Chuyện linh thiêng rất lạ kỳ trong chương trình “Bản hùng ca bất diệt” diễn ra tại Côn Đảo – Điện Biên
Tối qua (19/7), chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt" kết nối trực tiếp hai điểm cầu là Nghĩa trang Liệt sĩ A1 – thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên với Nghĩa trang Hà Dương – Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, linh thiêng và xúc động. Đây là chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND tỉnh Điện Biên tổ chức nhằm kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023).
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu từ điểm cầu Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang Liệt sỹ A1- những địa danh lịch sử, biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần chiến thắng của dân tộc.
"Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc đã viết nên bản anh hùng ca bất hủ về lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, với khát vọng tự do, hòa bình và hạnh phúc", Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng chia sẻ, mỗi người Việt Nam hôm nay khắc ghi trong tim rằng, mỗi phút giây đang sống trong bình yên, hạnh phúc đã được đổi bằng sự hy sinh, xương máu của các thế hệ cha ông. Chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, để thân thể thành đất đai Tổ quốc; hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.
Đến nay, vẫn còn gần 200 nghìn liệt sĩ nằm lại đâu đó, lặng lẽ trên chiến trường xưa, để lại niềm tiếc thương và sự mong chờ được đón các anh, chị trở về của người thân, gia đình; vẫn còn đó gần 300 nghìn ngôi mộ liệt sĩ thiếu những dòng ghi tên tuổi, quê hương; hàng triệu thương binh, bệnh binh đã mất đi một phần máu thịt, sức khỏe và tuổi thanh xuân.
Và ngay trong thời khắc không còn tiếng súng, vẫn còn bao liệt sĩ đã hy sinh thầm lặng nơi biên cương, đảo xa hay trên những nhà giàn, bãi đá giữa trùng khơi... để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Trong thời khắc linh thiêng này, trên đỉnh đồi A1 nơi diễn ra "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơ vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn" để có "9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng".
Tại Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước, trong đó có những nhà lãnh đạo, nhiều đảng viên kiên trung, chí sĩ cách mạng như cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Anh hùng Lưu Chí Hiếu, nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh... đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung bất tử, một thời kỳ đấu tranh hào hùng trong lịch sử dân tộc.
"Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn, hàng vạn "địa chỉ đỏ" biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, hi sinh của các thế hệ cha anh. Từ đỉnh Đồi A1 đến "Côn Đảo - Bàn thờ thiêng của Tổ quốc", chúng ta hãy cùng thắp lên những ngọn nến, nén nhang để tưởng nhớ, tri ân hàng triệu anh hùng, liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hi sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
Lịch sử và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông cùng với những "Thiên anh hùng ca bất diệt" để giành lại được hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc ta, non sông ta, đất nước ta…", Phó Thủ tướng phát biểu.
Cũng theo Phó Thủ tướng, dù chiến tranh đã lùi xa, những vùng đất một thời mưa bom, bão đạn đã thay da đổi thịt với màu xanh, những xóm làng trù phú, bình yên. Côn Đảo không còn là "địa ngục trần gian" và trên mảnh đất Điện Biên hôm nay "Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng" nhưng vẫn còn những nỗi đau khắc khoải của những người mẹ, người cha, người vợ, người con, những vết thương mỗi khi trở gió lại đau nhức nhối trên thân thể người chiến sĩ năm xưa, những di chứng do chất độc da cam ảnh hưởng đến nhiều thế hệ...
Phát huy đạo lý truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", 76 năm qua, nhiều phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nguồn lực to lớn đã được huy động nhằm thực hiện nhiều chương trình như: nhà tình nghĩa; quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh, bệnh binh, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng để xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh.
"Để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh chúng ta sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa để tri ân những người có công với Tổ quốc; tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Lịch sử hào hùng cùng khát vọng phát triển, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó cũng chính sự đền đáp, tri ân có ý nghĩa cao cả, tốt đẹp nhất đối với các anh hùng, liệt sĩ.
Với thời lượng 90 phút, chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bản hùng ca bất diệt" đã mang lại nhiều cảm xúc linh thiêng, xúc động đối với khán giả xem trực tiếp lẫn xem qua truyền hình. Chương trình bắt đầu bằng gồm phần lễ với tiếng chuông tưởng niệm, thắp nến tri ân; Phần nghệ thuật gồm ba chương: "Tiếng gọi non sông"; "Những cánh hoa bất tử"; "Khúc tráng ca hòa bình".
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Tạ Minh Tâm, NSƯT Hoài Bắc, NSƯT Phạm Phương Thảo, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn, Tùng Dương, Phạm Thu Hà, Trọng Tấn, Võ Hạ Trâm, Trương Quý Hải, Vương Long, Hữu Hiệp; các nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Dàn nhạc Dây sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc Thiếu nhi Nhạc viện Hà Nội, Nhóm Thăng Long, Vũ đoàn Lavender cùng tập thể cựu chiến binh.
Những chuyện "linh thiêng" trong chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca bất diệt"
MC Hồng Nhung kể, buổi chiều trước khi chương trình diễn ra, trời mưa rất to, gió thổi rất lớn. Ê-kíp hết sức lo lắng, sợ chương trình sẽ không thể diễn ra được như ý muốn. Ngay cả khi chương trình đã mở màn, mưa vẫn còn nặng hạt. Vậy nhưng khi câu hát "Mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền đất đỏ…" của bài "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" do ca sĩ Phạm Thu Hà cất lên thì trời mưa bỗng tạnh hẳn, không còn một giọt nước nào rơi xuống, gió cũng dịu nhẹ dần.
Trong suốt thời gian chương trình diễn ra, thời tiết rất đẹp, gió thổi nhè nhẹ. Các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên… nhờ thế mà thăng hoa hơn trong các tiết mục. Ấy vậy nhưng khi chương trình vừa kết, một cơn gió mạnh thổi lên, trời mưa như trút nước. Các ca sĩ vừa chạy ra khỏi Nghĩa trang Hàng Dương – điểm biểu diễn thì "dính" mưa, ai cũng bị ướt. Dẫu vậy, lòng ai cũng hoan hỷ và thấm tháp hơn câu hát "Linh thiêng trời Việt Nam. Linh thiêng đất Việt Nam...".
Chia sẻ với Dân Việt, ca sĩ Phạm Thu Hà cho biết, năm nào vào dịp tháng 7, cô cũng đều ra Côn Đảo để thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại ở Nghĩa trang Hàng Dương. Cô từng mơ ước được một lần hát ca khúc bày tỏ lòng biết ơn đối với anh hùng Võ Thị Sáu và các liệt sĩ – những chiến sĩ cách mạng trung kiên tại Nghĩa trang Hàng Dương và tối qua, ước mơ đó của cô đã được toại thành.
"Được hát tại Nghĩa trang Hàng Dương, bên những nấm mồ liệt sĩ, nơi đã thấm không biết bao máu đào của ông cha trong các cuộc kháng chiến vệ quốc… tôi thật sự cảm nhận rõ sự linh thiêng và xúc động. Tôi cảm giác như các liệt sĩ cũng về nghe anh em nghệ sĩ chúng tôi hát, xem kỹ từng tiết mục. Càng xúc động hơn khi thời tiết có những biểu hiện rất lạ thường, có những điều không thể nào lí giải nổi", Phạm Thu Hà nói.
No comments