“Thống đốc ngân hàng” Nguyễn Đình Toán nhận giải thưởng Đào Tấn và những chuyện xửa xưa chưa kể - BLOG TÂM SỰ

Breaking News

“Thống đốc ngân hàng” Nguyễn Đình Toán nhận giải thưởng Đào Tấn và những chuyện xửa xưa chưa kể

Tối qua (29/5) vào đọc Facebook của nhà Lý luận, phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, mới biết "Thống đốc" vừa mới được trao tặng Giải thưởng mang tên danh nhân văn hóa Đào Tấn do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc trao, vui thật là vui!

Nhưng lại hơi ấm ức là lạ, mình với ông bác "không có tuần chay nào là không có nước mắt" cùng nhau, vậy mà sao sự kiện hay thế này của ông mà ông không gọi mình. Bấm điện thoại gọi thì "ò í e" thuê bao không liên lạc được. Sáng nay tinh mơ chưa tới 7h đã thấy ông bác gọi lại, trình bày là tối qua có uống tý nên ngủ lăn quay. Mình bảo sao không gọi em ra chia vui, ông anh cười, bảo: "Người ta báo tớ đến nhận thì tớ đến nhận thôi, cũng chả báo tin cho ai, mà tớ biết cậu cũng không ưa những cuộc hình thức trao nên có nhớ mà chả gọi rủ (cười). Thôi để chiều tối nay anh em ta ngồi nhé!".

Mừng “Thống đốc Ngân hàng” nhận giải thưởng Đào Tấn - Ảnh 1.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán nhận giải thưởng Đào Tấn 2023 với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhạc sĩ Văn Cao và các bộ ảnh chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam.

Nói đến Facebook Phạm Xuân Nguyên mà mình vừa đọc để biết tin vui, lại nhớ một lần mình cùng bác Toán và Nguyên xuống Đồ Sơn dự một trại hè thiếu nhi tổ chức ở đó, vào mùa hè năm 2016, trên đường quay về Hà Nội, đến địa phận Hải Dương thì xe Nguyên hết sạch xăng. Bữa đó trời nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời là 45 độ C. Mình loay hoay gọi cho chú em ở TP. Hải Dương để điều xăng ra cứu hộ, thì nó lại đang đi Sài Gòn. Nguyên cũng gọi ai đó nhưng không ra vấn đề. Trong lúc 2 thằng em mải gọi điện thoại, thì ông anh Toán đã xắn quần móng lợn, trèo qua cái hàng rào bảo hộ đường cao tốc cao quá đầu người, chạy vào cái làng phía xa xa cách đường một cánh đồng để tìm mua xăng. 

Khoảng gần nửa tiếng sau, anh được 1 người đàn ông trung niên chở xe máy quay lại kèm một can xăng 10 lít, mồ hôi mồ kê đầm đìa, mặt đỏ như gấc vì đi giữa nắng không mũ không ô dù. Lên xe chạy tiếp về Hà Nội, anh vừa lau mồ hôi đang chảy dòng dòng ướt đẫm cả cái áo sơ mi, nhưng vẫn hào hứng khoe: Tớ đã xin được tên và địa chỉ của anh chở tớ ra lúc nãy rồi. Anh ấy tốt quá! Chở tớ đi mua can, xong chở đến cửa hàng bán xăng, mà lúc ra về cương quyết không lấy tiền công. Tớ xin tên và địa chỉ để nhất định sẽ có lần quay lại đó thăm chơi anh ấy. 

"Mà chỗ làng anh ấy tớ vừa vào chính là làng Mộ Trạch, Bình Giang, đất tổ họ Vũ nhà cậu đấy…". Mình vâng, thế đúng rồi bác, quê họ Vũ nhà em tinh những người tốt thế ạ.

Bác Toán là thế. Luôn nhiệt tình, hết lòng vì bè bạn anh em, luôn nhận việc khó về mình, luôn trọng nghĩa khinh tài như một trang hảo hán, nhưng lại giản dị chân tình, mộc mạc như một lão nông mọi thời. Mãi gần đây bác Toán mới sửa lại được ngôi nhà bé nhỏ của mình trong một căn ngõ trên phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội. Xưa nhà bác nghèo lắm, nghèo đến mức có những đêm đang ngủ ngon giấc mà thấy có mưa là vội choàng dậy. Người ta mong mưa đêm để cho mát giấc ngủ, cho lãng mạn nghe "ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi", thì lòng bác Toán lại thắt lại vì lo mưa nhà dột, lo dậy để căng bạt, căng ni lông che hàng trăm thùng phim nhựa, lo nước mưa dột làm ướt hỏng mất cái "ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ" có một không ai của bác. 

Nhân đây cũng muốn nhắc tới một sáng kiến của "gã râu bạc" Phạm Xuân Nguyên. Nhà Lý luận, phê bình văn học này đã có lần nói với Hội Nhà văn Việt Nam, nơi có Bảo tàng Văn học là nên mua lại tư liệu ảnh các nhà văn (nhất là những ảnh chụp bằng máy phim trước đây) mà bác Toán đã chụp qua nhiều thời kỳ, ở nhiều thời điểm, rồi tìm cách xử lý lưu giữ để truyền lại về sau. Không biết Hội Nhà văn của chú Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - PV) có quan tâm tới sáng kiến này của Nguyên không nữa?

Xưa vất vả nghèo túng lắm, nhưng bao lần bảo bác sửa nhà đi, bọn em góp vào giúp bác, vẫn cương quyết không chịu. Mà đi chụp quanh năm suốt tháng, chụp cho đủ kỳ cuộc sự kiện văn hóa, cho đủ mọi nhân vật, nhưng mấy chục năm ở bên bác và đi cùng bác, chưa bao giờ thấy Nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán lấy tiền công chụp ảnh của ai, dù là chỉ một đồng bạc lẻ. Nhà mình dột nát thì không lo sửa, nhưng thấy nhà bác Lộc Vàng ca sĩ dưới bãi Tứ Liên đang sửa thì hầu như ngày nào bác Toán cũng xăng xái xuống trợ giúp ông bạn già việc công trường. Bác Toán và bác Lộc vàng là bạn nối khố, cùng học với nhau từ hồi tiểu học ở Hà Nội. Và trừ 8 năm bác Lộc đi tù vì hát nhạc vàng, và hơn 10 năm bác Toán đi bộ đội pháo binh bắn tàu bay Mỹ, còn hầu như 2 người nghệ sĩ của đất Hà thành này lúc nào cũng có nhau, lúc nào cũng bên nhau. Khi bác Lộc không thuê được chỗ hát, bác Toán đi đến đâu cũng ngó nghiêng, hỏi mình xem chỗ này để Lộc nó thuê để hát có được không nhỉ. 

Có đêm Giao thừa ngồi đàn hát ở nhà người em gái của bác Toán chỗ phố Ngọc Hà, còn 20 phút nữa là sang năm mới, mình giục loạn 2 ông anh về nhanh không lại thành ra xông đất nhà người ta. Ra đường, trước khi chia tay nhau, còn thấy bác Toán dúi vào túi bác Lộc cây giò lụa và chai nước mắm Phú Quốc để về ăn Tết. "Nó ăn Tết có một mình, tớ sẻ cho nó chút lộc cho vui, có chú em nó vừa biếu anh lúc chiều, nhà tớ có bà xã lo đủ rồi", bác Toán nói khi thấy tôi tỏ ra sốt ruột vì 2 ông anh già cứ sẻ sẻ chia chia mà Giao thừa đến cửa rồi. Nỗi lo thường trực trong lòng người nghệ sĩ nghèo ấy lại không phải là cơm áo gạo tiền, mà chỉ lo làm đẹp những khuôn hình, lo chộp được những khoảnh khắc xuất thần, lo cho làm đẹp nhất chân dung của người khác, lo cho công việc và sức khỏe của anh em bè bạn. 

Nói đến cái sự tốt bụng của bác Toán, lại nhớ câu có lần nhà văn Lê Lựu nói với bọn mình về dân Mỹ, sau khi đi Mỹ lần đầu về, đến nói chuyện tại một cơ quan báo chí của Bộ Ngoại Giao khi đó : "Họ tốt đến mức mà tôi cứ cảm giác là họ sợ nếu không ăn ở đối xử tốt như thế thì sẽ bị cảnh sát bắt giam ngay". Cái giọng kể và bình luận ấy của "anh Sài", tuy hài hài, nhưng vận vào bác Toán trúng phóc, không sai một li!

Ngày 1/11/2018, ở tuổi 71, bác Toán lần đầu tiên trong đời xuất ngoại. Bác đi Ba Tư, theo lời mời của một đoàn nhân sĩ trí thức Việt Nam sang đó khánh thành bia tri ân giáo sỹ Alexandre de Rhodes - cha đẻ của chữ Quốc ngữ ta đang dùng bây giờ. Biết ông bác ngần nấy tuổi mới đi nước ngoài lần đầu, tôi giục chú em họa sĩ Lê Quảng Hà lái xe đến nhà đón bác và bắt ông bác lên sân bay sớm những 3 tiếng, trong đó có 2 tiếng quy định của hàng không Việt Nam. 

Hà hỏi: Sao cụ bắt bác đi sớm quá thế? Tôi bảo, 71 tuổi mới lần đầu xuất ngoại, hồi hộp lắm, nên phải đưa bác lên sân bay sớm cho bác "hội nhập" dần, bớt xúc động hại tim. Hà nói như mếu: Đúng là mấy ông anh hâm nặng. Không biết "hâm" hay không, nhưng bác Toán quả thực không giống ai trong số các nhiếp ảnh gia mà tôi được quen biết. Có lần 2 anh em xuống Tuần Châu chơi, sau bữa rượu do "Chúa đảo" Tuyển mời, anh Tuyển đặt vấn đề thuê bác Toán chụp cho bộ ảnh quảng cáo Khu nghỉ dưỡng và bến tàu Tuần Châu. 

"Nhuận ảnh là vô tư với anh, miễn là ra bộ ảnh đẹp". Tôi đang sướng run suýt sặc cả "Ông già chống gậy" vì món lộc hời rơi vào tay ông anh, thì bác đã trả lời: "Tôi cảm ơn anh Tuyển. Tôi xin không nhận hợp đồng này, vì tôi chỉ chuyên chụp người chứ không bao giờ chụp phong cảnh, sợ bộ ảnh tôi chụp sẽ không làm vừa lòng các anh, và khi khách du lịch họ xem ảnh thấy không đẹp, tôi cũng lấy làm xấu hổ". Ông bác khiêm tốn đến thế là cùng! Nhưng cũng có lúc lại rất chi là oách, cương thường chứ chả khiêm tốn tẹo nào. 

Trong một sự kiện nghệ thuật diễn ra ở Nhà hát Lớn hơn chục năm trước, có sự hiện diện của một vị Trung tướng An ninh, lúc đó đương là Tổng Cục phó một Tổng cục của Bộ Công an. Ông tướng đến sớm, gặp bác Toán ở sảnh Nhà hát. Là chỗ cũng quen biết nhau từ trước qua công việc, lại là đàn em của bác, ông tướng xuề xòa kéo tay bác Toán: "Ông vào đây chụp cho tôi mấy kiểu đi!". Tôi giật mình thấy bác Toán co tay lại và nói tỉnh bơ: "Hôm nay tôi đến xem biểu diễn chứ không chụp ảnh", trong khi vai ông bác đang khoác cả cái túi máy ảnh to đùng. Lúc sau tôi hỏi: "Sao anh không chụp cho nó dăm phô, nó cũng là bạn em mà". Lại cười hiền khô, ông bác nói nhỏ: "Tớ không thích tính hay "nổ" của nó, mà sao nó cứ nghĩ ai cũng như lính của nó thế, hứng lên là sai người ta làm ngay. Tớ không bao giờ chụp những người tớ không thấy quý mến, yêu thích trong lòng cả…" 

Gần đây, thông qua một đại lý ở Hà Nội, hãng Nikon có gửi tặng bác Toán một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, bày tỏ lòng trân trọng với một nhà nhiếp ảnh tận tuỵ và tài ba trong lĩnh vực chụp chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam. Đây là chiếc máy ảnh tân kỳ và hiện đại duy nhất mà bác Toán có trong cuộc đời hơn 40 năm làm "phó nháy" của mình. Lại nhớ khi xưa, mỗi lần đi chụp ảnh sự kiện nào đó, thấy các phóng viên, các nhiếp ảnh gia ôm trong tay những chiếc máy ảnh "xịn" và đắt tiền, bác cứ đứng xa ngắm những chiếc máy ảnh đó và tấm tắc khen thích quá, sướng quá, có cái máy đó chụp mới đã đời.

Bác Toán tấm tắc khen, thậm chí si mê những chiếc máy ảnh tân kỳ đó. Còn người đời, anh em bè bạn, nhất là giới văn nghệ sĩ nước nhà, lại luôn trầm trồ, luôn yêu thích những bức chân dung bác chụp cho họ và cho mọi người. "Chân dung thật là chân dung đẹp" - bác Toán luôn nói với tôi về quan niệm chụp chân dung của bác là vậy. Chụp thật, sống chân thực. Tài hoa nhưng ảnh chụp không bao giờ mỹ miều. Hiểu tất cả sự đời, biết vô vàn chuyện đời, nhưng luôn im ắng kiệm lời. Chỉ hào phóng cho đời, cho người mỗi nụ cười, một nụ cười gần gũi đến thân thương, nụ cười của một nghệ sĩ nhiếp ảnh mà luôn sợ nhất bị giới thiệu là Nhiếp ảnh gia. Đôi mắt của bác Toán là TÀI, nụ cười của bác Toán là TÌNH. Nguyễn Đình Toán - một người tài cao và tình sâu, một ông anh yêu quý của tôi!

No comments