấy mình đang sống.
Thế còn lúc khó tính?
- Chính là lúc làm việc, ví dụ cùng đọc 1 cuốn sách, chẳng may tôi có hỏi 1 câu ngố quá ông ấy không trả lời mà nói: Đọc lại đi! Đó là khó tính. Và lúc viết. Làm việc cùng nhau, thường ông ấy nói ý tưởng sau đó tôi thực hiện, nhưng tôi rất sợ ông ấy nhìn bản thảo lúc mình đang viết. Nhiều khi ông ấy im lặng và khi ông ấy im lặng là lúc không bằng lòng.
35 năm dành cả thanh xuân đồng hành với người đó, có lúc nào chị cảm thấy hối tiếc không?
- Không, không có chút tiếc nuối nào. Ông ấy là người quá hiểu tính cách tôi, rằng thấy đúng thì nói đúng, sai thì nói sai, làm được thì nói là làm không làm được thì không làm, không có chuyện nịnh nọt, chiều cấp trên. Còn nhớ có lần ông ấy nhận được điện thoại của ông bạn nói: "Tao vừa mới họp hội thảo cùng con vợ mày, xong tao lại nhìn thấy nó trên tivi nữa. Tao không biết mày làm thế nào để điều trị nó, chứ nhìn nó kinh lắm." Nghe thế, ông ấy trả lời: "Không, bao nhiều phần ghê gớm nó mang ra đường hết rồi, tao chả việc gì phải điều trị, về nhà nó tự ngoan." Câu khen duy nhất của ông ấy dành cho tôi là như thế đấy.
Đến với điện ảnh chẳng phải vì đam mê, nhưng từ lúc còn làm việc ở Hãng phim cho đến lúc về hưu, chị dường là người rất nặng lòng với điện ảnh. Chị có tham gia dạy trong trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội không?
- Tôi đứng lớp với tư cách chủ nhiệm và giáo viên chuyên môn khoảng 20 năm. Rồi có quy chế mới từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, người chỉ có bằng cử nhân như tôi không được đứng lớp nữa. Nhưng đó chính là vấn đề của trường. Các giảng viên thỉnh giảng giàu kinh nghiệm sáng tác như chúng tôi không đứng lớp nữa trong khi các giảng viên trẻ có bằng cấp đủ theo quy chế lại chưa có trải nghiệm sáng tác. Nhiều giảng viên của trường là học sinh của tôi nên các bạn ấy muốn tôi hỗ trợ, bằng cách là họ đứng chủ nhiệm, tôi đi dạy. Nhưng qua một khóa tôi phải nói thẳng với các bạn ấy là cứ dạy hết học kỳ đi, cần thì tôi bổ sung cho 1, 2 buổi, những gì tôi có thể đáp ứng có thể giải đáp được thì tôi sẽ làm chứ đứng lớp dạy chui như thế này tôi không làm được vì như thế xúc phạm lẫn nhau.
Nhân thể, sau khi ông Lê Phương ốm, tôi có nói với các bạn là chỉ đồng ý nói chuyện trong những buổi lên lớp chuyên đề, ngoại khóa… vì tôi không phải là giáo viên của trường. Thật ra, phía nhà trường hiện cũng rất lúng túng vì trường này là trường truyền nghề. Các cụ nói trong nghiệp đào tạo nghệ thuật thì phải có "thầy già con hát trẻ". Nhưng việc để thầy già chỉ là cử nhân mà có thể đứng lớp được thì từ phía nhà trường phải có cuộc đấu tranh, giải trình đúng nghĩa để các bộ, ngành hiểu đặc thù của trường truyền nghề là bằng cấp không thể thay thế cho kinh nghiệm sáng tác được.
Xin cảm ơn chị!
No comments