Hé lộ về 5 diễn viên quan trọng trong phim "Hồng Hà nữ sĩ"
Bộ phim "Hồng Hà nữ sĩ" kể câu chuyện cuộc đời của văn sĩ Đoàn Thị Điểm. So với những nữ văn sĩ tài hoa, nổi tiếng sinh cùng thời như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan và Sương Nguyệt Anh thì Đoàn Thị Điểm được đánh giá là nổi bật về sắc đẹp lẫn tài năng. Bà chính là tác giả bản dịch chữ Nôm "Chinh Phụ Ngâm".
Không chỉ giỏi văn chương thơ phú, Đoàn Thị Điểm còn là người con hiếu thuận, thạo việc nữ công gia chánh, sẵn sàng hy sinh cuộc sống cá nhân để chăm lo cho gia đình sau khi cha mất. 30 tuổi, bà mới thành thân với Tiến sĩ Nguyễn Kiều và một mình chăm sóc con trong thời gian ông đi sứ tại Trung Quốc. Sau này, Tiến sĩ Nguyễn Kiều được phân vào Nghệ An, Đoàn Thị Điểm đã đi theo chồng. Trên đường đi, bà mắc bệnh và qua đời ở tuổi 43.
Tuyến nhân vật chính của Hồng Hà nữ sĩ gồm 5 nhân vật là: Đoàn Thị Điểm (Anh Đào đóng), Đặng Trần Côn (Nguyễn Quốc Toàn), Nguyễn Kiều (Vĩnh Xương) và vợ chồng quan thượng thư Lê Anh Tuấn (NSND Trung Anh và Lê Khanh).
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ với Dân Việt rằng, để tìm được diễn viên đóng vai chính Đoàn Thị Điểm, đoàn phim đã tổ chức thử vai ở cả hai miền Nam – Bắc và tìm được vài gương mặt triển vọng nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng. Đến ngày phim bấm máy, những cảnh quay đầu tiên đạo diễn và ê-kíp vẫn chưa "chốt" được Đoàn Thị Điểm.
May mắn đến phút chót đã tìm được diễn viên Anh Đào do NSND Trung Anh giới thiệu. Nhà sản xuất nhận xét Anh Đào là diễn viên có tư chất: "Khi đọc xong kịch bản, cô ấy đã hoàn toàn nhập tâm vào nhân vật tới mức, nhìn thấy tác giả lập tức chạy ra ôm chầm lấy tôi, nước mắt lưng tròng nói những lời rất cảm động "Cháu cảm ơn cô đã viết ra một kịch bản rất tốt. Cháu rất xúc động về nhân vật này".
Sau đó, trong quá trình làm việc với đoàn phim Anh Đào thể hiện tinh thần rất có trách nhiệm với vai diễn. Cũng giống như Anh Đào, diễn viên Nguyễn Quốc Toàn lần đầu đóng phim điện ảnh. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ, lần đầu đứng trước máy quay mà lại là vai "nặng ký" nên Nguyễn Quốc Toàn đã rất cố gắng và bà hoàn toàn hài lòng với sự lựa chọn của đoàn làm phim khi giao vai Đặng Trần Côn cho anh.
Với ba diễn viên có bề dày kinh nghiệm là NSND Trung Anh, NSND Lê Khanh và Vĩnh Xương, nhà sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát dành cho họ những lời tâm đắc. Bà nhận định: "Vĩnh Xương đóng rất hay và chịu khó nghiên cứu từng chi tiết nhỏ. Lê Khanh và Trung Anh thì quá đẳng cấp rồi. Hai diễn viên này đóng rất ăn ý và hợp vai.
Tôi rất hài lòng và cảm thấy may mắn là trong phim có 5 nhân vật đóng vai trò chính thì cả 5 diễn viên đều đóng rất tốt. Các diễn viên đảm nhận vai phụ cũng thú vị, ví dụ nhân vật Huyện Côi điểm xuyết theo kiểu hài hước, các cô bạn gái ở quê của Đoàn Thị Điểm cũng thế". Được biết, tất cả những nhân vật do tác giả đặt tên là hư cấu còn các nhân vật lịch sử thì được dựng theo tư liệu lịch sử.
Trong "Hồng Hà nữ sĩ", vợ chồng quan thượng thư Lê Anh Tuấn là bạn của ông ngoại Đoàn Thị Điểm. Nhận thấy Đoàn Thị Điểm xinh đẹp, thông minh có tư chất nên vợ chồng quan thượng thư nhận làm con nuôi cho lên kinh thành ăn học. Hai người không phải là nhân vật chính nhưng có vai trò quan trọng trong phim vì có tác động lớn đến cuộc đời của Đoàn Thị Điểm.
Nhờ có sự dưỡng dục của họ, Đoàn Thị Điểm mới có điều kiện học hành, có cơ hội tiếp xúc với những văn nhân và với văn hóa Thăng Long. Nếu không thì có lẽ Đoàn Thị Điểm vẫn sống ở quê nhà Hưng Yên và chỉ là cô gái nông thôn tần tảo với nghề nông cả đời cùng lắm làm nghề gia truyền bốc thuốc và không thể thành một nhà thơ lớn được.
Nhà sản xuất phim Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng là tác giả kịch bản của "Hồng Hà nữ sĩ" tiết lộ thêm: "Bộ phim không chỉ nói về cuộc đời thăng trầm của Đoàn Thị Điểm – một con người hiếu thảo với bố mẹ đẻ cũng như bố mẹ nuôi và là người hy sinh bản thân mình rất nhiều để chăm lo cho người thân mà còn là người giỏi về văn chương nghệ thuật, biết quan tâm đến chuyện thế sự. Một người phụ nữ thông minh sống ở giữa vùng văn hóa lớn như thế, bà dứt khoát phải bật lên được tài năng của mình.
Bà còn có tình bạn tri kỷ về văn chương với Đặng Trần Côn, kém bà 5 tuổi. Họ ngưỡng mộ văn chương của nhau. Bản thân Đoàn Thị Điểm thích tác phẩm "Chinh Phụ Ngâm" mà Đặng Trần Côn viết bằng chữ Hán nên trong lúc chờ chồng đi sứ bà đã dịch sang chữ Nôm. Đây cũng là tác phẩm để đời của Đoàn Thị Điểm. Tên tuổi của người viết bản dịch và bản chính cứ thế song hành với nhau. "Hồng Hà nữ sĩ" ca ngợi tình nghĩa vợ chồng trọn vẹn và tình bạn văn chương tử tế, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp, hứa hẹn sẽ thu hút khán giả trong tương lai.
No comments