Đọc sách cùng bạn: Dí dủm Trần Chiến
Ông này lạ. Quê gốc Nam Định họ Trần, con một nhà cách mạng nổi danh, sinh ở miền trung du thời kháng Pháp (nghe đâu cái tên khai sinh Trần Trường Chiến là do cụ thân sinh rút gọn từ câu khẩu hiệu "trường kỳ kháng chiến" hồi ấy mà ra), nhưng ông lại rặt người phố, sống cả đời ở phố. Phố Hà Nội. Học văn khoa ra làm báo mà được truyền máu sử của người bố nên ông cũng thích tỉ mẩn sục sạo phố phường, sục vào các xó xỉnh cả vật chất lẫn tinh thần của xứ kinh đô xưa, thủ đô nay. Ông nhìn từng ngôi nhà góc phố lục lọi quá khứ ẩn bên trong đằng sau nó. Ông trò chuyện với từng con đường, hàng cây, mái nhà nghe ra tiếng vọng của quá khứ lịch sử.
Ông giở từng trang sách Việt sách Pháp viết Thăng Long – Hà Nội tìm dấu vết xưa còn ghi lại. Từ đó có một Hà Nội trong văn của Trần Chiến – một Hà Nội riêng của Trần Chiến. Truyện phố ông viết là viết về những con người Kẻ Chợ bình thường nhưng mang khí chất Hà Nội, kể cả cái hay cái dở. Ông rất khó chịu với sự tràn lấn của dân ngoại tỉnh, nhất là từ vùng phên dậu, vào đất kinh kỳ làm nhoè nhoẹt phẩm giá của đất và người thủ đô. Có lẽ cái sự khó chịu ấy của ông có nguyên do từ cuộc biến thiên lịch sử hào hùng và xô bồ thời hiện đại. Bằng những trang viết của mình ông muốn viết một thứ lịch sử của phố bằng văn chương những mong cứu vớt và giữ lại chút gì của chốn ngàn năm văn vật. Hà Nội trong truyện Trần Chiến là nỗi hoài niệm cảnh cũ người xưa. Nhưng ông cũng đủ tỉnh táo để thấy và viết ra những nét tính cách của các thị dân thời nay, ngay ở chính nơi phồn hoa đô hội.
TỎ GIĂNG TỎ ĐÈN
Tác giả: Trần Chiến
Nhà xuất bản Trẻ, 2023
Số trang: 232 (khổ 13x20cm)
Số lượng: 1500
Giá bán: 105.000đ
Ấy vậy, ông lại có những truyện viết về nông thôn và người quê như thể ông là người sống lâu năm ở làng, là một trưởng thôn trưởng họ, chuyện trong nhà ngoài ngõ ti tỉ tì tì cái gì cũng biết. Trong những truyện đó ông chủ yếu đi sâu bóc tách các mối quan hệ ràng rịt ở thôn quê, nhất là quan hệ họ hàng. Kiểu một ông lão mà hễ xảy việc gì ở làng trên xóm dưới cũng có thể nói cho người trong cuộc biết anh là con nhà ai cháu ông bà nào quan hệ với người này người kia ra sao, chi trên chi dưới thế này thế nọ, khéo không cái tay gây chuyện ấy còn có họ xa với anh đấy, phải gọi anh bằng bác đấy. Thì cũng là từ thực tế ở nhà mình làng mình thôi, mỗi khi nhà văn về quê, sống trong không khí họ mạc.
Thời nay đừng tưởng cái chuyện thân tộc đã nhẹ đi, ngược lại, nó vẫn lằng nhằng dai dẳng, có khi còn phức tạp nặng nề hơn trong một xã hội hiện đại coi nặng quan hệ, địa vị cá nhân gắn với dòng tộc. Truyện nông thôn của Trần Chiến vừa bám sâu mạch xưa vừa cập nhật đời nay nên ở cuộc thi "Làng Việt thời hội nhập" (2019 - 2021) của báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt tổ chức ông đã giành giải nhất với truyện Con chú con bác. Một khía cạnh khác ở mảng truyện nông thôn là mối quan hệ phố - làng cũng được ông quan tâm thể hiện khi người phố vẫn bị ràng buộc dây mơ rễ má với làng, còn người làng lên phố làm ăn vẫn thấy phố xa cách với mình. Đọc truyện Trần Chiến ở mảng này tôi lắm khi bất giác thốt ra lời của nhà phê bình văn học Hoài Thanh "Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê". Tác giả "Thi nhân Việt Nam" viết câu đó khi bình về thơ Nguyễn Bính với những quang cảnh hội hè đình đám yêu đương ở làng quê xưa. Còn tôi nhớ lại câu đó vì qua truyện Trần Chiến tôi thấy ra căn cốt con người Việt Nam hiện đại vẫn còn nặng chất nông dân.
Các truyện trong tập sách này có cả hai mảng viết phố thị - làng quê của Trần Chiến. Nhưng tôi muốn nói đến cách viết của ông. Một lối văn kể truyện dí dủm. Ở đời ông không nói nhiều, không nói to, cứ rủ rỉ rù rì, tháng năm một câu tháng mười một câu, đang nói chợt im, lâu lâu lại tiếp chuyện. Vậy mà người nghe phải lắng nghe và chợt ồ à. Đó là do cái sự dí dủm nói chuyện của ông. Ông đưa cái giọng dí dủm đó vào truyện. Một giọng điệu ngay từ đầu kéo người đọc nhập cuộc với nhân vật, như đang cùng nhân vật trò chuyện, bỡn cợt, tranh cãi. Nhẩn nha, rề rà, kề cà, câu văn cứ quấn túm chằng chịt vào nhau lời kể lời thoại. Mà ngay cả đối thoại của các nhân vật trong truyện cũng là nằm trong một mạch thoại của tác giả diễn tiếp, nối dài. Mạch thoại theo giọng điệu dí dủm của tác giả khiến câu truyện được kể có ý vị trào lộng.
Phải, truyện Trần Chiến luôn phảng phất một cái cười tủm của tác giả - của một người như đã biết tỏng mọi sự đời, đã thấy ra những sự long trọng nghiêm trang ở đời cũng chỉ là vầy vậy thôi. Tôi những muốn mượn tên một vở kịch của Shakespeare để nói cái ý trong truyện của Trần Chiến – "Much Ado About Nothing" ("Chuyện có gì đâu mà rộn"). Nhưng có lẽ thế, hay chính thế, truyện ông lại khiến người đọc đọc xong phải ngồi ngẩn ra ngẫm cái sự đời, nhận ra những cái lăng xăng bận rộn, nhiễu nhương rắc rối của người ta ở đời nhiều khi chả để làm gì, thấy ra cứ sống tự nhiên bình thường đừng to ve tỏ vẻ, đừng làm khổ nhau vì cái này cái nọ lại là cách sống tốt nhất. Trần Chiến dí dủm với sự ngày xưa đã đành. Ông còn dí dủm được cả với sự ngày nay, khi nhân vật trong truyện là những người trẻ của bây giờ ở thời đại @. Đọc ông vì thế có được sự dí dủm văn chương thú vị.
Trần Chiến là người thích đi. Đi một mình. Quá lắm và thi thoảng lắm có thêm một, hai người bạn có thể nói chuyện được. Ông đi không phải theo lối du lịch phớt qua mà đi với con mắt nhà sử và cái hồn nhà văn. Nơi ông thường thích đến là các vùng miền núi phía Bắc. Một mình lụi cụi khoác ba lô bắt xe khách đi, một mình lặn lội lên rẻo cao, tìm đến một bản làng nào đó tá túc, một mình tha thẩn đây đó bằng chân hay bằng xe máy thuê, một mình gặp gỡ cư dân bản địa trò chuyện, hỏi han, một mình tận hưởng niềm vui của người khám phá khi biết thêm được một kiến thức, phát hiện thêm được một địa chỉ, gợi mở thêm được một chuyện mới. Mà cái cách hỏi chuyện người dân của Trần Chiến cũng rõ là dí dủm. Không phải là kiểu hỏi của khách du chỉ hỏi cho có. Không phải là kiểu hỏi của cánh nhà báo cứ chăm chăm moi thông tin. Không phải là kiểu hỏi của người miền xuôi với người miền ngược tỏ vẻ ta đây văn minh. Không phải kiểu hỏi của người Tây nhìn người Nam theo tâm lý "exotic" (chuộng lạ). Mà là kiểu hỏi của Trần Chiến: cứ nhẩn nha, rề rà, hỏi mà như không hỏi, chỉ như là đưa đẩy câu chuyện, rồi trong mạch chuyện đang ăn nhập với chủ nhà vì khách nói đâu biết đó thì chợt buông ra một câu hỏi cốt để biết rõ hơn cái đã biết chứ không phải để biết cái chưa biết, và khi rõ hơn rồi thì câu chuyện lại tiếp tục chủ nói khách nghe. Khi về lại phố, thảng hoặc trong lúc nào đó trà dư tửu hậu ông thủng thẳng nói à mình mới đi một chuyến lên kia, à mình mới biết được cái này lạ lắm, à thì ra cái điều mình nghe trước nay nó không phải thế mà là thế này…
Cứ vậy Trần Chiến bồi dày thêm vốn sống vốn sử vốn văn của mình. Nhà sử thì tìm kiếm sự kiện, liên kết, ráp nối mạch cũ mới, xưa nay. Nhà văn thì săn tình tiết, dựng cốt truyện, tạo nhân vật, sắp sẵn một tác phẩm mới. Có thể chưa phải là ngay lúc ấy, tại chỗ, mà mãi về sau. Nhưng đấy là cách riêng Trần Chiến tìm hiểu cuộc sống, hay "thâm nhập cuộc sống" như cách nói một thời, ở tư cách một nhà văn. Ông biết quan sát ở những chi tiết nhỏ nhất, thoáng qua, trong diễn biến thay đổi của con người. Cho nên người đọc thấy ở truyện của ông những cảnh đời sinh động rất thực, ngỡ như nhà văn chỉ việc lấy ra từ đời sống. Hay nói cách khác, Trần Chiến nhìn vào đâu cũng thấy có chuyện và thấy ra truyện. Đó là một phẩm chất quý của nhà văn nơi ông.
Trần Chiến lặng lẽ viết. Ông ít đàn đúm hội hè, càng ít đăng đàn lớn tiếng. Sách ông ra, truyện ngắn, tiểu thuyết, tạp văn, tính đã đến hàng chục. Được mời vào hội nhà văn cả nước nhưng ông lắc. Sự dí dủm của ông trong cuộc sống ai gần mới biết. Vào văn sự dí dủm ấy được ngấm thấm hơn nhưng người đọc tinh mới thấy. Với ông có thể nói đó đã là một sự lựa chọn sống và viết. Trần Chiến dí dủm.
Đọc tập truyện này, cũng như các tập khác của ông, bạn sẽ gặp được một Trần Chiến nhà văn như vậy, và khác vậy nữa.
Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.
Hà Nội, 5/2023
No comments