Có gì đặc biệt trong triển lãm bản đồ cổ về Trường Sa, Hoàng Sa?
Triển lãm là hoạt động nằm trong khuôn khổ Năm Du lịch Quốc gia 2023 với chủ đề "Bình Thuận - Hội tụ xanh", nhằm giới thiệu quảng bá, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và sản phẩm du lịch đặc sắc của biển đảo Việt Nam; góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức tránh nhiệm với biển, đảo quê hương.
Triển lãm "Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam" được tổ chức với các nội dung hoạt động phong phú, trưng bày 270 hình ảnh và các hiện vật là góc nhìn tổng quát về biển, đảo Việt Nam. Triển lãm chia theo 4 nội dung chính: Tư liệu, hiện vật về văn hóa biển, đảo Việt Nam trong lịch sử; Xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; Trưng bày ảnh nghệ thuật về biển, đảo Việt Nam; Tuổi trẻ Việt Nam với biển, đảo quê hương.
Trong đó, nội dung "Tư liệu, hiện vật về văn hóa biển, đảo Việt Nam trong lịch sử" sẽ trưng bày bản đồ cổ, các tư liệu Hán - Nôm, châu bản triều Nguyễn về chủ quyền biển đảo đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; hình ảnh, kỷ vật đoàn tàu không số, đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.
Ngoài ra, nội dung trưng bày này cũng giới thiệu những hiện vật cổ về văn hóa biển đảo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử như: hiện vật, trang phục lễ hội cư dân vùng biển; bộ sưu tập ngư cụ đánh bắt và công cụ lao động sản xuất cư dân vùng biển của các bảo tàng, nhà sưu tập tư nhân: thuyền, lưới đánh cá... và gần 200 hiện vật gốm cổ vùng biển của nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn (nhà sưu tập cổ vật, Bình Thuận), qua đó giúp công chúng có thể tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc sống đời thường của cộng đồng ngư dân vùng biển.
Trưng bày bản đồ cổ, tư liệu Hán - Nôm, châu bản triều Nguyễn về Hoàng Sa và Trường Sa
Bên cạnh đó, 22 tỉnh/thành phố sẽ tham gia "Sắc màu di sản văn hóa, biển đảo" mang đến những sắc màu văn hóa đặc trưng, các di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng tiêu biểu, sinh hoạt đời sống cư dân gắn với biển đảo của từng địa phương và những điểm đến du lịch du khách yêu thích. Đồng thời giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biển bền vững gắn với giá trị di sản văn hóa của địa phương, thông qua các mô hình, hiện vật, hình ảnh, băng hình, nghệ thuật sắp đặt, ấn phẩm, trang phục, trình diễn nghệ thuật, ẩm thực, đặc sản địa phương và thao diễn nghề truyền thống tại khu trưng bày, giao lưu cùng các nghệ nhân.
Với chủ đề "Sắc màu Di sản văn hóa biển, đảo thành phố Hải Phòng", thành phố Hải Phòng trưng bày các hình ảnh đẹp về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc biển, đảo của thành phố Hải Phòng (Đồ Sơn, Bạch Long Vỹ, Cát Hải …) đặc biệt giới thiệu quần đảo Cát Bà - Khu dự trữ sinh quyển thế giới; các sản vật của địa phương như: nước mắm Cát Hải, Mật ong hoa rừng Cát Bà, Gạo nếp cái Hoa Vàng, Gạo Kiến Quốc, Trà Núi Ngọc... Hải Phòng cũng tái hiện một số lễ hội tiêu biểu vùng biển, đặc biệt giới thiệu 02 trọng điểm du lịch Đồ Sơn và Cát Bà; một số sản phẩm du lịch mới và FOOD TOUR Hải Phòng; sản phẩm lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Khu trưng bày "Sắc màu di sản văn hóa biển tỉnh Ninh Bình" mang đến 50 bức ảnh nghệ thuật đẹp gồm ảnh điện kích thước lớn và các hình ảnh giới thiệu về các di tích lịch sử - văn hóa, thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan non nước hữu tình của Ninh Bình. Đặc biệt, giới thiệu hình ảnh Cồn Nổi - Kim Sơn, thuộc vùng bãi ngang ở ven biển Kim Sơn có diện tích gần 1000ha, vinh dự được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển Thế giới, là một trong 8 khu bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng nhất vùng Châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ triển lãm sẽ diễn ra các chương trình nghệ thuật dân gian truyền thống giới thiệu nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trình diễn nghệ thuật đường phố giúp người dân và du khách hiểu hơn về nét đẹp của từng vùng, miền Việt Nam.
Điểm nhấn là lễ hội đường phố với chủ đề "Sắc màu Bình Thuận" gồm nhiều đoàn nghệ thuật tham gia (hơn 400 người) với đạo cụ, trang phục phù hợp, đặc sắc: như đoàn Lân sư rồng Phan Thiết, đoàn lễ hội Nghinh Ông, đoàn lễ hội cầu ngư Vạn Thùy Tú Phan Thiết, đoàn lễ hội Ka tê của đồng bào dân tộc Chăm sử dụng đa dạng nhạc cụ dân tộc "Trống Ghi năng, Paranưng, Kanhi, Saranai..." và đạo cụ, lọng, thôn hala..., đoàn Dinh Thầy Thím thị xã Lagi, …
Các tiết mục tôn vinh loại hình di sản văn hóa phi vật thể được trình diễn xuyên suốt như dân ca quan họ (Bắc Giang), bài chòi (Phú Yên, Bình Định), Hát xẩm (Ninh Bình), múa rối cạn (Hải Phòng)… và không thể thiếu các tiết mục đặc sắc với chủ đề "Hướng về biển, đảo thân yêu" được thể hiện bởi đoàn nghệ thuật các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Và nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn đường phố của các đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ Hà Nội.
No comments